Du Lịch

Tháp Rùa

Friday, 25/09/2015 - 10:51:26

Gò Rùa là nơi vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài để ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 17 - 18), chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích gì nữa.

Bài TRẦN CÔNG NHUNG


Tháp Rùa - Hồ Gươm là biểu tượng rõ nét về di tích danh lam của Hà Nội nghìn năm văn vật. Đến Hà Nội, hầu như ai cũng mất một buổi để dạo quanh bờ hồ, ngắm Tháp Rùa, qua cầu Thê Húc thăm đền Ngọc Sơn. Nếu vào thời tiết Thu sang thì sắc màu hoa lá quanh bờ hồ còn tuyệt vời hơn nữa. Tất nhiên Hà Nội bây giờ, làm gì còn trai thanh gái lịch, “người Tràng An” lịch lãm là hình ảnh của quá khứ xa xưa. Ấy thế nhưng vẫn có nhiều nhà văn đeo “kính màu” dựa vào câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để tán tụng gái Hà Nội ngày nay, có người viết:

Tháp Rùa (Trần Công Nhung/Viễn Đông)



“Nét đẹp con gái Hà Nội còn là nét duyên thầm ẩn sâu qua từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói.” “Bước đi khoan thai, không lê dép quèn quẹt, ý tứ ngồi khép chân, không nói trống không lỗ mãng ngoài đường...”
“Con gái Hà Nội xưa nay vẫn hấp dẫn lạ lùng trong mọi con mắt, mọi trái tim từ người thợ đến nhà thơ”. (Hà Nội phố điện tử)

Nhưng không sao, gạt ra ngoài những nhố nhăng hợm hĩnh, những “đẳng cấp” quái thai của thời đại, nhìn vào một vài góc khuất của lịch sử, di tích của nước nhà (không phải của nhà nước), thì vẫn thấy lòng dâng lên niềm tự hào về đất nước mình.

                                         Rùa lên thở (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Lần đầu đến Hà Nội (1992) tôi đã ngẩn ngơ sửng sốt trước vẻ đẹp của hồ Gươm - Tháp Rùa (1), tôi vô cùng sung sướng không ngờ quê hương mình đẹp như vầy. Thế mà có nhà thơ (cs) lại viết:

Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà
Chuồng lợn, bầy gà, đàn rau, ao cá
Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than, mẫu sắn, cân ngô
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!


                                         Hoa Lộc vừng ngập bờ hồ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Thật khốn khổ cho 4000 năm văn hiến Tổ Tiên để lại! Có thời đại nào mà con dân Việt lại thảm hại đến như vậy, đi “Dọn tí phân rơi” để xây dựng “cơ đồ”!

Không! Nhất định không! Lịch sử đã chứng minh, một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, cuối cùng giặc xâm lăng cũng bị những anh hùng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... quét ra khỏi bờ cõi. Một dân tộc như vậy không đời nào đi nhặt từng hòn phân (bắc) để dựng “cơ đồ”!


Tháp Rùa mùa Thu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)


Và hôm nay đứng trước Tháp Rùa, dấu tích của lịch sử một thời, trời đang vào Thu, đường ven hồ hoa lộc vừng rải thảm đỏ thật lãng mạn. Trời trong xanh, se se lạnh, một cảm giác êm đềm đâu đó trở về: tôi hồi tưởng bài văn “Hôm nay tôi đi học” của nhà văn quá cố Thanh Tịnh:

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Tạm rời quá khứ tôi trở về với thực tại: Tháp Rùa.

Tháp Rùa xây theo lối hỗn hợp Á - Âu: cửa vòm gô-tích hai tầng dưới, nhưng phần mái cong trên đỉnh vẫn giữ nét kiến trúc Việt Nam.

Ngôi tháp xây theo hình vuông có ba tầng, trên gò đất rộng khoảng 350 m2. Tầng đế xây rộng, hai tầng trên nhỏ dần, các mặt phía Đông và Tây có ba cửa, Nam và Bắc có hai cửa. Đỉnh hai tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp rồng uốn cong dần lên chóp đỉnh. Tầng một, móng cao 0.8 m, dài 6.28 m, rộng 4.54 m, mở ba cửa, chiều ngang mở hai cửa, tất cả là 10 cửa. Bên trong tầng này phân ra ba gian, các gian thông với nhau bằng các cửa ngăn.

                                                        Rùa phơi nắng (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Tầng hai hẹp hơn, dài 4.8 m, rộng 3.64 m, cũng ba gian, kiến trúc y như tầng có 10 cửa nhưng nhỏ hơn. Tầng ba thu nhỏ hơn nữa, dài 2.97 m, rộng 1.9 m, chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía đông, đường kính 0.68m. Sát tường phía Tây có một ban thờ, không rõ thờ ai và có từ lúc nào. Tầng đỉnh như một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 m. Tường phía Đông tầng ba có một cửa tròn, đường kính 0.68m, và có ba chữ Quy Sơn Tháp (Tháp Núi Rùa). Chiều cao của tháp là 8.8 m.Với sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc Pháp Việt đã tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa. Điều quan trọng nhất là Tháp Rùa đã, đang tồn tại không chỉ là hình thể mà còn là tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.

Gò Rùa là nơi vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài để ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 17 - 18), chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích gì nữa.

Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883, dân vùng ven hồ dời đi nơi khác. Các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm. Riêng có Nguyễn Ngọc Kim, chức dịch làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt, lại được chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu trở thành bá hộ, tục gọi là bá hộ Kim.
Năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy ông xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu tháp này có tên là tháp Bá Hộ Kim.

Tháp rùa xây xong, bá hộ Kim tổ chức khánh thành linh đình và đem cốt cha mình ra đặt vào đó. Chuyện đặt hài cốt cha mẹ bá hộ Kim cũng rất ly kỳ. Nhà văn Băng Sơn kể ra một câu chuyện trong một bài ký về hồ Gươm rằng: “Hôm chôn hài cốt, đêm tối nhá nhem, đám thợ sau khi làm xong ra về rồi trở lại vứt cốt ông lão xuống hồ.”

                                                    Tháp Rùa mùa hè (Trần Công Nhung/Viễn Đông)

Cố giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng thì kể rằng: “Bá Kim chờ đến đêm mới đem cốt bố ông ta ra tháp đặt. Có người rình ông ta vừa quay vào thì lập tức ra đào vứt đâu không ai biết.” Việc bá hộ Kim vì thân với chính quyền thực dân mới dám ngang nhiên xây tháp đặt cốt cha mẹ giữa trung tâm đất Hà thành ngàn năm văn hiến nên kết cục phải thế mới hợp tình theo đạo lý Á Đông.

Có tài liệu ghi rằng ngày trước có một con đường nhỏ từ bờ hồ ra đảo Rùa, vì đó là nơi câu cá giải trí của vua quan triều Lê. Một số tờ báo Pháp thời đó còn gọi tháp Rùa là ngôi đền nhỏ, hay chỉ là chùa được xây trên nền một ngôi đền nhỏ trước đó (Điếu Đài, Tả Vọng).

Đã có lúc Tháp Rùa được quyết định phải đội bức tượng Nữ Thần Tự Do là phiên bản nhỏ của tượng nữ thần người Pháp xây tặng cho nước Mỹ. Đây là phiên bản thứ hai, tượng Thần Tự Do bằng đồng cao 2.85m, được Pháp đem sang Việt Nam trưng bày trong một cuộc triển lãm, tại hội chợ Đấu Xảo, năm 1887. Sau đó tượng được tặng lại cho Hà Nội và được đặt ở vườn hoa Chí Linh.

Nhưng đến năm 1890, Chính Phủ Bảo Hộ muốn lấy chỗ đó đặt tượng Paul Bert, Thống Sứ đầu tiên bị chết tại Hà Nội trước đó mấy năm. Do đó tượng Thần Tự Do được mang đặt trên nóc Tháp Rùa, mặt quay về phía vườn hoa Chí Linh.

Lúc chính phủ Việt Nam của thủ tướng Trần Trọng Kim nắm chính quyền thay Pháp thì tượng này đã bị phá bỏ (thập niên 1950).
(còn tiếp)

Liên lạc với tác giả qua email: trannhungcong46@gmail.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT