Mẹo Vặt

Tại sao cây không có trái?

Friday, 05/06/2015 - 12:55:31

Chắc nhiều người khác nữa phải cám ơn bạn vì đã nêu lên một mối quan tâm chung. Mặc dầu cây có trái là một kết quả tự nhiên, cũng như … “con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con” vậy, nhưng những trường hợp ngoại lệ không phải là họa hiếm.

Bài VŨ HẰNG

Trồng cây, ai chả mong có ngày ăn trái. Sự mong chờ tự nhiên ấy không có gì quá đáng, nhưng cây cối chả mấy khi đáp ứng được ước muốn đó 100%: Có cây cho trái trĩu cành, có cây chỉ lưa thưa, cây khác lại chả bao giờ kết trái…. Một người bạn viết cho Hằng trong mấy tuần vừa qua như sau: “Đọc bài viết của chị thật hay về chăm sóc cây, hoa. Vậy xin cho mình hỏi là sao cây Nectarine của mình không cho trái? Mặc dầu những năm trước còn cho ít trái, năm nay chẳng cho trái nào! Xin chị chỉ cách cho nhé. Cám ơn chị thật nhiều.”
Chắc nhiều người khác nữa phải cám ơn bạn vì đã nêu lên một mối quan tâm chung. Mặc dầu cây có trái là một kết quả tự nhiên, cũng như … “con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con” vậy, nhưng những trường hợp ngoại lệ không phải là họa hiếm.

Những trái bưởi trĩu cành, nhìn cũng đã mắt, chưa kể được đưa tay nựng vào!

Có thể do phân bón?

Nguyên do thì nhiều, nhưng điều chúng ta nghĩ tới đầu tiên là phân bón. Vậy xin nói về chuyện này trước. Nếu lý do là do phân bón thì không hẳn là vì chủ vườn làm biếng, không chịu khó bón phân đâu. Thực tế nhiều khi ngược lại: Có thể là vì chúng ta bón phân quá nhiều, nhưng lại không phải là những thứ mà cây đang cần để trổ hoa, sinh trái.
Như chúng ta đã biết, ba thứ dưỡng chất cần thiết nhất mà phân bón mang lại cho cây là N (Nitrogen), P (phosphorous) và K (potassium). Ba thứ này bổ dưỡng cho cây ở 3 phương diện khác nhau, tóm tắt là “trên, dưới và dọc ngang”
- N bổ dưỡng cho cây ở phần trên, tức là đâm chồi, nẩy lá.
- P bổ dưỡng cho cây ở phần dưới, giúp cho rễ phát triển, và cây trổ bông kết trái
- K bổ dưỡng dọc ngang, giúp cây khỏe mạnh chống lại bệnh tật do sâu rầy hoặc thời tiết.
Đối với cây Nectarine, thầy cô của Hằng cho biết, phân bón cần thiết phải có thành phần dưỡng chất cân bằng, cụ thể là: 10 (N)-10 (P)-10 (K). Điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ việc ra cửa hàng, vác về những bao phân ghi số 10-10-10 để bón vào gốc là xong bổn phận, rồi ngồi chờ cây trổ bông, sinh trái. Chữa lại những gì khiếm khuyết trong vườn đòi hỏi chúng ta phải khéo léo hơn. Chẳng hạn, trước khi đổ phân bón xuống vườn, chúng ta phải tự hỏi: Đất nhà mình đã có sẵn những gì? Còn thiếu những gì? Bởi vì, nếu đất đã vừa đủ N, mà cây lại được bón thêm N, thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ thấy cây rậm tàn, xanh lá, nhưng vẫn chẳng thấy quả đâu. Là vì, N giúp cho lá, nhưng không giúp cây trổ bông sinh trái. Trong khi đó, dưỡng chất cần thiết là P thì vẫn thiếu, không cân bằng tức là thiếu rồi đó.
Bạn có thể xem thêm trường hợp sau đây: Người nào đó cũng trồng được một cây lá xanh um mà không chịu có quả. Hỏi rằng anh ấy có bón phân cho cây? Người này thì khác, anh ta trả lời không. Như vậy có phải là cây thiếu phân không? Cũng không! Nếu đến xem vườn, bạn sẽ thấy một cái cây thật đẹp, với tàng lá xanh tốt ngả bóng trên một thảm cỏ màu xanh gần đó. Lại hỏi rằng, làm sao mà gây được một bồn cỏ đẹp quá như vậy? Ảnh cho biết, phải có phân và anh không bao giờ lơ là chuyện đó. Thì ra vậy! Phân bón cho bồn cỏ thường có N với tỷ lệ áp đảo. Cây ăn trái đứng gần đó nên được hưởng nhờ. Nước mưa, nước tưới đổ vào bồn cỏ, kéo theo phân bón nặng N vào bồi đắp cho cây, áp đảo tỷ lệ P vốn đã thấp nay lại trở thành èo uột hơn. Như vậy thử hỏi làm sao cây trổ hoa kết trái được?

Tìm hiểu đất nhà

Vậy điều hợp lý là nên tìm hiểu về đặc tính đất nhà mình trước. Việc này không khó, chỉ cần một dụng cụ đơn giản gọi là “soil testing kit”, chúng ta có thể biết ngay đất có sẵn gì, cần gì, thiếu gì. Rồi mua một bao phân bón đáp ứng nhu cầu đó. Và đừng để cho phân bón của vườn rau, hoặc bồn cỏ ảnh hưởng nó.
Một trong những nhãn hiệu xét nghiệm tiện lợi là Rapidtest Soil Test Kit, bạn có thể mua về để thử đất. Xưa nay, chúng ta chỉ làm vườn theo thói quen, theo “nghe nói,” bây giờ mình làm vườn dựa vào kết quả xét nghiệm, y như một … kỹ sư hóa chất chính hiệu vậy. Oai chả kém ai!
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT