Đạo và Đời

Thập Giá, Dấu Chứng Tình Yêu

Thursday, 28/08/2014 - 06:42:34

Sau khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa hằng sống, ông Phêrô đã được Ngài chúc phúc và cất nhắc lên làm tảng đá cho Ngài xây dựng Hội Thánh. Và ngay sau đó, Chúa Giêsu lại tỏ cho các môn đệ biết Ngài “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục,

Bài đọc 1 : ( Gr. 20: 7-9). Bài đọc 2 : ( Rm. 12: 1-2). Tin Mừng : ( Mt. 16:21-27)

Sau khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa hằng sống, ông Phêrô đã được Ngài chúc phúc và cất nhắc lên làm tảng đá cho Ngài xây dựng Hội Thánh. Và ngay sau đó, Chúa Giêsu lại tỏ cho các môn đệ biết Ngài “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”

Nghe Thầy nói như thế, ông Phêrô đã kéo riêng Ngài ra và cản ngăn: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Khi cản ngăn Thầy như thế, đó cũng chỉ là phản ứng bình thường của con người khi đứng trước những khó khăn phải gặp; hơn nữa, có lẽ ông nghĩ rằng công cuộc rao giảng Tin Mừng chỉ mới bắt đầu, nếu Thầy phải chịu những đau khổ, bị giết chết thì công việc Chúa xuống trần gian rồi sẽ ra sao. Nhưng Chúa Giêsu lại không đồng tình với ý kiến của ông. Ý kiến của ông Phêrô đối với Ngài là một cơn cám dỗ tránh né khó khăn và chối bỏ nhiệm vụ, nên Ngài đã quay lại bảo ông: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Tư tưởng của ông Phêrô, chúng ta xem là hợp lý theo suy nghĩ của con người, nhưng lại không phù hợp với ý của Thiên Chúa. Tư tưởng của loài người khác với tư tưởng của Thiên Chúa là vậy. Thánh Phaolô trong tư gửi tín hữu Rôma cũng đã viết: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” ( Rm 11:33-36)

Thánh giá của Chúa Giêsu là vâng theo thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã chấp nhận vác thánh giá, chấp nhận khổ đau, hy sinh tất cả, không phải cho mình mà cho người mình yêu. Chính qua cái chết trên thập giá vì yêu nhân loại, mà Chúa Cha đã tôn vinh Ngài : “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt. 16:21-27)

Vậy, những ai muốn đi theo Ngài, muốn làm môn đệ của Ngài thì cũng phải có cùng một chí hướng như Ngài là vác thập giá mình: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Đó là điều kiện tiên quyết đối với những ai muốn theo Chúa. Vác thập giá mình là chấp nhận chết để được sống. Sống mà không chấp nhận vác thánh giá mình coi như chết. “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”

Muốn sống thì phải chết, mà muốn chết thì cứ sống! Vây thế nào là sống và chết theo ý muốn của Thiên Chúa?

Điều kiện Chúa Giêsu đưa ra đối với những ai muốn theo Ngài xem ra trái nghịch với khát vọng của con người. Ai cũng muốn được sống hạnh phúc theo khát vọng của mình và không ai muốn phải chịu gian nan khổ cực. Thế mà Chúa lại đưa ra điều kiện phải vác thánh giá mình, mà thánh giá mình là những vất vả, khổ cực, thù oán, ghen thương của người khác, là chịu hy sinh thua thiệt vì yêu thương, là chấp nhận từ bỏ những lợi ích riêng tư. Như thế,vác thánh giá mình mà theo là chúng ta chết đi cho con người ích kỷ, tội lỗi của mình để được sống trong ân nghĩa của Chúa. Ai không chịu chết cho con người xác thịt, không chịu vác thánh giá mình bằng từ bỏ và hy sinh chính mình vì tình thương tha nhân, thì rồi cũng sẽ đánh mất tất cả như lời Chúa đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Bao lâu con người còn sống trong đau khổ, trong thất vọng, chưa tìm được cứu cánh cho cuộc sống, bấy lâu con người còn cần đến Thấp Giá Tình Thương của Chúa Gêsu Kitô. Nhưng để Thập Giá Chúa Kitô có thể đến được với những ai đang khát yêu thương, khát hòa bình, thì chính chúng ta phải vác thập giá mình để trở nên khí cụ “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”. ( Kinh Hòa Bình)

Để đề cao sự tha thứ, những người thổ dân Nam Phi có câu chuyện sau: Có hai người thổ dân Nam Phi rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô con gái của kẻ thù của mình ở trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô con gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy vừa khóc lóc đau đớn; còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc chí hô lớn: Ta đã trả thù được rồi!”

Mười năm sau, cô bé đáng thương kia lớn lên và đã có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra ngay người hành khất kia chính là người đã chặt đứt hai ngón tay của cô cách mười mấy năm về trước. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no nê, cô liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: “Tôi cũng trả được thù rồi!”

Câu chuyện trên là một trong muôn ngàn mẫu gương vác thánh giá mình mà theo Chúa Giêsu!

Thập giá là dấu chứng tình yêu. Chúa Giêsu xuống thế gian mặc lấy thân phận yếu hèn và tội lỗi của loài người để cho con người được sống. Chính nơi thập giá, tình yêu được trao ban. Nơi thập giá, sự sống đã chiến thắng tử thần, ánh sáng đã xóa tan bóng tối. Thập giá Chúa Giêsu đã mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Nhìn ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta mới thấy được thế nào là Tình yêu của Thiên Chúa với con người. Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết của một người cho tất cả mọi người. Thập giá tình yêu của Chúa Giêsu là sự dâng hiến cho nhân loại.Thánh giá Chúa muốn chúng ta vác cũng phải thể hiện tình thương ấy đối với tha nhân. Vác thánh giá mình vì tha nhân biểu hiện sự trọn vẹn của tình người khi sống cho người khác. Càng sống cho tha nhân bằng cách vác thánh giá của mình con người càng trở nên phong phú hơn trong Tình yêu của Thiên Chúa.

Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói: “Phục vụ những người nghèo khó nhất là trực tiếp phục vụ Thượng Đế, là mang tình yêu của Ngài đến cho những người nghèo khó...Có những người đã chết không phải vì đói ăn mà là đói tình thương...Chúng ta chỉ cần trái tim yêu thương và, đôi tay phục vụ.” Đó là con đường vác thánh giá mình để mang Thập Giá Tình Thương của Chúa Giêsu đến với hết mọi người vậy.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT