Thế Giới

Thái bắt 100 người trong cuộc truy dẹp nạn buôn người trong ngành hải sản

Tuesday, 02/02/2016 - 08:31:07

Một phái đoàn từ Brussels, nước Bỉ đến thăm vương quốc này trong tháng qua, để đánh giá mức độ tiến bộ. Nhưng phái đoàn không cho biết khi nào họ sẽ đưa ra quyết định trong việc tẩy chay, có thể gây thiệt hại cho Thái Lan $1 tỷ mỗi năm.

Công nhân đang soạn cá tại hải cảng Songkhla ngày 1 tháng Hai, 2016. Ngành hải sản Thái Lan đã có công nhân bị ép buộc làm việc như nô lệ, nên Âu Châu cảnh cáo sẽ cấm nhập cảng hải sản từ nước này. (Getty Images )


BANGKOK - Hơn 100 người đã bị bắt tại Thái Lan, trong một chiến dịch truy dẹp nạn buôn người. Cuộc bố ráp xảy ra sau khi Liên Minh Âu Châu (EU) đe dọa tẩy chay ngành kỹ nghệ ngư nghiệp trị giá hàng tỷ Mỹ kim của Thái Lan, vì vấn đề buôn người này.
EU đánh Thái Lan bằng một cảnh cáo “thẻ vàng” vào tháng Tư năm ngoái, đe dọa sẽ cấm tất cả hàng thủy sản xuất cảng của nước này, trừ khi chính quyền quân sự giải quyết nạn đánh cá trái phép, và những vụ ngược đãi lao động tràn lan trong các đội tàu của Thái Lan.

Một phái đoàn từ Brussels, nước Bỉ đến thăm vương quốc này trong tháng qua, để đánh giá mức độ tiến bộ. Nhưng phái đoàn không cho biết khi nào họ sẽ đưa ra quyết định trong việc tẩy chay, có thể gây thiệt hại cho Thái Lan $1 tỷ mỗi năm.

Thái Lan là nước xuất cảng hải sản lớn vào hàng thứ ba trên thế giới. Các tổ chức nhân quyền nói rằng Thái Lan giành được thứ hạng này thông qua việc đánh bắt hải sản quá mức, và cậy nhờ vào các công nhân bị bán sang đây và bị trả lương thấp, từ các nước lân cận như Miến Điện và Cam Bốt.

Thái Lan ra sức tránh né bất kỳ biện pháp trừng phạt nào gây tốn kém cho ngành ngư nghiệp. Cảnh sát nhấn mạnh rằng họ đã tăng cường các nỗ lực để chỉnh đốn ngành kỹ nghệ này.

Từ khi EU đưa ra “thẻ vàng” cảnh cáo, hơn 100 người đã bị bắt giữ vì ngược đãi lao động và buôn người. Có khoảng 130 người đã được thả ra từ phóng từ các tàu đánh cá và các nhà máy hải sản, theo số liệu của cảnh sát cho hay.

Hôm thứ Hai, đại tá Krisana Pattanacharoen, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia, nói với các phóng viên, “Những trường hợp này cho thấy Thái Lan có một quyết chí chính trị mạnh mẽ để đối phó với vấn đề buôn người.”

Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng các giới chức Thái Lan đã cho phép tệ nạn buôn bán người xảy ra tràn lan, để đổi lấy những khoản tiền hối lộ khổng lồ.

Những người sống sót từ nạn buôn người, được giải thoát ra khỏi các đội tàu đánh cá Thái Lan, đã kể lại những câu chuyện u ám về những điều kiện làm việc khủng khiếp, những vụ đánh đập, và thậm chí giết người trên biển.

Environmental Justice Foundation, một tổ chức phi chính phủ của Anh, đã làm việc với chính phủ Thái Lan để giải quyết những tệ nạn trong ngành đánh cá của nước này. Nhóm nhân quyền ấy cho biết đã có những khoản thay đổi tích cực trong luật đánh cá.

Nhưng người ta vẫn còn quan ngại rằng cảnh sát hầu như nhắm mục tiêu vào những kẻ buôn lậu ở mức độ thấp.

Steven Trent, giám đốc điều hành của Environmental Justice Foundation với AFP, “Một tiêu chuẩn rất đơn giản đo lường mức độ tiến bộ thực sự sẽ là khi người ta bắt đầu thấy những nhân vật cao cấp của Thái Lan ra hầu tòa, đi qua một tiến trình công tố thành công về vai trò của họ.”
Sau đó trong năm nay, Thái Lan cũng sẽ phải đối diện với việc đánh giá mới của chính phủ Mỹ về các nỗ lực chống nạn buôn người. Tệ nạn này làm cho Thái Lan bị đánh giá có thể ở mức tệ nhất, trong một bản phúc trình hàng năm về nạn buôn người, trong hai năm liên tiếp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT