Bình Luận

Thị trường công việc đảo lộn vì Covid

Thursday, 23/09/2021 - 09:28:03

Kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái đầu năm 2020 vì Covid-19, các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động,...


Tấm băng thuê nhân viên được treo bên ngoài siêu thị Winn-Dixie Supermarket ở thị xã Hallandale, Florida ngày 21 tháng 9, 2021. Nhiều cơ sở đang cần người, nhưng số người thất nghiệp vẫn nhiều vì nhu cầu và khả năng không phù hợp với nhau. (Joe Raedle/ Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái đầu năm 2020 vì Covid-19, các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, sa thải hàng chục triệu công nhân; nhưng nay đã vượt lên cao hơn thời chưa bị bệnh dịch.

Theo các số liệu của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội, Wall Street Journal, và Quỹ Dự Trữ Liên Bang chi nhánh St. Louis, vào tháng 10 năm 2019, Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) nước Mỹ là $19.20 ngàn tỷ đô la; Tháng Giêng năm 2020, tụt xuống còn $18.95 ngàn tỷ; tháng Tư xuống nữa, $17.26 ngàn tỷ, cơn suy thoái bắt đầu; nhưng đến tháng Tư 2021, GDP lên trở lại, được $19.36 ngàn tỷ; tháng tới sẽ lên $19.95 ngàn tỷ đô la.

Các cửa hàng, xí nghiệp mở cửa lại, số người được chích vaccine lên cao, họ sẽ đi làm và mua sắm. Động lực thúc đẩy mạnh nhất là người tiêu thụ phải nhịn chi tiêu suốt năm trời rồi, mà họ lại đang sẵn tiền.

Nhiều người Mỹ đã để dành tiền trong cả năm qua. Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) tức Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cho biết số tiền mặt và tiền gửi trong ngân hàng đã lên tới $14.5 ngàn tỷ đô la vào tháng Ba năm 2021, tăng thêm $850 tỷ trong ba tháng đầu năm. Riêng tiền để dành, gửi trương mục tiết kiệm, đã tăng thêm $2 ngàn tỷ; đang nôn nóng đòi được lưu hành!

Cho nên kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng tình trạng hồi phục lần này diễn ra những cảnh tượng bất bình thường, đặc biệt trong Thị Trường Công Việc (labor market), Số Cung và số Cầu không ăn khớp với nhau. Nhiều người không có việc làm, nhiều xí nghiệp lại không tuyển được đủ nhân viên.

Chuyện này vẫn thường xảy ra. Một xưởng chế tạo xe hơi tạm đóng cửa vì thiếu cơ phận, công nhân mất việc. Trong khi đó một bệnh viện nỗ lực nhưng không tuyển đủ nhân viên. Các công nhân hãng xe không thể đổi qua săn sóc bệnh nhân ngay được; cung và cầu không ăn khớp với nhau. Nhưng chưa bao giờ số chênh lệch lên cao như năm nay. Đầu tháng Chín 2021, các xí nghiệp cần 11 triệu người vào làm nhưng chưa tuyển được. Trong lúc đó 10 triệu người tìm chưa ra công việc.

Cung cầu so le trong thị trường nhân dụng có thể ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Muốn giành được công nhân với khả năng cao như mình muốn, xí nghiệp phải tăng lương. Lương tăng, giá thành sản phẩm tăng, giá bán phải tăng theo. Lạm phát sẽ lên cao, như mọi người đã chứng kiến hồi đầu năm nay. Ngân Hàng Trung Ương sẽ phải tăng lãi suất để ngăn ngừa nếu lạm phát kéo dài. Lãi suất lên, kinh tế sẽ giảm tốc độ, mọi người chịu hậu quả.

Theo bản tin của CBS News, dựa trên số liệu của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, bình thường, khi nhiều người thất nghiệp thì số người tìm việc cũng đông. Ngược lại, khi số người thất nghiệp thấp thì các công ty khó tuyển mộ nhân viên. Bây giờ lại khác. Tháng Ba, các công ty Mỹ không tuyển được người làm cho 8 triệu công việc. Qua tháng Sáu, số công việc còn trống thành 10.2 triệu. Cuối tháng Bảy, lên 10.9 triệu.

Cùng thời gian đó số người mất việc cũng tăng. Đầu năm 2020 chỉ có gần 7 triệu người khai thất nghiệp. Tháng Tám 2021 là 9.8 triệu, đầu tháng Chín vẫn còn 11.9 triệu. Theo TwinCities Pioneer Press và The Hill.

Khó giải thích tại sao nhiều người mất việc nhưng các xí nghiệp khó kiếm được nhân viên! Nguyên nhân chính là Covid-19.

Bình thường, khi kinh tế thoái trào thì số người mất việc tăng rất nhanh; khi bắt đầu hồi phục thì tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng xuống từ từ; vì người ta còn dè dặt chưa tuyển dụng nhiều. Lần này, cơn suy thoái do bệnh dịch gây ra khiến thất nghiệp tăng rất nhanh; đến khi thấy bệnh thuyên giảm thì doanh nghiệp nào cũng nóng lòng mở cửa lại.

Nhưng giới đi làm chưa sẵn sàng đáp ứng!

Một lý do thường được nêu ra là trợ cấp thất nghiệp nhiều quá. Người ta tính rằng nếu bớt trợ cấp thì ai cũng lo kiếm việc. Vì thế, 24 tiểu bang đã cắt bớt khoản trợ cấp phụ trội $300 đô la mỗi tuần, dù đó là tiền chính phủ liên bang tặng, kể từ tháng Sáu hay tháng Bảy. Các tiểu bang khác chỉ cắt từ sau Lễ Lao Động Mỹ. Nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy trong tháng Sáu cho đến tháng Tám, số người làm việc tại những tiểu bang đã cắt trợ cấp cũng không tăng được bao nhiêu so với các tiểu bang không cắt.

Điều đó chứng tỏ có nhiều nguyên nhân phức tạp gây ra cảnh cung cầu so le. Một lý do khiến nhiều người không “vội vàng” đi kiếm việc làm ngay là vì họ còn lo bị nhiễm bệnh. Biến thái Delta dễ lan truyền hơn và tấn công mạnh hơn. Dù số người chết không cao, nhờ phương pháp trị liệu đã tiến thêm, và nhiều người chích ngừa rồi bị nhiễm cũng bớt nguy hiểm; nhưng không ai muốn đem mình ra thử.

Theo TwinCities Pioneer Press, một lý do khiến cung cầu so le là vì khi Mỹ bắt đầu chích vaccine, những người được chích sớm nhất thuộc lớp tuổi không đi làm: đã lớn tuổi hoặc đang có bệnh sẵn. Những người trong tuổi làm việc, giới lao động không chuyên môn, thuộc các sắc dân thiểu số thường chưa được chích vaccine đầy đủ. Công nhân mà các xí nghiệp đang muốn tuyển dụng lại thuộc lớp người trẻ; phần nhiều chưa hoặc không chích ngừa.

Khi kinh tế mở cửa lại, những nơi muốn tuyển người sớm nhất như trong các tiệm ăn, các cửa hàng bán lẻ lại thuộc các lãnh vực mà nhân viên cần tiếp xúc với công chúng, mỗi ngày gặp nhiều người xa lạ. Do đó, người ta càng do dự không muốn đi làm.

Một lý do quan trọng khác khiến nhiều người thất nghiệp nhưng vì Covid chưa thể đi làm, là khi các trường, các lớp đóng cửa các bà mẹ phải ở nhà trông con. Hàng chục triệu trẻ em không thể đem gửi các lớp mẫu giáo hay nhà giữ trẻ nữa.

Sau cùng, nhiều người chưa muốn đi làm ngay vì họ đang có cơ hội đổi việc, đổi chỗ làm, đổi cách làm việc, cho đến đổi nghề luôn! Tháng Tư vừa qua, Ngân Hàng Trung Ương chi nhánh Dallas phỏng vấn những người mất việc vì Covid, thấy năm ngoái có 20% không muốn trở về công việc cũ, tháng Tư năm nay tỷ số đó tăng lên 31%. Công ty ZipRecruiter, chuyên giới thiệu việc làm, thấy 55% những người xin việc muốn làm việc ở nhà; và 70% những người làm tiệm ăn, quán rượu, khách sạn, vân vân, muốn đi làm việc khác.

Nhiều người tự ý bỏ việc để thay đổi. Trong tháng Năm năm 2021, có 2.5% người đang đi làm tự ý xin nghỉ, tỷ số cao kỷ lục. Theo thống kê Bộ Lao Động Mỹ (JOLTS), tháng Sáu năm nay có 3.9 triệu người Mỹ tự ý bỏ việc, tháng Bảy lên 4 triệu người.

Giới lao động có cơ hội suy nghĩ, kén chọn việc làm như vậy cũng nhờ trong thời bệnh dịch người ta dành dụm được nhiều tiền tiết kiệm, chưa cần đi làm ngay. Bệnh dịch Covid cũng là dịp cho người ta thay đổi chỗ ở, nhiều người bỏ các khu đô thị đông đúc ra sống ở ngoại ô – cách sở làm hằng trăm cây số nếu, mỗi tuần chỉ phải đến sở một, hai ngày. Khuynh hướng này sẽ tiếp tục sau khi Covid-19 ngưng rồi. Nhiều công ty đã dùng “robot” để tự động hóa, thay đổi công việc rất nhiều người. Những người học các kỹ thuật mới sẽ kiếm việc dễ dàng và lương cao hơn, dù làm việc ở nhà.

Covid-19 thay đổi thị trường công việc. Nhiều công ty tự động tăng lương cho nhân viên để bảo đảm không mất người. Giới lao động có thế mạnh hơn trước.

Các trận bệnh dịch trong lịch sử đều thay đổi cuộc sống xã hội. Sau một trận dịch hạch vào thế kỷ 17 ở nước Anh, chết nhiều quá, ruộng đất thiếu người cầy người gặt hái. Nông dân có thể di cư tìm nơi trả lương cao hơn, các lãnh chúa ngăn cấm không được. Từ đó người dân tranh đấu được nhiều quyền tự do hơn.
(Nguồn VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT