Bình Luận

Tai nạn và hậu quả

Monday, 11/03/2019 - 07:31:22

Nhân chứng kể lại là mới rời khỏi phi đạo, chiếc Boeing 737 đã chúi mũi xuống, gượng ngóc lên, rồi lại chúi xuống, mấy lần trước khi đâm thẳng xuống mặt đất.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019, một chiếc Boeing 737 -kiểu Max 8- kiểu mới nhất, bán mạnh nhất của hãng Boeing, vừa cất cánh tại phi trường Bole International Airport, nằm trong thành phố Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, chỉ vài phút sau rớt; giết trọn 157 người, vừa hành khách, vừa phi hành đoàn.
Nhân chứng kể lại là mới rời khỏi phi đạo, chiếc Boeing 737 đã chúi mũi xuống, gượng ngóc lên, rồi lại chúi xuống, mấy lần trước khi đâm thẳng xuống mặt đất.
Ethiopia nằm về phía Đông Bắc Phi Châu.


Hãng Ethiopian Air Line sử dụng nhiều phi cơ Boeing-Max 8 trên các đường bay quốc nội và quốc tế. (Getty Images)


Bản đồ Ethiopia của bách khoa tự điển Encyclopedia Britannica

Trong lúc gặp khó khăn, phi công nói với nhân viên kiểm soát không lưu là phi cơ đang bị trục trặc kỹ thuật. Tháng Mười năm ngoái một chiếc Boeing của Indonesia cũng gặp tai nạn kỹ thuật, khiến toàn bộ 189 người tử nạn.

Lần này, chiếc Boeing Max 8 rơi bên ngoài thủ đô Addis Ababa nên không gây nhiều tổn thất dưới mặt đất, mà chỉ tạo một đường cầy khá sâu, với xác người và hành lý vương vãi tung tóe.

Hãng Boeing và Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia của Mỹ đều đã gửi chuyên viên đến Ethiopia để tìm hiểu về nguyên nhân tai nạn.

Chỉ trong năm tháng trời mà hai chiếc Boeing 737 gặp tai nạn là điều khiến giới hữu trách Mỹ về ngành hàng không dân sự -như kỹ sư, phi công- lo ngại. Kiểu 737 đang được ưa chuộng vì tiện lợi và giá phải chăng -$120 triệu; tính tới nay, Boeing đã bán ra trên 350 chiếc cho các hãng hàng không toàn cầu.
Chiếc máy bay Ethiopia gặp tai nạn trong phi vụ 302; cất cánh vào lúc 8:38, không lấy cao độ được, rồi rơi xuống mặt đất lúc 8:41 -chỉ 3 phút sau.

Ông John Cox, giám đốc hãng SOS (Safety Operating Systems) nhận định về tai nạn vừa xảy ra và cho là có nhiều giả thuyết, mỗi giả thuyết cần được điều tra tỉ mỉ để tìm nguyên nhân thật chính xác.
Trong lúc chờ đợi kết quả cuộc điều tra, Trung Quốc và một vài quốc gia khác đã quyết định tạm ngưng việc sử dụng loại máy bay Boeing 737 Max.

Quyết định đó mang nhiều ảnh hưởng về kinh tế trong cuộc cạnh tranh của hai hãng cung cấp máy bay hàng không dân sự cho toàn thế giới: Boeing và Airbus. Hãng Airbus của Âu Châu hiện có trên 8,000 phi cơ phục vụ hành khách trên toàn cầu, trong lúc số máy bay của Boeing đang được các nước dùng trên mọi đường bay quốc tế, quốc nội là trên 10,000 chiếc, trong số đó chiếc 737 được coi là tiện dụng nhất cho những chuyến bay trung bình và ngắn.

Tai nạn thường gây ảnh hưởng nặng nề nhất cho hãng sản xuất máy bay; nhưng nguyên nhân của đa số tai nạn, lại do việc các phi công không thấu hiểu những kỹ thuật mới của phi cơ.

Đặc điểm của hãng Boeing là công hiệu của bộ máy phản lực, nhất là những động cơ lớn hơn dùng trong loại Max. Để hướng dẫn phi công trong việc sử dụng loại động cơ lớn, phức tạp hơn, Boeing viết bổ túc thêm bộ software và đòi hỏi phi công phải được huấn luyện chu đáo hơn. Sau tai nạn xảy ra tại Nam Dương với chiếc Max 8, kết quả điều tra cho thấy là phi công không được huấn luyện đầy đủ.

Trong tai nạn mới xảy ra tại Ethiopia, việc tìm kiếm nguyên nhân có thể phức tạp hơn, vì hãng Hàng Không Ethiopian nối tiếng về việc tuyển chọn và huấn luyện phi công rất kỹ lưỡng.

Giáo sư Robert Stengel dạy tại Princeton University về khoa cơ khí và hệ thống điều khiển phi hành nhận định việc cất cánh của chiếc máy bay là do software thực hiện, trừ khi người phi công bỏ hệ thống tự động để điều khiển việc cất cánh. Trong giả thuyết thứ nhất -phi công không tự tay điều khiển việc cất cánh- thì máy bay rớt là do trục trặc kỹ thuật.

Quần chúng khách hàng không quan tâm đến nguyên nhân tạo ra tai nạn; họ quan tâm đến việc tai nạn xảy ra liên tục hai lần cho một loại máy bay: chiếc Boeing Max 8; quan tâm đó khiến họ tránh loại máy bay này và khiến các hãng hàng không tạm cho chiếc Max 8 nằm ụ.

Stengel nói, “không ai dạy khôn khách hàng được; họ không mua vé của những hãng hàng không sử dụng loại máy bay có thành tích tai nạn là việc phải chấp nhận.”

Từ vài năm sau này Boeing có vẻ thắng thế trong cuộc tranh thương với Airbus -gần 300 chiếc 737 đang phục vụ hoạt động không lưu dân sự.

Trước khi tai nạn xảy ra cho hãng Hàng Không Ethiopia, trị giá của hãng Boeing là $239 tỉ; hãng sử dụng 150,000 nhân công, và lời trên $100 tỉ trong năm 2018. Các chuyên viên thị trường nhận định là nếu có phản ứng đúng mức, Boeing hy vọng hậu quả của hai lần tai nạn không tạo suy sụp cho hãng.
Loạt 737 Max được sản xuất tại xưởng Renton, tiểu bang Washington, và tháng Chạp năm ngoái, Boeing vừa mở thêm một xưởng mới tại Trung Quốc để cung cấp loại 737 cho nhu cầu của nước đó.


Kỹ nghệ Hàng Không Trung Quốc chuộng loại Boeing 737 Max. Một chiếc loại này được thấy tại phi trường Bắc Kinh ngày thứ Hai, 11 tháng 3, 2019. (Getty Images)


Một chiếc Boeing 737 MAX 8 đang đậu bên ngoài xưởng ngày thứ Hai, 11 tháng 3, 2019 tại Renton, Washington. (Stephen Brashear/Getty Images)

Những hãng hàng không dân sự Trung Quốc chuộng loại 737 Max, vì chở được nhiều khách với phí tổn vừa phải.
Việc Trung Hoa mời Boeing mở chi nhánh tại Trung Quốc có thể là để phối hợp với một hãng sản xuất máy bay của họ, hãng này đang sản xuất chiếc máy bay dân sự Comac C919 -tương tự giống chiếc 737 của Boeing.
Lối thoát đó cũng là một giải pháp cho Boeing trong trường hợp thương vụ của hãng có xuống vì hai tai nạn vừa xảy ra.
Quả là tư bản giỏi tiên liệu; Boeing đã có sẵn thị trường dự bị trong lúc vẫn đứng đầu thị trường sản xuất phi cơ hàng không dân sự hiện nay.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT