Đạo và Đời

Thanh Tẩy Đền Thờ

Thursday, 12/03/2015 - 02:19:46

Du khách, người có liêm sỉ đều thấy xao xác cái cảm giác thần linh bị báng bổ. Ông Ngọc Hoàng, ngài Thiên Lôi, bà Liễu Hạnh rồi đến ông Quan Công, bà Bồ Tát, 18 vị La Hán, tất tật đều bị ép “ngồi ôm... tiền lẻ”.

Đọc báo online Thứ Năm, 12/3/2015, có bài Trần Thị Thanh Thanh tả cảnh “rải tiền lẻ khắp đền chùa”. Cứ mỗi dịp gần Tết kéo dài đến tháng 3 hàng năm, cổng chùa lại xảy ra cảnh đổi tiền lẻ vào lễ chùa. Những tờ tiền 200,500 ngàn đồng được đổi thành từng cục như viên gạch mộc, cứ “10 ăn 8 hoặc 10 ăn 7”. Tức 100,000 đồng tiền chẵn thì đổi được 70,000 hoặc 80,000 đồng loại chuyên dùng để “sắp lễ”. Chỉ xót thương cho văn hóa đi chùa và xót thương cho “viên ngọc điêu khắc và kiến trúc” chùa Mía đã bị những đồng tiền của người “đồng cốt quàng xiên” làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh. Du khách, người có liêm sỉ đều thấy xao xác cái cảm giác thần linh bị báng bổ. Ông Ngọc Hoàng, ngài Thiên Lôi, bà Liễu Hạnh rồi đến ông Quan Công, bà Bồ Tát, 18 vị La Hán, tất tật đều bị ép “ngồi ôm... tiền lẻ”.

Đọc bài viết này, tôi liên tưởng đến một cảnh tượng thậm chí còn bát nháo hơn thế diễn ra ngay tại một nơi cực kỳ thánh thiêng đối với dân Do Thái, đó là đền thờ Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu. Từ xa xưa, người Do Thái quý trọng đền thờ Giêrusalem với nhiều ý nghĩa. Trước hết, đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện gặp gỡ con người; đồng thời cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau để phụng thờ, cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa. Thế nhưng, một số người đã biến nó thành nơi buôn bán và đổi chác tiền bạc (Ga,2,13-25). Thứ đến, đền thờ là dấu chỉ của tình yêu hiệp nhất muôn dân nước: “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta lên đền Chúa ta.” Thế mà giới chức lãnh đạo Do Thái đã biến đền thờ thành nơi cạnh tranh, kèn cựa, xô bồ và đối xử phân biệt (phụ nữ, dân ngoại, kẻ tội lỗi..). Chúa Giêsu đã lật nhào, xô đổ tất cả nhằm thanh tẩy đền thờ khỏi những điều bất xứng! Sau cùng, đền thờ còn là nơi biểu tượng của sự thiêng thánh. Khi nói đến sự thánh thiêng, người Do Thái thường nói đến đền thờ. Vì đối với họ, không có nơi nào khác ngoài đền thờ, con người có thể tìm được tất cả những gì là thiêng thánh và siêu việt của cõi thiên giới. Tuy nhiên, đền thờ ấy đã bị làm cho ô uế bằng đủ mọi thứ dối gian, trục lợi, mua danh, lạm quyền. Trước thực trạng đó, Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả những kẻ làm cho đền thờ bị ô nhơ, nhằm trả lại sự thánh thiêng cho đền thờ. Đồng thời Chúa Giêsu muốn mặc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân Thể của Ngài.
Chính nơi thân thể của Đức Kitô là đền thờ chúng ta tìm được đầy đủ ba ý nghĩa trên đây. Và trong Đức Kitô, chúng ta cũng đã trở nên đền thờ sống động đã được thánh hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Corinto: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đúc Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá qúy. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ thế nào đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Chỉ có Thân Thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.
Lm Joseph Nguyễn Thái

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT