Thế Giới

Suu Kyi bị chỉ trích sau khi đề cử một thủ lãnh huy dân quân vào chức vụ cao cấp

Sunday, 31/01/2016 - 08:59:53

Bà Suu Kyi đã đề cử ông Khun Myat vào chức phó chủ tịch hạ viện trong quốc hội mới. Một số người tiên đoán sự đề cử này sẽ gặp khó khán trong cuộc bỏ phiếu ngày thứ Hai.

Trong cuộc tranh cử trước đây nhằm giành quyền lực, bà Aung San Suu Kyi từng hứa hẹn mang đến một kỷ nguyên mới với một “nền chính trị trong sạch” ở Miến Điện, sau nửa thế kỷ dưới quyền cai trị của chế độ quân phiệt.

 

Bà Aung San Suu Kyi tại quốc hội ngày thứ Sáu vừa qua. (Getty Images)



Nhưng chỉ cách hai ngày trước khi Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) của bà nắm quyền kiểm soát quốc hội, bà Suu Kyi bị chê trách vì bà đề cử một cựu thủ lãnh lực lượng dân quân vào một chức vụ hàng đầu của chính quyền. Người này thuộc về đảng thân với phe quân nhân đã bị đánh bại trong kỳ bầu cử.
Ông Ti Khun Myat là một người sắc tộc Kachin đứng đầu một lực lượng dân quân ủng hộ quân đội, trong một khu vực tràn lan nạn buôn bán thuốc phiện. Ông Khun Myat nhiều lần phủ nhận chuyện ông dính líu vào hoạt động buôn bán ma túy thu lợi nhuận béo bở ở Miến Điện.Ông nói, “Có những người ganh tị, và một số người đang tìm cách gây ra các vấn đề chính trị vào thời điểm này, bằng cách gắn tôi vào hoạt động buôn bán ấy.”

Bà Suu Kyi đã đề cử ông Khun Myat vào chức phó chủ tịch hạ viện trong quốc hội mới. Một số người tiên đoán sự đề cử này sẽ gặp khó khán trong cuộc bỏ phiếu ngày thứ Hai.

Ông Khun Myat là một thành viên quốc hội cao cấp, trong đảng cầm quyền được quân đội ủng hộ và đã bị thất bại thê thảm trong cuộc bầu cử hồi tháng 11. Thế nhưng ông đã tạo lập một mối quan hệ hợp tác tốt với bà Suu Kyi, một nhân vật từng đoạt giải Nobel, khi ông đứng đầu một ủy ban lập pháp quan trọng.

Bà Suu Kyi, người lãnh đạo NLD, đã chọn ông Myat vào chức vụ phó chủ tịch quốc hội. Việc này là một phần trong nỗ lực của bà nhằm tạo ra những mối quan hệ với các nhóm thiểu số sắc tộc và quân đội.
Ông Khun Myat đã phủ nhận những bản tin được truyền thông đối lập lặp lại nhiều lần, liên kết lực lượng dân quân trước đây của ông với các nhóm buôn bán ma túy.

Ông nói với nhật báo The Telegraph, “Hãy đến vùng của tôi bất cứ lúc nào, và quý vị sẽ thấy tôi cam kết bài trừ ma túy.”

Ông cũng phủ nhận những bản tin nói rằng ông từng có quan hệ với một ngân hàng Miến Điện đã bị đóng cửa vì những cáo buộc rửa tiền.

Bất kể những lời minh giải của ông, những nghi vấn về quá khứ của ông vẫn gây tranh cãi cuối tuần qua.
Ông David Matthieson, một chuyên gia cao cấp của Miến Điện thuộc tổ chức Human Rights Watch (Theo Dõi Nhân Quyền), nói, “Những lời cáo buộc đã có từ lâu, về chuyện ông Khun Myat dính líu vào việc buôn bán ma túy, đều không bao giờ được chứng minh hoặc đủ sức thuyết phục. Thế nhưng, nhiều câu hỏi sẽ xoay quanh việc lựa chọn ông làm phó chủ tịch, trong khi bà Suu Kyi từ lâu kêu gọi sự thượng tôn pháp luật và chính phủ trong sạch, và những kỳ vọng rằng những vụ đề cử của bà sẽ là không thể nào chê trách được về mặt đạo đức.”

Việc đề cử ông Myat gần như chắc chắn sẽ được chấp thuận vào ngày thứ Hai, trong phiên khai mạc của quốc hội được bầu cử một cách dân chủ lần đầu tiên ở Miến Điện, tính từ năm 1960.

Trong những ngày gần đây, bà Suu Kyi đã có nhiều lời cố vấn dành cho nhiều tân nghị sĩ thuộc đảng NLD. Những người này sẽ nhậm chức lần đầu tiên tại quốc hội trong ngày thứ Hai. Một chính phủ mới sẽ nắm quyền kiểm soát vào ngày 1 tháng Tư.

Bà Suu Kyi sẽ đứng đầu cơ quan hành pháp, nhưng danh hiệu của bà vẫn chưa rõ ràng. Hiến pháp do phe quân đội soạn thảo cấm bà giữ chức vụ tổng thống, vì người chồng quá cố của bà là một công dân Anh Quốc, và hai người con trai của bà cũng giống như vậy.

Có những bản tin nói rằng các cuộc đàm phán bí mật đang diễn ra với quân đội, để không áp dụng điều khoản ấy một lần này mà thôi. Tuy vậy, hầu hết các nhà phân tích đều vẫn hy vọng rằng bà có thể chọn một tổng thống trên danh nghĩa, trong khi bà mới thực sự là người lãnh đạo đất nước.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT