Đời Sống Việt

Tình lính dưới ngòi bút Huy Phương

Saturday, 26/06/2021 - 04:51:50

Thấy sức khỏe anh yếu, không ngồi lâu được nên có lời cầu chúc anh chóng bình phục và xin phép về. Trước khi ra về anh kéo chúng tôi ngồi sát cạnh rồi nhờ chị Huy Phương chụp cho tấm hình để làm kỷ niệm.

Bài HỒ ĐẮC HUÂN

 

Từ khi đến Mỹ qua chương trình H.O., tôi có đọc một số tác phẩm của Huy Phương, nội dung các đề tài rất sâu sắc, trung thực, chính xác. Tuy tôi đọc truyện của anh song xem như anh đang ngồi thuật chuyện với tôi, từ đó tôi rất cảm kích và trân quý tác giả.

Trong những lần hội họp các hội đoàn quân đội, anh Huy Phương và tôi rất vui khi gặp nhau. Bút hiệu Huy Phương đã dính chặt với bạn đọc của anh thường gọi anh là nhà văn. Qua sự hiểu biết của tôi về anh ngoài nhà văn trong sinh hoạt thường ngày anh còn là nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà bình luận và đặc biệt anh còn là nhà binh đúng nghĩa. Anh Huy Phương là một trong số đông sĩ quan ưu tú trong QLVNCH có lòng ưu ái sát cánh với mọi quân nhân trong các quân, binh chủng.

Đa số những đề tài anh viết đều đề cập đến các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử liên hệ đến mọi lãnh vực trong quân đội cùng sinh hoạt đời thường trong xã hội Việt Nam từ quê nhà đến quê người. Với anh em quân nhân anh dùng tình nghĩa để giao tiếp. Từ nhận xét trên đây tôi quyết định chọn đề tài bài này là “Tình lính dưới ngòi bút Huy Phương”.

Hôm nay ngày 20/6/2021, ngày lễ Father’s Day (ngày Hiền Phụ), tôi viết lại những gì tôi biết cùng những kỷ niệm khó quên giữa hai chúng tôi. Xin được bắt đầu ghi lại từng phần theo thứ tự dòng đời của anh.

 

Thời trai trẻ

 

Anh Lê Nghiêm Kính, sau này dùng thêm bút hiệu Huy Phương, sinh năm 1937 tại Huế trong một gia đình Nho giáo. Anh theo học tại Quốc Học Khải Định Huế, sau đó anh học tiếp Quốc Gia Sư Phạm Sàigòn. Tốt nghiệp Sư Phạm anh trở thành nhà giáo dạy bậc Trung Học. Anh được bổ nhiệm về dạy tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.

Ngoài nhiệm vụ giáo sư giảng dạy, anh còn đảm nhận vai trò Thư Ký Tòa Soạn Nguyệt San Sổ Tay Sư Phạm chuyên đề về giáo dục của trường.

 

Đường vào binh nghiệp

 

Từ 1954-1960 cuộc sống đồng bào miền Nam (còn gọi là Việt Nam Cộng Hòa) thật an bình, hạnh phúc. Đến 1961, Cộng Sản Bắc Việt (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) âm mưu cưỡng chiếm VNCH nên chuyển quân qua đường mòn Hồ Chí Minh cùng thâm nhập đường biển cộng thêm số quân được ém lại trước 1954 không tập kết ra Bắc nổi lên lần đầu đánh phá VNCH với chiến thuật du kích, về sau lên cấp Đại Đội, Tiểu Đoàn, có trận chiến ở cấp Trung Đoàn...

Đất nước lâm nguy, Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm ban hành lệnh tổng động viên. Hàng hàng lớp lớp thanh niên có bằng Tú Tài 1 trở lên đủ mọi ngành nghề, hoạt động ở mọi lãnh vực đều tòng quân cứu nước. Lệnh động viên lúc bấy giờ áp dụng từ Khóa 12 Thủ Đức, không kể các Khóa 1, 2, 3, 4 và 5 từ trước.

Cuối tháng 9-1963, nhà giáo Lê Nghiêm Kính chấp hành lệnh tổng động viên chia tay đồng nghiệp cùng các em học sinh nam nữ quý mến, xa rời phấn màu, bảng đen để cùng hơn 1.600 thanh niên ưu tú đến hạng tuổi nhập học Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức (tôi có người anh bà con Kỹ Sư Công Chánh Nguyễn Hạnh cùng theo học khóa này, nay đã qua đời). Khóa học khai giảng ngày 27-9-1963.

Các sự kiện xảy ra thời gian Khóa 16 học:

- Cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm: Khóa 16 nhập học được 1 tháng 4 ngày thì xảy ra cuộc binh biến do một nhóm Tướng, Tá tham gia đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963. Sáng ngày hôm sau Tổng Thống Diệm và người em ông là Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị hạ sát tử thương.

- Sau biến cố trên, Khóa 16 lần hồi thay đổi bởi ba vị Chỉ Huy Trưởng quân trường Thủ Đức: Đại Tá Phan Đình Thứ tự Lam Sơn, Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám và Chuẩn Tướng Bùi Hữu Nhơn.

- Khóa 16 thời gian học giai đoạn 2 về vũ khí hạng nặng, trong lúc thu dọn trợ huấn cụ và đạn được còn thừa mang về trường thì xảy ra sơ ý làm một quả súng cối nổ. Tai nạn này làm 10 SVSQ thiệt mạng. Sau tai nạn SVSQ Khóa 16 rất đau buồn.

Đến ngày 30/4/1964, Khóa 16 làm lễ mãn Khóa. Kết quả có 1.609 SVSQ tốt nghiệp được mang cấp bậc Chuẩn Úy. Khóa 16 được đặt lên là Khóa Võ Tánh.

 

Đơn vị phục vụ, ám số chuyên nghiệp, du học Hoa Kỳ, cấp bậc được thăng và chức vụ đảm nhận

 

Vào kỳ Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ thứ 11 được tổ chức tại San José vào ngày Chủ Nhật 6/8/2017, anh Huy Phương mời tôi tháp tùng tham dự để về viết bài cho báo KBC số tháng 9/2017. Qua ba ngày lưu trú tại khách sạn, ngoại trừ lúc công tác, giờ ăn và ngủ, riêng giờ nghỉ thấy anh Huy Phương viết lách luôn tay. Trong chuyến xe đêm từ San José về lại Bolsa, thời gian qua hơn 7 giờ, hai anh em kể chuyện nhau nghe về đời binh nghiệp, trong đó với Huy Phương có một số chi tiết dưới đây xin được ghi lại.

Dựa vào kết quả trắc nghiệm chuyên môn, Chuẩn Úy Lê Nghiêm Kính sau khi được nghỉ 15 ngày phép mãn khóa, được thuyên chuyển về Nha Chiến Tranh Tâm Lý (tiền thân của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị sau này).

Với khả năng chuyên môn về chiến tranh chính trị, tinh thần và xã hội, Chuẩn Úy Kính lần lượt được đảm nhiệm công việc dưới đây tôi còn nhớ:

- Biên tập viên báo chí cho Đài Phát Thanh Quân Đội.

- Biên tập chương trình Dạ Lan.

- Hợp tác cùng ca, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (Nhật Trường) và Mai Trung Tĩnh phụ trách chương trình văn nghệ chiến sĩ.

- Phóng viên báo chí quân đội.

Anh Huy Phương được đặc biệt đề cử theo học Khóa Sĩ Quan Báo Chí tại Hoa Kỳ. Sau khi về nước được đảm nhiệm các công việc:

- Phụ trách Tạp Chí Tiền Phong.

- Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa.

- Ký giả các nhật báo: Tia Sáng, Tiền Tuyến và Diều Hâu.

Qua chiều dài binh nghiệp, anh Kính được thăng đến cấp bậc sau cùng là Đại Úy Thực Thụ.

Đơn vị và chức vụ sau cùng của ông Kính là Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung với chức vụ Trưởng Phòng Chính Huấn và Tâm Lý Chiến thuộc khối Chiến Tranh Chính Trị.

Cần biết thêm: Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung là một Quân Trường lớn nhất trong số các Quân Trường và TTHL của QLVNCH, là nơi cung cấp chiến sĩ chính yếu cho QLVNCH. Nơi đây từng có hàng ngàn sĩ quan phụ trách huấn luyện cho hơn 700.000 quân nhân.

 

Bảy năm trong trại tù tập trung

 

Cộng Sản Bắc Việt còn gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa núp dưới ngụy danh là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã lợi dụng Hoa Kỳ cắt viện trợ VNCH trong khi Cộng Sản Bắc Việt được thế giới Cộng Sản, nhất là Trung Cộng và Liên Xô yểm trợ đắc lực xua quân cưỡng chiếm VNCH. Qua nhiều nguyên nhân đưa đẩy VNCH bức tử ngày 30/4/1975. Từ đó các giới chức chính quyền, quân đội, đảng phái, tôn giáo và văn nghệ sĩ VNCH bị chúng bắt giam vào các trại tập trung từ Nam ra Bắc qua các trại tù khổ sai mà Cộng Sản gọi mỹ từ là “trại cải tạo”.

Nhà văn Huy Phương nằm trong số phận tù nhân trên với 7 năm khổ sai từ các trại trong Nam và ngoài Bắc. Khi ra trại, trong giấy ra trại nơi án phạt ghi là “Trưởng Phòng Chính Huấn và Tâm Lý Chiến”. Sau đó anh được sang Hoa Kỳ vào năm 1990 theo chương trình H.O.

 

Thời gian đầu định cư tại Hoa Kỳ

 

Nhà văn Huy Phương cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O. vào năm 1990. Trong đời người, bất kỳ việc làm nào đem lại thành công đều phải trả một giá đắt. Vào năm 1990, Huy Phương cùng gia đình đi máy bay sang Mỹ. Có người nghĩ sang Mỹ theo diện đó sướng quá nhưng ông đã đánh đổi 7 năm trong ngục tù khổ sai mới có, được rời khỏi Việt Nam đến Hoa Kỳ sống dưới chế độ thật sự dân chủ, tự do và các con cháu ông có nhiều cơ hội học hành.

Đến Mỹ ông đã lần lượt xin việc và làm các công việc như sau: đưa thư cho ngân hàng, lau chùi cao ốc, bán xăng, làm thợ lắp ráp. Về sau ông xin làm chuyên viên hãng Chirst Camera One Hour Photo tại Virginia và Nam California.

 

Trở lại văn chương trong nghiệp cũ trước 1975

 

Trước 1975, theo nghiệp văn chương trong quân đội không ai không nghe danh đến các nhà văn: Nguyễn Đạt Thịnh, Đặng Trần Huân, Phạm Hậu, Du Tử Lê, Phạm Huấn, Văn Quang, Huy Phương và còn rất nhiều nhân vật tên tuổi khác.

Đến nay trong các tập Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa đôi khi gặp những bài phóng sự Huy Phương viết về các quân nhân có thành tích xuất sắc cùng các đơn vị từ tiền tuyến đến hậu phương.

Anh Huy Phương ngoài khả năng viết lách còn cộng tác với một số báo Việt ngữ tại Nam California. Huy Phương còn làm Phụ Tá Chủ Bút cho tờ Sàigòn Nhỏ trước đây và có thời gian cộng tác với báo tại Bắc Cali, Thời Báo tại Canada và Saigon Times tại Úc Châu, đặc biệt ông cùng phóng viên Ngọc Lan thực hiện chương trình Quê Nhà, Quê Người trên Người Việt TV. Phần này đã giúp khán giả khắp nơi nhìn thấy và nghe ông cùng Ngọc Lan tâm tình vui buồn cùng khán giả. Ngoài ra, theo tâm ý của Huy Phương, anh muốn tìm hiểu chi tiết ngọn ngành của từng đơn vị hay cá nhân qua các sự kiện đặc biệt về lịch sử QLVNCH để phổ biến trên toàn thế giới biết về QLVNCH qua cuộc chiến trước đây ở về phía chính nghĩa lại thua bọn bạo quyền phi nghĩa. Đây là vận nước không sao tránh khỏi! Qua ý nghĩa như trên, Huy Phương có thời gian dài cộng tác với đài truyền hình SBTN trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh và đài phát thanh VNR.

 

Huy Phương trở lại nghiệp văn chương

 

Vào những năm đầu định cư tại Mỹ, Huy Phương phải nhận làm các công việc vừa kể trên để có tài chánh sinh hoạt gia đình và nuôi các con ăn học, đến nay con cháu ông đã thành tài.

Sau khi đời sống gia đình tương đối ổn định, nhà văn Huy Phương đã ưu tiên dùng thời giờ để theo nghiệp văn chương. Văn chương là một phần trong cuộc sống của anh nên không thể thiếu được. Anh có khả năng trời cho để sáng tác. Nguồn sáng tác của anh không ngừng nghỉ. Cầm viết là đã thành văn, thành lời, thành chuyện. Văn anh không hoa mỹ cũng không cường điều. Tóm lại những đề tài Huy Phương viết đều chính xác và trung thực nên hầu hết bạn đọc đều thích thú và mong có những tác phẩm mới của anh.

Dưới đây là những tác phẩm Huy Phương đã thực hiện và đã phổ biến đến bạn đọc: “Nước Mỹ lạnh lùng”, “Đi lấy chồng xa”, “Ấm lạnh quê người”, “Nhìn xuống cuộc đời”, “Hạnh phúc xót xa”, “Quê hương khuất bóng”, “Quê nhà – Quê người”, “Nước non nghìn dặm”, “Những người thua trận”, “Ngậm ngùi tháng Tư”, “Những người muôn năm cũ”, “Tuyển tập Huy Phương”, “Sóng vỗ bèo trôi”, “Chúc thư của một người lính chết già”, “Chân dung H.O.” và “Ga cuối đường hầm” (chắc chắn còn một số tác phẩm khác mà tôi ghi thiếu trên đây).

Các tác phẩm trên đây đều được bạn đọc đón nhận nồng nghiệt. Đọc tác phẩm, qua sách của anh về thể loại phiếm và tạp ghi như anh đang ngồi nói chuyện rất thẳng thắn cùng bạn đọc.



Tác giả, bên phải, vui mừng đón nhận tác phẩm mới cùng anh chị Huy Phương.



 

Khóa 16 Thủ Đức họp mặt tại Nam California

 

Cách nay đã 11 năm 9 tháng, khoảng 200 cựu SVSQ Khóa 16 Võ Tánh Thủ Đức  tổ chức họp mặt lần thứ 3 tại nhà hàng China Feast, Garden Grove vào lúc 11 giờ trưa ngày 28/11/2009. Sau nghi thức khai mạc, cựu SVSQ Nguyễn Tấn Đức đại diện Ban Tổ Chức có lời chào mừng quan khách, thân hữu và các bạn đồng khóa, sau đó có ít lời tâm tình về lần này điểm danh ai còn, ai mất, chuyện vui buồn của anh em. Kế đến cựu SVSQ Lê Nghiêm Kính tức Huy Phương, người điều hợp chương trình có vài lời tri ân công ơn các chị phu nhân các SVSQ Khóa 16 đã quán xuyến các con và gia đình cùng thăm nuôi chồng trong lao tù Cộng Sản và mời các chị lên sân khấu để tặng hoa. Sau đó một số các cựu SVSQ thay nhau lên kể lại những kỷ niệm khi còn ở quân trường ra đơn vị và hiện nay đang ở các quốc gia tự do. Ban Văn Nghệ tù ca Xuân Điềm giúp vui.

Trước khi nhập tiệc, Ban Tổ Chức giới thiệu tập kỷ yếu Khóa 16 dày gần 100 trang in trên giấy trắng láng, nội dung rất phong phú gồm những bài như “Văn tế tử sĩ” của Huy Phương, “Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức có những gì đặc biệt?” của Nguyễn Xuân Hùng, “Phục hồi bu-gi” của Đinh Phụng Tiến, “Tôi làm tuần sự” của Khúc Hữu Chấp, “Thế rồi” và “Lời tạ từ buổn – thơ của Xuân Bích, “Khóa 16 SQTBTĐ một khóa nhiều chua cay” của Trần Đông Phong và “Hànội dâng Hoàng Sa, Trường Sa và 20 ngàn km2 vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh” của Luật Sư Nguyễn Thành.

Tổ chức họp mặt do các cựu SVSQ: Huy Phương, Đinh Phụng Tiến, Lê Minh Đức, Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Tiến Đức, Vĩnh Tham, Hồ Trọng Thắng và Nguyễn Đức Thắng phụ trách kết thúc buổi họp mặt. Sáng hôm sau một số anh em lên đường tham quan Las Vegas và hẹn nhau kỳ họp mặt kỳ tới.

(Viết lại theo ký ức của tác giả là khách mời cùng bài báo nhà văn Thanh Phong phổ biến trên Viễn Đông ngày 30/11/2009).

 

 

Thiếu Tá Phạm Văn Hồng và tác giả viếng thăm anh Huy Phương

 

Trưa ngày 23/5/2021, qua điện thoại anh Hồng gọi đề nghị tôi là hôm sau viếng thăm anh Huy Phương, nếu sắp xếp được thì lấy hẹn mai anh Hồng ghé đến thăm và đón tôi luôn. Tôi liền gọi anh Huy Phương để xin giờ hẹn. Anh Huy Phương rất vui mời gặp chúng tôi lúc 1 giờ trưa hôm sau.

12 giờ trưa ngày 24/5/2021, anh Hồng ghé đón tôi cùng đi. Đến đúng địa chỉ, qua chuông báo hiệu chị Huy Phương mở cửa niềm nở đón chúng tôi, mời vào phòng khách. Năm phút sau anh Huy Phương chống gậy đi chậm rãi từng bước ra đón chúng tôi. Chúng tôi nhìn gương mặt và hình ảnh anh bơ phờ quá. Anh tươi cười rồi mừng bắt tay và mời chúng tôi ngồi.

Anh Hồng và tôi hỏi thăm về bệnh tình của anh thế nào mà thấy anh có vẻ yếu quá. Anh Phương cho hay anh bị bệnh hiểm nghèo không chữa được, chắc không còn sống bao lâu!

Chúng tôi nhìn anh trong lúc bệnh nên tâm trí chúng tôi buồn lắm. Thấy sức khỏe anh yếu, không ngồi lâu được nên có lời cầu chúc anh chóng bình phục và xin phép về. Trước khi ra về anh kéo chúng tôi ngồi sát cạnh rồi nhờ chị Huy Phương chụp cho tấm hình để làm kỷ niệm.

Trên đường về hai chúng tôi mãn nguyện là đã viếng thăm được anh Phương. Nhìn bệnh tình của anh thấy buồn song nghĩ tới đời người thật vô thường: sanh, lão, bệnh, tử, chỉ cầu nguyện ơn trên có phép lạ để anh chóng bình phục.

Anh Hồng và tôi có nhiều kỷ niệm với anh Huy Phương qua những lần anh phỏng vấn về các đề tài liên hệ về lịch sử của QLVNCH trong chương trình “Huynh Đệ chi binh” được phát trên truyền hình SBTN.


Kỷ niệm viếng thăm nhà văn Huy Phương. Từ trái: Anh Phạm Văn Hồng, nhà văn Huy Phương và tác giả.

 

 

Phần kết

 

Bản thảo viết xong xem lại thấy nội dung bài viết có phần dài song mục đích chính tác giả cầu mong bài viết sớm đến tay anh Huy Phương đọc để ôn lại dòng đời anh đã đi qua những giai đoạn: nhà giáo, binh nghiệp, văn chương, trong lao tù Cộng Sản, sinh hoạt tại Mỹ và sự giao tình với gia đình bằng hữu, chiến hữu và bạn đọc trong suốt dòng đời của anh.

Những gì tôi viết về anh Huy Phương là chính xác và trung thực, xin chứng minh qua tờ báo Nguyệt San KBC số tháng 7 năm 2021 với chủ đề “Huy Phương, chúc thư của một người lính già”.

Ngoài các sáng tác tiêu biểu của Huy Phương còn có sự đóng góp bài vở và hình ảnh của các chiến hữu, văn hữu, thân nhân và độc giả quý mến anh Huy Phương đều nể trọng và quý mến anh.

Các tác phẩm cùng thủ bút, chữ ký và con dấu rất đẹp của anh ký tặng sách cho bạn đọc sẽ được trình bày trong các tủ sách gia đình truyền từ thế hệ này sang thế hệ nối tiếp.

Một trăm năm sau hoặc nhiều hơn nữa tên anh vẫn còn có nhiều người biết đến qua việc làm anh đã để lại cho đời.

 

 

Sống thế nào, chết thế ấy

 

Anh Phạm Văn Hồng và tôi thành thật chia sẻ cùng chị Huy Phương cùng các con cháu về căn bệnh của anh. Cuối cùng chúc anh Huy Phương sớm gặp phép lạ mau bình phục. Trường hợp nếu anh về với Đức Phật sẽ hưởng nhàn nơi miền Tây Phương cực lạc. Không lâu sau chúng mình sẽ gặp lại nhau. Đời sống vô thường!

Kết thúc bài viết tôi nhớ rất rõ về anh Huy Phương và tôi với nhiều kỷ niệm qua các cuộc phỏng vấn hoặc cùng anh tham dự Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh tại San José.

Rất quý mến anh Huy Phương.

(Westminster ngày 24 tháng 6, 2021)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT