Thế Giới

Thấy Trump chọn ưu tiên cho Mỹ, Bình muốn giành vai lãnh đạo thế giới

Thursday, 26/01/2017 - 08:51:53

Li Junhua, giám đốc Nha Đặc Trác Các Tổ Chức Và Hội nghị Quốc Tế, trực thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng biết thế giới lo lắng về tình trạng khí hậu biến đổi, và về chuyện các nước sẽ tuân thủ những cam kết của họ trong hiệp định Paris hay không.

Donald Trump và Tập Cận Bình

Từ những tuyên bố nảy lửa, thường gây hấn với những người khác trong cuộc tranh cử, đến tuần làm việc đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Donald Trump đã thực sự biến quan điểm và thái độ hung hăng của ông thành sự thật, khi ông quyết tâm tiến tới với chính sách “Mỹ phải giành ưu tiên cho người Mỹ,” chiếm mọi quyền lợi về cho Hoa Kỳ thay vì hướng đến các quốc gia như một nước lãnh đạo của thế giới.

Chỉ thị cho tiến hành dự án xây “vạn lý trường thành” dọc theo biên giới dài 2,000 dặm ở biên giới miền nam để ngăn chặn di dân từ Mễ Tây Cơ là một thí dụ. Không nhận thêm người tì nạn từ các nước chiến tranh là một thí dụ khác. Ngay cả thái độ chống Trung Cộng tại Biển Đông cũng không hẳn vì muốn bênh vực Việt Nam và các quốc gia láng giềng đang bị Bắc Kinh đe dọa, mà vì các đại gia Mỹ muốn chiếm quyền khai thác dầu hỏa tại Biển Đông về cho người Mỹ. Mỹ là ưu tiên, Mỹ là trên hết. Đây không là tư cách của một nước đàn anh.

Trước khoảng trống về tư cách đạo đức mà chính phủ Trump đang bỏ lại, Trung Cộng đang lặng lẽ lập kế hoạch nắm quyền lãnh đạo toàn cầu trong một số vấn đề liên quốc gia, từ thương mại cho tới khí hậu biến đổi. Bắc Kinh vẽ ra những điểm dị biệt giữa quyền lực ổn định của Chủ Tịch Tập Cận Bình, và tình trạng bất ổn của tân Tổng Thống Donald Trump. Ngày đầu tiên ông Trump làm việc tại Tòa Bạch Ốc đã được đánh dấu bởi những lời thù ghét truyền thông của ông và những cuộc biểu tình của hàng triệu người chống Trump, không chỉ tại Mỹ mà còn ở một số quốc gia khác.

Cách chỉ mấy ngày trước khi ông Trump nhậm chức, Tập Cận Bình đã có mặt ở Davos, Thụy Sĩ với đầy tự tin, trong tư cách là diễn giả chính tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Bình mạnh mẽ lên tiếng bênh vực tiến trình toàn cầu hóa, và bày tỏ ước vọng của Bắc Kinh muốn đóng một vai trò lớn hơn trên sân khấu quốc tế.
Ngay cả về những vấn đề gai góc của Biển Đông, Bắc Kinh đã không phản ứng mạnh trước lời lẽ khiêu khích của Tòa Bạch Ốc, về việc “bảo vệ những vùng lãnh thổ quốc tế” trong đường biển bị tranh chấp. Thay vì vậy, Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ mong muốn có hòa bình, và để cho thấy sự kiềm chế, Bắc Kinh đã ra vẻ bậc đàn anh khi khuyên Hoa Thịnh Đốn hãy cẩn thận với lời ăn tiếng nói của mình.

Thiếu tướng về hưu Luo Yuan, một nhân vật uyên bác của quân đội Trung Quốc, nổi tiếng với thái độ diều hâu, hiếu chiến bình thường của ông, nay đã viết trên blog về Trump, “Ông có Hoa Kỳ ưu tiên của ông, chúng tôi có cộng đồng đang lo cho số phận chung của nhân loại.”

Luo Yuan nói thêm, “Ông (Trump) có một đất nước khép kín, chúng tôi có một vành đai, một con đường.” Tướng về hưu muốn nhắc đến chương trình thương mại và đầu tư Con Đường Tơ Lụa mới, trị giá hàng tỷ Mỹ kim của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ không muốn vai trò lãnh đạo thế giới truyền thống của Hoa Kỳ, trong tuần này một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc chấp nhận rằng vai trò đó có thể bị buộc trao cho Trung Quốc.

Zhang Jun, tổng giám đốc nha kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói, “Nếu bất cứ ai nói rằng Trung Quốc đang đóng một vai trò lãnh đạo trên thế giới, tôi sẽ nói rằng không phải là Trung Quốc hấp tấp tiến tới, mà là những nước chạy phía trước đã đi lùi, nhường lại chỗ ấy cho Trung Quốc.”

Thông điệp đó đã được củng cố trong tuần này, khi ông Trump chính thức rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tách Mỹ ra khỏi các đồng minh Á Châu của họ. Một số thành viên còn lại của TPP nói rằng họ sẽ tìm cách bao gồm Trung Quốc vào trong một hiệp định được sửa đổi, hoặc theo đuổi những thỏa thuận tự do thương mại thay thế của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc làm nước chủ nhà tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế, về sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc trong tháng Năm sắp tới đây, sẽ là một cơ hội cho Bắc Kinh giới thiệu vai trò lãnh đạo của họ ở hạ tầng kiến trúc và đầu tư toàn cầu.

Có lẽ Trung Quốc muốn tổ chức hội nghị ấy tại một trung tâm hội nghị tráng lệ, từng được dùng để tổ chức cuộc hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương trong năm 2014, dọn đường cho sự kiện ngoại giao được chú ý nhiều nhất trong năm của Tập Cận Bình.

Một lãnh vực khác, mà Trung Quốc muốn được xem là nước dẫn đầu, là tình trạng khí hậu thay đổi. Trong quá khứ ông Trump đã coi khí hậu thay đổi là một “trò lừa bịp.” Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông thề hứa sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris.

Li Junhua, giám đốc Nha Đặc Trác Các Tổ Chức Và Hội nghị Quốc Tế, trực thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng biết thế giới lo lắng về tình trạng khí hậu biến đổi, và về chuyện các nước sẽ tuân thủ những cam kết của họ trong hiệp định Paris hay không.

Không phải khi nào cũng được theo như thế. Trung Quốc đã trải qua một tiến trình học hỏi lâu dài và gian nan, để trở thành một cường quốc có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn.

Trong năm 2013, Trung Quốc, tức giận với Manila trong cuộc tranh chấp kéo dài về Biển Đông Quốc, đã viện trợ rất ít ỏi cho Phi Luật Tân, sau khi nước này bị trận siêu bão Haiyan tàn phá. Việc này gây ra sự bất đồng quan điểm hiếm hoi trong Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), tờ báo lá cải có ảnh hưởng lớn do nhà nước Trung Quốc điều hành, nói rằng hình ảnh quốc tế của Bắc Kinh sẽ bị tổn hại.

Một vấn đề khác cũng sẽ không được thuận buồm xuôi gió. Đó đảo Đài Loan tự trị, Trung Quốc sẽ không lùi bước.

Trong phản ứng chính thức đầu tiên của họ với việc ông Trump nhậm chức, Bộ Trưởng Ngoại Gao Trung Quốc kêu gọi chính phủ của ông hãy hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của nguyên tắc “một Trung Quốc.” Ông Trump đặt vấn đề về nguyên tắc này, theo đó Hoa Thịnh Đốn thừa nhận lập trường của Trung Quốc về chủ quyền trên Đài Loan.

Trung Quốc cũng hy vọng rằng dưới thời chính phủ Trump, họ sẽ được để yên về một vấn đề mà từ lâu đeo bám các mối quan hệ với Washington: nhân quyền.

Trương mục WeChat của phiên bản quốc tế của Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản cầm quyền, hôm thứ Bảy với sự chấp thuận lưu ý rằng bài diễn văn nhậm chức của ông Trump không đề cập đến những từ ngữ như “dân chủ” hoặc “nhân quyền”.

Tờ báo này nói thêm, “Có lẽ khi nhìn lại, những điều này đã được thổi phồng lên quá nhiều,” bởi các chính trị gia Hoa Kỳ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT