Sức Khỏe

Tâm thân với Khí Công Hoàng Hạc

Sunday, 22/08/2021 - 04:16:12

Nhưng phải đến 60 năm về phía sau, con người mới thực sự tìm về với chính mình, tu tỉnh để tìm gặp những giá trị đạo đức thật.

  

 

 Bài TRẦN MỸ DUYỆT 

Con người là một tạo vật rất huyền diệu của thiên nhiên. Tâm hồn con người là một vực thẳm khôn lường (St. Augustine). Nhưng con người cũng cần phải được chăm sóc, nuôi dưỡng, và giáo dục để lớn lên cùng với thời gian. Mỗi con người lại là một cá biệt, và sự phát triển của nó tùy vào môi trường, hoàn cảnh, giáo dục và ảnh hưởng tâm sinh lý. Nó cũng phải tự phấn đấu để vươn lên.

 

1. PHÁT TRIỂN THEO THỜI GIAN

 

Một cách tổng quát, tiến trình phát triển con người được tóm lược như sau: 

Sơ sinh:  Từ lúc chào đời đến 18 tháng tuổi.  

Tuổi thơ: Những bước đầu chập chững đến 3 tuổi. Một thời gian rất đáng yêu. 

Mẫu giáo: Những năm tháng vỡ lòng từ 3 đến 5 tuổi.  

Tuổi học trò: Và tiếp theo là những tháng ngày cắp sách đến trường. [1] 

Dậy thì: Phát triển thể lý được bắt đầu vào tuổi 15, tiếp theo những năm tháng vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi. [2] Thời gian khỏe mạnh, cơ bắp phát triển. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gái mười bẩy, bẻ gẫy sừng trâu.” [3] Sau đó là nối dài với những năm tháng của tuổi thanh niên từ 18 đến 24 tuổi. [4]  

Đạt đến tuổi trưởng thành về tâm sinh lý là 30 tuổi: “Tam thập nhi lập”.

30 tuổi là ngã rẽ đầu tiên của đời người. Con người ở độ tuổi này về cơ bản đã có thể xác định được phương hướng phát triển cuộc đời mình. Họ cũng có thể dựa vào bản lĩnh của tự thân mà gánh vác những trách nhiệm mình cần đảm đương. Quan trọng ở đây khi nói đến chữ lập là lập thân, một con người phát triển về cả tâm và thể lý.

Nhưng sự phát triển của đời người cũng sẽ đến một điểm dừng. Theo nghiên cứu và kinh nghiệm chung, tuổi dừng phát triển chạm mốc ở tuổi 60 hoặc 65. [5] Truyền thống và văn hóa người Việt gọi là tuổi già. Khi qua đời ở tuổi này được nhận hai chữ “hưởng thọ”. Cao hơn nữa bước đến tuổi 70. [6] thuộc hàng hiếm quí: “Thất thập cổ lai hy”. 

2. PHÁT TRIỂN TÂM LÝ 

Ta có thể tưởng tượng đời người như một quả núi xẻ đôi. Độ cao của nó là 60 Km. Nửa phía bên này thuộc thời gian sinh ra, lớn lên, phát triển, hoạt động, và thành công hay thất bại. Nửa còn lại phía bên kia dành cho thời gian nhìn lại, tu tỉnh, an hưởng, nghỉ ngơi và chuẩn bị cho cõi vĩnh hằng. 

60 năm về trước:  

60 năm phía trước như đã vừa trình bày là thời gian phát triển mà phần lớn nhắm vào Trí, Đức, Và Thể Dục.

 

Vừa lên 3, em bé đã biểu lộ khả năng nghe, hát, và nói. Trí óc bắt đầu phát triển về những chân trời mà ở cái buổi đầu bình minh khi được sinh ra em chưa thấu hiểu.

 

Trí óc tò mò, lớn lên, cùng lúc thân xác cũng phát triển. Ở tuổi 18, tuổi nói chung được công nhận là hợp pháp để có trách nhiệm với hành động của mình. Thời gian này cũng cho thấy một thanh niên, thiếu nữ đã khôn lớn, và có khả năng bước vào những thách đố của cuộc đời.

 

Nhưng phải đến tuổi 30 “Tam thập nhi lập”, sự phát triển đồng đều về tâm sinh lý mới tạm chín muồi. Lúc này các bạn trẻ đã trở nên những người đàn ông, những thiếu nữ bước vào đời với thái độ tự tin và tài năng trong tay. Họ hăng say nhìn về phía trước để bước lên những bậc thang danh vọng, địa vị, và thành công. Tuy nhiên, đây là thời gian của những kiến tạo, khai phá, và tương lại nên việc phát triển về tâm lý và tâm linh vẫn chưa hoàn toàn đạt mức trưởng thành và hoàn hảo. Phải để cho những va chạm, vấp ngã, và thử thách cuộc đời tôi luyện cho đến khi con người đạt được tuổi “già” là tuổi 60.

 

60 năm về sau:

 

60 tuổi, cái tuổi cán mốc phân chia ranh giới giữa già và trẻ. Ngã rẽ thứ hai của đời người. Với những tiến bộ của khoa học, của y khoa người ta hy vọng có thể kéo dài tuổi thọ đến 120 tuổi. Thời gian con người được cho là chín chắn hơn, biết suy nghĩ hơn, và biết đi vào cuộc sống của chính mình. Thời gian của tu tỉnh về tâm lý, tâm linh, và những giá trị siêu hình.

Nhờ nhận ra và ý thức được chữ tâm ở tuổi này, và do chính cái tâm ấy làm cho cuộc đời người cao niên trở nên đáng quí, đáng kính, đáng yêu chứ không phải do ý nghĩa thời gian của tuổi 70, 80, 90, hoặc 100.

 

Tóm lại, tuổi trẻ người ta lo tìm danh vọng, tiền tài, địa vị và quyền lực. Khi về già, trải qua những kinh nghiệm của cuộc sống, người ta mong tìm những giá trị mang tính cách vĩnh cửu, đạo đức và tinh thần.

 

Tâm sinh lý và tuổi thọ:

 

Khi đề cập đến sức khỏe thể lý và tâm lý, có nghiên cứu cho rằng 70% những chứng bệnh thông thường đều phát sinh do tâm lý bất ổn. [7] Y học hiện đại chỉ ra ung thư, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, lở loét dạ dầy, nhức đầu, sổ mũi, khó tiêu hóa, kinh nguyệt không đều, mất ngủ, cáu gắt, buồn bực … những triệu chứng này có liên quan tới áp lực tâm lý. Những bất ổn về tâm sinh lý này, theo Khôi Nguyên giải Nobel Vật Lý là Elizabeth Blackburn, rất quan trọng có ảnh hưởng đến tuổi thọ. [8]

 

3. THEO TRIẾT LÝ HOÀNG HẠC

 

Một mai, một cuốc, một cần câu.

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ.

Người khôn, người đến chỗ lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp.

Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.[9]

 

Để thấu triệt được triết lý sống như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là dễ và ai cũng nhận ra và sống được. Triết lý này phản ảnh triết lý “buông bỏ,” “vô thường” trong đạo Phật, hoặc “phó thác” theo tinh thần Kitô Giáo. Một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, hòa nhịp với thiên nhiên nhưng không mang sắc thái tiêu cực, trốn chạy, và mặc cảm.  

 

Do đó, để biết sống và hòa nhịp với thiên nhiên, với đất trời, sống một cách đơn sơ và dung dị con người phải có công tu tập. Phải thực hiện nó trong cuộc sống thường ngày. Hai chữ “buông bỏ” gắn liền với hai chữ thân tâm. Sự gắn bó của nó là sự gắn bó tự nhiên, nhưng cũng là một thử thách cho lối sống.

 

Như đã trình bày sơ lược ở trên, tâm thân của 60 năm về trước bao gồm tâm lý sống, đạo đức xã hội, phát triển thể lý và trí tuệ, sức khỏe để bước vào đời, chinh phục đời. Giá trị mà phần lớn những thứ này có được dựa vào vật chất, vào thế giới chung quanh, nay còn mai mất!

 

Nhưng phải đến 60 năm về phía sau, con người mới thực sự tìm về với chính mình, tu tỉnh để tìm gặp những giá trị đạo đức thật. Tâm thân lúc này phản ảnh đời sống tâm linh, giá trị của việc làm chủ được con người bản năng, và thực hành đạo đức cá nhân.   

 














(
Biểu diễn bài tập căn bản HH trong buổi họp mặt tân niên 2020)

Do sự hài hòa giữa tâm và thân sẽ tạo ra một lối sống an bình, đem lại cho ta mỗi phút giây trong cuộc sống cái ý nghĩa trọn vẹn của nó. Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc là môn học giúp cho những ai chuyên tâm học tập luyện được tâm và cải hóa được thân để đem lại hài hòa cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

 

-Nhờ học biết cách thở, cách vận hành khí huyết, và cách giữ cho thân được quân bình, nhẹ nhàng qua những chuyển động bấm, vòng, vươn, buông, người tập cảm được sự thoải mái, thân thể trở nên khỏe mạnh.

 

-Nhờ học biết giữ tâm trong sáng, tránh tạp niệm, xua bỏ những tư tưởng tham, sân, si, nên người tập biết nhìn đời một cách lạc quan, vui vẻ, và bình thản.
 

-Nhờ học cách hòa hợp giữa tâm, trí, và thân một cách nhịp nhàng, người tập như ôm được càn khôn trong vòng tay, hít thở từng hơi thở của đất trời với một trạng thái thanh bình, an nhiên.

 
 

Từng nhịp đập con tim, từng cử động của thân thể như những nốt trong một bản nhạc thiên nhiên, được hòa âm do Đấng Tạo Hóa, nhờ đó cuộc sống được vui mừng, hy vọng, thanh thoát, nhẹ nhàng, và thể hiện sự buông bỏ trong từng ngày trong cuộc sống. Sống trong tâm lý buông bỏ như vậy là sống thọ, là sống trên cõi đời ô trọc mà như đang dạo chơi trong một khu vườn với đầy hoa thơm, cỏ lạ.  


Nguồn: 

1. Physical Development Physical Developmental Milestones. (Virtual Lab School).

2. Physical development. Most teens enter puberty by age 15. Growth and Development,

Ages 15 to 18 Years. C.S. Mott Children’s Hospital. University of Michigan Health.

3. Tục Ngữ Phong Dao. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.

4. Late Adolescence/Young Adulthood (Ages 18 – 24 years).

5. Old age – Wikipedia.

6. https://www.agedcareguide.com.au › talking-aged-care.

7. Tài Liệu Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc. Dr. Dương Đức Huyên.

8. Elizabeth Blackburn - Wikipedia  https://www.ted.com/talks/elizabeth_blackburn_the_science_of_cells_that_never_get_old/transcript.

9. Cảnh Nhàn. Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Văn Ngọc, Nam thi hợp tuyển, NXB Bốn Phương, Hà Nội, 1951.

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT