Thể Thao

Tản mạn về năm đội banh quốc gia hàng đầu thế giới

Saturday, 03/10/2015 - 08:42:18

“Chúng mày muốn xếp hạng chúng ông vào hạng mấy là thây kệ chúng mày, còn chúng ông thì chỉ cốt làm sao thắng trận là mục tiêu tối hậu”!

Lionel Messi của Barcelona, đồng phục xanh đỏ, với quả banh và Cristiano Ronaldo, giữa, Marcelo và Kroos của Real Madrid vây quanh trong một trận tại sân Camp Nou của Barcelona vào tháng Ba 2015. (Getty Images)

 

Tản mạn về năm đội banh quốc gia hàng đầu thế giới

Bài THANH NGUYỄN

Ngày 1 tháng 10, tổ chức bóng đá thế giới - FIFA- đã cho công bố bảng sắp hạng các đội túc cầu của toàn thế giới. FIFA, tổng hiệp hội bóng đá thế giới, quy tụ 6 hiệp hội bóng đá thế giới là CAF cho Phi Châu, CONCACAF cho Bắc, Trung Mỹ và vùng biển Caribbean, CONMEBOL cho Nam mỹ; OFC cho 15 quốc gia hải đảo lớn bé vùng biển phía Nam Thái Bình Dương, trong đó đáng kể nhất là Úc, Tân tây Lan, Nam Dương; AFC cho Á Châu – từ Nhật ở viễn Đông qua đến Saudi Arabia phía Tây; và UEFA cho Âu Châu. FIFA quy tụ 209 hiệp hội bóng đá với 209 đội tuyển quốc gia của ngần ấy nước từ lớn đến bé; bé nhất là San Marino với trên dưới hai mươi lăm nghìn dân.

Cứ mỗi tháng trong năm thì FIFA lại cập nhật bảng sắp hạng một lần tùy theo kết quả của từng đội ở các nước. Phương pháp tính toán để đi đến việc sắp hạng là căn cứ vào rất nhiều yếu tố. Tất nhiên là với hoạt động thiên biến vạn hóa của từng trận banh, từng đội banh mà truy cho ra con số này, hệ số kia rồi bảo là kết quả thâu lượm được để dẫn đến một quá trình xếp hạng hoàn toàn khoa học và khách quan thì là cả một chuyện cực kỳ tương đối.

Giá như chỉ cứ căn cứ vào mỗi một tiêu chuẩn duy nhất, với tính cách như một ví dụ đơn giản nhất, là bất biết anh đấu với ai, cứ trong một, hai, ba... tháng anh đấu bao nhiêu trận, thắng bao nhiêu bàn thì cứ lấy số bàn thắng làm chuẩn là xong chuyện! Nhưng họ đời nào tính toán kiểu giản lược như vậy! Họ còn phân biệt xem anh đấu với đội mạnh hay đội yếu, đấu chơi (“thân hữu”) hay đấu thật, v.v…. và v.v. Nhưng đưa càng nhiều yếu tố vào thì lại càng là đề tài để người ta có thêm chi tiết mà tranh cãi! Có điều là FIFA nó muốn xếp hạng ra sao thì xếp, còn một khi đi dự tranh giải này hay giải kia thì thái độ chung của tất cả các đội lớn bé đều được quy về một thái độ then chốt:

 “Chúng mày muốn xếp hạng chúng ông vào hạng mấy là thây kệ chúng mày, còn chúng ông thì chỉ cốt làm sao thắng trận là mục tiêu tối hậu”!

Bởi thế mà, nếu như từ đầu năm đến nay, FIFA vẫn cứ xếp Argentina vào hạng nhất trong khi Đức vẫn cứ đứng hạng nhì thì hẳn nhiên là Jurgen Loew, huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia Đức chỉ việc cười khẩy mà nói: “Cóc biết! Chỉ biết chúng ông hiện là đương kim vô địch thết giới, chúng ông đã thắng Argentina 1- 0 ở kỳ World Cup năm vừa rồi”!

Nói về chuyện tranh cãi thì hồi tháng 7 năm nay, sau khi FIFA ra bảng xếp hạng cho các đội tuyển quốc gia thế giới thì một bài báo mục “Sports” trên tờ Business Insider – là báo về làm ăn, kinh doanh, thương mại chứ không chuyên về thể thao – phàn nàn là “FIFA đã sai lầm khủng khiếp –nguyên văn là hai chữ “horribly flawed”- trong việc phân hạng các đội tuyển thế giới. Người viết tất nhiên đã thắc mắc tại sao Argentina lại đứng đầu trong khi vô địch thế giới là Đức! Kể ra, nếu tranh cãi cho đến cùng, và nhất người tranh cãi là “fan” của đội Argentina hoặc/và “fan” của Messi, thì sẽ nói ngay là: “Thắng có mỗi một bàn trắng vào những phút cuối của trận đấu thì đâu đã xác định được là mình hơn hẳn người ta? Còn chuyện hên xui may rủi, gặp lúc gặp thời trong bóng đã nữa chi ?” v.v.

Chỉ biết là tác giả bài báo nêu trên, Tony Manfred, người Mỹ, thì có khi cũng ấm ức không ít vì cái khoản Mỹ bị xếp vào hàng thứ 34 sau khi đã thắng Đức, Hòa Lan, Honduras, Guatemala trong 4 trận vào tháng 6, 2015. Có điều là nếu gặp “chuyên viên” của FIFA về mặt đó thì người này sẽ chép miệng nói: “Nhưng ấy là mấy trận thân hữu, chứ còn mà ra đến World Cup thì trước hết Mỹ đã khó lọt vào tứ kết thì chớ, rồi vạn nhất có lọt được vào đến đó mà gặp Đức hay Hòa Lan thì chúng nó đá cho “sặc gạch” ấy chứ lị “!

Của đáng tội thì trong bài viết về bảng xếp hạng của FIFA được công bố ngày 1/10 vừa qua, tác giả Jason Alsher của “Sports Cheat Sheet” đã mở đầu với câu, “Có lẽ ở bên Mỹ này thì ta mới để ý đến thứ hạng các đội tuyển quốc gia khi có giải World Cup chứ còn bình thường ra thì đội bóng nước mình thuộc loại kém vai kém vế rất mực – nguyên văn là chữ “underdogs.”

Tóm lại thì nếu trong lúc trà dư tửu hậu mà ta xoay qua hỏi một ai đấy ta tình cờ bắt gặp đang say sưa bàn chuyện bóng đá: “Vậy chứ theo ông thì đội bóng nước nào là ngon lành hơn cả?” thì thể nào ta cũng có nhiều câu trả lời khác nhau.

Rồi nếu như ta đưa cho họ xem bảng phân hạng của FIFA thì thể nào những người trả lới câu hỏi vừa nêu cũng sẽ thấy chẳng mấy khớp với cách đánh giá của mình. Từ đấy lại có tranh cãi ỏm tỏi. Kể cả những luận cứ như: “Ôi dào! Tin làm gì vào cách sắp hạng của FIFA ? Hai cái hãng bảo trợ lớn nhất của nó là Coca Cola và McDonald’s thì hôm nay chả vừa ra tuyên cáo yêu cầu lão chủ tịch Blatter phải thoái vị ngay tức thì lả gì? Chủ Tịch của nó mà còn bê bối như vậy thì cách tính điểm cho đội banh này hay đội banh khác làm sao đáng tin cậy cho được? “Kiểu như vậy! Tuy phải nói rằng đấy cũng là một mặt kỳ thú của trò xem đá banh!”

Vậy thì sau khi ai nấy đã có cách nhìn hay định kiến là đội nào đáng mặt “yêng hùng “ nhất trongt bóng đá thế giới thì đây là 5 đội được FIFA xếp vào hàng đầu cho thời gian gần đây nhất:

1/ Argentina ( Đội có Messi )

2/ Đức

3/ Bỉ

4/ Bồ Đào Nha ( Đội có Ronaldo )

5/ Colombia

(Đám kế tiếp: 6/ Tây Ban Nha, 7/ Brazil, 8/ Wales, 9/ Chile, 10/ Anh. Ý? Ý đứng thứ 17. Pháp? Pháp đứng thứ 22. “À lồng dằng-phăng...” lối về sau này tiến quân hơi chậm; nói theo câu mở đầu của quốc ca Pháp “Allons enfants de la patrie..” – “Nào, con dân của tổ quốc..”).

Những “fans” của Messi và Ronaldo thì đương nhiên là sẽ cãi nhau kịch liệt để coi xem Argentina với Bồ Đào Nha, đội nào đứng nhất đội nào đứng nhì! Chứ còn mấy đội kia ấy à? Một khi đã là “fans” của Messi hay Ronaldo thì còn ai “kể số” gì đần đội nào khác nữa nhỉ ? Mà không có cái say mê mang tính chủ quan như vậy thì sao gọi là “say mê” bóng đá ? Đã “say” và “mê” thì còn đâu chỗ cho những ý niệm “ấm ớ” như hai chữ “khách quan” ?

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT