Đời Sống Việt

Thêm một cuộc sống

Cao Thu Cúc Thursday, 11/04/2013 - 08:38:23

Những lúc hứng cần viết, tôi xé một tờ giấy học trò viết vội vàng rồi nhét đâu đó, đến khi cần để khoe với bạn thì trợn mắt lên đi tìm.

Cao Thu Cúc

 

Từ lúc các con tôi đi Mỹ, cái máy vi tính ngoài việc dùng để gởi thư thì tôi không còn biết dùng để làm gì nữa. Nó vẫn còn là một vật bí hiểm đối với tôi. Tôi là một cô giáo, vì vậy viết và đọc đối với tôi là một nhu cầu, nhưng tôi vẫn chưa biết tận dụng nó. Những lúc hứng cần viết, tôi xé một tờ giấy học trò viết vội vàng rồi nhét đâu đó, đến khi cần để khoe với bạn thì trợn mắt lên đi tìm.

Học ở con học ở bạn
Một hôm bạn tôi nói:
-Thu Cúc phải viết vô máy, lưu trữ trong máy mới tiện.
-Thu Cúc phải có USB thu tất cả bài vở vô đó, đi đâu mình đem theo, như vậy lúc nào mình cũng có tài liệu bên mình.
Tôi về làm theo: viết trên máy, save vô máy, chụp hình bỏ vô máy, viết văn làm thơ gởi cho bạn bè. Tôi thích hoa, vì vậy tha hồ chụp hình hoa gởi cho bạn, rồi làm thơ gởi cho bạn. Một hôm bạn tôi ở San Siego trả lời email của tôi kèm theo bài thơ là hình hoa bên cạnh rất đẹp, trông như một tác phẩm nghê thuật. Tôi bắt nó dạy online cho tôi. Nó gởi về:
-Thu Cúc, nhớ cho kỹ: Mở word ra, viết vô đó vài câu thơ con cóc, rồi click vô insert, chọn file, chọn hình, double click vô hình đã chọn. Vèo, thấy hình chưa?
-Ồ. Thấy rồi, thấy rồi.
Trước mặt tôi hiện ra hình hoa hồng rực rỡ bên cạnh mấy câu thơ ngớ ngẩn của tôi. Ôi! Khoa học kỹ thuật! Sự sáng tạo của con người thật là kỳ diệu! Bạn tôi và tôi bắt đầu trò chơi mới, thư qua thư lại như là bướm bay. Cuộc sống rộng mở mà tâm hồn tôi cũng mở rộng hơn nhiều. Hoạt động trên máy vi tính của tôi càng lúc càng náo nhiệt. Tôi cần biết thế giới nơi con tôi đang sống, hít thở bầu không khí nơi con tôi đang thở, tìm đọc tin tức báo chí ở đó, những hoạt động văn học nghệ thuật trên thế giới, để có thể chia sẻ với con cái những cảm xúc suy tư của chúng.
Đến một lúc con gái tôi nói:
-Mẹ làm nhiều thơ rồi, bây giờ con tạo cho mẹ một Blog để bỏ bài lên đó cho mọi người đọc, chứ mẹ để trong documents thì làm sao có độc giả? Đã đến lúc phải quảng cáo thơ của mẹ rồi.
Rồi nó gởi về cho tôi: Đây là blog của mẹ, tên blog, password. Mẹ vô Google đánh caothucuc's weblog wordpress.com, bỏ password rồi vào blog của mình, muốn đọc muốn viết tùy thích.
Có một blog riêng tôi khoái vô cùng, từ nay tôi là một blogger, là một cư dân trên mạng. Tôi hăm hở vô New Post viết bài, nhưng những bài cũ thì tôi chưa biết làm thế nào để post lên, lúc đầu tôi cứ phải nhờ con gái, nhưng sau đó tôi nói:
-Mẹ muốn tự mình làm, con chỉ cho mẹ đi.
-Ờ post bài lên thì dễ chứ có khó gì đâu. Mẹ lấy bài ra, có chưa? Highlight bài chưa? Rồi copy, xong rồi đóng word, mở blog, mở new post, click vô giữa trang, rồi paste. Xong chưa?
Tôi làm theo lời con gái, lúng ta lúng túng nhưng cuối cùng cũng bỏ được bài của mình lên blog. Tôi cao hứng có bao nhiêu bài bỏ hết lên. Con gái tôi nói đúng, có mặt trên mạng là có mặt trên toàn cầu, ai cũng có thể vào đọc bài của tôi, viết comment cho bài của tôi. Mỗi ngày tôi hồi hộp vào xem có ai đọc bài của mình không? Họ thích đọc bài nào? Họ có viết comment không? Người Việt Nam không có thói quen biểu lộ cảm xúc, họ vô rồi ra không dấu vết. Người đầu tiên vào đọc và viết comment cho tôi là một nhà thơ người Mỹ. Ông comment bài thơ dịch của tôi, bài “My People” của Langston Hughes. Tôi có một cảm nhận rất lạ lùng và mới mẻ, tôi xúc động vô cùng. Rồi tôi vào blog của ông. Trời ơi, đây là lần đầu tiên tôi vào blog của người lạ, một người ở chân mây cuối trời nào đó tôi không biết, nhưng tôi đọc đến đâu thì tên caothucuc cứ hiện ra đến đó, phải nói là tôi có cảm giác hơi sờ sợ, cứ tưởng chừng như người hàng xóm đó ở ngay bên cạnh cửa sổ nhà mình, có thể nhìn thấy mình bất cứ lúc nào, nhưng tôi vô ra nhiều lần rồi cũng quen, rồi tôi cũng viết comment vài bài của ông, ông trả lời từng bài một rất lịch sự (hoàn toàn khác với người Việt Nam).

Sống trên blog có vui không?
Đến ngày đi Mỹ, tôi chỉ cần ôm chiếc máy laptop của tôi đi là đủ, không cần phải đi tìm mấy tờ giấy học trò cũ với những chữ viết ngoằn ngoèo trên đó. Tôi ra đi gọn nhẹ. Thật ra tôi có blog nhưng tôi chưa tiết lộ cho ai biết cả. Khi qua Mỹ, tôi lấy một bài thơ trên blog gởi cho bạn, nó phát hiện ra và la toáng lên:
-Thu Cúc có blog riêng mà dấu kỹ ghê, không cho ai biết cả, thật là xấu.
Rồi nó nói thêm:
-Có bài rồi phải tìm hình bỏ vô trang trí cho đẹp.
Tôi hỏi con gái, nó đứng sau lưng nói:
-Chuyện dễ ợt. Mẹ xem đây nè. Rồi nó nhanh tay làm một loạt các động tác liền liền. Tôi kêu lên:
- Con ơi, mẹ đâu còn thông minh như hồi bằng tuổi con, con phải làm chậm một nửa mẹ mới theo kịp.
Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng bỏ được hình lên bài của tôi. Đúng là dễ ợt.
Sống ở trên đất Mỹ, quan hệ của tôi rộng hơn vì độc giả Mỹ vào đọc thơ tôi thường để lại ngôi sao và Gravatar khi họ thích, tôi có dịp vào thăm blog của họ và bài nào tôi thích tôi cũng click vào ngôi sao ở cuối bài. Có qua có lại càng thấy vui. Tôi nhận thấy là độc giả thích thơ của tôi trên đất Mỹ thường là những người trẻ, trong độ tuổi sinh viên. Nhiều người trong số họ cũng viết rất hay, rất có bản lãnh, như một nhà văn đầy hứa hẹn. Họ thích những bài thơ tôi làm theo phong cách mới. Từ khi qua Mỹ, tôi cũng đổi cách suy nghĩ và cách viết, những bài thơ này thường không được các bạn tôi chia sẻ. Những người bạn của tôi, ở lứa tuổi 70, ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, họ thích những bài thơ làm theo phong cách lãng mạn có vần điệu nhẹ nhàng của tôi trước đây hơn. Một độc giả mới của tôi làm cho tôi rất cảm động, đó là một người bị ung thư, đã chiến đấu với căn bịnh nhiều năm nay và vừa mừng sinh nhật thứ 60. Tôi vào blog của ông và thấy rất nhiều người vào chúc mừng, hoan hô cổ võ, và dù sinh nhật của ông đã qua, tôi cũng viết vài câu chúc tốt đẹp trong đó, rồi tôi thỉnh thoảng trở lại để đọc bài và để lại vài ngôi sao dưới bài của ông. Cư xử với nhau trên mạng, tôi nghĩ, cũng giống như cư xử với nhau trong cuộc sống.
Có một blog, tôi thấy giống như mình có thêm một cuộc sống mới. Tôi phải chăm lo phát triển cái 'tôi' trên blog không để cho để độc giả của tôi buồn chán. Tôi cũng phải tìm cái mới, thay đổi đề tài... để không bị chê là một bà già cổ hủ chỉ biết nhai lại những cái đã có. Điều này cũng giúp ích tôi rất nhiều trong việc tìm tòi học hỏi không ngừng.
Cám ơn những nhà khoa học đã cống hiến cho nhân loại những thành quả hữu ích. Cám ơn các bậc tiền nhân đã để lại một kho tàng văn hóa vô tận giúp con người có đời sống phong phú hơn, rộng lớn hơn, giúp họ đến gần nhau hơn, cho con người thấy họ không cô đơn, bao giờ cũng có một tâm hồn đồng cảm sẵn sàng chia sẻ với họ mọi suy tư tình cảm ước mơ...
San Jose
February 26, 2013

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT