Hôm Nay Ăn Gì

Sườn hoa hồng và câu chuyện Tết Mậu Thân

Monday, 04/05/2020 - 06:15:20

Trong vài chục ngàn loài hoa giữa thiên nhiên, hình như tỉ lệ hoa không ăn được chiếm 10% và tỉ lệ hoa con người không ăn được chiếm chừng 30%.


(Tom/ Viễn Đông)



Bài TOM


Trong vài chục ngàn loài hoa giữa thiên nhiên, hình như tỉ lệ hoa không ăn được chiếm 10% và tỉ lệ hoa con người không ăn được chiếm chừng 30%. Có nghĩa là hầu như tất cả các loài hoa đều ăn được, thậm chí ăn ngon đối với con người, chỉ có một số loài hoa con người không ăn được nhưng động vật lại rất ưa, điều đó cũng có nghĩa là con người có thể ăn được nhưng vì không quen khẩu vị hoặc chưa có thói quen ăn loài hoa này.
Và, có một điều khá thú vị trong ẩm thực là loại thịt nào mà cái tên vật chủ nghe càng thô thiển, càng xấu xí thì khi nấu món, nó kết hợp với loài hoa yểu điệu thục nữ hoặc kiêu căng lại càng ngon. Ví như sườn heo nấu với hoa hồng.

Món này có thể nói là món ăn buồn cười nhất trong đời tôi. Bởi nhờ nó mà khối đứa tưởng cứ đứng đường dài dài lại có được vợ đẹp, ông anh kết nghĩa của tôi cũng lấy vợ được nhờ những cánh hoa hồng. Số là hồi đó, chỗ tôi ở là một xóm nghèo, nếu không muốn nói rằng xóm nằm trong tốp nghèo nhất nước, được cái nhà nào cũng trồng hoa.
Thử tưởng tượng, giữa cái thời “thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa” mà lo chuyện trồng hoa thì kể ra là quá liều. Và chuyện bị chì chiết vì trồng hoa thì có lẽ như cơm bữa. Cũng trong cái thời ấy, ngay Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, đường từ thị xã Đông Hà đi Khe Sanh, Hướng Hóa, có một người quanh năm đói khổ, nhưng cũng chỉ trồng hoa, hoa hồng thôi, hồng đỏ thắm…
Vị này không những bị chì chiết mà nhiều lần bị vũ trang xã đến phá nát vườn hoa, nhưng phá xong ông lại trồng. Hằng tháng, vào Rằm và Mồng Một âm lịch, ông hái hoa hồng đi thả dọc đường lộ, chừng 500 mét lại có một cụm hoa, ông đi xe đạp chở giỏ hoa, thả từ sớm tinh mơ đến trưa. Thả xong, ông vái lạy bốn hướng rồi lại lên xe đạp trở về. Chính quyền hỏi gì ông cũng không giải thích việc ông làm. Riết hồi thành quen, chính quyền không hạnh họe ông nữa. Rồi về sau, khi kinh tế mở cửa, người ta bắt đầu biết chơi hoa, trong các lễ lạc, chính quyền là kẻ xài hoa nhiều nhất, họ chi tiền triệu để mua hoa trang trí bàn hội nghị, họ đến tìm ông để mua hoa, ông tuyệt đối không bán.


(Tom/ Viễn Đông)

 


Sau này, một người trẻ tới thăm ông, hỏi thăm chuyện ông trồng hoa rồi ngồi trò chuyện trên trời dưới đất, uống với nhau vài ly, ông mới kể thật là ông trồng hoa để tặng cho những người đã ngã xuống trong trận Mậu Thân 1968.
Hồi đó ông ngồi trong hầm tự đào trên sườn đồi, ông chứng kiến mọi thứ. Những vị trí ông đặt các cụm hoa hồng là nơi của những chiếc xe nhà binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã nổ. Ông nhớ là khi đó, từ chảo lửa Khe Sanh Việt Cộng dội pháo kích xuống liên tục, có một đoàn xe nhà binh đi cứu dân, họ chở dân lui về Đông Hà và tập trung ở khu an toàn, tức khu quân sự chờ viện quân. Trên đường đi, những chiếc xe này bị Việt Cộng pháo kích từ Khe Sanh dội xuống, ông nhìn thấy xác người bay lên và họ nhìn như những cánh hoa hồng tan nát giữa mùa xuân, ông khóc…
Từ đó, ông nghĩ đến hoa hồng, nghĩ đến những cánh hoa hồng đồng loại, rồi ông trồng, trồng mãi cho đến khi nào không trồng được nữa, kể đến đây, ông im lặng và mắt hơi ướt.

Và người đàn ông ấy cũng đã đi xa, những cánh hoa hồng thì ở lại trong ký ức của nhiều người, và những cánh hoa hồng trở nên đậm màu hơn, thơm da diết hơn trên xứ miền Trung nắng gió, như tưởng nhớ đến ông và tưởng nhớ đến cả những người đã ngã xuống. Đương nhiên, những người dân vô tội kia đã được xe nhà binh cứu đi, nghiệt nỗi vì họ ngồi trên xe nhà binh nên số phận họ cũng là một cánh hoa hồng bay lên, bay mãi trong khói lửa chiến tranh. Và hình như cũng đâu đó ở miền Trung này, những gia đình từng chứng kiến đau thương trong chiến cuộc lại thích trồng hoa hồng, điều đó như một ám ảnh vô thức, khó lý giải.
Xóm tôi ở cũng là nơi có nhiều người từng chứng kiến những bộ đội trẻ không quá mười lăm ngoài Bắc vào xung trận với dòng chữ “Sinh Bắc Tử Nam” xăm trên cánh tay, khi pháo nổ, súng nổ, họ đã ngồi trong hầm công sự để bắn đến viên đạn cuối cùng và không bao giờ vùng chạy. Không vùng chạy không phải vì họ không biết sợ chết mà họ không có cơ hội để chạy. Trước khi đánh, chỉ huy đã dùng dây thép gai hoặc dây thừng buộc chân cả tiểu đội vào với nhau thành vòng tròn đối lưng, và họ chỉ có thể ngồi như vậy để bắn cho đến viên đạn cuối cùng. Hình như ở Huế, những hố chôn tập thể, nếu không bị xích chân là dân thường hoặc cán bộ Việt Nam Cộng Hòa bị trả thù, bị giết hại, trong trường hợp chân bị xích, có lẽ là bộ đội Bắc Việt.

Nếu như chúng ta gọi cuộc chiến Mậu Thân 1968 là cuộc chiến nồi da xáo thịt, miền Bắc gọi là Tổng Tiến Công, thì đâu đó, một số người lại gọi đó là cuộc chiến Xích Chân. Và không ai nói ai, những cụm hoa hồng mọc rất nhiều trên dải đất miền Trung thời khốn khó. Chúng tôi từ nhỏ đã yêu mùi thơm dìu dịu, ngọt, đằm thắm mà quí phái của hoa hồng, lúc đó chúng tôi chưa hiểu, sau này thì hiểu được nhiều chuyện. Lúc đó chúng tôi hay hái đi tặng, tặng ai thì có lẽ dễ đoán ra, tuổi trẻ mà!
Thế nhưng hầu hết những bông hồng tụi tôi hái đi đều vô vọng, bởi tụi tôi đi xe đạp, thậm chí có đứa đi xe đạp nhờ, lúc đó, mùi hoa hồng không thơm bằng mùi xăng thơm của dòng xe Suzuki Christan. Họa hoằng lắm mới có cô gái thích mùi hương hoa hồng hơn mùi xăng thơm của loại xe này, loại xe thời thượng của những năm 1990. Và may sao, vẫn còn vài cô ưa hoa hồng. Ông anh kết nghĩa và bà chị dâu của tôi cưới nhau bởi nhờ hoa hồng. Mà không phải bởi nó thơm, bởi ăn nó rất ngon.

Hồi đó, ông anh hay chở tôi theo chơi mỗi khi đến thăm chị, thường là tôi ngồi nói chuyện với ông ba của chị, ông ưa nghe thơ, nghe kể chuyện rừng rú. Mà tôi thì có một kho chuyện nhờ ông anh mua cho mấy tờ báo, mấy cuốn sách toàn mấy chuyện như vậy (ông này cũng giỏi đầu tư lắm nha!). Tôi ngồi tha hồ kể những chuyện đã đọc lúc chiều, còn ông anh thì tán tỉnh bà chị ngoài sân. Nhiều lúc buồn ngủ cũng ráng chống mắt mà chờ ổng chở về. Nhớ lần đó, ông anh tặng cho bà chị bó hoa hồng, ba của chị hỏi móc, “Loại hoa này có xào ăn được không con?” Ông anh đứng phim thì tôi nhanh miệng, “Dạ, hoa này có thể ăn rất ngon nhưng nó phải ăn kèm với sườn heo!”
Ông già đoạt ý, bảo tôi chỉ cách nấu món này với sườn heo. Bí quá tôi chỉ đại, đại khái là, “Sườn non ướp sả, nước mắm, đường, tỏi, ngũ vị hương, ớt bột, me ngào… Ướp chừng nửa giờ thì chiên lên và sắp ra dĩa, có bắp non thì xào một ít, sau đó múc ra dĩa, bứt những cánh hoa hồng này trang trí và chờ thịt nguội thì trộn đều, ăn rất ngon…”

Hồi đó nói là cứu nguy cho ông anh khỏi bị quê độ chứ vẫn nơm nớp không biết hoa hồng ăn có được không. Ai dè, ngày ông anh hỏi vợ, tôi đi bưng mâm lễ, trên bàn nhà gái đãi nhà trai mỗi bàn một dĩa sườn non hoa hồng to tổ chảng và một bát cơm, một bát canh khổ qua (thời đó đãi nhau chừng đó là quá quí, quá tốn kém rồi).
Sau này nhớ lại, thỉnh thoảng ông anh cũng nhờ bà chị làm món này cho anh em tôi ngồi uống rượu. Rồi bẵng đi một thời gian, anh chị đi làm ăn xa, tự dưng sáng nay, ra vườn hồng, tôi lại nhớ tới ông anh và bà chị, nhớ tới món này, kể với bà xã, nàng cười chừng và nói, “Sao lâu nay anh không nói em làm món này, hay ghê đó!”
Vậy là trưa nay lại có món sườn hoa hồng. Kể ra, món này khá ngon và ý vị, bởi, cánh hoa hồng ăn có vị ngọt hơi chua, hơi chát, phảng phất mùi thơm, cộng với sườn heo chiên giống rô ti vậy, khó tả lắm! Xin chúc quí vị có bữa cơm ấm áp và đậm đà, ý vị!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT