Thế Giới

Thế đối địch giữa Trung Cộng và Mỹ khiến Việt Nam phải tìm đồng minh mới

Sunday, 22/01/2017 - 04:57:21

Trước đó trong tháng này, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh nói, “Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách kết bạn với mọi nước, đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ trên căn bản của nền độc lập, tự chủ, và luật pháp quốc tế.”

Đội quân kỳ của CSVN đang diễn hành cạnh chiếc phi cơ chở Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe tại Nội Bài trong tuần qua. (Kham/ Getty Images)

 

Việt Nam đang dùng những đối tác an ninh và thương mại mới, để củng cố cho mối quan hệ trên khắp Á Châu và ở những nơi khác. Việt Nam phải làm như vậy để tránh bị mắc kẹt vào trong tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tình trạng này có vẻ tăng thêm khi sau ngày Tổng Thống Donald Trump nhậm chức.

Đó là một dấu hiệu cho thấy các nước Á Châu đang phải điều chỉnh lại các chính sách của họ, sau sự sụp đổ của hiệp định thương mại Thái Bình Dương của Tổng Thống Barack Obama, và tình trạng thiếu rõ ràng về chiều hướng mà Hoa Kỳ sẽ đi theo đối với khu vực ấy. Sau những chuyến viếng thăm của các nhà lãnh đạo Pháp và Ấn Độ trong những tháng gần đây, hôm thứ Hai tuần qua Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam, để thảo luận về kinh doanh và an ninh.
Các quan chức Việt Nam nói rằng chiến lược của họ bây giờ là đặt Hà Nội vào trung tâm của nhiều hiệp định thương mại và thỏa thuận về an ninh theo mức độ khả thi, đồng thời cũng làm cho suôn sẻ hơn mối quan hệ của nước này với Trung Quốc khi có thể làm được. Hai nước từng đánh nhau trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi hồi năm 1979, và tiếp tục tranh chấp chủ quyền trong một vùng ở Biển Đông, đọc theo bờ biển dài của Việt Nam.

Trước đó trong tháng này, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh nói, “Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách kết bạn với mọi nước, đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ trên căn bản của nền độc lập, tự chủ, và luật pháp quốc tế.”

Nhu cầu cần tìm kiếm thêm các đối tác là đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam. Trong những thập niên gần đây, nước cộng sản này đã tự biến đổi thành một quốc gia thương mại, và phụ thuộc nhiều vào hàng hải tự do ở Biển Đông. Các kinh tế gia coi việc đó là một trong những đối tượng hưởng lợi có thể là lớn nhất, từ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương bị đình trệ. Hiệp định này lẽ ra đem lại lối tiếp cận tốt hơn với thị trường Mỹ, là thị trường lớn nhất của hiệp định ấy.

Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một đối tác kinh tế đang phát triển nhanh, và là một đồng minh quan trọng trong việc bảo đảm rằng các tuyến đường vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp, ở ngoài khơi bờ biển của quốc gia Đông Nam Á này, vẫn không bị cản trở bởi ảnh hưởng thương mại và quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Trong tháng Bảy năm 2015, Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam tiên của đến thăm Tòa Bạch Ốc. Ở đó ông gặp Tổng Thống Obama. Trong tháng Năm năm ngoái, ông Obama đến thăm Việt Nam, và hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã có từ nhiều thập niên. Ông coi đó là một nỗ lực nhằm dứt khoát đưa hai nước vượt ra khỏi quá khứ cuộc chiến tranh Việt Nam. Cách không lâu sau đó, hai chiến hạm hải quân Hoa Kỳ cập bến tại hải cảng có vị trí chiến lược tại Biển Đông Hoa, trong Vịnh Cam Ranh, lần đầu tiên tính từ khi khi kết thúc Chiến Tranh Việt Nam.

Chính phủ sắp tới của Mỹ có thể theo một lối tiếp cận hiếu chiến hơn trong chính sách của họ về Trung Quốc. Lối tiếp cận này có thể là một điều tích cực cho Việt Nam. Trong một phiên điều trần để được quốc hội chuẩn nhận, Rex Tillerson, người được ông Trump chọn làm ngoại trưởng, nói rằng Trung Quốc phải bị cấm tiếp cận với những hòn đảo nhân tạo mới của họ ở Biển Đông. Nhưng lập trường của chính phủ mới về việc thúc đẩy sản xuất trong nước có thể gây tổn thương cho Việt Nam.

Các quan chức Việt Nam nói một cách riêng tư rằng họ không chắc chắn về những gì họ mong đợi. Một mạng lưới phức tạp của các quan hệ đồng minh an ninh và thương mại, để thu hút thêm các lực lượng hải quân ngoại quốc, và giúp giữ cho vùng biển nhộn nhịp mở cửa cho thương mại, càng lúc càng có vẻ là cách lựa chọn tốt nhất.

Hôm thứ Hai tại Hà Nội, ông Abe nói rằng Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra duyên hải mới, ngoài sáu chiếc mà trước đó họ đã cung cấp. Ông nói rằng những chiếc tàu ấy sẽ cải thiện khả năng giám sát vùng biển của Việt Nam. Ông cũng cung cấp trong một loạt đầu tư và hợp đồng liên doanh, trong số đó có việc công ty Mitsubishi Corp. đầu tư vào một nhà máy nhiệt điện.

Ông Abe nói, “Hòa bình và thịnh vượng của khu vực này tùy thuộc vào việc những vùng biển này sẽ được mở ra cho hoạt động hàng hải tự do hay không. Chúng tôi sẽ làm việc với Việt Nam, để cho các quy tắc căn bản của lối ứng xử hàng hải, tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, và việc giải quyết xung đột một cách hòa bình, sẽ trở nên vững chắc. Trong một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản có thể đang theo đuổi một cách tiếp cận tương tự như Việt Nam, ông Abe cũng đến thăm Phi Luật Tân, Úc và Nam Dương, trong tháng này.

Trước đó, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Việt Nam trong tháng Chín. Chuyến thăm dẫn đến một thỏa thuận mới về an ninh, trong đó Ấn Độ đồng ý huấn luyện các phi công Việt Nam lái máy bay chiến đấu. Ấn Độ cũng thương lượng để bán các hệ thống hỏa tiễn cho Việt Nam. Việt Nam cậy dựa nhiều vào Nga, để có cương liệu quân sự của họ. Trong tuần qua, giới truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng hai nước đang thương lượng về việc bán hệ thống hỏa tiễn Akash diện-đối-không của Ấn Độ cho Hà Nội.
Tổng Thống Pháp Francois Hollande cũng đến Việt Nam trong tháng Chín, để thảo luận về thương mại, với thỏa thuận của Việt Nam về thương mại tự do với Liên Hiệp Âu Châu sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới.
Đó là một chiến lược có nguy cơ làm phiền Trung Quốc. Một bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, có xu hướng chủ nghĩa dân tộc ở Bắc Kinh, đã bày tỏ nỗi lo ngại rằng một thỏa thuận về hỏa tiễn giữa Ấn Độ và Việt Nam có thể “lén lút nhằm mục tiêu vào Trung Quốc,” và có thể tạo ra những rối loạn trong khu vực. Tờ báo ấy nói, “Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi nhìn.”

Cuối cùng mục tiêu của Việt Nam là tránh việc phải chọn đứng về phía Mỹ hay là về phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến lược mới này không có nghĩa là Việt Nam làm ngơ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Thật vậy, khi đi Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đến thăm nước này tuần qua. Đó là một phần trong vòng công du ngoại quốc cuối cùng của ông. Trong khi đó, ông Trọng, nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, đến thăm các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT