Đạo và Đời

Thiên Chúa của người nghèo khổ và phường tội lỗi

Wednesday, 02/10/2019 - 07:15:59

Người Do Thái ngày xưa sống theo văn hóa phong kiến, một xã hội không những phân chia giàu nghèo, nhưng còn phân chia giữa “người công chính” và “phường tội lỗi.”


Tình cha thương con (Getty Images)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Người Do Thái ngày xưa sống theo văn hóa phong kiến, một xã hội không những phân chia giàu nghèo, nhưng còn phân chia giữa “người công chính” và “phường tội lỗi.” Trong một xã hội đặt nặng danh dự cá nhân như xã hội Do Thái, không ai trong tầng lớp giàu có chịu ngồi chung bàn với những người nghèo, và không “người công chính” nào sẵn lòng ăn chung với những ai bị xã hội loại bỏ. Duy chỉ có Chúa Giêsu đã xóa bỏ hàng rào ngăn cách này để đem ơn cứu độ đến cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ và tội lỗi, và Ngài đã diễn giải lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay: Con Chiên Lạc, Đồng Tiền Đánh Mất, và Người Con Hoang Đàng.

Hai dụ ngôn đầu có nội dung tương tự như nhau. Cả hai đều nói lên sự quan tâm lo lắng vô cùng của Thiên Chúa qua những gì đã bị đánh mất. Nếu người chăn chiên và người phụ nữ trong hai dụ ngôn, với những bất toàn của một con người, biết quan tâm lo lắng cho những gì đã bị tuột ra khỏi vòng tay của họ, Thiên Chúa xót xa biết bao khi ai đó trong chúng ta lầm đường lạc lối. Ngài tìm đủ cách để đưa chúng ta về. Nếu cần phải lật ngược căn nhà lên như người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh mất, Ngài cũng sẵn sàng làm. Và khi đã tìm được, Thiên Chúa vui mừng như người chăn chiên vác chiên lên vai và như người phụ nữ gọi chị em bạn tới để cùng với họ vui mừng. Một đồng bạc đâu đáng để gọi cả hàng xóm láng giềng đến “ăn mừng,” nhưng Chúa Giêsu muốn mượn hình ảnh này để nói lên niềm vui ở trên trời khi người tội lỗi ăn năn trở lại. Điều này giúp chúng ra hiểu rõ hơn tại sao người chăn chiên sẵn sàng bỏ lại 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc. Ngài không muốn ai bị hư mất, và như hai dụ ngôn miêu tả, Ngài sẽ tìm cho đến khi thấy được con chiên lạc mới thôi, hoặc chỉ ngưng khi nào tìm ra được đồng tiền đã đánh mất.

Dụ ngôn thứ ba nói đến hai đặc tính cứu độ của Thiên Chúa: Ngài thương xót người tội lỗi biết ăn năn sám hối; và nhân từ ngay cả với những ai tự cao, cho mình là công chính. Trước hết là người con thứ. Người con này đã gom góp hết tài sản có được, dứt bỏ cha già, cùng với tổ ấm yêu thương, và quê hương xứ sở để trẩy đi phương xa, “phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm.” Sau đó anh đã sống như một người dân ngoại, một sự sỉ nhục đối với người Do Thái, và hơn nữa anh còn làm công việc mà người Do Thái cấm cản, đó là chăn heo. Thế nhưng khi anh nhận ra được tội lỗi của mình, anh quyết định trở về với cha. Anh cảm thấy không còn xứng đáng là một người con trong gia đình và chỉ cầu mong được làm người tôi tớ trong nhà, nhưng cuộc gặp gỡ giữa anh và cha già đã thay đổi tất cả. Người cha nhân từ đã tháo gỡ hết mọi rào cản của một xã hội phong kiến để ôm anh vào lòng và cho anh lại quyền làm con với áo đẹp khoác trên mình, nhẫn đeo trên tay, và chân đi giầy. Chưa hết ông còn cho hạ thịt con bê vỗ béo để mở tiệc ăn uống linh đình.

Đối với người con cả, ông cũng hết mực nhân lành với anh. Mẩu đối thoại giữa ông và người con cả đã nói lên điều đó. Người cha trong xã hội phong kiến không khi nào dừng lại để năn nỉ con cái, nhưng ông đã làm điều đó. Ông đã năn nỉ anh vào nhà để ăn mừng “vì em con đã chết nay sống lại.” Sau đó người anh cả có vào hay không, chi tiết này không quan trọng, nhưng điều quan trọng Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy, đó là người cha đã cởi bỏ rào cản của xã hội để năn nỉ con mình, và hy vọng anh đổi ý bước vào trong nhà.
Đó là hình ảnh nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài nhân hậu không những với người tội lỗi biết ăn năn trở lại, nhưng còn cả với những người tự cho mình là công chính. Bài Tin Mừng nói rõ người con thứ đã quay trở lại và anh có được trọn vẹn thân phận của một người con trong gia đình. Người anh cả sau này có vào nhà hay không, chẳng ai rõ, nhưng nếu anh chịu vào, hạnh phúc cho anh biết mấy. Mỗi người chúng ta, dù là con cả hay con thứ, Thiên Chúa đều muốn chúng ta trở về nhà với Ngài. Khi còn sống ở thế gian, căn nhà đó là Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập, và khi qua khỏi đời này, căn nhà vĩnh viễn của chúng ta sẽ là Quê Trời.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT