Phóng Sự

Ta Tu Đạo là gì?

Sunday, 05/11/2017 - 10:03:16

Một trong những cách căn bản nhất để tìm và có lại sự quân bình bắt đầu bằng việc quay về tên của chính mình trong hành trình của tự thân qua Thân Thư Pháp của Ta Tu Đạo. Học, hành, tập, luyện công phu trong Thân Thư Pháp để hài hòa sức khỏe và cuộc sống tinh thần.

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 10)

Bài BĂNG HUYỀN


Ta Tu Đạo (phần 1)

Về Y triết, blogger bác sĩ Hồ Hải có viết: “Y triết là y học của tầm vĩ mô nhìn thấu được y lý của cả nhân loại để đi đến việc đạt được tiêu chí của ngành y: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu trong y học phương Đông lấy triết lý phương Đông làm nền tảng lý thuyết để mọi thực hành làm theo trong việc khám và chữa bệnh. Thì ngược lại, y học Tây phương lấy thực chứng để làm nên lý thuyết cho mọi hoạt động trên cơ sở sử dụng duy vật luận là nền tảng cho thực chứng. Người làm nghề y giỏi phải là người chẩn đoán và tiên lượng giỏi. Chứ không phải người điều trị giỏi. Vì chẩn đoán không đúng nguyên nhân thì điều trị sẽ không hết bệnh. Và nếu chẩn đoán đúng nguyên nhân, nhưng tiên lượng chưa đúng thì việc điều trị cũng không đem đến một kết quả hoàn hảo, mà có khi tiền mất mà tật lại mang.


Từ trái qua phải, môn sinh Xuân Thảo, môn sinh Đức Nguyễn, thầy hướng dẫn/bác sĩ Tim Hùng Nguyễn của Ta Tu Đạo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Ví dụ: một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã chẩn đoán đầy đủ cần phải phẫu thuật. Nhưng dù có phẫu thuật hay không phẫu thuật khối ung thư đó thì, tiên lượng thời gian sống còn của người bệnh không thay đổi thì, có nên đè người bệnh ra để phẫu thuật không? Đó là y đức rút ra từ tiên lượng trong y học.

“Làm sao một thầy thuốc có thể chữa hết bệnh cho một bệnh nhân khi người thầy thuốc ấy không hoặc chưa tìm ra được nguyên nhân của căn bệnh ấy? Nên việc của người thầy thuốc là phải chẩn đoán được bệnh không chưa đủ, mà phải chẩn đoán được nguyên nhân của căn bệnh ấy. Nếu không, nhiệm vụ của người thầy thuốc chưa hoàn thành.
“Đứng trên quan điểm y triết, thì bệnh lý là hậu quả. Còn nguyên nhân gây ra bệnh nằm ở đằng sau là cái mà thầy thuốc cần tìm để giải quyết bệnh. Nhưng ngoài quan điểm y triết ra, người thầy thuốc còn phải nhìn thấu cái kết cuộc của nguyên nhân gây ra bệnh nó sẽ đưa căn bệnh đi về đâu với khả năng hiểu biết và chữa trị của y học đương đại. Ấy mới là một thầy thuốc toàn diện và làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình. Và lúc ấy người thầy thuốc mới đạt được tiêu chuẩn y đức.”


Học sinh, môn sinh Ta Tu Đạo trong buổi tập. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Người sáng lập ra Ta Tu Đạo (Tatudo)

Bác sĩ Tim Hùng Nguyễn đã theo học cả hai nền y khoa Đông- Tây, là bác sĩ chuyên khoa mắt (Tây y) và một bác sĩ Đông y chuyên khoa tổng quát, hiện đang chữa bệnh tại Quận Cam. Bác sĩ cũng nắm rất vững về Y triết. Ông nói, “Cả hai nền y khoa đều có những cái ưu, không có ưu thì làm sao chúng ta chữa được bệnh. Nhưng đồng thời cũng có cái khuyết là chúng ta cũng nuôi bệnh nữa. Quý vị để ý, chúng ta đến bác sĩ, nhờ họ chữa bệnh, nhưng chúng ta lại không nghĩ rằng mình nhờ họ một kiến thức để tự chữa bệnh. Chúng ta nhờ họ chữa, trong khi thân thể là của mình.
“Y học và võ học lại tách đôi ra, trong khi người làm y học muốn bệnh nhân được khỏe mạnh, mà người thực hành điều đó lại là nhà võ học. Tôi là một nhà võ học và cũng là nhà y học, tôi thấy cái lỗi là chính mỗi chúng ta. Chúng ta đến gặp bác sĩ để hết bệnh, nhưng muốn hết bệnh là cần phải tập luyện, thì võ học làm được điều đó. Ngay cách mình đi bộ đúng mức hay chạy để đổ mồ hôi ra, đó có thể tạm gọi là võ học. Theo tôi y học không thể tách rời khỏi võ học.”
Vì nắm vững điều này nên khi hội đủ thuận duyên, vào tháng Năm, 2012 bác sĩ Tim Hùng Nguyễn đã sáng lập ra Ta Tu Đạo (Tatudo) do chính bác sĩ là người thầy hướng dẫn các học sinh, môn sinh. Hiện nay địa chỉ để các học sinh, môn sinh của Ta Tu Đạo tập luyện vào mỗi tối thứ Hai và thứ Tư hằng tuần, buổi tập dài hai tiếng, bắt đầu từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối, tại địa chỉ của Hội Quán Lạc Hồng, 7219 Westminster BLVD, Westminster, CA 92683.

Buổi tập của Ta Tu Đạo gồm có trong 1 tiếng 30 phút các học sinh, môn sinh học và thực hành những bài quyền pháp để viết thư pháp tên của mình bằng chính cơ thể của mình qua các động tác của Ta Tu Đạo. Trong 30 phút còn lại có phần thiền định để tĩnh tâm, và những lời chia sẻ của bác sĩ Tim Hùng Nguyễn.


Bác sĩ Tim Hùng Nguyễn (bên trái) hướng dẫn môn sinh Đức Nguyễn trong một buổi tập. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Anh Đức Nguyễn, một môn sinh của Ta Tu Đạo và giữ vai trò lớp trưởng của lớp học, cho biết, “Nếu thoạt nhìn thì Ta Tu Đạo giống như môn võ thôi, thật sự ra khi bắt đầu vào thực hành thì thấy nó hơn như vậy nhiều. Người học và tập luyện Ta Tu Đạo không chỉ thực hành cơ thể của mình thôi, mà cả Trí Tâm Thân đều kết hợp với nhau.”

Chị Xuân Thảo, môn sinh của Ta Tu Đạo, nói, “Ta Tu Đạo không phải là một tôn giáo, nhưng vẫn có phần phát triển tâm linh, vẫn có giờ để thiền định, nhìn lại bản thân, để mình hòa mình vào những gì đã tập luyện, đã sử dụng cho cơ thể, mình nói chuyện với cơ thể mình, hành động với cơ thể, cho cả tâm, trí của mình vào phút cuối buổi tập. Để mình thực hành cả thể xác và tâm linh.

“Thật ra trong Ta Tu Đạo rất hay về vấn đề hòa hợp tôn giáo của các môn sinh khác nhau. Hòa bình là ở chỗ đó. Chứ không phải tôn giáo này hơn tôn giáo khác. Trước khi là môn sinh của Ta Tu Đạo, Thảo là người theo đạo Công Giáo, niềm tin tôn giáo của Thảo rất mạnh, và bây giờ Thảo vẫn là một người Công Giáo và niềm tin còn mạnh hơn xưa. Nhờ Ta Tu Đạo giúp mình nhìn lại được tôn giáo mình thêm khai mở hơn. Ngộ được cao hơn. Không có vấn đề trở ngại giữa tôn giáo này, tôn giáo kia khi vào học Ta Tu Đạo.”

Ta Tu Đạo là gì?

Bác sĩ Tim Hùng Nguyễn giải thích, Ta Tu Đạo (Tatudo) là cuộc hành trình của Tự Thân qua Thân Thư Pháp.
Thân là thân, cơ thể. Thư là chữ. Pháp là phương pháp. Thân Thư Pháp là phương pháp dùng toàn tâm, thân để công phu (kung fu), “sống” chữ, thay vì viết chữ thông thường. Thân Thư Pháp học, tập, luyện công phu và sống trong chữ, tên của mình, ngôn ngữ theo nhiều chiều sâu và tầng số.

Ta Tu Đạo (Tatudo): Ta là ta hay chúng ta. Tu là cách sửa chữa. Đạo là con đường, phương cách. Ta Tu Đạo là cách tự chữa. Ta Tu Đạo là một nghệ thuật sống và chết.

Nền tảng lý thuyết của Ta Tu Đạo gồm Y khoa- Triết- Võ và Tự Thân. Y học là sự tổng hợp Đông y - Tây y. Y học tự nhiên và bản năng. Khoa học, Triết học, Võ Đạo và Tự Thân. Nền tảng được xây dựng từ nội tâm. Lý thuyết là năm bài thơ “Ngũ Căn Thi Phẩm.”

Nền tảng thực hành là “Nội Công Tâm Pháp. Võ Đạo Thực Hành.” Nội công lấy Tâm làm phương pháp, thay vì dùng sách vở bên ngoài thì dùng cái tâm bên trong làm nền. Võ đạo dùng hành động làm con đường thiết thực để tập, luyện, công, phu.

Sứ mệnh của Ta Tu Đạo là giúp thế nhân có được hành trình của tự thân qua cách viết chữ toàn thân, tức Thân Thư Pháp của Ta Tu Đạo.

Nhân sinh quan: Ý tưởng và hành động đa phần hướng ngoại, nhìn và đi ra, thay vì quay và trở về thân, tâm của chính mình làm mất sự quân bình, là nguồn cội căn bản của bệnh tật từ thể chất, tinh thần đến tâm linh.

Một trong những cách căn bản nhất để tìm và có lại sự quân bình bắt đầu bằng việc quay về tên của chính mình trong hành trình của tự thân qua Thân Thư Pháp của Ta Tu Đạo. Học, hành, tập, luyện công phu trong Thân Thư Pháp để hài hòa sức khỏe và cuộc sống tinh thần.

Bác sĩ Tim Hùng Nuyễn giải thích thêm, “Ta Tu Đạo là sự tổng hợp Y Triết Võ Đạo. Về võ của Ta Tu Đạo là nền tảng nhiều môn võ hội tụ lại, mình phải chân thành kính mến cảm ơn những nền tảng võ thuật đó, không có nền tảng chủ thể và chủ lực. Ví dụ như võ Thiếu Lâm, Yoga, Hồng Gia Quyền, Nhu Đạo... Tôi chọn mỗi một chút tinh hoa của các thế võ khác nhau đưa vào. Khi đã có chìa khóa thì mình cảm được, chứ không phải là lý thuyết, chẳng hạn cảm được cái hay, tuyệt vời của Thái Cực Đạo, hoặc nguyên tắc dùng đôi chân hay bàn tay để cảm được cái hay của Nhu Đạo. Bản thân tôi là một Yogi 16 năm, vượt qua ngưỡng cửa đi vào yoga là một cách mạng trong đời tôi. Võ của Ta Tu Đạo đòi hỏi sự tu thân và tổng hợp lại, trong đó tôi mang ơn tất cả nền tu tập về thể lực, nó là sự thâu nhận, tổng hợp nhiều môn võ.”

Bác sĩ Tim Hùng Nguyễn nói, “Nếu bạn hỏi Ta Tu Đạo giống cái gì? Câu trả lời sẽ là bạn muốn giống cái gì? Nếu bạn muốn nó giống Yoga thì nó thành Yoga. Nếu bạn muốn nó giống Thái Cực Đạo thì nó thành Thái Cực Đạo, nếu muốn nó giống Nhu đạo thì thành Nhu Đạo. Nó là một tổng thể, phá vỡ đi trường phái, bạn muốn nó giống gì, thì nó giống cái đó.”
Theo bác sĩ Tim Hùng Nguyễn, tâm linh nếu hiểu theo đúng nghĩa là từ thấp lên đến cao, lên đến đỉnh đều có chữ tâm linh cả. “Hiểu theo nghĩa thông thường đại chúng, thì tâm linh tương đồng với tinh thần, hoặc linh cảm… nhưng chúng ta ít có nghĩ đến thực hành về thể lực. Thường khi nghĩ đến tâm linh, là ngồi thiền, nói lý thuyết nhiều, hay chia sẻ vài điều gì đó về những huyệt đạo gì đó hay chỉ cách ngồi thiền. Trong khi bên Ta Tu Đạo thì nguyện và tư duy chúng tôi từ mặt đất, tức là chú trọng từ thực tế và thực hành, lấy Nội Công Tâm Pháp của Võ đạo để thực hành.
“Võ đạo là để thực hành, chứ không thể nói lý thuyết hóa. Ta Tu Đạo là thực hành căn bản của Y Triết Võ Đạo về thể lực, y học và thực tế để hanh thông huyệt đạo, khí huyết và khí phách của mình, còn tôn giáo của mỗi môn sinh đã có vẫn tiếp tục giữ. Một buổi tập là 1 tiếng 30 phút, nhưng chỉ nói 10 phút thôi. 10 phút đó khó có thể là bài giảng tâm linh rồi. Nguyên tắc và triết lý của chúng tôi nghĩa là từ cái gì đó mà ai cũng bước đi được. Từ điều đó tín ngưỡng tâm linh của các môn sinh Ta Tu Đạo là của chính người đó, triết lý của chính người đó theo đuổi.”
(Còn tiếp)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT