Bình Luận

Thiên An Môn

Wednesday, 06/06/2018 - 10:34:07

Họ đứng lên, cáng đáng cuộc canh thức đó, vì 1,500 triệu đồng bào Hoa Lục của họ không được quyền tụ họp để nói lên tiếng nói đấu tranh cho dân chủ, nói lên lòng kính mến của họ đối với những chiến sĩ nhân quyền đã bị giết vì tranh đấu cho nhân quyền.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Hai, mùng 4 tháng Sáu, 2018, gần 200,000 người Hoa kéo nhau đến công viên Victoria, Hồng Kông, làm lễ kỷ niệm Thiên An Môn -cuộc đấu tranh của sinh viên Trung Quốc kéo dài 50 ngày- từ 15 tháng Tư đến mùng 4 tháng Sáu 1989 -ngày chính phủ Trung Cộng giải tán cuộc biểu tình bằng cách lái xe thiết giáp càn vào đám đông.



Cuộc tập họp được tổ chức như một đêm canh thức đòi hỏi chính quyền Trung Cộng trả tự do cho những chiến sĩ nhân quyền còn đang bị giam giữ trong Hoa Lục, và thực hiện chính sách dân chủ trên lãnh thổ Trung Hoa.

Nhóm tổ chức 'canh thức' ước lượng số người tham dự lên đến 180,000, và than là lòng người đang nguội lạnh dần qua biểu hiện là con số tham dự lễ kỷ niệm Thiên An Môn, ngày càng sút giảm.
Con số đó do cảnh sát ước lượng chỉ trên dưới 90,000; năm ngoái cảnh sát ước tính số người tham dự kỷ niệm Thiên An Môn lên đến 110,000. Truyền thông Hồng Kông cho là trận mưa lớn hôm thứ Hai đã làm giảm bớt số người biểu tình.

Một trong nhiều lý do khác nữa, khiến số người tham dự đêm canh thức Thiên An Môn giảm bớt là khá nhiều tổ chức sinh viên không tham dự, họ cho là nên giới hạn mục đích đấu tranh cho vừa với khả năng nhân lực của Hồng Kông -như đấu tranh cho dân chủ của chính Hồng Kông.

Tuy nhiên một số sinh viên vẫn cứ tham dự; những người này cho là cuộc đấu tranh nào cho dân chủ cũng phục vụ đời sống của người Hoa, trong lúc sinh viên Hồng Kông lại gặp ít khó khăn trong nỗ lực tổ chức biểu tình -ít hơn công dân Trung Quốc sinh sống trong Hoa Lục.

Cô sinh viên Wong Nga-man viết trên Face Book, “Đừng để giá trị đấu tranh của Thiên An Môn phai mờ đi. Tôi muốn mọi người biết rằng thanh niên, thiếu nữ Trung Hoa vẫn sẵn sàng đấu tranh cho tự do, và chấp nhận chết trong đấu tranh."

Người tham dự đêm canh thức Thiên An Môn còn đặt tượng nhà đấu tranh Liu Xiaobo -Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình ngay giữa công viên. Ông Liu cũng ngồi bên những sinh viên trẻ tại Thiên An Môn, rồi bị chính quyền Trung Cộng bắt giam, cho đến năm 61 tuổi, chết trên giường bệnh, mà vẫn có công an canh gác.

Anh Michael Mo Kwan-tai, người phát ngôn của tổ chức đêm canh thức Thiên An Môn kêu gọi Tòa Quốc Tế Hình Sự (the International Criminal Court) điều tra vụ giết người tập thể tại Thiên An Môn, và lên án vụ tàn sát đó là tội ác chống nhân loại.

Tổng số người biểu tình bị giết tại Thiên an Môn hôm 6/4/1989 được hội Hồng Thập Tự Trung Hoa ước lượng là 2,700 người, trong lúc thị trưởng Bắc Kinh Chen Xitong lại cho là chỉ có 200 người, trong số đó có 36 sinh viên, và 3,000 người bị thương.


Sinh viên Wong Nga-man


Ông Liu bị giam cầm, không đến Oslo nhận giải Nobel được

Đọc bài báo tường thuật đêm canh thức tưởng niệm Thiên An Môn tôi không chỉ kính phục nhà đấu tranh Liu Xiaobo và những người trẻ ngồi đối diện với những người lính cộng sản sắp lái xe tăng cán nát thân xác họ, mà tôi còn kính phục 100,000 người tham dự đêm canh thức mùng 4 tháng Sáu 2018, những người đã quên bận bịu sinh kế hàng ngày để thức trắng đêm đề cao một thành tích đấu tranh dân chủ.

Họ đứng lên, cáng đáng cuộc canh thức đó, vì 1,500 triệu đồng bào Hoa Lục của họ không được quyền tụ họp để nói lên tiếng nói đấu tranh cho dân chủ, nói lên lòng kính mến của họ đối với những chiến sĩ nhân quyền đã bị giết vì tranh đấu cho nhân quyền.

Nhưng tôi cũng buồn trước con số 100,000 người Hồng Kông tham dự đêm canh thức Thiên An Môn; họ cho là họ có bổn phận vinh danh những người đã chết vì đấu tranh cho tự do, dân chủ.
Dù có lấy con số 90,000 của cảnh sát Hồng Kông là con số chính xác thì con số đó cũng vẫn còn quá lớn, so với số người Việt chúng ta đứng chung với nhau để tưởng niệm ngày quốc hận 30 tháng Tư, hay ngày thảm sát tại Huế năm 1968.

Cuộc đấu tranh của người Việt cho tự do, dân chủ của quê hương mình không sắt máu bằng, không oai dũng bằng cuộc đấu tranh của người Hoa tại Thiên An Môn ư?
Đương nhiên là không: hàng triệu người VN đã bị CS giết; hàng chục triệu người VN khác đã tìm mọi cách vượt biên, vượt biển tìm tự do, và đang tạo thành một 'nước' VN Hải Ngoại, trong lúc gần 100 triệu người Việt quốc nội vẫn tiếp tục đấu tranh.

Vậy mà dư luận quốc tế chỉ nhắc nhở đến ngày mùng 4 tháng Sáu, vì 100,000 người Hoa vẫn còn thức trắng đêm mùng 4 tháng Sáu để tưởng nhớ cuộc đấu tranh oai hùng chống độc tài cộng sản.
Tôi hình dung cái hãnh diện của mình trước cảnh 10,000 người gốc Việt chúng ta đứng chung với nhau để tưởng niệm 30 tháng Tư -ngày mất nước, và cũng là ngày chúng ta dứt khoát lựa chọn giữa tự do và cái chết trong lòng biển cả.

Tôi còn thèm một ngày tưởng niệm nữa: ngày thảm sát tết Mậu Thân; không những chỉ tưởng niệm mà đó còn là một nhu cầu văn hóa mà người gốc Việt đang sống tại hải ngoại có bổn phận phải thực hiện để khẳng định sự thật về cuộc tấn công quân sự do cộng sản tỉ mỉ thiết kế và cuồng bạo thực hiện năm 1968.
Việc chúng ta không nói lên được sự thật đã tạo khoảng trống cho VC diễn dịch cuộc thảm sát tại Huế; một điển hình là quyển từ điển Wikipedia Việt ngữ -một sản phẩm ghi chép tài liệu của tổ chức Wikipedia Mỹ được tiếng là trung thực- đã viết về cuộc thảm sát Huế như sau:

Thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân (tiếng Anh: Hue massacre) là tên gọi một sự kiện trong Chiến Tranh Việt Nam khi phát hiện nhiều ngôi mộ tập thể chôn tử thi trong chiến trận Huế. Việc phát hiện hố chôn xảy ra khi Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và đóng ở Huế một tháng, sau đó bị triệt thoái trước sự phản công của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Hoa Kỳ.
Cho đến nay, tài liệu từ cả phía Việt Nam và Mỹ vẫn quy trách nhiệm cho nhau về nguyên nhân và tính xác thực của sự kiện này. Trong khi đó, phía phản đối chiến tranh (như Gareth Porter) và nhiều học giả phương Tây khẳng định rằng số lượng và hoàn cảnh của những người bị giết đã bị phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khuếch đại, ngụy tạo nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền trong chiến tranh. Nguồn từ phía quân Giải phóng thì ghi nhận họ đã chôn nhiều thường dân chết do hỏa lực hạng nặng của Mỹ cùng với binh sĩ tử trận của họ. Ngoài ra cũng có nhiều nguồn tin khác cho rằng số người chết ở Huế trong chiến dịch này là do hỏa lực trong nỗ lực tái chiếm địa bàn của Mỹ cùng sự trả thù của phía Việt Nam Cộng hòa lên những người ủng hộ quân Giải phóng.

Dĩ nhiên chúng ta biết luận điệu đó là tuyên truyền của VC, và hoàn toàn đi ngược lại sự thật, nhưng con chúng ta có biết hay không? Quốc tế có biết hay không?
Đêm canh thức 6/4/18 nêu lên một điểm đáng buồn là chỉ tự do giới hạn, nhưng người Hồng Kông vẫn tận dụng chút tự do đó để đấu tranh cho quê hương họ, trong lúc chúng ta hoàn toàn tự do mà lại lơ là để mặc VC múa gậy vườn hoang.
(ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT