Người Việt Khắp Nơi

Tác phẩm ‘The Kiss Quotient’ của Helen Hoàng nói về tình yêu của người bị tự kỷ

Sunday, 24/06/2018 - 05:03:02

Kiss là gì thì chắc bạn đã biết rồi (đừng giả vờ nhé), còn Quotient là “số thương” trong toán học. Tại sao hai danh từ này xem có vẻ trái nhau lại nằm (hay đứng?) chung với nhau?


Helen Hoàng và tác phẩm của cô (Bustle Magazine)

 “Nếu muốn đọc một cuốn sách trong mùa hè này, bạn hãy đọc cuốn The Kiss Quotient của Helen Hoàng.” Đó là lời giới thiệu mở đầu một bài viết của tác giả Melissa Ragsdale đăng trên Bustle, một tạp chí trên mạng dành cho phụ nữ sống tại Mỹ. Cuốn tiểu thuyết tình yêu lãng mạn The Kiss Quotient được bà Melissa mô tả là “nóng bỏng, khêu gợi, và ngọt lịm.”

Kiss là gì thì chắc bạn đã biết rồi (đừng giả vờ nhé), còn Quotient là “số thương” trong toán học. Tại sao hai danh từ này xem có vẻ trái nhau lại nằm (hay đứng?) chung với nhau? Dưới đây là trích đoạn ngắn từ bài viết của Melissa Ragsdale về Helen Hoàng, một tác giả Mỹ gốc Việt trên ba-mươi tuổi.

Tác phẩm nóng bỏng The Kiss Quotient là sự kết hợp hoàn hảo của vẻ đẹp khêu gợi của dục tình với vị ngọt lịm của tình yêu. Cuốn tiểu thuyết lãng mạn mới này kể câu chuyện của Stella, một chuyên viên thống kê rất xuất sắc nhưng có bệnh tự kỷ. Cô biết hầu như mọi thứ mà người ta có thể biết về toán học, nhưng lại không hiểu gì hết về chuyện tình cảm lãng mạn.

Trong một nỗ lực nhằm giúp cho bản thân được thoải mái hơn trong vấn đề cặp bồ và biết yêu thương một người nào đó, nhân vật nữ Stella đã thuê một anh chàng thuộc loại “trai gọi” đến dạy cho cô mọi thứ cần biết về tình dục và quan hệ tình cảm. (Hình như người đàn ông nào cũng thích làm “nghề” này).
Khác với những con số và kết quả có thể biết trước trong lãnh vực toán học, Stella đã không ngờ rằng hai người đã dần dần say đắm trong tình yêu với nhau. Tiểu thuyết này không chỉ thật sự nóng bỏng về tình ái, mà còn thành công một cách tuyệt vời khi cho thấy những khó khăn rất phức tạp mà một người bị bệnh tự kỷ phải lèo lái để vượt qua, khi lý trí của họ va chạm với những cảm xúc rất xa lạ trong cuộc sống trước đây.

Nhà văn Helen Hoàng cho biết cô cũng bị tự kỷ giống như Stella. Cô không hề biết mình bị tự kỷ cho đến khi trưởng thành và có con. Trong lúc nghiên cứu về chứng tự kỷ của con gái ở tuổi học mẫu giáo, Helen Hoàng khám phá ra những cách thức độc đáo mà chứng bệnh này thể hiện nơi các phụ nữ, và có được ấn tượng mạnh bởi mức độ cảm thấy điều đó quen thuộc với chính kinh nghiệm của cô.

Việc nhận ra rằng mình có chứng tự kỷ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến phong cách viết văn của Helen Hoàng.

Cô kể với tạp chí Bustle, “Đó là sự hiểu biết khiến tôi kinh ngạc, khi biết rằng cũng có những người khác như tôi, rằng tôi không đơn độc. Từ hồi còn nhỏ, tôi nhìn những người khác và ra sức tranh đua với họ, vì tôi không nghĩ rằng tôi có thể được mọi người chấp nhận trong tình trạng hiện tại. Việc khám phá ra rằng cũng có những nhóm người có những nét đặc thù, và những kinh nghiệm giống như tôi, đã thay đổi cách nhìn của tôi.”

Trước khi biết mình bị tự kỷ thì Helen Hoàng đã bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết hiện nay. Đến khi bắt đầu học hỏi thêm về tự kỷ, cô quyết định đưa những khám phá đó vào trong nhân vật chính của câu chuyện. Nhờ vậy mà nhân vật Stella của cô bỗng trở nên một con người thật hơn. Helen Hoàng cho biết, “Khi dựng lên Stella, tôi chấp nhận những gì của chính tôi, mà tôi đã từng luôn luôn tìm cách thay đổi hoặc che giấu. Đồng thời tôi bỏ thói tìm cách sao chép các tác giả khác, và tôi đã viết theo cách thức mà tôi cảm thấy phù hợp với tôi. Điều này giúp tôi tìm được phong cách hay giọng nói độc đáo của tôi, và đó là một vui đơn giản. Ngoài ra, trong lúc chuyên gia trị liệu cho tôi và chính tôi tìm hiểu về thời thơ ấu của tôi, phân tích các thói quen và sở thích của tôi, tôi hiểu rõ hơn về bản thân. Điều này được đưa vào Stella, giúp nhân vật được rõ nét và thật hơn. Tôi cảm thấy cô ấy và tôi đã cùng nhau lớn lên trong tác phẩm.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT