Xe Hơi

Sửa chữa thắng xe hơi: Tìm đâu ra dụng cụ?

Friday, 10/11/2017 - 08:39:26

Với chủ trương giúp khách hàng biến việc khó thành dễ, O'Reilly dành ra trên 80 loại sản phẩm để khách hàng có thể làm xong việc của mình một cách mau lẹ và chính xác.

Bài HAO SMITH

Chúng ta đang nói về việc thay "gôm" cho thắng xe, những "cục gôm" gọi là Brake Pad trong hệ thống thắng đĩa (disk brake) ở trục bánh trước, hoặc Brake Shoes trong hệ thống thắng trống (drum brake) ở trục bánh sau. Công việc không khó, nếu bạn có một chút sức khỏe để chui ra chui vào gầm xe… Nhưng quan trọng nhất, bạn phải có đủ đồ dùng thích hợp (tools).


Pep Boys

Chẳng hạn khi thay brake pads (trong hệ thống thắng đĩa) chúng ta cần bộ kích, chìa khóa tháo bánh xe, những cái chìa khóa ống socket, open-box end, bộ kẹp Vise Clamp. Sang tới việc thay Brake Shoes, đồ dùng lại bao gồm nhiều thứ kìm và chìa khóa khác, có vẻ ít phổ thông nhưng rất cần để gỡ những cái lò so trong hệ thống thắng trống.

Trước khi tiếp tục nói về việc thay Brake Shoes, chúng tôi thấy rằng cần phải nói về việc tìm dụng cụ. Bởi vì, có dụng cụ thích hợp sẽ làm công việc của chúng ta trở nên dễ dàng, và thú vị hơn nhiều. Thậm chí, chúng tôi còn có thể mạnh miệng nói rằng: Thợ máy chuyên nghiệp chỉ hơn chúng ta ở chỗ có... đồ dùng thích hợp.

Thực ra họ hơn chúng ta nhiều thứ. Nhưng với các công tác bảo trì căn bản, như việc thay thế những cục gôm thắng như đang nói đây thì "đồ dùng thích hợp" là yêu cầu căn bản. Nếu có được những dụng cụ như thợ máy, chúng ta sẽ có thể làm được như họ. Chúng tôi lại nghĩ: Thậm chí có thể tốt hơn họ, bởi vì, bạn chỉ có một cái xe, một người săn sóc một xe chắc chắn sẽ tốt hơn một người săn sóc cả trăm xe. 


Auto Advance

Nhưng bạn lại thắc mắc: "Dù có thực vậy chăng nữa thì làm sao mình có thể kiếm được những đồ dùng như thế? Kiếm được thì liệu có đủ tiền mua không? Có đủ tiền chăng nữa thì liệu có nên mua hay không?"

Toàn là những câu hỏi hợp lý: Người thợ máy có thể bỏ tiền ra mua những dụng cụ tốt nhất, thuận tiện nhất cho công việc dù có đắt tiền, bởi vì họ sẽ dùng chúng hoài hoài, tiền bạc bỏ ra sớm muộn cũng gỡ lại được. Chứ còn chúng ta, năm thì mười họa mới phải dùng đến những dụng cụ đó một lần thì liệu có đáng bỏ tiền ra mua không?

Dĩ nhiên là không đáng.
Nên chúng tôi không khuyên bạn đi mua, mà vẫn có đồ xài, những thứ đồ tốt nhất và thích hợp nhất. Sở dĩ chúng ta không cần bỏ tiền mua, bởi vì chúng ta có thể đi mượn! Mượn của thợ máy chăng? Dĩ nhiên là họ có nhiều và có đủ. Nhưng chúng ta không thể mượn ở đó. Có nhiều chỗ khác, tốt hơn, đầy đủ hơn, và bạn lại còn được "welcome" nữa. Đó là tại những nơi bán đồ phụ tùng xe hơi, không phải những tiệm nhỏ ở đầu ngõ mà là những cửa hàng lớn của nước Mỹ, những hệ thống dịch vụ cơ khí có mặt ở mọi nơi, không ngoại trừ địa phương nhà bạn.


O'Reilly

1. Mượn đồ tại Pep Boys

Cái tên Pep Boys chẳng mấy ai không biết. Đúng, bạn có thể đến mượn đồ tại đây. Dùng xong rồi trả, hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể nghi ngờ chúng tôi, nhưng bạn phải tin những gì Pep Boys ghi ra đây, bằng "giấy trắng mực đen" trên trang mạng chính thức: https://www.pepboys.com/customer_care/faq/stores/
Chương trình cho mượn dụng cụ miễn phí, gọi là Pep Boys Loaner Tool Program, có thể lệ như sau: Pep Boys sẵn sàng cho khách hàng mượn đồ dùng để tự làm công việc sửa chữa và bảo trì xe cộ cho mình. Khách hàng sẽ cho biết là mình cần gì, và sẽ trả tiền cho Pep Boys theo giá bán lẻ dụng cụ đó vào lúc mượn. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại đầy đủ cho khách hàng khi họ quay trở lại để trả dụng cụ (vẫn còn hoạt động được, không hư hại).

Bạn có thể đến ngay cửa hàng Pep Boys tại địa phương của mình để hỏi về "Pep Boys Loan-A-Tool Program." Tại Little Saigon, chúng tôi biết một địa điểm Pep Boys quen thuộc trên đường Beach Blvd, gần Bolsa Ave. Các bạn ở địa phương có thể đến đây để hỏi thêm chi tiết.

Bạn chỉ cần nói tên món đồ mình cần. Thậm chí, nếu chưa biết rõ mình cần những gì, bạn chỉ cần cho biết là mình định làm gì, nhân viên ở đây sẽ có hướng dẫn về những thứ cần dùng tới, và cách sử dụng ra sao. Đồ dùng để cho mượn được cất giữ ở một khu vực riêng, không trưng bầy ở quầy bán hàng. Nhân viên cửa hàng sẽ hướng dẫn cụ thể.

Điều kiện: Khi tìm được đồ dùng đúng nhu cầu, bạn phải trả tiền "để mua" món đồ đó. Nếu năm ngày sau mang đồ đến trả, tiền bạn tạm gửi sẽ được hoàn lại. Quá hạn năm ngày chưa trả, hoặc trả lại mà thiếu phụ tùng, bạn được quyền giữ luôn, coi như đã mua đứt.

2. Mượn đồ tại Advance Auto Parts

Nếu năm ngày chưa đủ, bạn có thể đi mượn nơi khác. Advance Auto Parts cũng là một hệ thống cửa hàng đồ "pạc" lớn của nước Mỹ, chả thua gì Pep Boys. Có thể Advance Auto Parts còn lớn hơn ở chỗ sẵn sang cho bạn mượn tới... 90 ngày.
Thủ tục mượn đồ như sau:
- Chọn món đồ mình cần
- Trả tiền giống như mình đã mua.
- Sử dụng không quá 90 ngày. Khi mang trả sẽ được hoàn tiền lại đầy đủ.
Kiểu này giống như "giả vờ mua, lấy đồ về xài đã đời, rồi mang trả."
Thực lòng, người viết không muốn khuyến khích cái kiểu giả vờ như vậy, bởi vì nó có thể đưa cửa hàng đến chỗ phá sản vì buôn bán thua lỗ. Nhưng đây lại chính là những điều mà cửa hàng ghi rõ trong chương trình Advance Auto Parts Loaner Tool Program. Về thực chất, nó chẳng khác gì như khuyến khích khách hàng "mua rồi trả."
Không giống như Pep Boys dành riêng một khu giữ đồ cho mượn, chứ không để lẫn lộn trên quầy hàng bán ra cho khách, Advance Auto Parts lại cho phép người mua được tự chọn trong số hàng bày bán, xài thả giàn trong 90 ngày, rồi mang trả (có phải là họ muốn tự sát không?), nhưng họ lại bảo rằng đó chỉ là mượn (loaner) thôi.

3. Mượn đồ tại O'Reilly

Nếu ở địa phương bạn không có hai cửa hàng này, hoặc không tìm thấy những đồ dùng mình cần ở những chỗ vừa kể, bạn có thể đến O'Reilly Auto Parts. Nơi này cũng là một tên tuổi lớn trong ngành buôn bán dụng cụ cơ khí xe hơi.

Chương trình cho mượn dụng cụ, O'Reilly Auto Parts Loaner Tool Program, được trình bày trên mạng tại địa chỉ.

Với chủ trương giúp khách hàng biến việc khó thành dễ, O'Reilly dành ra trên 80 loại sản phẩm để khách hàng có thể làm xong việc của mình một cách mau lẹ và chính xác.

Cũng giống như hai địa điểm trên, bạn mượn đồ tại cửa hàng, trả tiền như mua hàng, coi như "deposit." Khi xong việc, không còn phải dùng đến món đồ đó nữa thì mang trả và nhận lại tiền deposit. Trang mạng không ghi rõ thời gian được phép mượn là bao nhiêu, tốt nhất bạn nên hỏi lại nhân viên cửa hàng cho rõ.
Tiếp xúc với phong cách phục vụ lịch sự và hào phóng của cửa hàng tại Mỹ, những người "thợ máy tay mơ" như chúng ta quả là may mắn. Cách riêng với Advance Auto Parts, chúng ta cầu chúc họ vẫn buôn may bán đắt với hai cánh cửa luôn luôn rộng mở để đón thật nhiều khách mỗi ngày. Với nền thương mại Mỹ nói chung, chúng ta cầu mong họ vẫn cứ thành công trong cách thức làm ăn quảng đại, tự tin, và "tin người" này, để chúng ta tiếp tục có cơ hội học hỏi và khám phá thế giới huyền bí ngay trong cái xe của mình.

haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT