Điện Ảnh, Nghệ Thuật

TÂM SỰ MỘT CA VIÊN

Thursday, 14/12/2006 - 09:59:11

Hồi đó chúng tôi không hề mơ tưởng tới chuyện gia nhập ban Ngàn Khơi vì chẳng quen biết ai trong đó, chưa hát trong một ban hợp ca bao ...

(TND, ca viên ban Hợp Xướng Ngàn Khơi)

Tôi biết đến ban Ngàn Khơi vào khoảng năm 1990 qua quảng cáo chương trình nhạc “Việt Nam Quê Hương Mến Yêu”. Tôi không thể ngờ thật sự có một buổi trình diễn gồm cả hợp ca và đơn ca hướng về quê hương với những bài như Việt Nam Việt Nam, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Bình Minh Quê Hương, Nụ Tầm Xuân và các bài dân ca… như vậy. Như buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi không bỏ lỡ cơ hội, rủ ông xã tôi đi xem cho bằng được mặc dù chúng tôi ở cách xa nơi trình diễn đúng hai tiếng đồng hồ. Vài năm sau thì có chương trình Đêm Ngàn Khơi với trường ca Con Đường Cái Quan, lại càng không thể bỏ qua, chúng tôi lại đi xem.



Hồi đó chúng tôi không hề mơ tưởng tới chuyện gia nhập ban Ngàn Khơi vì chẳng quen biết ai trong đó, chưa hát trong một ban hợp ca bao giờ và nhà lại ở xa. Thế nhưng khoảng một năm sau, chúng tôi đã vào được Ngàn Khơi do người bạn mới quen rủ, “có công xem hát, có ngày thành ca viên chăng?” Và mặc dù đã nhiều phen nói câu giã từ vì cuộc sống quá bận rộn và đường xa, chúng tôi lại vẫn thấy mình trở lại.

Trước khi vào Ngàn Khơi, tôi cũng thích hát, nhưng chỉ biết bắt chước ca sĩ, hát sao cho nghe hao hao giống là vui rồi, còn thì chẳng cần biết nhịp điệu gì cả, khốn khổ cho ai lỡ dại đàn cho tôi hát. Vào Ngàn Khơi, tôi phải từ giã cái “xì tin” đó của tôi ngay tức khắc, nếu không thì đến lượt tôi khốn khổ chứ không ai. Và nếu ai cũng hát theo cái “xì tin” riêng của mình thì thành ra là hỗn ca chứ  chẳng phải là hợp ca nữa.

Tôi đã học hỏi được rất nhiều ở Ngàn Khơi, và tôi đã có được những người bạn mới rất “tâm đầu ý hợp”. Tóm lại, Ngàn Khơi là một nơi lý tưởng để tìm được “niềm vui cuối tuần”.

Với niềm thao thức nhớ về quê hương, những ngưòi trong ban Ngàn Khơi mong làm sống lại những giòng lịch sử oai hùng của dân tộc, những hình ảnh thân yêu của quê hương qua những nhạc phẩm  để đời không thể quên được, nhưng lại hay bị lãng quên. Chúng ta ai chưa từng nghe Hòn Vọng Phu, Cửu Long Giang hay Hội Trùng Dương, Mẹ Việt Nam. Nhưng mấy khi chúng ta được ngồi yên chỉ để lắng nghe những tuyệt phẩm đó được trình diễn một cách nghệ thuật và trang trọng. Chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội để nghe, nhất là các bạn trẻ lớn lên tại xứ này, và cùng chia sẻ những giây phút hào hùng của Ải Chi Lăng, nghẹn ngào của Những Giòng Sông Chia Rẽ, êm đềm của Dạ Lai Hương và rộn ràng của Về Miền Nam. Phụ họa của dàn nhạc giao hưởng qua hòa âm công phu của Lê Văn Khoa và Trần Chúc càng làm tăng thêm những nét hào hùng, nghẹn ngào, êm đềm hay rộn ràng đó.

Và trong buổi tập đầu tiên với dàn nhạc giao hưởng vừa qua, chúng tôi đã bắt gặp những ánh mắt thích thú của những nhạc sĩ người bản xứ trong dàn nhạc. Những nhạc sĩ này đều là những người quen chơi nhạc cổ điển trong những dàn nhạc giao hưỏng và nhiều ngưòi là giáo sư dạy trong những trường đại học. Họ đã tỏ lời khen với các nhạc trưởng: “Good choir” và “Well- done arrangement” tức là “Ca đoàn hát hay” và “Hòa âm soạn rất tới”. Ít ra chúng tôi cũng đã giới thiệu một phần nhạc Việt Nam đến với những lỗ tai âm nhạc Tây phương.

Riêng tôi, mỗi lần tập hát hoặc nghe những bài hát của Ngàn Khơi, đặc biệt là bài Cửu Long Giang và Về Miền Nam, tôi không khỏi bùi ngùi. Tôi là một người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ đến được bên bờ sông Cửu Long, chưa biết mặt Hà Tiên, Cần Thơ, Cà Mâu, chưa ra tới Huế hay Hà Nội, nơi tôi sinh ra. Tôi chỉ còn mong ước một ngày nào đó sẽ được đi thăm tất cả , và nếu có kiếp sau, tôi xin trở lại Việt Nam sống làm một người Việt Nam trọn vẹn và không bao giờ phải bỏ quê mà đi cả.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT