Đạo và Đời

Khi Thiên Chúa tha nợ

Thursday, 10/09/2020 - 06:17:50

Tha thứ là một trong những chủ đề lớn trong Thánh Kinh bởi vì nhờ vào ơn tha thứ của Thiên Chúa mà con người có được ơn hoán cải, sự bình an, và trên hết là ơn cứu độ.


Vua đã nổi giận khi biết người đầy tớ đã đòi một món nợ nhỏ từ một người bạn, trong khi người đày tớ này đã được nhà vua tha một món nợ rất lớn, trả suốt đời không hết. (Image from Sunday School Zone)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG
Tha thứ là một trong những chủ đề lớn trong Thánh Kinh bởi vì nhờ vào ơn tha thứ của Thiên Chúa mà con người có được ơn hoán cải, sự bình an, và trên hết là ơn cứu độ. Do vậy các thầy rabbi ngày xưa thường xuyên nhắc nhở người Do Thái là phải nhớ tha thứ cho nhau ít nhất là ba lần, và những người có lỗi chỉ được phép xin lỗi tới lần thứ ba. Sang đến lần thứ tư, ai có lỗi sẽ bị trừng phạt theo luật định.

​Phêrô đã căn cứ trên phong tục tập quán này và nghĩ rằng tha cho kẻ lỗi phạm đến bảy lần là một nghĩa cử tha thứ phi thường, nhưng đối với Chúa Giêsu, không phải là “tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” Điều này cũng không có nghĩa 490 lần, nhưng ý Chúa muốn nhấn mạnh là luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau, không có giới hạn. Đó chính là ơn tha thứ mà chúng ta không ngừng lãnh nhận từ Thiên Chúa. Nếu Chúa giới hạn ơn tha thứ của Ngài, liệu bao nhiêu người trong chúng ta lãnh nhận được ơn cứu độ. Để minh họa cho ơn tha thứ cao vời và sâu thẳm của Thiên Chúa, Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Mắc Nợ Không Biết Thương Xót.

​Theo bài Tin Mừng kể lại, người đầy tớ này mắc nợ ông vua 10,000 quan tiền. Vì anh ta không cách nào trả nổi, anh đã van xin vua, và ông sẵn sàng tha nợ cho anh ta. Nếu tính số nợ này sang đơn vị tiền ngày hôm nay, thì con số vô cùng lớn. Mỗi quan tiền thời bấy giờ tương đương với 6,000 đồng denarii. Tiền lương cho một người làm vườn nho trong một ngày là 1 đồng denarius (Mt 20:1-16). Như vậy, anh ta nợ ông chủ đến 60,000,000 ngày làm công. Nếu tính lương tối thiểu tại California hiện tại là $12/hr, một ngày làm 8 giờ, thì tiền công cho một ngày làm việc là $96 (trước khi trừ thuế). Chúng ta có thể tính ra được số tiền rất lớn anh ta nợ ông vua: $96 x 60,000,000 = $5,760,000,000. Một số tiền khổng lồ, không cách nào anh ta có thể trả lại được.

​Một điều đáng tiếc là người đầy tớ này chỉ biết đến mình, nhưng không biết thương xót kẻ khác. Người bạn chỉ mắc nợ anh một số tiền rất nhỏ so với số tiền anh vừa được tha, nhưng anh đã túm lấy bạn và bóp cổ để đòi nợ. Mặc cho người bạn van lơn, anh không nghe và bắt tống giam vào ngục. Một thái độ nhẫn tâm, không chút lòng thương xót, và hoàn toàn tương phản với lòng nhân ái của ông vua. Kết quả là anh đã bị vua bắt trở lại và hỏi tội, “…Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”

Dĩ nhiên anh không thể trả lời câu hỏi của vua vì anh không có tấm lòng vị tha. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để nhấn mạnh lòng thương người cần thiết mà chúng ta phải có để được Chúa tha tội. Ngài nói, “Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

​Trong tương quan giữa con người với nhau, không nhiều thì ít, ai trong chúng ta cũng có những lúc lỗi phạm đến nhau. Nếu chúng ta không sẵn lòng bỏ qua cho nhau, thế giới này sẽ chìm ngập trong hận thù và bạo động. Đây là điều chúng ta thấy đã và đang xảy ra cho nước Mỹ ngày hôm nay. Dĩ nhiên những thủ đoạn chính trị đã lợi dụng thời cơ, nhưng lòng hận thù và thái độ vô tâm tiềm ẩn đã khiến cho một số người trở nên hung dữ. Họ đốt phá tài sản của người khác và hành hung những nạn nhân vô tội không một chút xót thương. Họ nói những lời thúc đẩy lòng thù ghét, đổ lỗi cho nhau. Hy vọng không ai trong chúng ta đối xử như thế với bất cứ ai. Chúa đã tha thứ cho chúng ta những lỗi lầm mình không thể đền bù được, nên chúng ta hãy học nơi Ngài lòng thương xót đó để đối xử với nhau.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT