Tiêu Thụ

Tại sao lại gọi là Black Friday?

Saturday, 29/11/2014 - 07:49:55

Chính vì thế, khi chứng kiến những điều không hay xảy ra trong ngày thứ Sáu sau lễ Tạ Ơn, người ta dễ dàng gọi ngay nó là Black Friday. Trong ngày hôm nay, thiên hạ ra ngoài đi mua sắm quá nhiều, xe cộ đi lại cũng lắm, gây ra nhiều tai nạn hoặc những cuộc va chạm ẩu đả, có lúc đẫm máu.

Bài ERIC TRẦN

Ngày thứ Sáu, ngay sau thứ Năm Lễ Tạ Ơn, đã trở thành ngày mua sắm truyền thống của dân Mỹ. Cái ngày vui vẻ như vậy mà lại gọi là Black Friday, thứ Sáu Đen, một cái tên không mấy hay đối với cộng đồng người Việt. Là người đi mua sắm, chúng ta nên tìm hiểu tại sao lại gọi như vậy?

Từ Black, một ngày u ám

Thực ra, từ ban đầu, cái chữ “Black….” cũng không hàm ý hay ho gì đối với người Mỹ. Trong lịch sử kinh tế Hoa Kỳ, những ngày “black” thường có một ý nghĩa thê thảm, chẳng hạn, ngày Black Monday, được ghi nhận vào 19 tháng Mười, năm 1987, là một ngày mà chỉ số chứng khoán Dow Jones Average sụt giảm 22%. Ngày Black Thurday, xảy ra vào 24 tháng Mười, năm 1929, là ngày bắt đầu cuộc Đại Suy Thoái (Great Depression) thế giới, tiếp theo là ngày Black Tuesday là ngày chứng khoán sụt giảm 11%, mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi có chuyện mua bán cổ phiếu, làm cho biết bao người tan gia bại sản vì của cải tích góp để mua chứng khoán đã tan bay chỉ trong một ngày ngắn ngủi.
Chính vì thế, khi chứng kiến những điều không hay xảy ra trong ngày thứ Sáu sau lễ Tạ Ơn, người ta dễ dàng gọi ngay nó là Black Friday. Trong ngày hôm nay, thiên hạ ra ngoài đi mua sắm quá nhiều, xe cộ đi lại cũng lắm, gây ra nhiều tai nạn hoặc những cuộc va chạm ẩu đả, có lúc đẫm máu.
Ông Earl Apfelbaum, một nhà sưu tầm tem cổ vào thời đó, chính thức dùng chữ này trong mục quảng cáo đăng báo vào năm 1966. Theo ông, “Black Friday” là chữ được lực lượng cảnh sát Philadelphia sử dụng để chỉ tình trạng mất an ninh trong ngày mua sắm sau lễ Tạ Ơn.

Chẳng ai thua ai, Black Friday mà!

… Đến Black, một ngày vui được chờ đợi

Khởi thủy thì như vậy, nhưng ý nghĩa chữ Black đã dần dần biến thể để Black Friday trở thành một ngày vui cho tất cả mọi người, bên bán cũng như bên mua. Trước hết đối với người bán hàng, hôm nay là ngày họ kiếm lời bộn vì số hàng bán ra được nhiều, rất nhiều, bù lại những ngày ế ẩm khác trong năm. Từ đó, tự điển kế toán có thêm chữ “black” nghĩa là kinh doanh có lợi nhuận, đối lại với chữ “red” có nghĩa là kinh doanh thua lỗ. Và để phát huy một sinh hoạt có lợi cho mình, các nhà kinh doanh đua nhau đánh bóng tô hồng cho ngày Black Friday với những sáng kiến giảm giá bạo tay, “cạo giá tới tận xương” (bare-bone discounts) để thu hút khách hàng. Thế là, Black Friday trở thành một truyền thống có lợi cho cả đôi bên, một ngày vui mà gần như tất cả mọi người trong xứ Mỹ, vốn là dân ham tiêu xài bậc nhất thế giới, đều vui đón.


Một nạn nhân của vụ xịt hơi ớt cay, do một người đàn bà gây ra vào đêm thứ Năm bước vào Black Friday 2011, tại Walmart ở Porter Rance, gần Los Angeles.

 

Nhưng Black vẫn là màu đen

Tuy nhiên cái màu u ám nguyên thủy của chữ Black vẫn chưa xóa hẳn được, bởi vì trong ngày mua sắm như điên này tại nước Mỹ đã xảy ra bao nhiêu vụ việc đáng buồn. Gần đây nhất, ngày Black Friday năm 2013, cảnh sát đã phải nổ súng bắn theo một tên ăn cắp, tính đến “thó đồ” trong cửa hàng Kohl tại Chicago. Cửa hàng chưa mất gì cả, bởi vì âm mưu ăn cắp bị phát giác kịp thời, tên đạo chích leo lên xe phóng đi. Oái oăm thay, đó lại là cái xe của một cảnh sát viên còn mở cửa để đó, chiếc xe chạy kéo lê viên cảnh sát theo, chân trong chân ngoài, gần hết đoạn đường parking lot.
Có thể nói vụ bạo động kinh hồn nhất là vụ xảy ra tại cửa hàng Walmart ở Tallahassee, Florida, vào ngày Black Friday 2012. Hai người bị bắn chết lúc đang tranh giành nhau…. chỗ đậu xe!
Nhưng nguy hiểm nhất trong ngày Black Friday phải kể là… khu bán hàng điện tử tại Walmart. Năm 2011, một phụ nữ dùng bình xịt ớt cay, phun vào đám đông đang chờ đợi ngay trong cửa hàng Walmart ở Los Angeles để mở đường nhào lên mua cho được một cái Wii với giá 60% Off. Năm trước đó, 2010, vì khách hàng kéo đến lũ lượt như thác đổ, lớp sau dập trên lớp trước, người ta đè lên nhau, chen lấn nhau để mua cho được những món hàng điện tử on sale vào lúc 5:30 sáng… đến nỗi cửa hàng phải quyết định đóng cửa, và cho nhân viên di tản.
Vào ngày Black Friday năm 2009, tại một cửa hàng Walmart ở thành phố Rancho Cucamonga, nhân viên phải gọi cảnh sát đến bảo vệ vì đám đông làm như muốn nổi loạn để mua hàng – cũng lại trong những giờ buổi sáng sớm tại khu hàng điện tử. Vì tình trạng hỗn loạn không kềm chế được, cửa hàng phải tạm đóng cửa một vài tiếng đồng hồ, sau khi có tin một cửa hàng Walmart khác tại vùng Upland gần đó cũng phải đóng cửa chào thua đám đông.
Nhưng cái vụ bạo loạn Black Friday thê thảm nhất là vào năm 2008: Một người bị dày xéo tới chết! Mà không phải liễu yếu đào tơ, hoặc trẻ em chưa biết gì, nạn nhân là một người đàn ông to lớn, cao 6 feet 5”(gần 2 thước), nặng 270 pounds: Ông Jdimytai Damour! Đương sự là nhân viên tạm tuyển của cửa hàng, đã chết vì ngạt hơi khi đám đông chen lấn để “tấn công” một cửa hàng Walmart tại New York. Ít nhất có tới 2,000 khách hàng đã ào lên, phá vỡ mấy cánh cửa dẫm đạp lên ông Damour khi đó đang đứng giữ an ninh giữa lối vào. Thay vì giữ an toàn cho người khác, chính đương sự đã bị xô ngã, và bị dẫm đạp lên người, rốt cuộc bị ngạt hơi chết tốt, cùng với 11 người khác bị thương, trong đó có một phụ nữ mang bầu.
Trên đây là vài vụ tiêu biểu trong cả hàng trăm vụ đáng tiếc khác tính đến ngày Black Friday năm 2013. Khi Eric viết bài này, người ta chưa thống kê được con số thương vong cho Black Friday 2014. Hy vọng bạn và người thân không góp phần vào con số thống kê đáng buồn đó. Nhưng nếu đọc được những dòng chữ này ngày hôm nay, thì chắc chắn bạn OK rồi. Rút kinh nghiệm cho những ngày sắp tới, mùa mua sắm còn dài mà.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT