Văn Nghệ

Thăng hoa cùng buổi hòa nhạc On Life/Cuộc Đời

Monday, 03/04/2017 - 07:52:26

Sức mạnh của nhạc điệu và sự hòa nhịp của âm thanh điêu luyện, diễn xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ, nhạc sĩ trong dàn nhạc đã làm nên vẻ đẹp sang trọng và hấp dẫn của âm nhạc sân khấu cho tác phẩm này.

Bài BĂNG HUYỀN

Phần 1 màu sắc với các tác phẩm của P.Q.Phan, Cung Tiến và Tôn Thất Tiết

Trong văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, từ ngàn xưa đến nay, tiếng trống luôn mang nặng tình tự dân tộc. Tiếng trống là hiệu lệnh để ban hành mệnh lệnh, là tiếng trống ra quân, trống ngũ liên, trống thu không, trống cầm canh, tiếng trống Chèo, hay tiếng trống Chầu thưởng phạt trong những đêm Hát Bội.

                               Veronica Jensen trong vai Thị Kính và Angela Yoon vai Thị Mầu

Tiếng trống càng không thể thiếu ở những lễ hội trong các làng, xã tại Việt Nam. Khi tiếng trống vang lên, lễ hội trở nên náo nhiệt hơn, mọi người vui tươi, phấn khởi hơn. Và tiếng trống khiến người nghe cảm thấy như có sợi dây vô hình kết nối giữa quá khứ, hiện tại, khiến người nghe cảm tưởng như mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập, khi hào hùng phấn chấn ấy, đã được vang vọng để mở màn cho chương trình nghệ thuật đặc sắc của buổi hòa nhạc On Life/Cuộc Đời do VASCAM-Vietnamese American Society for Creative Arts and Music tổ chức, diễn ra chiều Chủ Nhật, ngày 26 tháng 3, 2017 tại Musco Center For The Arts - Orange, một thính đường sang trọng, có không gian âm thanh tuyệt hảo, giúp khán giả thưởng thức được âm thanh trung thực nhất từ các nhạc khí và tiếng hát của các nghệ sĩ mà không cần qua trung gian của hệ thống khuếch âm.

Sau hồi trống mở đầu đầy ngoạn mục là phần nhạc nền trỗi lên do dàn nhạc VASCAM Ensemble trình tấu với phần điều khiển của Nhạc Trưởng Cơ Nguyễn (Nguyễn Bội Cơ), ca sĩ Bích Vân và Teresa Mai từ hàng ghế khán giả từ từ tiến dần lên sân khấu. Trong lúc bước đi, cả hai lần lượt đọc lên lời thơ bằng tiếng Anh và tiếng Việt (tác phẩm Narrative Prologue-2017 của P.Q. Phan) ca ngợi về cuộc đời tươi đẹp, cuộc đời ý nghĩa, khẳng định vị trí của người Mỹ gốc Việt, niềm tự hào về những đóng góp của người Việt trên quê hương mới, nơi xứ sở tự do này.

Từng tác phẩm của soạn nhạc gia P.Q. Phan lại được tiếp nối với From Songs of Solitude (2007), From Song of Myselt (Whitman) được hát bởi giọng nam cao Brian Arreola; Isolation (Symons) được hát bởi giọng nữ cao Teresa Mai và My Way (Beckett) được hát bởi giọng nam cao Brian Arreola, giọng nữ cao Bích Vân và Teresa Mai cùng với ban hợp xướng Ngàn Khơi. Những giai điệu sâu lắng, du dương, lúc xuống trầm lên bổng, lúc nhẹ nhàng lắng đọng, từng nốt nhạc vô cùng tinh tế của 3 tác phẩm này với kỹ thuật trình diễn và cảm xúc tuyệt vời của các ca sĩ và ban hợp xướng Ngàn Khơi khi cất giọng.

                                    Bích Vân xuất sắc trong vai Sùng Bá bắt tội con dâu.


Sự tinh tế đó cũng được thể hiện qua phần trình diễn của các nhạc công trong dàn nhạc VASCAM Ensemble trình tấu do Nhạc Trưởng Cơ Nguyễn điều khiển, cộng với những hình ảnh chiếu trên màn hình trên sân khấu là những bức tranh của họa sĩ Trinh Mai, những tấm hình chụp của những gương mặt thân quen trong cộng đồng miệng nở nụ cười, khiến khán giả như cảm nhận được tất cả hương vị cuộc sống, cuộc hành trình từ bóng tối, sự cô đơn rồi chạm tới ánh sáng và niềm hi vọng. Như đưa người nghe quay về với những kỷ niệm của cuộc đời.

Và rồi những giai điệu đó trở nên dồn dập kéo họ quay về thực tại và cuối cùng kết thúc với một dòng thác âm thanh như đổ ập vào người nghe với cường độ mạnh mẽ; Đưa người nghe lên đến tột đỉnh cảm xúc đầy mới mẻ, cho người nghe thấy âm nhạc có thể vượt xa những giới hạn của sự tưởng tượng đến mức nào.

Tiếng hát thánh thót, ngân vang, trong vắt, có lúc run rẩy non mảnh như tơ của Teresa Mai cùng tiếng đàn dương cầm tuyệt diệu của Hoàng Nguyễn đã đem đến một không gian âm nhạc thật huyền hoặc, ẩn chứa trong đó những xúc cảm mãnh liệt qua tác phẩm The Freedom Song (1984) của Cung Tiến. Qua đến tác phẩm Sping Reverberations (1981) của Cung Tiến, tiếng hát của Teresa Mai cùng tiếng đàn của Hoàng Nguyễn đầy da diết, miên man lan tỏa đến người nghe với những cảm xúc lẫn lộn cùng bao hoài niệm về quá khứ, ẩn chứa trong đó những xúc cảm mãnh liệt.

                                        Rạp hát mới tinh Musco Center for the Arts


Khi những giai điệu Piano đầu tiên đầy mê hoặc của tác phẩm Trung Dzuong (1981) được nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt Tôn Thất Tiết sáng tác cho đàn piano solo để dành tặng cho tất cả những người Việt Nam vượt biển, được cất lên qua tiếng đàn điêu luyện của Hoàng Nguyễn. Với tầng tầng lớp lớp mờ ảo chơi vơi, tâm tình ẩn kín sau tiếng đàn, gợi tả trong trí của người nghe biết bao nỗi niềm về đại dương sâu thẳm, thay đổi, khó lường, hôm nay hiền dịu, ngày mai bão tố. Mở vòng tay âu yếm ôm lấy con người, đưa người đi đến bền bờ tự do, nhưng cũng chính nó vào một ngày khác lại gào thét cuồng nộ không đưa người trở lại, xiết chặt con người trong tận sâu thẳm lòng đại dương vĩnh viễn, là nguyên nhân bao nỗi mất mát, khiến nó không còn là niềm khao khát mà trở thành nỗi đau khi nhớ đến.

Hình ảnh chiếu trên màn hình trên sân khấu kèm theo tác phẩm này là những bức tranh vẽ biển của họa sĩ Ann Phong với những nét cọ phóng tay trên khung bố của Ann Phong vẽ sự dữ dội của biển, những bọt sóng cuốn cao, những ánh chớp giật như muốn xé tan bầu trời. Tranh và nhạc như hòa lẫn vào nhau, để kể lại cho người nghe về trang sử của những thuyền nhân Việt Nam, họ đã đi tìm sự sống trong cái chết, đầy hiểm nguy nhưng cũng nhiều hy vọng.

Kết thúc phần 1 của chương trình là tác phẩm Cò Lả- Violin Concertino được soạn nhạc gia P.Q. Phan mới sáng tác năm 2016 cho đàn violin của Thi Nguyễn chơi với dàn nhạc VASCAM Ensemble trình tấu với phần điều khiển của Nhạc Trưởng Cơ Nguyễn. Tác phẩm này đã khiến người nghe ngạc nhiên khi những thanh âm quen thuộc của bài Quan Họ “Cò Lả” vang lên vô cùng lạ lẫm, đầy cuốn hút. Mở đầu là giọng hát đẹp như pha lê, mềm mại, ngọt ngào với âm sắc riêng của Bích Vân như một loại nhạc cụ của tác phẩm khi được hát lên không nhạc đệm “Con cò cò bay lả lả bay la. Bay qua ruộng lúa bay vào đồng xanh. Tình tính tang tang tính tình...”

                                                  Toàn thể diễn viên chào khán giả

Sau tiếng hát mới đến phần âm nhạc nổi lên mang một diện mạo khác hẳn, đưa người nghe vào miền cảm xúc sâu lắng khi nghe những giai điệu quen thuộc của bài Quan Họ đã được hòa điệu một cách khác lạ, hiện đại nhưng vẫn da diết. Tiếng vĩ cầm bay bổng của Thi Nguyễn như chạm sâu tới từng mạch máu người nghe lúc khoan lúc nhặt, làm nên tiết tấu xao động hồn người, xiết bao phóng khoáng, cùng với dàn nhạc VASCAM Ensemble đã biến nhạc khúc của dân tộc vượt ra khỏi biên giới cũ kỹ, cổ truyền, góp tiếng nói để đối thoại với nhiều thể loại âm nhạc khác trên thế giới, nhưng vẫn được dựa trên gốc rễ là hồn nhạc Việt Nam đầy mới mẻ.

Trích đoạn Opera Câu Chuyện Bà Thị Kính

Mở màn phần 2 là những trích đoạn tiêu biểu của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính), là điểm nhấn chính của buổi hòa nhạc On Life/Cuộc Đời và cũng là điều đã giữ chân các khán giả ngồi gần kín các hàng ghế trong thính đường Musco Center For The Arts - Orange (có số ghế một ngàn một trăm ghế) đã ở lại đến cuối buổi diễn. Là vở diễn đã được nhà soạn nhạc P.Q. Phan dựa trên cốt truyện Việt Nam kể về “quá trình thăng hoa của một người đàn bà để trở thành Phật trong lòng quần chúng. Đó là một thông điệp về tình yêu nhân loại, lòng độ lượng và sự hy sinh không giới hạn,” nhưng đã được sáng tạo đầy mới mẻ theo hình thức sân khấu opera Tây phương và được dàn dựng cho đối tượng khán giả là người Mỹ.

Sức mạnh của nhạc điệu và sự hòa nhịp của âm thanh điêu luyện, diễn xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ, nhạc sĩ trong dàn nhạc đã làm nên vẻ đẹp sang trọng và hấp dẫn của âm nhạc sân khấu cho tác phẩm này.

Vì hạn chế về kinh phí, nên những trích đoạn của vở diễn đều được soạn nhạc gia P.Q. Phan viết lại cho dàn nhạc nhỏ gồm flute, clarinet, one percussion player (một người đánh trống), đàn harp, bốn đàn dây (hai violin, viola, cello). Ông cũng đã cho biết trong bài phỏng vấn trên nhật báo Viễn Đông dàn nhạc nhỏ này vẫn giữ được màu sắc nguyên thủy của vở opera nhưng một vài chi tiết âm nhạc đặc trưng của ông sẽ mất (Tác phẩm nguyên thủy được ông viết cho dàn nhạc 60 người, dàn hợp ca 40 người, 14 vai diễn), tuy nhiên phần nhạc cho các vai Thị Kính, Thiện Sĩ, Thị Mầu, hai cô bạn của Thị Mầu, Nô, và Tiểu Kính Tâm thì vẫn giữ được nét đẹp ban đầu. Quả thật khi được thưởng thức live những trích đoạn của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính tại thính đường Musco, đã để lại dấu ấn tuyệt đẹp trong cảm xúc của khán giả với vẻ đẹp của âm nhạc nhiều màu sắc, đầy sức sống, kích thích tai nghe và khuấy động tâm hồn.

Các giọng ca của các nghệ sĩ Veronica Jensen vai Thị Kính, Brian Arreola vai Thiện Sĩ, Nô, Sư Cụ, Angela Yoon vai Thị Mầu, Bích Vân vai Sùng Bà, bạn của Thị Mầu, Teresa Mai vai bạn của Thị Mầu và 17 thành viên của Ban Ngàn Khơi trong phần hát đồng ca trong vai người dân. Tất cả đã xuất sắc trong vai trò của mình khi hóa thân vào các nhân vật, tạo nên vẻ đẹp tuyệt mỹ của nghệ thuật hát opera, từ những kỹ thuật đỉnh cao của hát solo, sự hòa quyện giữa các bè của hát song ca, vừa hát vừa nói vừa diễn và sự tổng hòa của nghệ thuật hợp xướng… Giúp người xem hiểu rõ hơn chất trữ tình của câu chuyện, những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh nội tâm của từng nhân vật cũng như mối quan tâm chung của nhân loại về tình yêu, tình bạn, tình thương nhân loại.

Sự nhập vai tài tình của các nghệ sĩ, đặc biệt là lớp diễn của Veronica Jensen vai Thị Kính khi bế con ra chợ xin tiền, để nuôi đứa con của Thị Mầu, được Veronica Jensen diễn cảm đầy thuyết phục, gây xúc động ngôn cùng về đức hy sinh, nhẫn nhục của Tiểu Kính Tâm. Bích Vân thật sống động khi hóa thân vào vai Sùng Bà, từ cách hát, nói đến cử chỉ, hành động rất tàn nhẫn, độc ác trước người con dâu Thị Kính luôn một mực kêu oan khi bị gán tội mưu hại giết chồng. Angela Yoon khiến khán giả không khỏi mê mẩn cái nét lẳng lơ rất ngây thơ của cô Thị Mầu, mê những câu hát đưa đẩy, những cái liếc mắt đưa tình duyên dáng, phần rình rập, tỏ tình với Tiểu Kính Tâm.

Kết thúc buổi diễn là lớp diễn về sự thăng hoa khi Thị Kính trên niết bàn kể lại chuyện đời của mình cho mọi người nghe, phần âm nhạc của tác phẩm được trình bày theo một phong cách mới mẻ, làm thăng hoa trí tưởng tượng của khán giả và chạm tới những rung động sâu kín trong mỗi người sâu đậm thêm, là phần kết tuyệt dịu cho cả chương trình. Thính đường với những tràng pháo tay nồng nhiệt không muốn dừng. Phần thưởng này thật vô giá đối với các nghệ sĩ, các nhạc sĩ, thành viên ban tổ chức sau nhiều tháng công phu chuẩn bị cho buổi trình diễn vô cùng giá trị này.

Họ đã cùng mở ra một góc nhìn mới, dù họ đến từ đâu, thuộc những nền văn hóa nào, có ít hay nhiều khác biệt, nhưng những người nghệ sĩ này đều có một không gian chung, đó là tâm hồn nghệ thuật. Họ có thể biết nhau, hoặc không biết nhau, nhưng tất cả đang cùng hòa quyện trong không gian ấy: cùng yêu âm nhạc và vẻ đẹp chân, thiện, mỹ của nghệ thuật, và theo đuổi đam mê đến tận cùng. Dù nghệ thuật luôn được đánh giá như một thứ gì đó rất phù du, nhưng trong cuộc đời của mỗi người, không thể nào thiếu vắng nó. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT