Thế Giới

Thái Lan bị tố dùng nô lệ để sản xuất tôm cá bán sang Úc, Mỹ

Sunday, 27/12/2015 - 09:05:25

Lên tiếng cho chính phủ Thái Lan, ông Songsak Saicheua, trưởng cơ quan đặc trách sự vụ Mỹ Châu và Nam Thái Bình Dươn tại Bộ Ngoại Giao, nói rằng những cáo buộc chưa gây hại cho nhu cầu mua hải sản Thái Lan.

Những phụ nữ đang lựa tôm tại một khu chợ ở Samut Sakhon, ngoại ô thủ đô Bangkok. Chính phủ Thái cho biết họ đã tìm cách giải quyết tình trạng nô lệ trên những chiếc tàu đánh cá. (Getty Images)


Chính phủ Thái Lan nói rằng ngành xuất cảng hải sản sang Hoa Kỳ, Âu Châu, và Úc không bị ảnh hưởng bởi những lời cáo buộc về tệ nạn sử dụng nô lệ và khổ sai trong ngành này.

Thái Lan là nước xuất cảng hải sản lớn vào hàng thứ ba trên thế giới. Trong thời gian gần đây, Thái Lan đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích vì những cáo buộc về chuyện buôn bán, ngược đãi và bóc lột nhân công, trên những chiếc thuyền đánh cá của nước này. Những điều cáo buộc ấy được đưa ra, sau những cuộc điều tra của giới truyền thông và các nhóm vận động nhân quyền.

Lên tiếng cho chính phủ Thái Lan, ông Songsak Saicheua, trưởng cơ quan đặc trách sự vụ Mỹ Châu và Nam Thái Bình Dươn tại Bộ Ngoại Giao, nói rằng những cáo buộc chưa gây hại cho nhu cầu mua hải sản Thái Lan.

Ông nói, “Mỹ Châu, Âu Châu, và Úc Châu đều tin tưởng vào việc nhập cảng hải sản đông lạnh từ Thái Lan.”

Công ty hải sản Thai Union bị cáo buộc về những điều kiện lao động giống như nô lệ xảy ra trong các nhà máy lột vỏ tôm của công ty. Trong đó có việc sử dụng lao động cưỡng bức và trẻ em.

Một bản tin của hãng thông tấn AP tiết lộ rằng hàng trăm công nhân tại nhà máy Gig Peeling Factory ở bên ngoài Bangkok, do Thai Union làm chủ, đã vi phạm nhân quyền. Chính phủ đã kiểm tra hơn 100 nhà máy chế biến hải sản, và đóng cửa một nhà máy từ tháng Tư.

Trong tháng qua, Environment Justice Foundation, một tổ chức bảo vệ nhân quyền và môi trường ở nước Anh, công bố một bản báo cáo, sau một cuộc điều tra kéo dài ba năm về nạn nô lệ trên các tàu đánh cá của Thái Lan.

Tổ chức này cho biết rằng họ đã khám phá một hệ thống hoạt động trơn tru, chuyên buôn bán, ngược đãi và bóc lột ngư dân. Trong số này, có nhiều di dân từ các nước láng giềng nghèo hơn, như Miến Điện và Cam Bốt, đến Thái Lan tìm việc.

Vụ khám phá ấy xảy ra sau khi có một bản phúc trình của đại công ty thực phẩm Thụy Sĩ Nestle SA. Bản báo cáo ấy cho biết lao động nô lệ đã được sử dụng trong chuỗi cung cấp hải sản Thái Lan của công ty. Bản báo cáo này thêm vào những lời kêu gọi làm sạch ngành kỹ nghệ trị giá hàng tỷ Mỹ kim. Trong nhiều năm ngành này bị đeo đẳng bởi những lời cáo buộc về chuyện ngược đãi.

Trong năm tới, Liên Minh Âu Châu (EU) sẽ quyết định cấm hay không cấm nhập cảng cá từ Thái Lan, sau khi EU đưa ra một cảnh báo trong tháng Tư, vì Thái Lan không chịu dẹp nạn đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo, và không được điều tiết.

Thái Lan cho biết họ đã làm việc chặt chẽ với EU để điều chỉnh vấn đề. Thái Lan nói thêm rằng một phái đoàn của EU sẽ đến thăm nước này trong tháng Một.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT