Pháp Luật

Tai Nạn Nghề Nghiệp: Căng thẳng nơi sở làm

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông Wednesday, 07/03/2012 - 09:42:39

Trong trường hợp này, ông A có những sự tổn thương về tinh thần do thương tích ở lưng tạo ra. Vì thế, ông A sẽ phải được điều trị bởi người bác sĩ chuyên khoa về xương và bác sĩ tâm thần.

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông

Luật tai nạn nghề nghiệp của tiểu bang California có cho phép người nhân viên (workers) được hưởng những quyền lợi nếu những áp lực của việc làm (stress) tạo ra thương tích về tinh thần (stress-related injuries). Tuy nhiên, những thương tích này rất ít khi được chấp thuận và phải tranh tụng. Nạn nhân sẽ cần phải chứng minh qua những bằng chứng y tế về những thương tích tinh thần (psychiatric injury) hay thương tích thể xác (physical injury) là do những căng thẳng hay lo lắng của công việc hằng ngày tạo ra (stress on the job).

Thương tích về tinh thần là gì?
Nhân viên có thể bị thương về tinh thần do những tác động của công việc tạo ra, và mất đi năng suất làm việc hay khả năng suy nghĩ, hay trở thành người thụ động không thể tiếp xúc với người khác hay hoàn thành trách nhiệm của mình. Mặc dù luật tai nạn nghề nghiệp của California là luật “no fault”, tức là không cần biết ai trái ai phải, nhưng những thương tích về tinh thần thì sẽ được duyệt xét rất kỹ, và phải hội đủ những điều kiện sau đây:
- Nạn nhân phải có quá trình làm việc cho hãng xưởng hay công ty ít nhất là 6 tháng trước khi bị thương;
- Nạn nhân phải chứng minh cụ thể là việc làm tạo ra thương tích tinh thần của mình. Thí dụ: nạn nhân bị thương tích tinh thần do nhiều yếu tố tổng hợp tạo thành, căng thẳng vì công việc, lý do thiếu hụt tài chánh cá nhân, hay gia đình đang có tang chế. Trong trường hợp này, nạn nhân phải chứng minh được là 51% của thương tích tinh thần do công việc tạo ra.
- Trong trương hợp nhân viên làm việc dưới 6 tháng nhưng đã là nạn nhân hay phải chứng kiến những vụ hành hung, cướp bóc (significant violent act), và vì thế có tổn thương về tinh thần, nạn nhân phải chứng minh được là ít nhất là 35% của sự tổn thương đó do những dữ kiện của công việc tạo thành. Thí du: Nhân viên của một tiệm xăng bị cướp đánh và gí súng uy hiếp đòi tiền.

Nếu tôi bị người đồng nghiệp sách nhiễu tình dục và có những tổn thương thì thì tôi có thể khai tai nạn nghề nghiệp hay không?
Những sự sánh nhiễu tình dục nơi sở làm có thể mang lại thương tích thể xác và tinh thần cho nạn nhân. Vì thế, nạn nhân có quyền xin mở hồ sơ tai nạn nghề nghiệp, và vẫn có quyền thưa kiện ngoài toà án dân sự (civil court) trong thời gian một năm kể từ ngày có sự quấy nhiễu.
Ngoài ra, căng thẳng tại sở làm cũng có thể tao ra những thương tích thể xác (physical or bodily injury) song song với nhửng tổn thương về tinh thần.
Thí dụ: Nhân viên của một tiệm xăng bị cướp đánh và gí súng uy hiếp đòi tiền. Sau biến cố đó, người nhân viên trở thành sợ sệt, và nghi ngờ tất cả khách hàng là kẻ gian. Vì là nạn nhân của sự hành hung, nhân viên bị mất ngủ ban đêm và bị ác mộng. Sau một thời gian, nhân viện bị nghiền thuốc ngủ và bị bệnh loét bao tử do lo lắng phiền muộn.
Ngược lại, một người bị thương tích thể xác cũng có thể có những tổn thương về tinh thần. Những trường hợp này tuy không phải là thuần túy psychiatric injury nhưng được xem là do biến cố thương tích thể xác tạo thành (compensable consequence of an orthopedic injury).
Thí dụ: Ông A bị té ngã ở nơi làm và bi thương ở lựng cần phải mổ. Vì thương tích kéo dài và không thuyên giảm, làm cho ông A trở thành lo lắng, chán nản, biếng ăn và mất ngủ. Trong trường hợp này, ông A có những sự tổn thương về tinh thần do thương tích ở lưng tạo ra. Vì thế, ông A sẽ phải được điều trị bởi người bác sĩ chuyên khoa về xương và bác sĩ tâm thần.

Sau khi tôi bị sa thải thì tôi còn có thể khai tai nạn nghề nghiệp về tinh thần không?
Nạn nhân vẫn có thể khai tai nạn nghề nghiệp (stress or psychiatric claim), nhưng bạn phải hội một trong những điều kiện sau đây:
- Có một biến cố đột ngột xẩy ra tạo ra thương tích tâm thần, thí dụ như bị hành hung hay phải chứng kiến những hành động bạo lực.
- Chủ nhân của bạn có biết về thương tích tâm thần của bạn trước ngày bạn nghỉ việc hay bị sa thải.
- Bạn có đi bác sĩ tâm thần điều trị trước ngày bị sa thải hay nghỉ việc.
- Thương tích của bạn xẩy ra sau khi bạn nhận được giấy báo sa thải, nhưng vẫn còn đang trong thời gian làm việc.
- Bạn bị kỳ thị chủng tộc hay bị sách nhiễu tình dục.

Hãng tôi sa thải nhân viên và tôi bị chán đời, buồn phiền vì bị sa thải. Vậy hãng tôi có chịu trách nhiệm về tai nạn nghề nghiệp do thương tích tâm thần này không?
Khi các hãng xưởng sa thải nhân viên vì lý do chính đáng hay nhu cầu kinh tế (good faith personnel action) thì sẽ không phải chịu trách nhiệm cho thương tích nhân viên do sự sa thải gây ra. Tuy nhiên, nếu hãng xưởng ra thông báo sa thải nhân viên thì ngày sa thải phải được ấn định và thi hành trong vòng 60 ngày từ khi ra thông báo, trừ khi có thông báo tiếp theo. Ngoài ra, hãng xưởng không được ra thông báo sa thải thường xuyên theo chu kỳ (frequent notices of termination or layoff), vì như thế là một hình thức nguỵ biện cho việc đào thải nhân viên không chính đáng (bad faith personnel action).

Khi nào thì tôi cần phải có luật sư đại diện cho hồ sơ tai nạn nghề nghiệp của tôi?
Những hồ sơ tai nạn nghề nghiệp do những căng thẳng (stress) tạo ra sẽ phải qua những sự duyệt xét kỹ lưỡng, và thông thường thì hồ sơ sẽ bị bác và cần phải tranh tụng. Vì thế, bạn nên có một luật sư kinh nghiệm trong lãnh vực tai nạn nghề nghiệp để đại diện bạn. Cho những thương tích về tai nạn nghề nghiệp khác, bạn sẽ cần luật sư đại diện trong những trường hợp sau đây:
1. Công ty bạn làm từ chối là bạn bị thương nơi sở làm.
2. Bạn bị từ chối không được chữa bệnh.
3. Bạn nhận được thư từ chối Notice of Denial từ hãng bảo hiểm đại diện cho công ty bạn đang làm.
4. Công ty của bạn hứa hẹn trả, nhưng bạn không nhận được tiền bồi thường, hay tiền bồi thường thiếu sót.
5. Bạn không có lương hay không có tiền thu nhập sau khi bị thương tích.
6. Công ty bạn làm hay hãng bảo hiểm đòi lấy lời khai của bạn.
7. Công ty bạn làm không có bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp
8. Bạn bị thương tích trong giờ làm việc, nhưng không phải trong sở làm.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về tai nạn nghề nghiệp, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA 92683.


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT