Đạo và Đời

Tam Đề, Ngũ Quán

Wednesday, 22/05/2019 - 07:52:07

Thứ nhất khi ăn phải tri ân tất cả chúng sanh trong cuộc sống này: Con xin biết ơn người đã phát tâm cúng dường, sửa soạn những thức ăn này.


Tu sĩ cũng như cư sĩ thường nguyện chấm dứt những điều ác, phát triển những điều lành trước mỗi bữa ăn. (Hình không rõ nguồn)


Trước mỗi bữa ăn, một Phật tử tại gia nên nhớ niệm thầm Tam Đề, Ngũ Quán như một tu sĩ đã xuất gia thường làm. Vậy Tam Đề, Ngũ Quán là gì? Dưới đây là một bài viết về Tam Đề, Ngũ Quán được viết lại từ những bài viết khác, đăng trên trang mạng của Thiên Tâm Express (thientamism.com).

Đây là một nghi cách đẹp và có ý nghĩa của nhà Phật.
Tam Đề là: phát bồ-đề nguyện trước khi ăn ba miếng cơm đầu tiên.
- Muỗng thứ nhất: nguyện chấm dứt tất cả những điều ác (nguyện đoạn nhất thiết ác).
- Muỗng thứ hai: nguyện làm tất cả những việc lành (nguyện tu nhứt thiết thiện).
- Muỗng thứ ba: nguyện giúp đỡ tất cả chúng sanh (Nguyện độ nhứt thiết chúng sanh).
Ý nghĩa Tam Đề này là nói rõ mục đích tối hậu của hành giả tự độ mình là dứt ác, làm lành, đạt đến giải thoát và thực thi hạnh độ tha là giúp đỡ người khác rõ biết đường đi lối về của nhân quả nghiệp báo, ra khỏi tà kiến để chấm dứt đau khổ trong đời sống để rồi cuối cùng cũng đạt đến giác ngộ giải thoát như bản thân mình.

Ngũ Quán là: trong khi ăn, bắt buộc vừa ăn vừa quán tưởng 5 pháp quán này :
1. Thứ nhất khi ăn phải tri ân tất cả chúng sanh trong cuộc sống này: Con xin biết ơn người đã phát tâm cúng dường, sửa soạn những thức ăn này.
2. Thứ hai tự xét đức hạnh của mình có xứng đáng với sự cúng dường này chăng: Con nguyện nỗ lực tu học, trau dồi giới hạnh để xứng đáng thọ dụng những thức ăn này.
3. Thứ ba là ngăn trừ lầm lỗi và chận đứng nguồn gốc của lòng tham muốn: Trong khi ăn, con nguyện từ bỏ lòng tham dục, tham ăn.
4. Thứ tư phải quán tưởng rằng: Con quán chiếu những thức ăn này như những vị thuốc, để cho thân thể con khỏi bệnh tật.

5. Thứ năm: Con nuôi dưỡng chánh niệm, chỉ vì để thành tựu đạo nghiệp giải thoát giác ngộ mà con xin thọ dụng những thức ăn này.

Tóm lại, người ăn chay chân chánh thì luôn luôn thực hiện Tam Đề Ngũ Quán trong bữa cơm. Nghĩa là khi dùng bữa, cũng chính là lúc quan trọng nhất, cần thiết nhất để hành trì, tu tập, chứ không phải để thỏa mãn sự đói khát và tham dục của mình. Đương nhiên, không bao giờ nói chuyện lung tung, hoặc giỡn cợt, hoặc cười lớn tiếng, la hét.
Trong suốt thời gian dùng cơm, hành giả luôn luôn giữ chánh niệm với 5 phép quán trên. Thiền ngữ của chư Tổ đã từng khuyến cáo chư hành giả về sự quan trọng của phép ăn cơm rằng: “Ngũ quán nhược minh kim dị quá / Tam tâm dị liễu thủy nan tiêu.”

Có nghĩa là “nếu phép ngũ quán được liễu thông thì dù có ăn vàng đi chăng nữa thì vàng đó cũng được tiêu hóa, ngược lại nếu ba tâm kia không hiểu rõ dù có uống nước, nước kia cũng không thể tiêu được.”
Hiểu được ý này mà Thầy Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, TT Thích Tâm Phương đã từng nhắc nhở hàng đệ tử trước khi dùng cơm trong các kỳ thọ bát Quan Trai rằng:

Mỗi khi nâng bát cơm đầy,
Nhớ ơn Tam Bảo, ơn Thầy, Mẹ Cha
Nhớ người tín thí gần xa
Con nguyện sống hạnh vị tha đáp đền.

Bữa thọ trai được kết thúc bằng lời chú nguyện như sau:
- Tấm thân này được khoác một bộ áo quần tươm tất cho nên tôi thường nghĩ đến công lao của người thợ dệt.
- Hàng ngày dùng ba bữa cơm, mỗi mỗi đều ghi nhớ cái gian khổ của người nông phu.
- Nguyện cầu tất cả tu sĩ lẫn cư sĩ đều lấy phước huệ làm cơ sở cho việc hành trì.
Nghe Thầy Duy Na (người đánh chuông) nhịp một tiếng chuông, đại chúng cùng uống nước, hai tay bưng bát nước cung kính trước ngực và thầm nguyện:

“Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng, nhược bất trì thử chú, như thực chúng sanh nhục. Án phạ tất ba ra ma ni sa ha (3 lần).”

Nghĩa: “Phật nhìn một bát nước, có tám vạn tư vi trùng, nếu không trì chú này, như ăn thịt chúng sanh.”
Qua Phật nhãn, Đức Thế Tôn thấy rõ có vô số vi trùng trong một bát nước, một cái thấy mà mãi đến hơn 2000 năm sau mới có người phát hiện, đó là vào hậu bán thế kỷ 19, nhà sinh vật học người Pháp Louis Pasteur (1822-1895) khám ra những vi khuẩn gây bệnh qua kính hiển vi.

Cũng chính vì bài kệ chú uống nước có tính siêu khoa học này mà nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, ông Albert Einstein (1879-1955) đã không ngần ngại khi tuyên bố "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học."






Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT