Đời Sống Việt

Tâm tình người cựu chiến binh Mỹ

Thursday, 02/04/2015 - 08:50:27

Nhờ vậy mà tôi có dịp nghe và hiểu nhiều về tâm tư của những người đã từng một thời đổ mồ hôi đổ máu bảo vệ cho chúng tôi an vui cắp sách đến trường cho đến ngày mất nước ra đi .

BS Dương Minh Đường

“Whenever possible I try to sit down with vets and talk with them, because I understand and it makes me sad. It hurts me and it will go to my grave that I made a huge, huge mistake that made a lot of people think I was against the soldiers.”
Jane Fonda Jan 19, 2015 .

30 tháng 4 năm nay 2015, người Việt Nam sẽ kỷ niệm “Ngày Không Quên” lần thứ 40! Một lần nữa, hình ảnh của Jane Fonda đội nón cối ngồi trong ổ súng phòng không cười giỡn, vỗ tay và chụp hình với bộ đội CS tuyên bố những lời nhục mạ binh sĩ Mỹ đang đổ máu trên chiến trường miền Nam giúp VNCH chống lại sự xâm lăng của bộ đội miền Bắc, làm tôi nhớ lại câu nói của một bịnh nhân hơn 25 về trước và làm sống lại một câu chuyện đau lòng mà tôi thấy phải ghi lại cho thế hệ đời sau hiểu nhiều hơn về cuộc chiến tranh đã chia rẽ dân Mỹ dù họ đã tốn không biết bao nhiêu sinh mạng và tiền bạc và cuối cùng phải rời bỏ ngày 30 tháng 4, 1975.
Sau khi hoàn tất chương trình Residency 4 năm ở Chicago năm 1983, tôi trở lại thành phố Seattle làm việc trong bệnh viện Pacific Medical Center. Bệnh viện săn sóc phần lớn các cựu chiến binh trong đó đa số là cựu quân nhân về từ Việt Nam. Nhờ vậy mà tôi có dịp nghe và hiểu nhiều về tâm tư của những người đã từng một thời đổ mồ hôi đổ máu bảo vệ cho chúng tôi an vui cắp sách đến trường cho đến ngày mất nước ra đi .
Tôi có một kỷ niệm khó quên với một sĩ quan không quân Mỹ tên là John, còn họ thì quên nhưng chắc không cần nêu ra đây. Lần đầu tôi gặp John là lần ông ta đi khám bệnh tổng quát sau chuyến đi nghỉ hè ở Mexico về. Ông là cựu Trung Tá chỉ huy một không đoàn vận tải C130 chuyên đi thả dù tiếp tế và đồng thời rải chất khai hoang “Agent Orange” tiêu diệt các rừng rậm, nơi ẩn trú của bộ đội Bắc Việt. Chiều đó John khám bệnh vì ông cảm thấy mệt mỏi khác thường dù mới đi nghỉ hè với vợ ở Mexico 2 tuần, không bị bệnh tiêu chảy hay cảm sốt thông thường khi đi du lịch bên Mexico. Khám xong tôi không thấy gì đặc biệt trên con người rất khỏe mạnh ngoại trừ vẻ mệt mỏi nên gởi ông đi thử máu tổng quát và nói chắc ông bị quá nhiều stress khi trở lại làm việc cho Boeing sau chuyến nghỉ hè. Tối đó tôi đang ngồi ăn với gia đình thì có cú điện thoại từ phòng thí nghiệm cho biết ông bị thiếu máu và phết mỏng máu có nhiều “blast cell” rất đáng lo ngại. Tôi vội vã gọi cho John bắt ông trở lại bệnh viện sáng hôm sau thử máu trở lại.
Thử nghiệm lần này cũng cho kết quả như tối qua với nhiều tế bào máu bất thường. Gọi hỏi ý kiến BS chuyên khoa Máu cùng làm trong bệnh viện thì được khuyên phải cho nằm bệnh viện lập tức để lấy tủy xương định bệnh ung thư máu cấp tính. Gương mặt của John thoảng thốt khi nghe tôi nói ông cần vào bệnh viện gấp. Ông linh tính là có chuyện chẳng lành nhưng không nói lời nào, chỉ mượn điện thoại báo cho vợ biết rồi im lặng ngồi chờ xe cứu thương đến chở đi.
Kết quả khám nghiệm tủy xương cho biết John bị “Acute Myeloblastic Leukemia”, một trong những loại ung thư máu nguy hiểm nhất. Ông được trị liệu với thuốc chống ung thư ngay lập tức sau đó với rất nhiều biến chứng phụ và nhiều lần ra vào bệnh viện. Vì vậy, tôi có dịp tìm hiểu nhiều hơn về cuộc đời làm phi công của John và những cảm nghĩ về cuộc chiến tranh Việt Nam dưới mắt nhìn của một sĩ quan Mỹ. Ông tình nguyện vào không quân và phục vụ 2 lần trên chiến trường Việt Nam, lên đến chức Trung Tá chỉ huy một không đoàn C130 vận tải , căn cứ chánh ở Đà Nẵng, nhiệm vụ chánh là thả dù tiếp tế, bắn yểm trợ và thả chất khai hoang trong rừng rậm ban đêm. Lúc đó thật sự các phi công và nhân viên trên máy bay không biết nhiều về các nguy hiểm của chất khai hoang nên chỉ được lệnh mang bao tay và mặt nạ bảo vệ không dính hay hít chất đó vào người. Thường thì các bình đựng chất khai hoang chứa trong các bình cột dù mở nắp trước khi được tống ra sau đuôi phi cơ bay ở cao độ thấp và chậm, nhiều khi gió thổi bạt hơi bay vào tràn đầy phi cơ thì cũng phải bị hít vào dù có mang mask. Hai tuần sau khi thả thì bay trở lại ban ngày chụp hình xem hiệu quả ra sao và ông rất kinh ngạc trước sức tàn phá không tưởng tượng nổi của nó, mọi sinh vật cây cối gần như biến mất hẳn, phải nhiều tháng sau mới dần dần phục hồi trở lại .
Suốt thời gian phục vụ ở Đà Nẵng, John có dịp đi thăm cảnh, tắm biển và thưởng thức các món ăn địa phương. “Tôi thích nước mắm” là câu nói John học được với giọng khàn khàn lơ lớ của dân ngoại quốc học tiếng Việt nhưng ông có vẻ thích thú lắm. John hay hỏi tôi về cuộc di tản và hội nhập vào đời sống Mỹ, chăm chú lắng nghe tôi kể hành trình tìm tự do của gia đình tôi từ Saigon qua Subic Bay, Guam, Fort Chaffee, Arkansas, trước khi định cư ở Seattle rồi lang bạt qua Chicago đến khi về lại làm việc ở bệnh viện để gặp ông ta như định mệnh được ai đó an bài. Nghe tôi kể chuyện hải quân Mỹ vớt dân tị nạn lên hạm đội, chuyện đón tiếp quá chu đáo ở mọi nơi dừng chân trên đường đến định cư, ông ta hơi khôi hài tuyên bố: “Dân tị nạn được đối xử tử tế hơn chính quân đội Mỹ trở về sau khi phục vụ ở VN! Nếu đi phi cơ quân đội thì được tiếp đón niềm nở ở phi trường còn nếu lỡ không có phi cơ để bị bắt đi phi cơ dân sự về đến nơi thì dân chúng đối xử tệ lắm, có người bị sỉ vả hay có những cử chỉ chống chiến tranh làm đau lòng khi biết việc hy sinh sinh mạng của mình không được đền đáp.”
Sau nhiều đợt hóa trị, John không được bình phục theo ý muốn mà càng ngày tình trạng càng tệ hơn. BS chuyên khoa trị Ung Thư là một bạn khá thân cùng bệnh viện bàn với tôi xin cho John vào chương trình ghép tủy xương sớm xem có giúp bịnh nhân đạt được tình trạng hồi phục, hi vọng kéo dài sự sống hơn là tiếp tục hóa trị rồi bị nhiều phản ưng phụ chết sớm hơn. John nghe nói thì phấn khởi lắm, coi bộ chịu khó ăn tẩm bổ, đi lại vận động và lên tinh thần trong lúc chờ đợi sự chấp thuận từ Fred Hutchinson Cancer Research Center là bệnh viện nổi danh toàn quốc Mỹ và cả thế giới về những thành công trong việc ghép tủy xương, dù lúc đó họ giới hạn số tuổi tối đa để được ghép là 60. John thì mới qua 60 vài tháng nên BS Ung Thư hi vọng được miễn tuổi. Khoảng thời gian đó dù rất thành công trong việc ghép tủy xương , Fred Hut rất cẩn thận trong việc lựa chọn bệnh nhân để bảo đảm sự thành công và bảo vệ uy tín của cơ quan. Họ chọn tuổi để ghép là dưới 60, sau này số tuổi tăng dần, trên 65 họ vẫn làm!

Một buổi sáng thứ Tư, như thường lệ tôi đều đi dự M&M conference (Morbility & Mortality/Họp về Bệnh và Chết), và lúc nào cũng gặp đủ mặt các BS chuyên khoa trong đó có anh bạn bên Ung Thư. Sáng đó anh chận tôi tại cửa vào và nhắn: “Sau giờ conference, tao cần mầy đi với tao lên phòng nói chuyện quan trọng về John.” với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Tôi linh tính có gì trục trặc hay bệnh John trở nặng hết cứu nổi nên sau đó gặp anh rồi cùng đi lên lầu thăm bệnh. Trên đường lên cầu thang anh cho tôi biết tin chẳng lành: Fred Hut cho biết họ từ chối nhận John vì quá tuổi và bệnh nhân chưa bao giờ đạt được tình trạng thật ổn định (remission) đủ lâu để bảo đảm sự thành công của việc ghép tủy xương. Anh nói tôi biết John lâu hơn nên chắc tôi tìm lời nói khéo để cho John không quá thất vọng. Thật là một điều khó nói mà chẳng bác sĩ nào muốn tình nguyện trực tiếp nói với bệnh nhân của mình nhưng tôi vì nể bạn nên đành làm theo .
Lên đến phòng thì John đang nằm xem TV, người lúc này xanh xao ốm nhiều trong bộ áo bệnh nhân rộng thênh thang, chung quanh người dây nhợ truyền nước biển, trụ sinh cả 2 bên tay với các vết bầm vì lượng tiểu cầu máu xuống quá thấp, thật khác hẳn bức hình John chụp trong bộ quân phục đồ bay oai vệ thuở xưa mà vợ hắn đem đặt ở bàn. Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của bác sĩ Ung Thư cùng sự hiện diện của tôi, John ngạc nhiên bật miệng hỏi: “How are you Doc? What's new?”
Tôi thật sự hơi mất bình tĩnh nên im một lát rồi nhỏ nhẹ đặt tay lên vai John nói:
“John, tôi và BS Fer hôm nay lên đây cho anh biết một tin không vui lắm. Anh cũng biết mặc dù đã cố gắng hết sức trị hơn 6 tháng nay mà tủy xương của anh vẫn chưa vô tình trạng hết sạch tế bào ung thư máu. Hi vọng cuối cùng là thử xin với Fred Hut cho anh vào chương trình sớm hơn, chỉ đợi lúc tế bào ung thư máu xuống gần zero là ghép tủy xương liền. Tuy nhiên họ viện dẫn lý do anh quá 60 và chưa vào giai đoạn remission mà bác đơn xin của bác sĩ Fer hôm qua. Tôi và BS Fer bắt buộc lên đây cho anh biết quyết đinh đó, hi vọng anh đừng lấy làm buồn mà vững tâm trị chemo cho đến khi đạt đúng tiêu chuẩn đòi hỏi thì nộp đơn xin lại. Anh nghĩ sao?”
John nằm im không nói một lát sau rồi nhìn tôi thốt lên:
“Well, nếu họ đã quyết định như vậy thì tôi cũng phải chấp nhận thôi. Ôi, có thể đó là chuyện định đoạt của Thượng Đế. Nhưng BS Đường, tôi muốn nói với ông câu này, your country VietNam is beautiful, we Americans came to destroy it, now I pay the price.” (BS Đường, xứ sở của ông rất đẹp đẽ nhưng người Mỹ chúng tôi đến phá hủy nó, thành thử bây giờ tôi trả món nợ.)
Nghe xong tôi há hốc bất ngờ quá sức khi câu nói đó phát xuất từ một người Mỹ chưa bao giờ theo đạo Phật để thấu hiểu luật Nhân Quả mà nay lên tiếng nói như vậy, phải chăng anh ta thấy những sự tàn phá ghê gớm của thuốc khai hoang “không một sinh vật nào sống sót nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi vùng đó bị chất khai hoang mà tụi tôi liên tục trở lại chụp hình theo dõi” mà trở nên tin tưởng vào luật nhân quả nhà Phật “ Ai gieo gió người đó gặt bão về sau”.
Theo các tài liệu sưu tầm từ anh bạn bên Ung Thư thì không có chất độc nào từ xưa đến giờ mạnh bằng chất khai hoang Agent Orange, có thể gây ra mọi loại bệnh Ung Thư và bệnh Di Truyền cho nhiều thế hệ vì chất đó thấm vào lòng đất vào nước uống thức ăn ở chỗ xa nguồn gốc nơi chất độc được thả. Có lần anh bàn với tôi: “Tao xin một ngân quỹ từ NIH (National Institute of Health) rồi tao với mầy xin nghỉ làm bệnh viện một năm về Việt Nam thu thập các dữ kiện chứng minh sự tác hại ghê gớm đó.” Tôi chỉ hững hờ trả lời để coi!
Từ sau hôm đó, John đâm ra ít nói, hay nằm vắt tay lên trán nhìn lên trần nhà mỗi lần tôi ghé thăm. John hay hỏi về các địa danh ở miền Trung mà tôi thì chưa bao giờ đặt chân đến nên hắn nói đùa: “Quê hương ông mà ông biết ít hơn tôi, có dịp tôi dẫn ông về hướng dẫn đi thăm đây đó khỏi cần người chỉ dẫn.”
John đâm ra thân thiện với tôi hơn, khen các món ăn Việt, con gái Việt với áo dài, các bãi biển trắng xóa chưa hề có bước chân du khách, và mong ước có ngày trở lại thăm các nơi chốn đó. Nghe John nói càng làm tôi có cảm tình với một người cựu chiến binh đã hi sinh quãng đời tuổi thanh xuân đến một nơi xa lạ giúp chúng ta đánh chống giặc ngoại xâm mà nay bị vướng vào bệnh nan y - không chắc do chất khai hoang - mà tình trạng bệnh tình ngày càng xuống dốc. John gần như ra vào bệnh viện hàng tuần để truyền máu nhưng vẫn không bù đắp nổi sự mất mát do tủy xương không còn làm đủ phận sự tạo tế bào máu cho cơ thể. Rồi chuyện gì phải đến cũng đến, một ngày John bị xuất huyết não, vào hôn mê và qua đời vài hôm sau đó. Tổng cộng từ lúc bắt đầu khám phá bệnh đến ngày John qua đời chưa được một năm.
Hơn 25 năm nay, mỗi lần thấy Jane Fonda xuất hiện rồi bị các cựu chiến binh Mỹ biểu tình chống đối là tôi lại nghĩ đến người phi công John là một trong những nạn nhân của các tay phản chiến đâm sau lưng chiến sĩ mà tiếc thầm cho John không còn sống để góp mặt trong các cuộc biểu tình đó. Rồi cuối cùng gần đây nhất đầu tháng Giêng năm nay 2015, cô ta lên đài truyền hình trả lời cuộc phỏng vấn về các hành động của cô trong chiến tranh Việt Nam và chính thức xin lỗi tất cả binh sĩ Mỹ về hành động ngu xuẩn của mình sẽ theo cô đi xuống tuyền đài! Dù muộn nhưng còn hơn không. Tiếc thay bao nhiêu quân sĩ đã ngã xuống trước khi cô thức tỉnh 40 năm sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt.
Hôm nay, ngày cuối năm trước khi dân Việt Nam trong và ngoài nước đón mừng năm mới Ất Mùi và 2 tháng sau thì kỷ niệm 40 năm “Ngày Không Quên 30 tháng 4”, tôi chợt nhớ lại câu nói của John ngày hôm đó và muốn đốt lên một nén hương trước bàn thờ tổ tiên và nhắn nhủ đến người bạn đồng minh rằng:
“John, ông không làm một điều gì ác độc trái lương tâm khi nghe lời thượng cấp trong các phi vụ thả chất khai hoang trong cuộc chiến tranh VN lúc đó để phải hối hận về các hành động của ông rồi nghĩ rằng bị trừng phạt làm nhiễm bệnh hiểm nghèo mất mạng. Cả tôi với ông không ai biết rõ những hậu quả ghê gớm của chất độc đó cho đến vài chục năm sau, đến nỗi chánh phủ Mỹ bị chỉ trích nặng nề và phải đền bồi cho các cựu chiến binh Việt Nam dài dài. Hãng sản xuất thì khai phá sản để phủi tay không chịu trách nhiệm đền tiền có thể lên đến tỉ tỉ đô la.
Tuy nhiên luật Nhân Quả đã ứng dụng vô cô Jane để 40 năm sau cô ta thú tội và sợ nó sẽ theo đuổi cô ta đến cuối cuộc đời. Người hối hận và lãnh trọn hậu quả cho hành động mình làm lại là cô Jane. Tôi ước mơ giờ này nơi chốn Thiên Đường ông thấy thanh thản dứt nợ trần, còn “ai gieo gió người đó gặt bão” thì để cho cô Jane hứng. Đó mới thật là Luật Nhân Quả nhà Phật. Rest In Peace my friend.”

Giao thừa năm Ất Mùi 2015
BS Dương M. Đường

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT