Thế Giới

Tàu ngang nhiên dọa Nga về việc khai thác dầu hỏa tại Biển Đông của VN

Thursday, 17/05/2018 - 09:25:02

Ông Tsvetov khi đó có bài trên trang The Diplomat (21/4/2016) nói báo chí Trung Quốc hoan nghênh lời ông Lavrov, còn Bộ Ngoại Giao VN khi ấy đã đáp lại bằng cách kêu gọi “tranh chấp cần được giải quyết bởi tất cả các bên liên quan.”


Công ty Nga sắp rời biển Việt Nam?
Chủ Tịch Igor Sechin của công ty Nga Rosneft (giữa) đang cùng Chủ Tịch Nguyễn Vũ Trường Sơn của Petrovietnam đang viếg thăm một dàn khoan dầu của Rosneft tại Lô 06.1 vào tháng Ba năm 2016. Lô này gần với bờ biển Việt Nam hơn Trung Quốc, nhưng nay Bắc Kinh lên tiếng yêu cầu Nga phải xét lại những dự án khai thác dầu hỏa ở Biển Đông, nếu chưa được phép của Trung Quốc. (Hình: PVN/NSRP)


BẮC KINH - Rosneft Việt Nam BV, thuộc công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft, vừa lên tiếng bày tỏ sự lo ngại rằng công việc khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận, Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận về tình hình cho biết ngày thứ Năm.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tuyên bố không một quốc gia nào hay công ty nào được tiến hành khai thác dầu khí hoặc các tài nguyên khác “ở vùng biển của Trung Quốc” khi chưa được sự đồng ý của Bắc Kinh.
Bắc Kinh nhắc tới hoạt động mới đây của công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft tại khu vực ngoài khơi Vũng Tàu.

“Tôi đã xem các báo cáo có liên quan. Tôi muốn nhắc lại rằng không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được tiến hành khai thác hoặc phát triển hoạt động dầu khí tại vùng biển của Trung Quốc khi chưa được phép từ phía chính phủ Trung Quốc,” phát ngôn viên Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Năm, 17 tháng 5.

“Do đó, chúng tôi khuyên các bên liên quan hãy nghiêm chỉnh tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, chớ làm gì gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định trong khu vực.”
Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, cũng trong ngày thứ Năm, Rosneft nói hoạt động khoan thăm dò của hãng diễn ra trong hải phận của Việt Nam, hai ngày sau khi công ty con của hãng bắt đầu tiến hành việc khoan thăm dò ở vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam cùng ngày ra tuyên bố nói các hoạt động dầu khí trên biển được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế và trong vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Toàn bộ các hoạt động kinh tế trên biển của Việt Nam, gồm cả các hoạt động dầu khí, đều được cấp phép và tiến hành trên các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam,” phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.

Đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc đánh dấu một khu vực rộng lớn ở Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả những khu vực rộng lớn là khu độc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc làm cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trở nên mơ hồ. Mặc dù vậy, những năm gần đây Trung Quốc gia tăng tuần tra và thực thi công lực trong khu vực, tuyên bố có các quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên và mọi thứ tại đây.
Các bản đồ khu vực cho thấy lô 06.1 nằm vào khoảng 85 km bên trong khu vực tranh chấp.
Vị trí hoạt động mới nhất của Rosneft là trong Lô 06.01, thuộc dự án mỏ khí Lan Đỏ và nằm trong Bể Nam Côn Sơn.

Theo bản đồ khai thác dầu khí chính thức của PetroVietnam, thì Lô 06.1 nằm gần với bờ biển Việt Nam hơn so với các lô 07.03 và 136.03, những nơi đối tác khác của PetroVietnam đã phải dừng hoạt động thăm dò, khai thác hồi tháng Ba 2018 và tháng Bảy 2017 do áp lực từ phía Bắc Kinh.

Chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam trước đó đã tỏ ý lo ngại về việc hoạt động mới nhất của hãng có thể khiến Bắc Kinh tức giận, Reuters dẫn hai nguồn tin có liên hệ trực tiếp tới hãng, cho biết hôm thứ Tư.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Năm nói rằng hãng đã không hề tham vấn với chính phủ về hoạt động của hãng tại Biển Đông.

Theo trang tin euro-petrole.com chuyên về dầu khí, thì hiện Rosneft đang có một số dự án ở ngoài khơi Việt Nam.

Trong Lô 06.1, nằm cách bờ biển Việt Nam 370 km, chi nhánh của Rosneft tại Việt Nam là Rosneft Vietnam BV sở hữu 35% cổ phần các dự án, và đóng vai trò nhà điều hành dự án. Tại lô này có ba mỏ khí là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.

Trong số các dự án khác, Rosneft thông qua công ty con trên nắm 100% cổ phần và là nhà điều hành của các dự án dầu khí nằm trong Lô 05.3/11, ngay cạnh Lô 06.1. Tại lô này, Rosneft đã tiến hành khoan lần đầu tiên hồi tháng Sáu 2016 và lần thứ hai trong tháng Ba 2018.
Một công ty con khác của Rosneft là Rosneft Pipeline BV nắm 33% cổ phần trong dự án Đường Ống Khí Nam Côn Sơn.

Quan điểm cho đến ngày 14 tháng 4, 2016 của chính quyền Nga về Biển Đông được Bộ Trưởng Ngoại Giao Sergei Lavrov nói tại một cuộc họp báo quốc tế rằng Kremlin tôn trọng Công ước Luật biển (UNCLOS) và DOC.
Nhưng điểm đáng chú ý là ông Lavrov nhấn mạnh Nga “muốn các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông giải quyết trực tiếp với nhau,” và phê phán cách ông gọi là “quốc tế hóa” vấn đề, theo nhà nghiên cứu Anton Tsvetov.

Ông Tsvetov khi đó có bài trên trang The Diplomat (21/4/2016) nói báo chí Trung Quốc hoan nghênh lời ông Lavrov, còn Bộ Ngoại Giao VN khi ấy đã đáp lại bằng cách kêu gọi “tranh chấp cần được giải quyết bởi tất cả các bên liên quan.”

Hồi tháng Ba, PetroVietnam yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng dự án Cá Rồng Đỏ nằm trong Lô 07/03, khiến Repsol và các đối tác thiệt hại ước tính khoảng $200 triệu Mỹ kim đã đầu tư vào dự án.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh Lô 136/03, nơi mà cũng Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng Bảy năm ngoái.

Lô 136-03 là nơi PetroVietnam cho Talisman-Việt Nam, công ty con của Repsol thuê.
Cả hai công ty Rosneft và Gazprom của Nga đều có các dự án phát triển quan trọng trong vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Reuters dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết.

“Mặc dù các nhà ngoại giao Nga đã kín đáo bày tỏ quan ngại với các đối tác Mỹ rằng Trung Quốc có thể gây áp lực lên Moscow để chấm dứt các dự án này, nhưng cho đến nay Bắc Kinh đã kiềm chế chưa làm việc này vì quan hệ đối tác chiến lược ngày càng gần gũi hơn giữa hai nước,” ông Storey nói.

“Đây sẽ là một đòn nghiêm trọng đối với mối quan hệ đồng minh Trung-Nga đang phát triển nhanh chóng, nếu Bắc Kinh yêu cầu Moscow chấm dứt các dự án năng lượng ở Việt Nam,” chuyên gia của Viện ISEAS-Yusof Ishak nói thêm.

Trung Quốc đã trở thành điểm đến hàng đầu của Nga về xuất cảng, phần lớn bởi vì Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất cho Trung Quốc, chủ yếu thông qua các đường ống dẫn dầu.

Việc khoan dầu ở mỏ khí Lan Đỏ trong lô 06.1 sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị “Hakuryu-5” của công ty khoan dầu Nhật Bản, Reuters dẫn tuyên bố của Rosneft cho biết.

Hakuryu-5 đã được đưa đến khu vực tranh chấp vào ngày 6 tháng 5, theo dữ liệu công cụ theo dõi tàu Eikon của Thomson Reuters. Dữ liệu này vẫn ghi nhận thiết bị đang nằm ở lô 06.1 vào cuối ngày 16/5.
Việc khoan dầu có tầm quan trọng lớn đối với Việt Nam, vốn đang phải vật lộn để duy trì sản lượng dầu thô và khí đốt trong bối cảnh sản lượng từ các mỏ trọng điểm giảm và áp lực liên tục từ phía Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT