Đạo và Đời

Thầy Thạnh, một hành giả cô độc trên đường tìm giải thoát

Thursday, 20/01/2022 - 09:02:57

Giữa trưa tháng Bảy, gần chục chiếc xe đậu rải rác ở bãi tráng xi-măng giữa hai nhà hàng...


Thầy Jangchup Tharchin - Trầm Kim Thạnh, 80 tuổi, đang chuẩn bị tụng kinh tại nhà ở Fountain Valley tháng 11, 2020. (Tinh Tấn Magazine)


Bài ĐỒNG PHÚC

(Trích đoạn từ bài viết đăng trên báo Tinh Tấn Magazine số 6 mùa Xuân 2022)


Giữa trưa tháng Bảy, gần chục chiếc xe đậu rải rác ở bãi tráng xi-măng giữa hai nhà hàng một Mỹ một Việt, khách không đông cho một ngày cuối tuần so với lúc trước thời đại dịch. Thực khách ngồi dưới các mái lều dựng tạm ngoài sân vì đang trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh coronavirus. Ở đầu đường cách đó chừng năm mươi thước là tiệm bán thức ăn nhanh In-and-Out. Tiệm burger này đang sinh hoạt gần như bình thường, bốc nồng mùi thịt nướng tỏa khắp góc phố tấp nập xe cộ, thu hút một dòng xe nối đuôi xếp hàng dài từ trong sân ra ngoài đường, gây nghẽn lưu thông trong lúc từng chiếc xe nhích dần đến máy đặt mua thức ăn. Bầu không khí càng ồn ào hơn giữa trưa hè vì cách đó không xa là xa lộ 22 Garden Grove Freeway với những luồng xe chạy liên tục như thác đổ. Ở bãi đậu xe ấy, giữa không gian huyên náo tất bật và đậm mùi nấu nướng của trần gian, tôi gặp một tăng sĩ Việt Nam tu theo Phật Giáo Tây Tạng. Có điều là lúc đó tôi không hề biết người đàn ông cao niên đó là một tu sĩ, vì ông vận y phục của người thường, áo sơ mi bỏ trong quần, khoác một lớp áo lạnh mỏng, mới vừa rời một nhà hàng Việt có tiếng trong vùng này.

Tôi gặp ông để trao tặng tờ Tinh Tấn Magazine số 4. Ông vừa liên lạc tôi qua điện thoại, nói giọng nhỏ nhẹ, đúng lúc tôi đang có mặt gần đó, nên tôi hỏi ông địa điểm chính xác để đến đưa báo tận tay. Gặp tôi tại bãi đậu xe ở ranh giới của hai thành phố Garden Grove và Westminster, bác lớn tuổi, thân hình đầy đặn tự giới thiệu là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, nghe nói tờ Tinh Tấn Magazine số 4 có bài viết về Sư Cô Trí Hải nên bác muốn nhận một tờ đọc cho biết. Bác từng gặp Sư Cô ở Sài Gòn nên rất muốn biết tờ báo đã viết gì về Cô. Vị Ni Sư lừng danh ấy là nhân duyên khởi đầu cho tôi được gặp bác Trầm Kim Thạnh - lúc đó tôi không hề biết ông là một tu sĩ tại gia, và cũng không dè mình sẽ vật vã suốt nhiều tháng trời cho một bài viết mà bình thường chỉ cần một cuối tuần là xong. Nhưng nếu có viết nhanh như vậy là bởi viết cho báo nhật trình, viết vì áp lực, vì thời hạn, vì việc kiếm sống. Còn đây thì...

Bác Trầm Kim Thạnh, hay đúng hơn là thầy Jangchup Tharchin - “thầy Thạnh” khi tôi thân với bác hơn, đã đến với tôi trong một thời buổi đang có những biến cố thời sự quá khủng khiếp cho một đời người. Một trận đại dịch mà trong một năm đã giết hơn 3 triệu người trên trái đất, đa số nạn nhân là người Mỹ trong đó có mấy chục ngàn người tại California đây. Một cuộc bầu cử tổng thống đưa đến sự chia rẽ trong cộng đồng, bạo động trong xã hội, mầm thù ghét hiển hiện ngang nhiên chưa từng có trong lịch sử đất nước Hoa Kỳ. Nạn thất nghiệp, sự sợ hãi khi vào đám đông, nỗi bất an trong cuộc sống gia đình. Đó là những hiện tượng diễn ra ở bên ngoài của cái thế giới mà tất cả chúng tôi đây đang gởi tạm mạng sống của mình. Còn trong nội tâm thì sao? Có hành giả nào bước vào con đường mà Phật đã chỉ hướng mà không còn bị dao động bởi những hiện tượng của thế gian? Liệu kẻ sơ cơ như tôi đây phải nương vịn vào đâu để đi tiếp?

Trở lại với buổi trưa hôm đó, ở bãi đậu xe mà bầu không khí có lúc ngộp mùi chúng sanh nấu nướng chúng sanh mà lắm kẻ ưa thích, sau khi cầm tờ báo từ tay tôi và trao lời cám ơn, bác lớn tuổi bỗng lục lọi trong xe một hồi và quay ra trao cho tôi một phong bì cũ màu trắng có ghi “Kính gởi Anh...” vừa được gạch tên trước khi đưa cho tôi. Cầm bao phong bì cồm cộm, tôi đoán bên trong là một xấp tài liệu chi đó, không chừng là một bài pháp mà bác muốn tôi đọc. Đạo hữu gặp nhau thường tặng nhau Phật pháp, còn gì quí hơn. Chào tạm biệt bác trước khi vào xe, tôi không nghĩ rằng sẽ có một ngày chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Về nhà mở bao phong bì ra xem thì tôi thấy mình đoán cũng gần đúng. Phong bì chứa nhiều tài liệu, gồm các bài báo từng đăng mấy tháng trước viết về bác, một tu sĩ tu tại gia theo Phật Giáo Tây Tạng, cùng một vài hình ảnh của các vị tăng Tây Tạng kèm các chú thích về các vị tăng ấy.

Đọc mấy bài báo, tôi được biết bác Trầm Kim Thạnh là một cựu sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng có kinh nghiệm với tù binh cộng sản từ miền Bắc, sau năm 1975 vượt biển đến trại tỵ nạn Thái Lan nơi bác bắt đầu chuyển hướng tâm linh, gieo những hạt giống với niềm tin về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, để rồi một ngày kia trong những năm tháng sống ở Quận Cam, Nam California, bác bỗng nghe tiếng nhắc nhở của ngài Quán Thế Âm trên không trung ở một sân chùa, và thời gian sau được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma - người được xem là hiện thân của Đức Quán Thế Âm. Hạt giống nẩy mầm, duyên lành đến lúc chín muồi, bác xuất gia với các thầy Tây Tạng và được pháp hiệu Jangchup Tharchin.

Trong các buổi lễ Phật giáo của người Việt ở Quận Cam, mỗi khi có các phái đoàn bạn đến tham dự, tôi từng thấy có một thầy lớn tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, trông hơi yếu đứng lẫn giữa các thầy Tây Tạng trẻ và rắn chắc hơn. Có ngờ đâu thầy đó là người Việt Nam, tức thầy Jangchup Tharchin đây.

Vì bận lo cho gia đình và công việc ở sở làm giữa lúc đại dịch lan tràn, tôi tạm quên thầy Thạnh trong mấy tháng trời. Từ đầu mùa hè đến hết mùa thu bao trùm trong không khí lo sợ bị nhiễm Covid, tôi đã tự giam mình trong nhà như hàng tỷ người trên trái đất, thỉnh thoảng mới lái xe vài bận trong tuần để đi ra ngoài mua thức ăn, mang về những nhu yếu phẩm cho người thân. Những tháng cấm túc ấy cũng trở thành thời gian “nhập thất” bất đắc dĩ vì không thể đến chùa, dự những buổi lễ hay buổi giảng cuối tuần, ngay cả chuyện đến chùa mua đồ chay cũng bị giới hạn. Ở nhà, ngoài giờ làm việc qua mạng mà thường chiếm hết cả ngày và cần thiết cho cuộc sống, trong thời gian hiếm quý được riêng tư, tôi đọc thêm sách đạo, suy ngẫm, và cố gắng thực hành những điều đã nghe qua các bài giảng. Từ đó tôi có vài thắc mắc trong vấn đề tu hành. Chẳng hạn tu sĩ có cần phải tu ở chùa? Có cần những hình thức bề ngoài để chuyển hóa nội tâm? Làm sao được gặp thiện tri thức khi mình bị bế tắc trên đường tu? Tìm đâu một hành giả đã đắc đạo để biết đường mình đi không sai?

Qua hơn một thập niên bước vào đường đạo, tôi đã may mắn được gặp nhiều vị thầy, được nghe nhiều bài giảng, được làm quen với các pháp môn tu khác nhau, và biết niềm tin của chính mình ở Phật rất vững chắc. Nhưng tu là sao? Phật nói Ngài là người chỉ đường, Ngài không thể tu cho mình. Mình phải tự tu, tự chứng đắc lấy chứ Ngài không thể chứng đắc cho mình. Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng, các thầy thường nhắc nhở các tín hữu như vậy. Nhưng tu làm sao đây? “Ăn” như thế nào để được “no” chứ?

(Mời đọc tiếp trên báo Tinh Tấn Magazine số 6 mùa Xuân 2022 được tặng miễn phí. Muốn nhận báo xin cho tên và địa chỉ qua email: tinhtan2018@yahoo.com, hoặc qua tin nhắn text ở số điện thoại 714-290-7747.)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT