Người Việt Khắp Nơi

Theo chân đoàn ProjectMotivate

Thursday, 02/04/2009 - 03:03:25

Mọi người đến đông dần. Chúng tôi chen chúc trong một góc tòa nhà làm việc. Tiếng cười nói, chào hỏi vang rần. Trong số các thiện nguyện viên có một người ...

Chia-nhom-chuyen-tro.jpg

(Chuyện trò nhóm nhỏ.)
Bài và ảnh: Phụng Linh/Viễn Đông

Trời mưa lạnh không làm nản lòng những người trẻ – tất cả đều dưới ba mươi- trước giờ xuất phát chuyến đi thăm Museum of Tolerance ở trung tâm thành phố Los Angeles. Họ là các anh chị em hướng dẫn và học sinh được “kèm cặp” của tổ chức ProjectMotivate (Cố vấn thanh niên trẻ người Mỹ gốc Việt), đặt văn phòng tại 12900 đường Garden Grove # 214A, thành phố Garden Grove, quận Cam, Nam California. Cả nhóm khoảng chừng 30 người bắt đầu chuyển động dưới sự điều khiển của Julie Võ, 27 tuổi, người phụ trách ngoại vụ của ProjectMotivate.



Mọi người đến đông dần. Chúng tôi chen chúc trong một góc tòa nhà làm việc. Tiếng cười nói, chào hỏi vang rần. Trong số các thiện nguyện viên có một người gốc Phi là cô Jhamiela và một người Trung Hoa là cô Jenny. Còn lại là các bạn người Việt như Hưng và Jummy Tuấn – các thiện nguyện viên mới đi lần đầu với ProjectMotivate như tôi vậy. Julie Võ giới thiệu tôi với các bạn hướng dẫn gồm Chris Trần, Hubert Nguyễn, Peter Thạch, Ben Nguyễn, Julie Nguyễn, David…

Ben Nguyễn được tán dương tinh thần tích cực vì ở Los Angeles, trong khi ba bạn gái khác là Annie, Sarah và Hương Nguyễn ở tận Riverside nhưng đều chịu khó lặn lội đến ProjectMotivate để dạy kèm cho các em học sinh vào các buổi tối thứ Tư hàng tuần, từ 6 giờ đến 9 giờ đêm. Một số là sinh viên các trường đại học nổi tiếng ở Nam California, hoặc đang còn học hoặc đã ra trường nhưng vẫn gắn bó với ProjectMotivate.

Một số bạn hướng dẫn viên cho biết trong số 12 học sinh gốc Việt đang được ProjectMotivate “kèm cặp”, chỉ có 2 em nói và nghe được tiếng Việt “chút chút”. Đa số, khoảng 9 em là nam sinh, tức là thuộc nhóm “khó gần” – một thử thách quan trọng đối với các hướng dẫn viên. Cũng vậy, ngoài Julie Võ thông thạo tiếng Việt, chỉ có khoảng ba hướng dẫn viên có thể nói và nghe tiếng Việt được một ít. Thế nhưng, theo Julie Võ, điều đó không có gì trở ngại vì nếu các anh chị không nói được tiếng Anh với các em thì sẽ không khác gì bố mẹ của các em. Các hướng dẫn viên tiếp xúc với các bậc phụ huynh của các em này, dần dần khám phá ra rằng khoảng cách giữa các thế hệ trong các gia đình Mỹ gốc Việt ngày càng lớn bắt nguồn từ sự bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán văn hóa và nếp sống xã hội.

Khieng-nuoc-uong,-thuc-an.jpg

(Khiêng nước uống, thức ăn vào công viên.)

Julie Võ nói: “Các em học sinh này rất đáng được giúp đỡ.  Chúng tôi biết trong cộng đồng chúng ta có nhiều em nhỏ không được sự quan tâm trong khi các em thật sự rất cần được giúp đỡ. Có nhiều em học giỏi được đề cao, được tán thưởng, còn các em học yếu thì lại bị bỏ rơi. Có cha mẹ một mực giấu nhẹm chuyện gia đình riêng, không chịu chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng. Giờ đây tôi mới hiểu, các em cũng như chúng tôi ngày xưa, bị cha mẹ ép phải học cái này cái nọ, và quá bận rộn với công ăn việc làm mà bỏ quên con em. Các em dễ bị lôi cuốn vào máy tính, đi học về cứ ở riết trong phòng riêng, cắm đầu vào máy tính, vào games, internet rồi đi ngủ, không tiếp xúc với cộng đồng… Có em không thấy động lực của cuộc sống, thờ ơ với việc học, vì vậy mà lâu ngày học kém đi, bị bỏ lại phía sau. Theo tôi, nhờ những chương trình này mà các em có cơ hội tiếp xúc với các anh chị lớn, với các bạn đồng lứa, với xã hội… cơ hội mở rộng kiến thức, thay đổi suy nghĩ, và thay đổi cách cư xử với người khác…. Các bậc phụ huynh cũng lo lắng thấy con của mình không có bạn, và rất dễ trở thành người xấu nếu gần gũi bạn xấu. Các em rất cần một người bạn, một người anh chị mẫu mực để giúp đỡ, thúc đẩy các em học tập và sống”. Theo Julie Võ, chương trình này ưu tiên nhận từ 13 đến 18 tuổi, ưu tiên lớp 9 để theo dõi từ lớp 9 đến lúc tốt nghiệp trung học, bắt đầu vào đại học.

Tất cả các học sinh đều được cha mẹ “gửi gắm” cho ProjectMotivate để giúp các em trong việc học, sau khi phải ký một  hợp đồng đưa con đến sinh hoạt hàng tháng và học tập hàng tuần trong suốt bốn năm. Điều kiện quan trọng hàng đầu là các em này phải có nhu cầu trợ giúp thật sự trong việc học tập. Còn các cuộc sinh hoạt hàng tháng, hàng năm là cơ hội vui chơi để tạo thêm sự gắn bó, đồng cảm giữa các anh chị hướng dẫn viên và các học sinh. Còn các bạn hướng dẫn được đòi hỏi phải cư ngụ trong vùng quận Cam và phải có kinh nghiệm làm việc với các học sinh trong môi trường giáo dục. Tất cả các em học sinh được kèm học và tham dự các chuyến vui chơi đều miễn phí hoàn toàn.

Một chị hướng dẫn tên Aileen Nguyễn cho tôi biết hàng tuần dạy kèm môn toán, cả tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Mễ cho các em, và quan trọng nhất là trợ giúp những bài vở mà các em không theo kịp ở lớp học. Trong khi đó, Hương Nguyễn cũng xác nhận về sự hữu hiệu của chương trình này. Một số em thay đổi tính tình thấy rõ, chẳng hạn như lúc đầu rất ngại tiếp xúc, né tránh các hướng dẫn viên. Nhưng sau một thời gian, nhờ các anh chị chủ động gần gũi, tạo cơ hội tiếp xúc, các em không còn giữ thái độ e dè, xa lạ, mà bắt đầu nói chuyện, dễ tâm sự và nhất là thấy có người dạy kèm, nhắc nhở bài vở, điểm học hành của các em bắt đầu khá hơn.

Hương Nguyễn là học sinh năm thứ ba trường đại học UC Riverside đã gắn bó với ProjectMotivate khoảng sáu tháng nay, nói: “Chúng tôi đến với chương trình này để giúp các em nhỏ có được động lực trong việc học hành. Và dĩ nhiên, chính chúng tôi cũng tìm được động lực của cuộc sống đầy ý nghĩa cho chính mình”.

Chờ tạnh mưa và mọi người đến đông đủ để lên đường, anh hướng dẫn viên Đạt Nguyễn bắt đâàu chia bánh ngọt cho mọi người. Mọi người lại có dịp cười nói vui vẻ… trước khi tạm chia nhau nhau, lên xe, cứ bốn người vào một chiếc xe, nổ máy…

Mười một giờ, chúng tôi bắt đầu tập họp đầy đủ phía trước Viện bảo tàng Museum of Tolerance. Đó là lúc qui tụ đông đủ nhất vì có thêm người ở Los Angleles và Riverside chạy đến. Chỉ khoảng 12 học sinh nhưng có tới 18 thiện nguyện viên và anh chị hướng dẫn. Chờ đợi gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới bước qua cánh cổng của Viện bảo tàng. Hầu hết đều đến lần đầu, kể cả tôi, cho nên chúng tôi cứ chăm chú quan sát từng hình ảnh một, chú ý lắng nghe từng âm thanh…. Ở tầng một, người ta trưng bày hình vẽ của thiếu nhi Darfur, điểm nóng nhất trên thế giới hiện nay vì có đến hàng triệu người dân Somalia di tản để tránh cuộc tàn sát. Ở tầng hai, chúng tôi được xem những thước phim lịch sử đầy giá trị của các tầng lớp di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ, hơn 200 năm về trước, với những chiếc valise cũ kỹ bốc mùi mốc ẩm còn để lại. Ở tầng ba, lần này cả nhóm lại được xem phim – phim nói về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và cuộc tàn sát người Do Thái của Đức quốc xã thời Hitler. Họ cho chúng tôi đi vào cánh cổng sắt của trại tập trung mà cách nay 69 năm hàng triệu người Do Thái đã bước qua và không bao giờ trở về. Chúng tôi đứng ngồi, chen chân với hàng chục du khách khác, ngậm ngùi nghe đây đó vang lên tiếng sịt mũi giữa khoảng không yên lặng. Hình như các nhà điều hành ProjectMotivate muốn tất cả những người trẻ Mỹ gốc Việt nhìn lại những thảm cảnh hãi hùng để nhận ra rằng mình vẫn còn quá may mắn trên hành tinh này chăng…. Cảm động nhất là khi vừa bước ra khỏi bảo tàng, Peter bỗng buột miệng nói: “Vì sao chưa có một viện bảo tàng cho những người Việt Nam di tản?”

Tôi tìm cơ hội gặp gỡ các em học sinh để nói chuyện. Teresa Nguyễn, cư dân thành phố Westminster, học sinh trường La Quinta tâm sự: “Hôm nay em dậy sớm lắm, khoảng 7 giỡ rưỡi đã dậy rồi. Mẹ đưa em đến chỗ này đây”. Nhiều em học sinh không ngại nói chuyện nhưng vẻ mặt lúc nào cũng đăm chiêu. Có em cứ đứng tựa vào tường cạy gỡ những miếng xi măng khô cứng trong khi chờ vào Viện Bảo Tàng. Có em ngồi phệt xuống đất ôm đầu suy nghĩ, có em mơ màng, thả hồn theo tiếng nhạc của chiếc iPot. Tôi hỏi, nhiều em nói cuối tuần chỉ năèm nhà để…ngủ, vì không biết làm gì. Có em nói chỉ ở nhà, trong phòng, chơi game, chơi với máy tính, thế thôi.

Chuyến đi thăm Viện Bảo tàng diễn ra trong khoảng ba tiếng đồng hồ. Cả nhóm tìm tới công viên Roxbury Memorial chỉ cách viện bảo tàng năm phút lái xe. Lại lục tục khiêng mang thức ăn, nước uống vào công viên. Ai nấy đều ăn lấy, ăn để vì tất cả đều đói bụng. Trong Viện bảo tàng, nhiều thứ bị cấm mang vào, từ máy ảnh, máy ghi âm, điện thoại có nhạc, nói gì đến thức ăn, thức uống.

Người điều hành ProjectMotivate thật chu đáo, chuẩn bị đầy đủ những bánh snack, bánh mì sandwish, thịt nguội, sốt, bơ, phô mai, cả quit ngọt…Mọi người quay quần quanh ba chiếc bàn dài hình chữ nhật, vừa ăn, vừa chuyện trò thật vui. Các anh chị hướng dẫn viên có một phong cách khác hẳn: bình thản trò chuyện một cách lịch sự, nhã nhặn chờ đợi trong khi các em học sinh ào tới để chọn thức ăn cho “đầy bụng cái đã.

Đó là những giờ phút trầm mặc mà tôi có dịp quan sát và lân la nói chuyện với mọi người. Tôi nhìn thấy một em học sinh ngồi chờ lấy thức ăn, thay vì la cà vui vẻ nói chuyện thì lại ru rú ở góc bàn. Trở lại bàn bày thức ăn vẫn không chen vào được, em trở ra sân cỏ, nóng nảy đá cát, cỏ tung lên mù mịt…

Ca-nhom-choi-tro-choi.jpg

(Chơi trò chơi “đánh tù tì, bắt bạn”. Người mặc áo xám, đứng chìa tay ra là Julie Võ.)

Ăn uống xong, cả nhóm chơi trò “đánh tù tì bắt bạn”. Cả góc vườn lại vang lên tiếng cười nói rộn ràng. Ngoài những em học sinh trầm mặc, ít nói, không cười vẫn có những em cởi mở, chịu vui đùa cùng các anh chị hướng dẫn viên. Julie Võ nổi bật như là một người chỉ huy mọi trật tự và mang lại tiếng cười cho tất cả mọi người. Chúng tôi chia tay khi đồng hồ chỉ 4 giờ chiều, một ngày lang thang bên nhau đầy tiếng cười và những cuộc chuyện trò đầy cảm thông.

Julie Võ năm nay 27 tuổi, đang làm nhân viên điều hành, gây quỹ cho một tổ chức vô vị lợi giúp các bà mẹ đang mang thai, kinh tế thấp. Julie Võ làm việc với ProjectMotivate từ năm 2005, khởi đầu là thiện nguyện viên rồi mới làm người hướng dẫn. Cùng với Scott lo nội vụ, chị lo ngoại vụ và cả hai cùng kết hợp tổ chức mọi hoạt động, họp ban chấp hành, để duy trì sự ổn định và lâu dài của chương trình. Julie Võ mơ ước biến ProjectMotivate thành một tổ chức ổn định lâu dài, có bộ máy nhân sự, có chương trình hoạt động đàng hoàng qui tụ các thiện nguyện viên trẻ, có nhiệt tình đối với cộng đồng.

Julie cũng cho biết, dang kiểm tra sự phát triển của ProjectMotivate. Chương trình này khởi động khoảng 4 – 5 năm nay, nên chưa xác định được mức độ thành công. Theo chị, sự thật trước đây từng có em dính vào băng đảng, nhưng đã được hướng dẫn học hành trở lại và đã tốt nghiệp trung học, có việc làm. Có bậc phụ huynh vui mừng khi thấy con thay đổi tính tình, trở nên nhã nhặn, lễ phép với cha mẹ sau một thời gian tham gia sinh hoạt với ProjectMotivate. Chị nói: “Chỉ có thể thông qua các câu chuyện của cha mẹ kể lại để hiểu hiệu quả việc làm của mình chứ hiện nay chưa thể tập hợp đầy đủ. Nhiều em mới vô học kém, nay cố gắng hơn và điểm học đã tốt hơn”.

Bên lề cuộc sinh hoạt, Julie Võ tâm sự thêm: “Nhiều lý do khiến các em học kém, nhưng tất cả đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình: bố mẹ đi làm vất vả, không có điều kiện quan tâm nói chuyện, chăm sóc con. Các em không được giúp làm bài, thiếu được nhắc nhở. Có đứa con nhà nghèo bị bỏ quên đã đành, vài em thuộc gia đình khá giả cũng thế. Có em trở nên trầm uất vì sức hiểu biết bị thui chột lâu ngày…Khoảng cách giữa các thế hệ lớn dần vì con theo văn hóa Mỹ, cha mẹ theo nếp sống văn hóa Việt, con không có anh chị lớn hướng dẫn, không có sự đồng cảm, chuyện trò. Những trẻ đó sẽ quay sang chịu ảnh hưởng của bạn bè, gần bạn xấu thì trở thành xấu, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”…Vì vậy mà các hướng dẫn viên của ProjectMotivate dành 30% thời gian để mời cha mẹ vô phòng riêng, nói về nhu cầu tâm sự của con. Họ còn lập một sổ liên lạc gia đình – Motivate.

Peter, một nam hướng dẫn viên của ProjectMotivate cho biết thêm, anh rất may mắn khi sinh ra trong một gia đình có chị lớn lại ở chung với ông bà ngoại nên được chăm sóc chu đáo. Với đại đa số hướng dẫn viên, khi lớn lên, lập gia đình thì bắt đầu biết đến lòng hy sinh của cha mẹ, những người chịu cực chịu khó nuôi dưỡng, chăm sóc mình từ lúc mới sinh ra cho đến khi tốt nghiệp đại học, trang bị nhiều cơ hội vào đời. Vì vậy mà họ muốn giúp các em nhỏ nhận thức được sự may mắn của mình, nhắc các em cố nghe lời bố mẹ vì bố mẹ lúc nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con.

Tôi cũng gặp Scott Iseri, người Mỹ gốc Nhật Bản, cư dân thành phố Irvine phụ trách vấn đề nội vụ của ProjectMotivate, hết sức năng nổ, chăm lo cho các em học sinh con em các gia đình cư dân Việt đang có nguy cơ chậm lại trong việc học. Scott cho biết Project MotiVATe sẽ tổ chức một buổi nhạc hội gây quỹ lần thứ ba mang tựa đề “Cố Vấn Hôm Nay Để Tạo Năng Lực Cho Ngày Mai” vào lúc 7 giờ tối, thứ Sáu 17, tháng Tư, năm 2009 tại nhà hàng Paracel Seafood, 15583 Brookhurst Street, Westminster, CA 92683.

Theo Scott và Julie, buổi nhạc hội còn mở sổ số và bữa ăn tối bảy món và tất cả số tiền thu được sẽ được dùng vào chương trình dạy kèm. Để biết thêm chi tiết, mua vé, và những cơ hội bảo trợ, xin liên lạc projectmotivate@gmail.com hoặc www.projectmotivate.org.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT