Bình Luận

Tang chứng bất xứng

Monday, 17/07/2017 - 10:01:09

Xin trở lại với cái tựa “tang chứng bất xứng,” vì đúng ra tôi phải viết “tang chứng của sự bất xứng”- sự bất xứng của Tổng Thống Donald Trump -điều quá đáng mà đến giờ này vẫn chưa ai làm gì được để giải quyết sự bất xứng đó.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trên tờ Washington Post, ngày 14 tháng 7, bình luận gia Ruth Marcus viết, “Mỗi tuần một lần, hoặc chỉ vài ngày một lần là lại phải thấy một diễn biến mới, chứng minh tình trạng bất xứng của Tổng Thống Donald Trump; tang chứng vừa diễn ra cũng là tang chứng dễ giận nhất.”

Marcus là một tiến sĩ luật; cô học luật tại Harvard, tốt nghiệp tiến sĩ năm 1984; đáng lẽ theo nghề luật cô lại chọn nghề làm báo, và hiện đang viết bình luận trên tờ Washington Post. Tháng Ba 2007 cô được tuyển tham dự vòng chung kết giải Pulitzer Prize for Commentary - giải dành riêng cho bộ môn bình luận. Cô tự cho mình là một ký giả tự do, và một đảng viên Dân Chủ.


Marcus là một ký giả tự do

Ngành luật học tạo ảnh hưởng rõ rệt trong cách cô bình luận về tác phong “bất xứng” của tổng thống; cô dùng chữ evidence, trong cái tựa “the latest evidence of Trumps unfitness may be the most revolting” (tang chứng mới nhất của sự bất xứng của Trump cũng có thể là tang chứng dễ giận nhất).

Chữ evidence có nghĩa là một chỉ dấu; trong địa hạt tư pháp nó có thể là một bản điều trần (testimony), hoặc một tang vật nộp vào hồ sơ tòa, để khẳng định một sự việc.

Dễ giận vì tổng thống nói “chuyện có gì đâu,” “chuyện chỉ là chuyện thường tình trên địa hạt chính trị,” để bênh vực việc làm của con ông - đệ nhất công tử Trump Jr..

Marcus không đồng ý với tổng thống, không cho là việc thân nhân và bộ tham mưu của Trump- một trong hai ứng cử viên đang tranh chức tổng thống Hoa Kỳ- tiếp xúc với luật sư Nga Natalia Veselnitskaya để nhận những tài liệu tác hại cho ứng cử viên đối nghịch -bà Hillary Clinton- là việc bình thường, là “chuyện có gì đâu,” “chuyện thường tình trên địa hạt chính trị”.
 

Bố con Trump


Cô luật sư Nga Natalia Veselnitskaya

Marcus nhận định việc làm của Trump Jr. qua góc nhìn của một bình luận gia, và một công tố viên; cô thấy đó là một tội hình sự.

Tổng thống không đồng ý; ông nói với phóng viên Reuters trong một cuộc phỏng vấn, “rất nhiều người chấp nhận tham dự cuộc hội họp đó.” (many people would have held that meeting.) Ngày hôm sau, ông sửa lại câu ông nói, sửa chữ many thành chữ most; many là nhiều, most là phần đông, là đa số.

Câu nói của ông sau khi đã được sửa chữa là “I think from a practical standpoint, most people would have taken that meeting... Politics isnt the nicest business in the world, but its very standard.” (Tôi nghĩ, nhìn qua góc cạnh thực tế, phần đông cũng tham dự cuộc gặp gỡ đó... Chính trị không hề là sinh hoạt đẹp nhất trên thế giới, nhưng nó cũng thật là thông thường.)

Bình luận gia Marcus kể lại việc làm của cậu con, và câu tuyên bố của ông bố; rồi cho là câu cậu con nói trong cuộc phỏng vấn trên Fox Newss còn tỏ ra có tư cách hơn bố, khi cậu Trump Jr. nói, “Giờ này, nghĩ lại, tôi thấy có lẽ tôi không nên hành xử như vậy,” rồi nhận định Trump Jr. ngay thẳng hơn, vì còn biết nhận lỗi, trong lúc ông bố cậu cãi chầy, cãi cối, cãi cho bằng được.

Marcus viết, “Tôi biết Trump là người không bao giờ nhận lỗi; tôi cũng thông cảm cái trực giác bênh con bằng mọi giá của ông ta, khi ông ta gọi Trump Jr. là “child” (thằng bé) mặc dù thằng bé đó đã 39 tuổi và đã có 5 đứa con.

“Tuy nhiên, việc thằng bé họp với người Nga vì nghe trung gian nói cô Veselnitskaya là luật sư làm việc với chính phủ Nga, và có tài liệu hạ nhục Hillary Clinton- đối thủ chính trị của bố- vẫn là việc không chấp nhận được.”

Marcus viết, “Kẻ thụ hưởng kết quả của cuộc gặp gỡ đó là vị đương kim tổng thống Hoa Kỳ; ông ta không nhận ra tính chất gian lận, tính chất thông đồng, và coi đó như một sinh hoạt chính trị bình thường; hình ảnh đó chắc phải làm nhiều người Mỹ nổi da gà.

“Cho đến giờ này, việc làm duy nhất của Trump để phản bác dư luận kết tội ông thông đồng với người Nga là hỏi Tổng Thống Nga Vladimir Putin, ông có thông đồng với tôi không?”

Quả là một bi hài kịch trực tiếp truyền hình bên lề cuộc họp Thượng Đỉnh G20 vừa rồi, nhưng Trump vẫn hãnh diện kể lại với phóng viên Reuters, “Tôi hỏi tổng thống Nga, Ông có thông đồng với tôi không?, ông ta trả lời, Thông đồng gì đâu? Làm gì có thông đồng; tôi gằn giọng hỏi lại, ông ta vẫn nói, Không hề có thông đồng.”
 

Không hề có thông đồng

Dù sao Marcus cũng quá khắt khe khi cô không nhìn nhận tổng thống xuất sắc diễn tuồng “không hề thông đồng với người Nga,” bằng cách hỏi thẳng tổng thống Nga “ông có thông đồng với tôi không?”
Marcus cũng không nhìn nhận là một số người vẫn tin là không hề có thông đồng vì Putin phủ nhận là ông không thông đồng; có người còn nói, “nếu thông đồng với Trump thì Putin sợ ai mà phải chối?”
Cuộc đối chứng lịch sử giữa hai nhân vật bị kết tội thông đồng với nhau để làm thay đổi nước Mỹ, diễn ra trước ngày cậu Trump Jr. nhìn nhận hội họp với người Nga. Đáng lẽ phải ngượng lắm vì bị lòi tẩy, Trump vẫn tỉnh bơ giải thích với truyền thông, “Chính tôi cũng không biết có cuộc họp, mặc dù cuộc họp có được ghi nhận đâu đó.”

Thái độ quen thuộc của Trump là “còn chối được cứ chối, không nhìn nhận bất cứ chuyện gì trước khi nội vụ bị phát giác,” và ông chỉ nhìn sự hiện diện của một sĩ quan phản gián Nga trong cuộc họp với con ông, sau khi một trong những nhân chứng “xì” ra chi tiết đó.

Marcus kết luận: góc hy vọng của tình hình đáng buồn này là nó giúp công tố viên đặc trách Robert S. Mueller III tiến hành cuộc điều tra của ông, và giúp quốc hội Cộng Hòa làm đúng vai trò dân cử của họ.
Mueller III và quốc hội Cộng Hòa? Trump đang coi thường cả hai. Ông gọi cuộc điều tra của Mueller III là việc “đuổi tà” đồng bóng, và bảo Thượng Viện Cộng Hòa là ông sẽ nổi giận, nếu họ không xé được đạo luật ObamaCare.

Xin trở lại với cái tựa “tang chứng bất xứng,” vì đúng ra tôi phải viết “tang chứng của sự bất xứng”- sự bất xứng của Tổng Thống Donald Trump -điều quá đáng mà đến giờ này vẫn chưa ai làm gì được để giải quyết sự bất xứng đó.

Cô Marcus hy vọng vào công tố viên đặc trách Mueller III, nhưng sức mạnh của nguyên cả một ngành truyền thông Hoa Kỳ, cộng thêm non nửa quốc hội Dân Chủ còn không làm gì được Trump thì trao gánh nặng cho một mình ông Mueller III có là một hành động tắc trách, làm cho có làm hay không? (ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT