Thế Giới

Syria: Pháp muốn tước huân chương của Assad, Ả Rập Saudi sẵn sàng gia nhập liên quân của Mỹ

Wednesday, 18/04/2018 - 12:37:57

Tổng Thống al-Assad được cựu Tổng Thống Pháp Jacques Chirac trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh hạng nhất vào năm 2001, không lâu sau khi ông Assad lên nắm quyền.


Một nhóm phản chiến đã biểu tình ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad chống cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ tại Syria ngày 14 tháng 4, 2018 tại Los Angeles. Mấy người này không xuống đường khi ông Assad dùng vũ khí hóa học do Nga cung cấp để sát hại người Syria đối lập. (David McNew/ Getty Images)

Chính phủ Pháp đang dự định tước phần thưởng cao quý mà nước này tặng cho Tổng Thống Syria cách đây 17 năm. "Điện Elysee xác nhận thủ tục tước huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh đang được thực hiện,” văn phòng Tổng Thống Emmanuel Macron cho biết hôm thứ Hai. Chính phủ Pháp thông báo ý định tước huân chương của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, chỉ vài ngày sau khi liên quân Mỹ, Anh, Pháp, không kích các cơ sở ở Syria, nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học chống lại dân thường tại thành phố Douma, ngoại ô thủ đô Damascus, làm khoảng 70 người thiệt mạng.
Tổng Thống al-Assad được cựu Tổng Thống Pháp Jacques Chirac trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh hạng nhất vào năm 2001, không lâu sau khi ông Assad lên nắm quyền. Chỉ các tổng thống Pháp mới có quyền tước danh hiệu của những người nước ngoài. Lý do tước huân chương được cho là bắt nguồn từ hàng loạt cáo buộc nhằm vào ông Assad, cho rằng tổng thống Syria đứng sau các vụ tấn công hóa học trên lãnh thổ nước này từ năm 2011.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng Thống Macron tước huân chương của một người nước ngoài. Ông từng có quyết định tương tự đối với nhà sản xuất phim Harvey Weinstein, sau khi nhà sản xuất hàng đầu Hollywood này bị nhiều phụ nữ cáo buộc tấn công tình dục. Bắc Đẩu Bội Tinh là huân chương cao quý nhất của Pháp, được Napoleon Bonaparte lập ra ngày 19 tháng 5, 1802 để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho quốc gia. Những người được tặng Bắc Đẩu Bội Tinh sẽ trở thành một thành viên trong Légion d'honneur (quân đoàn danh dự).

Ả Rập Saudi sẵn sàng gởi quân đến Syria
Ngoại Trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir hôm thứ Ba cho biết, chính phủ của ông sẽ gởi quân tới Syria dưới dạng liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu, nếu Hoa Thịnh Đốn đồng ý mở rộng lực lượng này. Trong cuộc họp báo với Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ở Riyadh, ông al-Jubeir nói với các phóng viên rằng, Ả Rập Saudi đã và đang thảo luận với Hoa Kỳ, ngay từ thời kỳ đầu của cuộc nội chiến Syria, về việc gởi quân vào nước này. Ông al-Jubeir cũng cho biết, Riyadh từng đưa đề nghị tương tự với cựu Tổng Thống Barack Obama. Ả Rập Saudi cũng ủng hộ cuộc không kích ngày 14 tháng 4 của liên quân Anh, Pháp, Mỹ, nhắm vào các cơ sở chế tạo vũ khí hóa học của Syria.

Chuyên gia hóa học tiến vào Douma
Hãng truyền thông chính phủ Syria hôm thứ Ba cho biết, các chuyên gia vũ khí hóa học quốc tế đã tiến vào thị trấn Syria bị nghi tấn công bằng khí gas, chỉ vài ngày sau khi liên quân Anh, Pháp, Mỹ không kích Syria để trừng phạt Damacus vì việc này. Theo truyền thông  Syria, các chuyên gia của Tổ chức ngăn cấm vũ khí hóa học OPCW đã đi vào thị trấn Douma, nơi phương Tây cho rằng hàng chục thường dân đã chết vì khí gas vào ngày 7 tháng 4.
Pháp cho rằng nhiều khả năng các bằng chứng về vụ tấn công hóa học đã bị tiêu hủy trước khi các điều tra viên đến nơi. Syria và đồng minh Nga luôn bác bỏ thông tin cho rằng một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học đã xảy ra. Thị trấn Douma hiện đang nằm trong tay quân chính phủ, sau khi phe nổi dậy rút đi. Vào tuần trước, Hoa Kỳ, Anh, và Pháp, đã dội hơn 100 trái hỏa tiễn xuống 3 mục tiêu, bị nghi là cơ sở chế tạo và cất giữ vũ khí hóa học của Syria. Vụ không kích hôm thứ Bảy là vụ tấn công kết hợp đầu tiên của phương Tây nhắm vào chính quyền Assad, trong cuộc nội chiến 7 năm vốn đã khiến hơn 500,000 người thiệt mạng.
Vụ tấn công có thể làm tăng căng thẳng giữa phương Tây và Nga, nhưng không có ảnh hưởng gì đáng kể trên chiến trường, nơi Tổng Thống Bashar al-Assad đang thắng thế và không có dấu hiệu muốn ngừng các chiến dịch tiêu diệt phe đối lập. Sau khi để mất Đông Ghouta, phe nổi dậy hiện còn cố thủ tại một số địa điểm ở thị trấn Dumayr, phía đông Damacus, và còn kiểm soát một khu vực ở vùng núi Đông Qalamoun cùng khu vực Rastan phía bắc thành phố Homs.

Syria phóng đạn phòng không vì báo động giả
Hỏa tiễn phòng không của Syria sáng thứ Ba đã khai hỏa, sau tín hiệu báo động giả được cho là do đòn tấn công điện tử của Hoa Kỳ và Israel gây ra. Hãng truyền thông chính phủ Syria SANA sáng thứ Ba nói, các hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 10 hỏa tiễn được cho là do Israel phóng vào phi trường Shayrat ở tỉnh Homs và một phi trường khác ở đông bắc Damascus. Tuy nhiên, viên chức quân sự Syria sau đó bác bỏ thông tin này.
Theo giới quân sự, lệnh báo động giả đã khiến lực lượng phòng không Syria phóng hàng loạt hỏa tiễn đánh chặn vào các mục tiêu không có thật. Viên chức này cho biết, đây là một cuộc tấn công điện tử do Hoa Kỳ và Israel thực hiện, nhắm vào hệ thống radar phòng không của Syria. Sự việc xảy ra sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hồi cuối tuần trước của Hoa Kỳ, Anh, Pháp nhằm vào các mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hóa học của Syria, nhằm đáp trả cáo buộc nước này dùng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Trước đó khoảng một tuần, phi trường T-4 của Syria cũng bị tấn công bằng hỏa tiễn hành trình khiến 14 người thiệt mạng. Nga cho rằng chiến đấu cơ F-15 của Israel đã thực hiện vụ tấn công từ không phận Syria.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT