Chuyện Nước Pháp

Tên trộm cao tay và bức chân dung quý bà "Hạnh Phúc" (Kỳ 1)

Wednesday, 07/05/2014 - 09:44:18

Viện bảo tàng Louvre ở Paris có riêng phòng trưng bày dành cho bức tranh mang tên La Joconde hay là "Chân dung Mona Lisa" (Mona có nghĩa là bà) do danh họa Ý Leonard de Vinci thực hiện trong khoảng thời gian 1503-1506 (thế kỷ thứ 16).

Nguyễn Thị Ngọc Diễm



Bức tranh Mona Lisa luôn thu hút rất đông du khách tại bảo tàng Louvre.
 
Viện bảo tàng Louvre ở Paris có riêng phòng trưng bày dành cho bức tranh mang tên La Joconde hay là "Chân dung Mona Lisa" (Mona có nghĩa là bà) do danh họa Ý Leonard de Vinci thực hiện trong khoảng thời gian 1503-1506 (thế kỷ thứ 16).

Tranh vẽ chân dung nửa thân trên của bà Lisa Gherardini, người thuộc tỉnh lỵ Florence ở vùng đảo lớn Toscane bên Ý, hiền thê của ông Francesco del Giocondo vốn là một thương gia bán vải lụa. Tên ông bị nữ hoá thành ra Gioconda, Pháp chuyển âm thành Joconde. Tiếng Ý nghĩa là Hạnh Phúc. Bức tranh không lớn lắm, cao 0.77 mét (để nằm dài chưa tới 1 mét) và bề ngang 0.53 (hơn nửa mét) ; kích thước này có liên quan đến "tay nghề" của tên trộm về sau. Tranh được vẽ trên chất mộc làm thân tựa của loại cây trồng trên đất Ý (Peuplier d'Italie) được ưa chuộng do chất gỗ nhẹ và có màu trắng.

Không ai biết vì sao, bức tranh vẽ thật công phu, thật lâu trong vòng 4 năm bởi thiên tài Ý De Vinci lại chẳng được giao cho vị thương gia đã đặt hàng. Về sau, học trò và là người thừa hưởng gia tài của hoạ sĩ tên Sala mang bức tranh này về Ý, trước đó nó đã trở thành vật sở hữu của vua Pháp Francois đệ nhất. Những điều này trở thành huyền thoại, có đúng là bà Lisa, có phải chồng bà đã đặt họa sĩ vẽ chi mà quá lâu...

Đời tư của vị thương gia này "có thể" là nguyên nhân cho sự ra đời của bức tranh: họ mua được căn nhà tư hữu năm 1503 sau khi con gái đầu tiên mất vì bệnh năm 1499 và cậu con trai Andrea chào đời năm 1502 bù đắp. Những chi tiết trong bức họa - như chiếc áo hở cổ tầm thường với đôi ống tay áo màu vàng nhung mịn khá rộng nhiều nếp gấp, khăn quàng mỏng quấn hờ trên vai, tấm voan che tóc tượng trưng cho sự đức hạnh phụ nữ - không hề chỉ định sự cao sang quyền quý của nhân vật trong tranh.

Chưa có kiểu mẫu nào được vẽ trước bức tranh này và được trình bày khéo léo dù chỉ lấy nửa thân trên của người phụ nữ. Phía sau bà và phía trên là phong cảnh, đôi bàn tay mịn màng với làn da trẻ trung và các ngón tay thon đều - bàn tay mặt gác lên bàn tay trái, cánh tay trái tựa trên thanh ngang của ghế - không hề đụng vào khung dưới tranh. Bà ngồi trên chiếc ghế có các thanh tựa trên cột nhỏ hình tròn phình ra giữa thân đỡ lấy chúng, bà tựa lưng vào một thứ lan-can kiểu Ý trong khoảng không gian bé nhỏ của chiếc ban-công.

Hai bên chỗ ngồi được giới hạn bởi hai mảnh của những thứ cột nhỏ dựng thẳng đứng làm thành "cửa sổ" của bức tranh. Đây là thứ mẫu tranh hoàn hão, tiêu biểu cho những bức về sau vẽ theo kiểu này gọi là thể loại các thành phố Florence và Lombardie (thủ đô Milan) trứ danh bên Ý. Đôi tay xếp chồng lên nhau hài hòa trên dưới, không gian tĩnh lặng, nơi ngồi, trang phục đơn sơ nhưng thanh tú, kiến trúc kiểu Ý, chân dung phụ nữ trẻ tuổi với đôi mắt to mí mắt sâu, tóc xõa dài đến vai và rẽ giữa khoe chiếc trán rộng. Đặc biệt nụ cười của Lisa khi người chiêm ngưỡng đến gần nhìn vào là như bị thôi miên ngay.

Nụ cười này - đã trở thành "huy hiệu" của bức tranh La Joconde - nói lên niềm Hạnh Phúc bí truyền của danh từ Gioconda cho người đọc nó lên. Đó chính là điều họa sĩ muốn lấy làm chủ chốt cho bức vẽ của ông. Nụ cười thật nhẹ, đôi môi hồng không quá dầy hay mỏng hơi chúm chiếm chút xíu trên chiếc càm nhọn cùng với chiếc mũi cao và đôi mắt với hai quầng da nhô cao như vì đang cười theo miệng. Ánh nhìn này thu hút kỳ lạ vì người xem thấy như nhân vật tuy hạnh phúc nhưng giữ sự chừng mực khiêm tốn không quá đà, gần như là sự e-ấp rất dễ yêu của nữ giới. Phong cảnh bên ngoài là một con đường ngoằn ngoèo và chiếc cầu đưa đến một dòng sông. Phía xa xa là núi non và không có đường chân trời.

Vào thời kỳ lúc bức họa được đưa ra, có lời bình luận rằng tác giả đã cống hiến một công trình nghệ thuật làm tái mặt các bậc thầy vì run sợ trước tài năng thần kỳ! Tất cả chỉ vì sự linh hoạt như người thật mà bức vẽ đã chuyển biến từ chất liệu hoàn toàn bất động, khi người ngắm nhìn cảm thọ được. Đôi môi quá gần với sự thật vì hồng hào, dễ thương, tuyệt đẹp ưng ý với chiếc cằm thon nhọn càng nhìn càng thấy nét yêu kiều mềm mại. Tuy nhiên, có người nhận xét thấy đôi mắt có thần lại không có lông mi và lông mày, khiến lời đồn cho là của nữ giới lầu xanh.

Những lời đồn đại nhiều đến đỗi bao nhiêu công trình khoa học tinh vi được thực hiện nghiên cứu trên bức họa đã già đi theo năm tháng với nhiều nếp nhăn làm biến đổi các chi tiết ngày xưa.

Hôm kia, tôi ngồi xem Truyền hình và tình cờ bay vào chuyện cổ tích với chủ đề nói trên. Càng xem càng bị cuốn hút vào với những tình tiết hấp dẫn được diễn tả lại qua các vai tài tử hiện đại kèm theo những mô hình, tài liệu xưa và nay kết hợp tài tình qua giọng kể truyền cảm của một phụ nữ Pháp!

Tôi xin mời bạn đọc cùng tôi theo dõi câu chuyện kéo dài hàng giờ trên màn ảnh nhỏ để rồi cuối cùng sẽ thấy mỗi khi con người tạo ra nhiều huyền thoại là đúng. Chúng trở thành ly kỳ, lạ lùng, lúc đi xa tít ngoài tầm hiểu biết của chúngta lúc lại đáo về gần xịt ngay tại chỗ đến ngỡ ngàng cho tính chất Người vừa tầm thường vừa cao quý!

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT