Hoa Kỳ

Syria có thể gây cho cả vùng Trung Đông bốc cháy

Hoài Mỹ/Viễn Đông Monday, 11/06/2012 - 09:31:26

Ông Lavrov tuyên bố rằng “sẽ là điều thiếu suy nghĩ nếu khai trừ việc Iran tham dự các cuộc hội họp quốc tế về Syria như thể Hoa Kỳ vẫn thường làm”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

DAMASCUS - Vấn đề Syria chợt có chút tia sáng khả dĩ được khai thông khi Thứ Bẩy vừa rồi, ngày 09-06-2012, Nga xác nhận là “sẽ không chống lại việc Tổng Thống Bashar al-Assad phải ra đi theo kết quả đàm thoại giữa Nga và các bên ở Syria”, tuy đây không phải là một trong 6 điểm chính yếu trong kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan, Đặc Phái Viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên Hiệp Ả Rập, nhưng đây vốn là điều kiện tiên quyết mà ngoài các phe đối lập ở Syria, nhất là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và hầu hết quốc gia Ả Rập vẫn từng đòi hỏi.


Hàng ngàn người xuống đường đưa tang những người bị quân đội sát hại ở Daraa, Syria, hôm 9-6-2012 - ảnh do người dân chụp, Sham News Network cung cấp.

Nga thay đổi lập trường? Ngoại Trưởng Nga Segej Lavrov nhấn mạnh bổ túc: “Trong trường hợp người Syria đồng thuận việc ấy (al-Assad từ chức) thì chúng tôi cũng sẽ hài lòng ủng hộ một giải pháp như vậy”, tuy nhiên Nga vẫn “không muốn trừng phạt Syria bằng việc sử dụng quyền lực quân sự” do Đại Hội Đồng Bảo An LHQ biểu quyết.
Ông Lavrov tuyên bố rằng “sẽ là điều thiếu suy nghĩ nếu khai trừ việc Iran tham dự các cuộc hội họp quốc tế về Syria như thể Hoa Kỳ vẫn thường làm”.
Nga vẫn là quốc gia chống đỡ quan trọng nhất của Tổng Thống Bashar al-Assad trên trường quốc tế. Nga cùng với Trung Cộng đã ngăn chặn các giải pháp của LHQ nhằm trừng trị chế độ sắt máu ấy và vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Syria. Nga có một căn cứ quân sự ở Syria mà Moscow (Mạc Tư Khoa) đánh giá nước này là một đồng minh quan trọng của Nga ở Trung Đông.
Hoa Kỳ vẫn chủ trương Assad phải ra đi, và Tổng Thư Ký LHQ, ông Ban Ki-moon mới đây cũng quả quyết rằng Assad đã mất tất cả tính hợp pháp.
Về phía Đặc Phái Viên LHQ, ông Kofi Annan đặt nặng việc đối thoại giữa các bên và một tiến trình chuyển tiếp chính trị vốn là một phần của kế hoạch hòa bình của ông.
Hội Đồng Quốc Gia Syria bầu cử tân Chủ Tịch: Từ Istanbul, thành phố lớn thứ nhì của Thổ Nhĩ Kỳ, tin tức hôm Chủ Nhật loan báo Hội Đồng Quốc Gia Syria (SNC) vừa bầu cử tân lãnh tụ. Đó là ông Abdulbasset Sida gốc người Kurd, 56 tuổi, đã nhiều năm sống lưu vong ở Thụy Điển. Ông là ứng cử viên duy nhất tiếp quản sau ông Burhan Ghaliun, người đã điều hành SNC kể từ ngày hội đồng này được thành lập vào tháng 8 năm ngoái. Được biết, tân Chủ Tịch xác quyết mục đích của ông là phát triển hội đồng. Một số nhóm đối lập vẫn đứng ngoài tổ chức này vì họ cho rằng tổ chức “tràn ngập” người Hồi Giáo.
Nhà hoạt động Hozan Ibrahim hôm qua đã nói với thông tấn xã Thụy Điển TT: “Sau đó đã có những mối quan hệ tốt đẹp giữa tất cả các nhóm”.

Khởi đầu đẫm máu của một tuần lễ mới
Các nhà hoạt động loan tin có ít nhất 30 người đã bị thiệt mạng trong ngày hôm qua Thứ Hai tại một số thành phố ở Syria.
Tuần lễ mới này khởi sự chưa được bao nhiêu giờ thì các tin tức về các trận đụng độ đẫm máu mới đã được chuyển lên các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook; cả hai trang này đã trở nên rất quan trọng trong một cuộc xung đột mà tại đây các điều kiện làm việc đều hết sức khó khăn đối với các ký giả ngoại quốc.
Bắn cả vào khách sạn của phái đoàn quan sát viên-LHQ: Nhiều nguồn tin đã tường thuật là các thành phố như Latakia và Homs đã bị các lực lượng an ninh Syria bắn bằng lựu đạn. Ký giả Paul Banahar của đài BBC viết trên Twitter sau khi trưa hôm qua đến được Homs: “Tôi đã nghe thấy đúng 3 tiếng nổ lớn và những tiếng súng đại liên”. Phóng viên Jorgen Lohne của nhật báo Na Uy Aftenposten vẫn “bám riết” các quan sát viên LHQ ở vùng Homs thuật lại qua đường dây điện thoại từ thủ đô Damascus: “Hôm Chủ Nhật, khách sạn mà các quan sát viên LHQ vẫn trú ngụ ở Homs đã bị trúng đạn”. Ông Lohne kể tiếp: “Tôi đã nói chuyện với nữ phát ngôn viên của các quan sát viên LHQ; và bà nói là họ rất lo lắng cho tình hình ở Homs và Hafa, những nơi đang diễn ra các trận đánh khốc liệt”.
Nhân viên báo chí Sausan Ghosheh tại trụ sở chính của Lực Lượng Quan Sát Viên-LHQ ở Syria (UNSMIS/United Nations Supervision Mission in Syria) cho biết không ai bị thương tích khi khách sạn này bị trúng các loại đạn lớn. Sự thiệt hại vật chất giới hạn. Ông Sausan Ghosheh kể tiếp: “Chúng tôi đã nhận được sự tin cho biết là lực lượng LHQ không phải là mục tiêu để bị thiệt hại”.
Theo thông tấn xã NTB, nhóm Syria Quan Sát Nhân Quyền lưu vong ở London - Syrian Observatory for Human Rights - nói rằng tối thiểu 30 người đã bị chết hôm Thứ Hai. Số tử vong này là phần bổ túc cho tổng số 120 nạn nhân vốn đã bị các lực lượng an ninh của al-Assad thảm sát vào cuối tuần qua trong các cuộc tấn công qui mô lớn bằng pháo binh vào nhiều thành phố thuộc tỉnh Homs.
Ngoài ra cũng có những tin kể là nhiều ký giả đang công tác ở vùng Homs đã bị thương, tuy nhiên sự kiện này đã không/chưa được các nguồn độc lập xác nhận.
Trận chiến cũng diễn ra ở thủ đô Damascus: Nhà hoạt động Abu Qassem hôm qua cũng đã tường thuật với thông tấn xã Reuters là ít nhất 500 trái lựu đạn và hỏa tiễn hôm Thứ Bẩy đã được “trút” xuống Rastan, thành phố nằm về mạn Bắc Homs.
Theo nhóm Syrian Observatory for Human Rights, quân đội Syria cũng tấn công vào Jurat al-Shiah, khu vực nằm trong thành phố Homs, và vào nhiều khu phố khác mà chế độ đã mất kiểm soát trong nhiều tháng nay.
Ở Qusayr, thành phố cũng nằm trong tỉnh Homs, kháng chiến quân sáng hôm qua Thứ Hai đã phản công đánh vào một trong những đồn kiểm soát của chính quyền. Một quân nhân bị chết và nhiều người khác bị thương.
Phe kháng chiến hiện tập trung vào các địa phương chung quanh các thành phố Hama và Homs vốn do những người dân thuộc Hồi Giáo Sunni chiếm đa phần.
Ngoài ra vào cuối tuần qua cũng có nhiều tin tức xác nhận các trận đánh lan tràn đến thủ đô Damascus.
Lực lượng kháng chiến tấn công khu phố Qaboun: Thông tấn xã quốc gia SANA viết trên trang mạng là 22 quân nhân, cảnh sát viên và thường dân đã bị giết vào cuối tuần vừa rồi mà họ gọi là cuộc tấn công của các “nhóm khủng bố”.
Trong khi đó cộng đồng thế giới vẫn gặp khó khăn để có thể đồng thuận về cách thức khả thể giải quyết xung đột ở Syria. Cả Nga và Trung Cộng tiếp tục chống lại biện pháp quân sự. Kế hoạch hòa bình của LHQ do Đặc Phái Viên Kofi Annan đề nghị hiện mới chỉ cho thấy quá ít hiệu quả.
Có thể bộc phát nội chiến toàn diện: Kế hoạch này bao gồm một trong những điều kiện là một cuộc đình chiến; tuy nhiên cả hai bên trong cuộc xung đột này vẫn đều vi phạm một cách có hệ thống.
Được biết, Syria có quá nhiều nhóm dị biệt về chính trị và tín ngưỡng vốn mang nhiều đường hướng mâu thuẫn sâu xa. Hiện lan rộng nỗi lo sợ là tình thế ở đất nước này đang phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện vốn có thể gây bất ổn cho cả vùng.
Phần chính yếu trong cuộc xung đột này xem ra là giữa bộ tộc của al-Assad - còn gọi là Alawitt - và những người Hồi Giáo Sunni. Những người Alawitt đã từng cai trị Syria với bàn tay sắt. Hafez al-Assad, thân phụ của Tổng Thống đương nhiệm Bashar al-Assad, vào năm 1982 đã đập tan cuộc nổi dậy tương tự của người Hồi Giáo Sunni ở thành phố Hama. Lần đó số nạn nhân bị giết ước tính từ 10.000 đến 40.000 người.
Trong cuộc xung đột hiện nay, theo phe đối lập, 14.000 người đã bị thiệt mạng. Trong khi chế độ đưa ra con số 2.600 người. LHQ cho là con số tử vong tròn 10.000. Nhà độc tài Hasbar al-Assad vẫn tố cáo các “sức mạnh ngoại quốc” và “khủng bố” đã đứng sau cuộc nổi dậy này.

“Shabila” là ai?
Các phe đối lập ở Syria quả quyết: “Bọn Shabila mắc nợ chế độ về đủ mọi thứ nên bọn chúng chịu làm bất cứ gì để bảo vệ những người cầm quyền”.
Cộng tác với quân đội? Một câu hỏi thường được đặt ra là “họ cộng tác với quân đội?” - Không thể biết rõ hoàn toàn, nhưng cũng có thể gần tin được như vậy. Kể từ khi cuộc nổi dậy chống chế độ của Bashar al-Assad khởi phát vào tháng 3 năm 2011, phe đối lập ở Syria đã quả quyết ngay rằng họ đã nhìn thấy những người mang vũ khí hạng nặng, mặc y phục dân sự mầu đen, chiến đấu bên cạnh các lực lượng an ninh của chế độ.
Chính là bọn Shabila đã xuất phát từ các thành phố Alawitt của các nước lân bang. Cũng có những lời tố cáo được tung ra thường xuyên từ các phía đối lập khi các dân quê bị giết trong các vụ tàn sát có tổ chức mà không bên nào trong cuộc xung đột tàn bạo này ở Syria nhận trách nhiệm. Vậy thì, thủ phạm đúng là bọn Shabila.
Được biết về sự kiện kể trên trong vụ tàn sát ở ngôi làng Hồi Giáo Sunni Mazraar al-Qubair, mạn Tây thành phố Hamas Thứ Sáu tuần trước. Những người địa phương đã quả quyết là bọn bán quân sự này đã được sự yểm trợ của quân đội chính qui. Những sự thiệt hại khủng khiếp của các gia cư cũng như các dấu vết mới mẻ rõ ràng do bánh xích sắt của xe tăng, thiết giáp để lại cộng với các vết đạn của loại vũ khí hạng nặng, đã chứng minh quân đội đã tham dự vào các tội phạm dã man ấy; theo đó gần 80 phụ nữ, trẻ con và đàn ông bị thảm sát.
Giống những lời cáo giác trước đây về sự hợp tác giữa quân đội với nhóm bán quân sự trung thành với chế độ ấy, nay cũng đã diễn ra những lời buộc tội tương tự của các phía đối lập sau thảm kịch xẩy ra ở thành phố Houla cách nay hai tuần lễ với hơn 100 người bị giết hại.
Nổi da gà: Mỗi khi những tội phạm xẩy ra, chính phủ lại lập tức tố cáo “những tên khủng bố” và “các bọn trộm cướp có vũ trang” - điều này có nghĩa là những người nổi dậy vũ trang ở đất nước này. Ngược lại, phe đối lập khẳng định đó chính là bọn Shabila vốn phục vụ cho chế độ. Việc dùng từ dân sự “substitutes” (những người thay thế) gặp khó khăn để chứng minh họ thuộc về bên nào, những kẻ vô đạo đức đã xâm nhập vào nhà của các gia đình dân làng, cắt cổ cả trẻ con. Những lời khẳng định những hung thủ này là ai gây sự chú ý mạnh mẽ và chắc chắn hoàn toàn, được chưng ra mãnh liệt trước khi các tử thi được chôn xuống lòng đất; một việc phải được thực hiện nhanh chóng theo tục lệ Hồi Giáo.
Vô lại: Từ ngữ Shabila theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “con ma”, nhưng trong xã hội Syria hiện đại thì Shabila được dùng rộng rãi như một từ đồng nghĩa với “bully”, tức bọn du côn, ác ôn, vô lại.
Bọn Shabila địa phương vẫn hoạt động về buôn lậu vũ khí và ma túy và các tội phạm có tổ chức khác ở các thành phố duyên hải Syria trong nhiều thập niên nay.
Đa số thành viên thuộc về giáo phái Hồi Giáo Alawitt-Shia giống như Tổng Thống Bashar al-Assad và các giới ưu tú chính trị, quân sự và kinh tế.
Mối quan hệ của các thương gia giầu có với chế độ được thiết lập qua những sự liên lạc mật thiết. Tháng 5 năm ngoái, EU đã khởi sự trừng phạt hai trong số người em họ của Tổng Thống Bashar al-Assad, mà liên hiệp cho là đã tham gia vào việc đàn áp thường dân; họ vốn là “thành viên của tổ chức bán quân sự Shabila”.

Syria có thể làm cả vùng Trung Đông bốc cháy
Trong một cuộc phỏng vấn vào sáng hôm qua Thứ Hai dành riêng cho thông tấn xã NTB, Trung Tướng Robert Mood, Chỉ Huy Trưởng UNSMIS, nhận định “thời gian có thể vuột khỏi một giải pháp hòa bình ở Syria”, nhưng ông vẫn tiếp tục tin tưởng vào kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan.
Trước câu hỏi: “Trong thời gian gần đây đã xẩy ra quá nhiều vụ tàn sát tập thể, phải chăng đó là dấu hiệu Syria đang tiến đến một cuộc nội chiến mà giới tuyến nằm giữa các nhóm của các giáo phái dị biệt”. Ông giải thích ra sao sự kiện hiện xẩy ra?”, Tướng Mood trả lời: “Một cơ may là không có ai tìm cách kích động một sự xung đột như thế - Một cơ hội khác ấy là chúng ta qua vụ tàn sát Houla, đã thấy sự khởi đầu của cuộc xung đột này. Hiện tôi chưa thể cam đoan chắc điều nào là chính xác. Thế nhưng dù thế nào thì tình trạng bất ổn trong mấy tuần lễ qua đã là sự gia tăng việc sử dụng bạo lực dựa theo các đường hướng tín ngưỡng. Và vụ tàn sát-Houla cho thấy rõ rệt là chúng ta không có nhiều thời gian nữa. Cuộc xung đột ở Syria theo một mức độ nào đó đã lan sang Lebanon, ở đấy đã diễn ra những trận chiến đẫm máu giữa người Hồi Giáo Alawitt và Sunni tại Tripoli. Một cuộc nội chiến toàn diện, bởi giáo phái ở Syria sẽ gây cho toàn vùng Trung Đông này bốc cháy”. - (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT