Thế Giới

Thấy Mỹ yếu, Nga muốn chiếm Bắc Cực giành dầu hỏa

Tuesday, 04/08/2015 - 08:56:00

Vùng Bắc Cực là nơi mà chỉ có Nga đang có những chiếc tàu khổng lồ dùng để chặt phá băng đá, những giàn khoan mỏ dầu hỏa ở nơi nằm dưới mức đông đá hàng chục độ, những đội tàu ngầm, và duy trì một lực lượng quân đội mà chưa ai biết rõ thực lực của lực lượng này.

                                    Đội tàu phá băng khổng lồ của Nga tại Bắc Cực. (RIA Novosti)

 


MOSCOW - Trong một thông báo ngày thứ Ba, Bộ Ngoại Giao Nga cho biết chính phủ Mạc Tư Khoa đã trình Liên Hiệp Quốc (LHQ) bản tuyên bố chủ quyền trên các vùng lãnh thổ rộng hơn 460,000 dặm (1.2 triệu km2) ở thềm lục địa của Bắc Cực.
Vùng lãnh thổ này cũng là nơi mà Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Đan Mạch và Na Uy đều đã lên tiếng đòi quyền kiểm soát. Vùng Bắc Cực đang có một-phần-tư lượng dầu khí chưa được khai thác của Trái Đất.
Trong thông báo, Nga tin rằng LHQ sẽ cứu xét bản tuyên bố chủ quyền của Nga trong khóa họp mùa thu của Ủy Ban Về Giới Hạn Thềm Lục Địa của LHQ. Thế nhưng ông Farhan Haq, một phát ngôn viên của LHQ, cho biết ủy ban sẽ không qui tụ đầy đủ các thành viên để họp ít nhất là đến đầu năm sau. Trong thời gian chờ đợi, Nga sẽ đệ trình những bản đồ, các dữ kiện nghiên cứu, tài liệu để cho 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc có thời gian để xem xét.
Nga là nước đầu tiên trình Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền tại Bắc Cực vào năm 2002, thế nhưng lúc đó Ngã bị Liên Hiệp Quốc bác bỏ chủ quyền vì thiếu chứng cớ. Chính phủ Nga cho biết lần này bản tuyên bố chủ quyền mới của họ chứa nhiều tài liệu và dữ kiện hơn. Từ thập niên 1930, Nga đã có những cơ sở nghiên cứu và trạm làm việc nổi trên băng đá trong vùng Bắc Cực.
Theo Qui Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển, các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền trên khu vực kinh tế cách xa bờ 200 hải lý. Trong trường hợp thềm lục địa trải dài hơn 200 hải lý dưới đáy biển, một quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền xa tới 350 hải lý.
Trong tài liệu trao cho Liên Hiệp Quốc ngày thứ Hai tuần này, Nga lý luận rằng mức ranh giới 350 hải lý không thể áp dụng để giới hạn lãnh thổ dưới đáy biển của Nga, vì đáy biển và tài nguyên là “thành phần tự nhiên của lục địa.”
Vào năm 2007, Nga đã đưa ra một tuyên bố chủ quyền mang tính biểu tượng đối với đáy biển Bắc Cực, bằng cách dùng tàu ngầm nhỏ để thả một hộp chứa quốc kỳ Nga xuống đáy biển ở Bắc Cực.
Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên Nga ước lượng đáy biển Bắc Cực đang chứa tới 5 tỉ tấn dầu hỏa và khí đốt trị giá $30,000 tỉ Mỹ kim.
                                                Quân nhân Nga tại Bắc Cực. (Milportal.ru)


Hiện nay, điều hợp các hoạt động của các quốc gia ở Bắc cực là Hội Đồng Bắc Cực (Artic Council), bao gồm tám nước: Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga. Tại khu vực này đang diễn ra các hoạt động tranh giành dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, khoáng sản và một số tài nguyên thiên nhiên khác. Cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và khai thác tài nguyên này tuy ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt.
Vùng Bắc Cực là nơi mà chỉ có Nga đang có những chiếc tàu khổng lồ dùng để chặt phá băng đá, những giàn khoan mỏ dầu hỏa ở nơi nằm dưới mức đông đá hàng chục độ, những đội tàu ngầm, và duy trì một lực lượng quân đội mà chưa ai biết rõ thực lực của lực lượng này.
Trong thời gian gần đây, Hoa Thịnh Đốn đã nhìn nhận không thể cạnh tranh với Mạc Tư Khoa ở Bắc Cực, và như vậy Mỹ đã lùi bước trong tuyệt vọng. Nga đang chinh phục khu vực đầy triển vọng này một cách thành công hơn so với Mỹ và tất cả các quốc gia khác.
Ông Paul Zukunft, tư lệnh lực lượng Phòng Vệ Duyên Hải Hoa Kỳ, từng nói với tuần báo Newsweek thừa nhận, "Chúng ta thậm chí không chơi được với Nga một cách ngang hàng. Nói đúng hơn, Mỹ không tham dự được trò chơi ở đây."
Theo ông Zukunft, hàng loạt quốc gia, mà đứng đầu là Nga, không cần cạnh tranh với Mỹ mà đã vượt xa trong nỗ lực khai thác Bắc Cực.
Điểm quan trọng đầu tiên là Hoa Kỳ thiếu tàu phá băng. Vào thời điểm hiện nay, để nghiên cứu và khám phá vùng Bắc Cực thì người Mỹ chỉ có hai tàu diesel lớn loại này, mà chỉ một chiếc trong đó - Polar Star - ở tình trạng có thể làm việc. Trong khi đó, Nga có tới sáu tàu phá băng nguyên tử. Đó là những con tàu khổng lồ đủ sức hoạt động độc lập nhờ có năng lượng hạt nhân và cho phép tổ chức điều hướng gần như ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ thời điểm nào.
Trong tháng Hai năm nay, Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu từng tuyên bố Nga không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự để bảo vệ quyền lợi quốc gia tại Bắc Cực.
Để duy trì quyền lợi ở Bắc Cực, vào tháng 12 năm 2014, sau khi chiếm bán đảo Crimea ở Ukraine, Nga đã thành lập Hạm Đội Phương Bắc để kiểm soát và bảo vệ các hoạt động của Nga tại Bắc Cực.
Bộ Quốc Phòng Nga cũng muốn cho thế giới, và nhất là Hoa Kỳ, được thấy sức mạnh của Nga qua một cuộc tập trận rộng lớn được tổ chức trong tháng Ba năm nay. Cuộc thao dượt quân sự này đã có sự tham dự của 40,000 quân nhân, 50 tàu chiến và hơn 100 chiến đấu cơ và các loại phi cơ quân sự khác trên vùng biển Barents ở Bắc Cực.
Ngoài ra, đội tàu phá băng khổng lồ của quốc gia đang có diện tích lớn nhất thế giới này sẽ tạo điều kiện để Nga kiểm soát hoàn toàn tuyến đường biển phương Bắc huyết mạch đầy tiềm năng cho giao thông hàng hải thế giới, mà cuối cùng sẽ thay thế cho tuyến đường phía Nam qua kênh đào Suez. Tuyến đường phương Bắc ngắn hơn và trong một số trường hợp, còn đảm bảo an toàn hơn.
Tuyến đường phương Bắc đang có những điều kiện thuận lợi cho ý đồ của Nga. Trước tình trạng biến đổi khí hậu và băng đá ở Bắc Cực đang tan dần, vào mùa hè tàu hàng hải di chuyển giữa Á Châu và Âu Châu có thể băng qua tuyến đường này với thời gian ngắn hơn gần hai tuần, so với tuyến đường qua kênh Suez ở phương Nam mà Hoa Kỳ đang kiểm soát.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT