Đạo và Đời

Thiên Chúa tha thứ tuyệt đối

Wednesday, 11/04/2018 - 07:51:05

Họ được phép cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi chịu các bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm Vọng Phục Sinh, để đánh dấu sự kết thúc giai đoạn học hỏi của người tân tòng.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Xét cho cùng thì mỗi người chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Chúa. Điều này có nghĩa là không ai trong chúng ta là không có một chút mảy may tội lỗi, dù là người thánh thiện nhất. Thánh Gioan Tông Đồ trong thư thứ nhất đã viết rằng: “Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội, là chúng ta đã tự lừa dối mình, và sự thật không có ở trong chúng ta.”
Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót nói cho chúng ta biết rằng Chúa luôn luôn muốn tha thứ cho con người. Điều quan trọng là mình phải biết mở lòng ra để đón nhận sự tha thứ đó. Người ta sẽ không đón nhận được nhiều hồng ân của sự tha thứ, nếu không cảm nhận được sự tha thứ. Sự tha thứ của Thiên Chúa là sự tha thứ tuyệt đối. Lòng nhân từ của Thiên Chúa không bao giờ có thể đo lường được cho đến muôn đời. Những ai yêu mến Ngài sẽ cảm nghiệm mãi mãi tình thương và sự tha thứ đó. Lễ Kính Lòng Thương Xót nói lên sự sâu thẳm khôn dò thấu của tình Thiên Chúa xót thương.


Các giám mục, linh mục cử hành thánh lễ đại trào tại tiền đường Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam, Santa Ana sáng Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh đã được gọi bằng những tên khác nhau: Chúa Nhật sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, và còn được gọi là Chúa Nhật “Áo Trắng,” để nói lên một chi tiết trong tiến trình khai tâm Kitô giáo của những tân tòng: Họ được phép cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi chịu các bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm Vọng Phục Sinh, để đánh dấu sự kết thúc giai đoạn học hỏi của người tân tòng.

Ở Ấn Độ, Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật Thánh Tôma, đó là vì theo tục truyền thì Thánh Tôma đã tới giảng đạo ở Ấn Độ và đã chịu chết tử đạo tại đó. Thêm một lý do nữa là bài Phúc Âm của Chúa Nhật này, luôn luôn là bài Phúc Âm kể lại câu chuyện cuộc gặp gỡ và thờ lậy của ông Tôma “cứng lòng” trước Đấng Phục Sinh. Khi được các Tông Đồ tường thuật rằng Chúa Phục Sinh đã hiện ra với họ, thì ông nói rằng ông không tin cho tới khi nào được đụng chạm tới Ngài, và bài Phúc Âm đã kể lại Tôma đã đi từ thách đố để rồi tuyên xưng một cách tuyệt đối, khi ông thưa với Chúa rằng: “Lậy Chúa tôi, lậy Thiên Chúa của tôi.”

Ngày hôm nay cả thế giới Công Giáo gọi Chúa Nhật này là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa do việc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhân ngày phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, người Ba Lan và là sứ giả của Lòng Thương Xót, đã tuyên bố rằng từ ngày 30/4/2000, Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh sẽ là ngày Kính Lòng Thương Xót Chúa. Năm năm sau khi ấn định về sự thay đổi này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã qua đời đúng vào đêm hôm trước ngày lễ này.

Thiên Chúa là Đấng Thương Xót và Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là hiện thân của Lòng Thương xót của Cha Ngài. Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh là Chúa Nhật dành ra để tạ ơn Lòng Thương Xót Chúa đã biểu lộ cho chúng ta trong cái chết và sự sống lại của Ngài. Qua Thánh nữ Maria Faustina, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết về Lòng Thương Xót của Ngài: Lòng nhân từ của Chúa thì vượt qua tất cả mọi trí hiểu của con người cũng như các thiên thần. Biết chừa cải tội lỗi để lãnh nhận Lòng Thương Xót của Chúa, sẽ dẫn chúng ta tới một cuộc sống bình an và hạnh phúc ở ngay đời này, và chắc chắn sẽ dẫn đưa tới niềm hoan lạc đời sau. Phúc cho ai biết lãnh nhận sự tha thứ của Chúa nhân lành và cũng biết tha thứ cho kẻ khác.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT