Thế Giới

Tàu, Phi hợp tác khai thác tài nguyên trên biển Đông

Tuesday, 25/07/2017 - 09:44:59

Bằng sự hợp tác với Phi Luật Tân, Bắc Kinh hy vọng đây sẽ là hình mẫu cho những nước Đông Nam Á khác, vốn cũng đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên biển Đông.

MANILA – Ngoại trưởng Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết, ông ủng hộ ý tưởng hợp tác khai thác năng lượng với Phi Luật Tân trên vùng biển Đông, và cảnh báo rằng mọi hành động đơn phương đều sẽ gây ra nhiều vấn đề và gây thiệt hại cho cả đôi bên. Tuyên bố của Ngoại Trưởng Vương Nghị được đưa ra trong chuyến thăm hai ngày tới Manila. Trước đó, vào hôm thứ Hai, Tổng Thống Rodrigo Duterte cũng thông báo đã tìm được đối tác để phát triển các giàn khoan dầu, và việc thăm dò và khai thác sẽ khởi sự trong năm nay. Ông Duterte không tiết lộ thông tin về đối tác hỗ trợ khai thác năng lượng.
Trước đó, Bộ Năng Lượng Phi Luật Tân hôm 12 tháng 7 nói rằng, việc khoan dầu tại vùng Reed Bank, vốn đã bị đình chỉ năm 2014, sẽ được khôi phục trở lại trước cuối năm nay. Chính phủ Manila cũng đang chuẩn bị công bố một số địa điểm đặt giàn khoan, để mời các nhà đầu tư đấu thầu vào tháng 12. Theo giới quan sát, việc khai thác năng lượng chung giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc sẽ là sự hợp tác đầu tiên giữa hai nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Trước đây, Phi Luật Tân từng hợp tác với các hãng dầu Hoa Kỳ để thăm dò các vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Phi Luật Tân chỉ nhận được khoản 30% lợi nhuận từ mỏ dầu. Giới chuyên gia tin rằng, Trung Quốc đang đưa ra đề nghị tốt hơn với Phi Luật Tân, với phần chia lợi nhuận ít nhất là 40% hoặc cao hơn. Bằng sự hợp tác với Phi Luật Tân, Bắc Kinh hy vọng đây sẽ là hình mẫu cho những nước Đông Nam Á khác, vốn cũng đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên biển Đông.

Duterte đòi Mỹ trả lại ba chuông cổ
MANILA - Tổng Thống Phi Luật Tân hôm thứ Hai đã yêu cầu Hoa Kỳ trả ba trái chuông từng bị các binh sĩ nước này lấy khỏi một ngôi làng cách đây hơn một thế kỷ. "Hãy trả lại chúng tôi những quả chuông Balangiga đó," ông Duterte nói trước Hạ Viện, trong một sự kiện có đại sứ Hoa Kỳ và các nhà ngoại giao khác tham dự. "Chúng là một phần di sản quốc gia của chúng tôi... hãy trả lại cho chúng tôi, điều này khiến chúng tôi đau đớn.”
"Chúng tôi hiểu những quả chuông của Balangiga có ý nghĩa quan trọng với rất nhiều người, cả ở Hoa Kỳ và ở Phi Luật Tân. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Phi Luật Tân để tìm ra giải pháp", bà Molly Koscina, phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ lên tiếng hôm thứ Ba. Những binh sĩ Hoa Kỳ lấy ba trái chuông từ làng Balangiga, miền đông Phi Luật Tân năm 1901 như những chiến lợi phẩm. Người Phi Luật Tân coi những trái chuông này là biểu tượng của cuộc đấu tranh dai dẳng giành độc lập. Những trái chuông là tín hiệu để báo cho người Phi Luật Tân tấn công lính Mỹ tại thị trấn ngày 28 tháng 9, 1901. Cuộc tấn công xảy ra sáng sớm hôm đó làm ít nhất 48 lính Hoa Kỳ thiệt mạng.
Binh lính Hoa Kỳ chiếm đóng ngôi làng sau khi kiểm soát Phi Luật Tân, một kết quả của cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ. Hai trái chuông hiện được trưng bày tại căn cứ không quân F.E. Warren ở thành phố Cheyenne, Wyoming. Chúng là một phần trong khu tưởng niệm những người lính Mỹ chết trong cuộc tấn công của người Phi Luật Tân năm 1901. Trái chuông thứ ba được quân đội Hoa Kỳ giữ tại Nam Hàn. Các cuộc thảo luận về việc trao trả chuông là một chủ đề dai dẳng trong quan hệ Hoa Kỳ - Phi Luật Tân.

Tàu hải quân Hoa Kỳ bắn cảnh cáo tàu Iran
PERSIA - Một tàu tuần tra Hoa Kỳ đã bắn cảnh cáo về phía một tàu Iran gần phía bắc Vịnh Persia, sau khi nó tiến vào khoảng cách gần 140 mét. Tàu USS Thunderbolt bắn cảnh cáo bằng súng máy hạng nặng, sau khi các nỗ lực liên lạc qua radio và còi báo hiệu bị tàu Iran phớt lờ. USS Thunderbolt, một tàu tuần tra lớp Cyclone, đã tham gia diễn tập với một tàu Hoa Kỳ và các tàu khác ở Vịnh Persia. Tàu Iran khi đó đến gần, cách tàu Hoa Kỳ khoảng 137 mét. Con tàu này dường như thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran.
Sau khi bị bắn cảnh cáo, tàu Iran dừng hành động khiêu khích nhưng vẫn ở lại khu vực trong nhiều giờ. Một số tàu Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực gần đó đang thực hiện tuần tra thường kỳ ở vùng biển quốc tế. Nhà chức trách Iran chưa bình luận gì về sự việc. Iran và Hoa Kỳ thường có các cuộc đối đầu hải quân căng thẳng ở Vịnh Persia. Hồi tháng một, một khu trục hạm Hoa Kỳ đã bắn ba phát cảnh cáo vào bốn tàu tấn công nhanh của Iran gần Eo biển Hormuz, sau khi các tàu nhỏ tiến sát với tốc độ cao, bất chấp những lời đề nghị giảm tốc độ.
Hiềm khích nhiều năm giữa Washington và Tehran đang bị thổi bùng trở lại, do những khác biệt lớn về chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Iran và các cuộc xung đột ở Syria, Iraq.

Bắc Hàn dọa tấn công hạt nhân Hoa Kỳ
BÌNH NHƯỠNG – Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn hôm thứ Ba tuyên bố: “Nếu Hoa Kỳ thể hiện ý định muốn thay đổi lãnh đạo tối cao Bắc Hàn, Bình Nhưỡng sẽ tấn công không khoan nhượng vào trung tâm của Hoa Kỳ bằng bom hạt nhân.” Thông điệp này nhằm lên án và phản đối lời tuyên bố gần đây của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương CIA Mike Pompeo. Trong một diễn đàn tuần trước, ông Pompeo đã ám chỉ đến khả năng thay đổi chính phủ ở Bắc Hàn. Ông Pompeo cho rằng, điều quan trọng nhất mà Hoa Kỳ có thể làm lúc này là xử lý riêng vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và người có ý đồ ra lệnh tấn công hạt nhân.
Hãng truyền thông Bắc Hàn KCNA nói rằng lời nói của ông Pompeo đã vượt quá giới hạn, thể hiện rõ ý định của chính quyền Tổng Thống Donald Trump trong việc can thiệp thay đổi chính phủ ở Bắc Hàn. “Nếu Bắc Hàn phát hiện mối đe dọa tấn công thì Bình Nhưỡng sẽ tiêu diệt những quốc gia tham gia hoặc có liên quan tới âm mưu đó, bằng mọi phương tiện vũ khí mà Bắc Hàn đang có, bao gồm vũ khí hạt nhân. Những người như ông Pompeo sẽ rất kinh ngạc khi phải trải qua những hậu quả thảm khốc và đau khổ do chống lại lãnh đạo Kim Jong-un,” KCNA nói.

Trung Cộng: Chặn máy bay Mỹ trên biển là cần thiết
BẮC KINH - Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm thứ Ba khẳng định việc hai chiến đấu cơ nước này áp sát máy bay Hoa Kỳ trên biển Hoa Đông cách đây hai ngày là hành động "hợp pháp, cần thiết và chuyên nghiệp.” Trung Quốc cũng kêu gọi Hoa Kỳ ngừng mọi hoạt động quân sự tương tự. “Các hoạt động trinh sát của Hoa Kỳ đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc, gây nguy hại cho an ninh hàng không và hàng hải giữa hai nước, đẩy phi công Hoa Kỳ và Trung Quốc vào tình thế nguy hiểm và cũng là nguyên nhân của các sự việc không mong muốn", Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố.
Sự việc xảy ra hôm 23 tháng 7 khi hai chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc chặn máy bay trinh sát tín hiệu EP-3 của Hoa Kỳ. Một chiếc J-10 áp sát và bay cách phi cơ EP-3 chỉ 90 mét, buộc máy bay Hoa Kỳ phải chuyển hướng. Viên chức Hoa Kỳ nói, máy bay Trung Quốc có vũ khí và vị trí nó chặn chiếc EP-3 cách thành phố Thanh Đảo khoảng 148 cây số.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Jeff Davis mô tả chiếc J-10 bay với tốc độ cao phía dưới máy bay EP-3, sau đó giảm tốc độ và bay lên phía trước phi cơ Hoa Kỳ. "Các vụ chặn xảy ra khá thường xuyên trên không phận quốc tế. Hầu hết đều được thực hiện một cách an toàn,” ông Davis nói.

Sri Lanka hoàn tất bán hải cảng cho Trung Quốc
COLOMBO - Chính phủ Sri Lanka đã chấp thuận việc bán cho Trung Quốc phần lớn cổ phần trong một cảng nước sâu, có lợi nhuận hơn $1 tỷ Mỹ kim. Bộ Trưởng Mahinda Samarasinghe cho biết, nội các Sri Lanka đã chấp thuận bán 70% cổ phần trong cảng Hambantota với giá $1.12 tỷ Mỹ kim cho China Merchants Port Holdings, một công ty xuất nhập cảng thuộc sở hữu chính phủ. Ông cho biết người Trung Quốc sẽ quản lý các hoạt động của cảng, và người Sri Lanka sẽ kiểm soát an ninh, nên có thể giảm bớt lo ngại cảng biển bị Trung Quốc lợi dụng.
Cảng Hambantota nằm trên tuyến đường vận chuyển quốc tế đông đúc nhất thế giới ở Ấn Độ Dương. Một số quốc gia lo ngại, cảng Hambatota có thể trở thành trung tâm quân sự của Trung Quốc. "An ninh của cảng sẽ không được trao cho bất cứ ai khác. Người Sri Lanka sẽ quản lý 100%,” ông Samarasinghe nói. Ông cũng thêm rằng, các tàu hải quân nước ngoài có thể ghé cảng Hambantota cũng như cảng chính tại thủ đô Colombo.
"Chúng tôi sẽ không biệt đãi bất cứ nước nào. Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người và chúng tôi không muốn gây bất lợi cho ai,” ông nói. Năm 2014, hai tàu ngầm Trung Quốc đã ghé cảng Colombo. Đây là lần duy nhất tàu ngầm nước ngoài dừng chân ở Colombo. Sự việc đã khiến nước láng giềng Ấn Độ tức giận. Ấn Độ coi Sri Lanka là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng, và nghi ngờ sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hòn đảo này.

Trung Quốc chuẩn bị cho khủng hoảng tại Bắc Hàn
BẮC KINH – Giới chuyên gia gần đây cho rằng, Trung Quốc nên chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng tại biên giới với Bắc Hàn, trong trường hợp chương trình nguyên tử của quốc gia cô lập này leo thang thành xung đột quân sự. Thông điệp này xuất hiện giữa lúc giải pháp ngoại giao cho vấn đề Bắc Hàn vẫn còn bế tắc, trong khi Bình Nhưỡng và Washington lại liên tục có những hành động phô diễn sức mạnh quân sự.
Nếu khủng hoảng xảy ra, tình huống xấu nhất có thể là ô nhiễm phóng xạ và hàng ngàn người tị nạn tràn qua biên giới Trung Quốc – Bắc Hàn. Bắc Kinh lâu nay không tiết lộ gì nhiều về sự chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng vẫn luôn duy trì mức an ninh cao độ ở biên giới với Bắc Hàn. Ông Zhang Tuosheng, giám đốc Trung tâm chính sách ngoại giao của Viện nghiên cứu chiến lược Trung Hoa, cho rằng dưới áp lực ngày càng tăng từ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, tình hình tương lai của bán đảo Triều Tiên không mấy tốt đẹp, và Trung Quốc cần có kế hoạch khẩn cấp để đối phó với tình huống khủng hoảng tị nạn và ô nhiễm phóng xạ.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Liu Jieyi đầu tháng này nói rằng, nếu các cường quốc thế giới không tìm ra cách làm giảm căng thẳng, vấn đề Bắc Hàn có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dẫn đến những hậu quả thảm khốc. Giới chuyên gia cho rằng, các biện pháp Bắc Kinh có thể làm hiện nay là gia tăng hiện diện quân sự tại biên giới với Bắc Hàn. Vào giữa tháng 4 vừa qua, giới truyền thông Hoa Kỳ và Nam Hàn đưa tin một lượng lớn binh sĩ đã được điều đến biên giới với Bắc Hàn, nhưng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc bác bỏ thông tin này.

Úc và Cam Bốt thảo luận hợp tác quân sự
PHNOM PENH – Phó chỉ huy Lực lượng quốc phòng Úc, Phó Đô Đốc Ray Griggs, đã có cuộc họp với Bộ Trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Neang Phat tại thủ đô Phnom Penh vào hôm thứ Ba. Tại đây, hai phái đoàn đã thảo luận về mối quan hệ ngoại giao và quân sự giữa hai nước, cũng như các kế hoạch hợp tác dài hạn trong tương lai, để đối phó nạn khủng bố và tăng cường an ninh hàng hải. Ông Griggs cho biết, Úc cũng đang mở nhiều chương trình giáo dục dành cho các thành viên của lực lượng vũ trang Cam Bốt.
Hồi tháng Ba năm nay, quan hệ giữa Úc và Cam Bốt đã tệ hơn sau khi chính phủ Phnom Penh hủy bỏ một cuộc tập trận với Úc, với lý do rằng nước này đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử và không có đủ ngân sách. Sự kiện này xảy ra chỉ hai tháng sau khi Cambodia có cuộc tập trận chung lớn đầu tiên với quân đội Trung Quốc.
Về mặt ngoại giao, Cam Bốt luôn tỏ ra thân thiện với Trung Quốc, khi từng ngăn cản một quyết định của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á về vấn đề tranh chấp biển Đông, và im lặng trước việc Trung Quốc xây đập nước trên thượng nguồn sông Mekong. Đổi lại, Trung Quốc cũng tỏ ra rộng rãi khi hứa sẽ viện trợ cho Cam Bốt $328 triệu Mỹ kim, và xóa nợ $117 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, Cam Bốt hiện vẫn đang nhận hỗ trợ từ quân đội Úc, bao gồm các chương trình giúp huấn luyện binh sĩ, cung cấp học bổng và các lớp dạy tiếng Anh. Thiện ý của Úc đối với Cam Bốt được cho là liên quan đến vấn đề di dân. Cam Bốt là quốc gia duy nhất chịu nhận lại những người vượt biên đến Úc, theo thỏa thuận trị giá $55 triệu Mỹ kim giữa hai nước.  

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT