Pháp Luật

Tai nạn nghề nghiệp do công việc hàng ngày

Thursday, 30/06/2011 - 06:45:17

Khi thương tích nơi sở làm không phải do một biến cố (specific incident) tạo ra, nhưng do sự hoạt động của công việc hằng ngày (continuous trauma), những thương ...

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông

Khi thương tích nơi sở làm không phải do một biến cố (specific incident) tạo ra, nhưng do sự hoạt động của công việc hằng ngày (continuous trauma), những thương tích này có phần rắc rối khi khai tai nạn nghề nghiệp, vì cần phải chứng minh: (1) thời gian chính xác xẩy ra thương tích và (2) thương tích là do tai nạn nghề nghiệp.  
Một trong những tai nạn Continuous Trauma thông thường nhất là chứng đau cổ tay (carpal tunnel syndrome), một chứng bệnh hiện đang  ảnh hưởng đến hàng triệu người.   

* Những triệu chứng của chứng bệnh Carpal Tunnel Syndrome là gì?

Đó là những triệu chứng như đau, nhức, tê, hay mất cảm giác ở những ngón tay, lòng bàn tay, nguyên bàn tay, khuỷu tay, cổ tay hay cánh tay, lưng và cổ. Nạn nhân thường thấy tê buốt cổ tay hay cảm giác bị kim châm, đau buốt có thể luân chuyển lên cánh tay, và mất sức điều khiển (loss of coordination).

* Nguyên nhân nào gây ra chứng bệnh này?
Carpal Tunnel Syndrome là một chứng bệnh do dây thần kinh ở cổ tay (median nerve) tạo ra, thường là do việc dùng tay quá mức (overuse) để làm việc, chẳng hạn như, đánh máy, dùng computer, hay những công việc sử dụng những động tác lập đi lập lại hằng ngày khiến cho dây thần kinh ở cổ tay, gọi là median nerve, bị thường xuyên đè nặng (repetitive pressure), khiến bắp thịt bị co lại, gân tay bị sưng, làm giảm lượng máu luân chuyển, và theo thời gian sẽ đem đến cảm giác bị đau cổ tay.

* Tôi làm việc trong ngành data entry từ hơn 10 năm nay, và đã làm cho 5 hãng khác nhau, và hiện giờ đang làm cho hãng ABC. Từ đầu năm 2005, tôi cảm thấy đau cổ tay, và không thể tiếp tục đánh máy liên tục quá 15 phút. Tôi bắt đầu đi bác sĩ chữa trị, và khám phá là mình đã bị chứnh bệnh Carpal Tunnel syndrome, do công việc phải làm hằng ngày trong nhiều năm qua. Tôi rất hoang mang vì không biết rõ mình bị bệnh từ hồi nào, và do công việc của hãng nào tạo ra. Vậy tôi phải khai tai nạn nghề nghiệp với hãng nào?

Trong trường hợp của bạn, cách tốt nhất là bạn điền đơn workers’ comp với hãng hiện thời, công ty ABC. Bởi vì thương tích continuous trauma của bạn, công ty ABC sẽ phải lôi kéo tất cả những hãng khác mà bạn đã từng làm trong thời gian thương tích để phân chia trách nhiệm. Sự phân chia trách nhiệm sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố: ngày bị thương tích và thời gian làm việc ở từng hãng trước đây.   

* Vậy trong đơn khai tai nạn nghề nghiệp, tôi phải để ngày bị tai nạn là ngày nào?

Khi điền đơn, bạn nên đề rõ là tai nạn Continuous Trauma từ năm 1995 cho đến hiện tại. Sau đó, qua lời khai, hay hồ sơ bệnh lý sẽ xác định ngày bị thương tích. Ngày bị thương tích được quy định là ngày nạn nhân bị đau hay bắt đầu có triệu chứng bệnh, và đồng thời cũng biết là thương tích đó do công việc hiện thời hay trong quá khứ tạo ra.
 
* Vậy hãng nào sẽ phải bồi thường cho tôi?

Sau khi đã tính được ngày thương tích, những hãng xưởng nào đã mướn nạn nhân làm việc trong thời gian một năm trước ngày thương tích sẽ phải bồi thường cho nạn nhân.      
Cho những tai nạn continuous trauma xẩy ra sau ngày 01-01-1981, thời hạn cho hãng xưởng phải chịu trách nhiệm sẽ là 1 năm. Cho những tai nạn xẩy ra trước năm 1981, thời gian chịu trách nhiệm của hãng xưởng sẽ được tính như sau:
01-01-1978: thời hạn là 4 năm
01-01-1979: thời hạn là 3 năm
01-01-1980: thời hạn là 2 năm
Thời hạn quy định trách nhiệm một năm cũng được dùng cho những trường hợp khi nạn nhân chỉ làm cho duy nhất một hãng trong suốt thời gian continuous trauma, nhưng hãng xưởng thay đổi policy, mua bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp của những hãng bảo hiểm khác nhau theo năm. Thành thử, nếu bạn khai thương tích continuous trauma từ năm 1995-2005, và ngày bị thương được ấn định là 05-01-2000, như vậy những hãng bảo hiểm có bán policy cho hãng ABC trong thời gian 05-01-1999 cho đến 05-01-2000 sẽ phải phân chia trách nhiệm để bồi thường cho bạn.

* Trong thời gian các hãng xưởng tranh cãi, đổ lỗi cho nhau, ai sẽ trả tiền cho tôi?

Cho những nạn nhân có thương tích continuous trauma, luật workers’ comp cho phép những người này có quyền chọn một trong những hãng xưởng (hay hãng bảo hiểm workers’ comp của công ty) để được trả tiền trợ cấp và được chữa trị. Hãng xưởng hay công ty bảo hiểm bị chọn sau đó sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết để bắt những hãng xưởng khác phải chia trách nhiệm và số tiền bồi thường với mình. Mục đích của điều lệ này nhằm để giúp cho nạn nhân được hưởng quyền lợi và sự chữa trị mau chóng, mà không bị dính líu và ảnh hưởng trong sự tranh chấp của những hãng xưởng hay hãng bảo hiểm với nhau.

* Khi nào thì tôi cần phải có luật sư?

Bạn nên có luật sư đại diện khi bạn thương tích trong sở làm, và nhất là trong những trường hợp sau đây:
 Công ty bạn làm từ chối là bạn bị thương nơi sở làm.
 Bạn bị từ chối không được chữa bệnh.
 Bạn nhận được thư từ chối Notice of Denial từ hãng bảo hiểm đại diện cho công ty bạn đang làm.
 Công ty của bạn hứa hẹn trả, nhưng bạn không nhận được tiền bồi thường, hay tiền bồi thường thiếu sót.
 Bạn không có lương hay không có tiền thu nhập sau khi bị thương tích.
 Công ty bạn làm hay hãng bảo hiểm đòi lấy lời khai của bạn.
 Công ty bạn làm không có bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp.
 Bạn bị thương tích trong giờ làm việc, nhưng không phải trong sở làm.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề liên quan đến việc bồi thường về tai nạn nghề nghiệp, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT