Đạo và Đời

Tâm bồ đề

Wednesday, 17/04/2019 - 06:05:14

Trong các thời khóa tụng niệm hằng ngày, chúng ta thường nghe lời cầu nguyện rằng: “tâm Bồ Đề kiên cố.”


Cây bồ đề ở một ngôi chùa tại Thái Lan. (Getty Images)


Bài TT THÍCH TÂM THIỆN

Bạn thân mến,
Trong các thời khóa tụng niệm hằng ngày, chúng ta thường nghe lời cầu nguyện rằng: “tâm Bồ Đề kiên cố.” Vậy, tâm Bồ Đề là gì và nó quan trọng như thế nào trong cuộc hành trình tu tập cũng như cho cuộc sống hiện tại của chúng ta?

Trước hết, xin chia sẻ với bạn một điều, rằng tâm Bồ Đề là yếu tố căn bản của mọi pháp môn tu tập và là yếu tính của cuộc sống hạnh phúc, giải thoát, và giác ngộ theo kinh nghiệm thực tiễn của đạo Phật. Chỉ có tâm Bồ Đề mới thực sự là “đạo tâm,” và những ai sống và hành xử theo tâm Bồ Đề mới xứng đáng được gọi là “người có đạo tâm.”

Vì lẽ, từ trong bản chất sâu xa, tâm Bồ Đề chính là sức sống hướng về tuệ giác vô thượng, một sức sống của trí tuệ vô ngã có thể giúp bạn vượt qua mọi giông tố, đảo điên của cuộc đời để đạt đến hạnh phúc. Do đó, tâm Bồ Đề tự thân nó vốn vượt lên trên mọi chiều kích phân biệt của tôn giáo và triết học, mặc dầu chính Đức Thích Ca Mâu Ni là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại chứng ngộ, tuyên thuyết, và giảng giải về tâm Bồ Đề.

Cho nên, bất kỳ ai thực hành tâm Bồ Đề, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc, đều có thể tạo dựng cho chính mình một đời sống an lạc hạnh phúc thực thụ. Những vấn đề được giới thiệu sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về bản chất của tâm Bồ Đề.

1. Ý nghĩa tâm Bồ Đề

Tâm Bồ Đề là một thuật ngữ quan trọng trong ngôn ngữ kinh điển của Đại Thừa, tiếng Phạn (Sanskrit) gọi là bodhi-citta – tâm (citta) của sự tỉnh thức-giác ngộ (bodhi) cũng gọi là giác tâm, tâm hướng về sự tỉnh thức-giác ngộ, hay tâm an trú trong sự tỉnh thức-giác ngộ. Mặc dù vậy, tâm Bồ Đề luôn được hiểu qua hai góc độ khác nhau: tương đối - tức trong đời sống tu tập các công đức hằng ngày nhằm đạt đến sự an lạc hạnh phúc, và tuyệt đối - tức trong sự chứng ngộ về tuệ giác vô thượng, trở thành bậc thánh.

Trong đạo Phật truyền thống có nhiều phương pháp hỗ trợ cho bạn tu tập tâm Bồ Đề, bao gồm ba mươi bảy phần, đó là những chỉ dẫn cụ thể cho sự tu tập và phát triển hạt giống Bồ Đề trong đời sống của bạn.

Ở đây, bạn có thể chưa quan tâm và thậm chí không thiết tha gì đến việc giác ngộ tối thượng, vì bạn cho rằng mình là con người trần tục đang đắm chìm trong những dục vọng, xung đột, bức bách, và bất an giữa cuộc sống đầy dẫy khổ đau với bao vui, buồn, được, mất, toan tính, lo âu. Trong sự vây bủa bởi các phiền não hiện tiền như thế, sự giác ngộ tối thượng, dầu cao quý đến đâu chăng nữa, nhưng trong giờ phút này, nó quả là xa vời, viễn vông đối với bạn. Vả lại, cái mà bạn đang thiết tha tìm kiếm đó là cái hạnh phúc trong quan điểm của bạn: tình yêu, tiền tài, danh vọng chứ không phải là sự giác ngộ tối thượng. Nói khác đi, bạn có thể cho rằng mình không phải là ông thầy tu nên chuyện tỉnh thức-giác ngộ không liên quan gì đến cuộc sống của mình.

Vâng, một suy nghĩ như thế nghe có vẻ thích hợp với “cách tư duy và lối sống khát vọng” của riêng bạn, nhưng chính lối suy nghĩ đó sẽ đánh mất đi cái khả năng “sống hạnh phúc thực thụ” của bạn! Vì lẽ, cái nhân của hạnh phúc không bao giờ nằm trong tình yêu, tiền tài hay danh vọng, mà nó nằm ngay trong “sự tỉnh thức” của bạn giữa thế giới của tình yêu, tiền tài, và danh vọng. Nếu thiếu vắng yếu tố “tỉnh thức,” thì tình yêu của bạn sẽ đi đến đâu, tiền tài của bạn sẽ được sử dụng như thế nào, và danh vọng của bạn sẽ được bồi đắp bằng cái gì? Trên thực tế, khi bạn yêu đương một cách ngu muội, không tỉnh thức, thì cái kết cuộc là tình yêu của bạn sẽ trở thành một loại “tình yêu mù quáng,” ắt hẳn sẽ dẫn đến khổ đau. Tương tự như thế, khi kiếm tiền cũng như xài tiền, nếu bạn không tỉnh thức thì chắc gì bạn kiếm được tiền và kiếm tiền một cách tốt đẹp, cũng như xài tiền một cách hợp lý và hữu ích?

Do đó, dẫu bạn là người trần tục, nhưng nếu bạn có tỉnh thức hay ít ra là có khát vọng hướng đến sự tỉnh thức - tính chất của tâm Bồ Đề - thì bạn sẽ có khả năng tạo dựng và gìn giữ cái hạnh phúc của bạn một cách bền vững và lâu dài. Sự thiếu hiểu biết và thiếu tỉnh thức trên con đường tìm kiếm hạnh phúc bao giờ cũng là chướng ngại cho hạnh phúc hay nói khác hơn đó chính là cội nguồn của khổ đau. Do đó, chúng ta cần thiết phải tu tập tâm Bồ Đề.
(Kỳ sau: Cuộc Sống và Tâm Bồ Đề. Trích Hành Trình Tâm Linh – Khải Thiên, 2007)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT