Người Việt Khắp Nơi

Thiếu lớp tiếng Việt trong các trường trung học Quận Cam

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 27/05/2012 - 09:05:53

Mình than phiền về vấn đề giáo dục, cộng đồng Mỹ sẽ càng kính nể mình hơn, vì cộng đồng mình thương con em mình, lo cho tương lai con em mình.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 21)

Băng Huyền/Viễn Đông


Dựa vào bảng thống kê dân số 2010 liên quan đến các sắc dân Châu Á hiện đang sống tại Hoa Kỳ, người ta có thể thấy cộng đồng người Mỹ gốc Việt đứng hàng thứ tư về dân số, với hơn một triệu rưỡi người (sau cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, Mỹ gốc Ấn Độ và Mỹ gốc Philippines). Tuy nhiên, cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại là cộng đồng người gốc Á đứng hàng thứ nhì xét về khía cạnh nói tiếng mẹ đẻ trong nhà, khoảng 87,5% tổng số, chỉ đứng sau cộng đồng người Mỹ gốc Hmong (92,1% tổng số). Về thành phần tuổi tác, trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt chỉ có hơn 8,3% là người cao niên (trên 65 tuổi). Thành phần thiếu nhi, thiếu niên chiếm hơn một phần tư tổng số.
Nhờ những cố gắng vận động và kiên trì nhiều năm trời của những vị nhân sĩ trong cộng đồng, của các bậc phụ huynh… nên tiếng Việt đã được đưa vào dạy như một ngoại ngữ trong trường trung học ở Quận Cam. Thế nhưng, chỉ mới có 4 trường trung học duy nhất tại Quận Cam mở các lớp dạy tiếng Việt cho học sinh. Đó là các trường trung học Westminster (thuộc Học Khu Huntington Beach High School District), và 3 trường trung học La Quinta, trung học Bolsa Grande, trung học Garden Grove (ở Học Khu Garden Grove High School District).


Học sinh trường trung học Garden Grove High School với những khẩu hiệu cho thấy lòng tự hào về tiếng Việt - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Cần mở thêm lớp tiếng Việt và thêm giáo viên

Tuy nhiên, chỉ có 2 trường trung học Westminster và trung học La Quinta mới có 2 giáo viên dạy tiếng Việt toàn thời gian (nghĩa là giáo viên dạy đủ 5 lớp tiếng Việt mỗi ngày). Còn trường trung học Bolsa Grande và trường trung học Garden Grove thì chỉ có một giáo viên dạy toàn thời gian và một giáo viên dạy bán thời gian (nghĩa là giáo viên này chỉ dạy 2 đến 3 lớp tiếng Việt trong một ngày). Giáo viên dạy tiếng Việt bán thời gian là giáo viên người Việt Nam, dạy một môn học khác trong trường, đã có chứng chỉ dạy tiếng Việt nên kiêm thêm dạy lớp tiếng Việt, do số ghi danh học tiếng Việt quá đông, cô giáo Quỳnh Trang và thầy Robert Nguyễn tại 2 trường trên không thể đảm nhận việc dạy hết các lớp, nên trường phải mở thêm lớp tiếng Việt với một giáo viên dạy bán thời gian.
Thầy Robert Nguyễn, giáo viên dạy tiếng Việt toàn thời gian tại trường trung học Garden Grove, nói với phóng viên nhật báo Viễn Đông, ước mong của thầy trong tương lai, khi kinh tế ổn định trở lại, ngân sách giáo dục không còn cắt giảm nữa, trường sẽ có thêm giáo viên dạy lớp tiếng Việt. Vì hiện nay, các em ghi danh học tiếng Việt càng ngày càng đông, các lớp thầy đang dạy đều có túc số gần 40 học sinh. Theo thầy Robert Nguyễn, lớp ngoại ngữ mà đông học sinh, rất khó cho giáo viên trong việc dạy các em, vì lớp có gần 40 em mà giáo viên chỉ có 50 phút để dạy trong một tiết học. Riêng phần tập đọc, thầy chỉ có thể cho mỗi em tập đọc rất ít, và còn phải đặt câu hỏi…
Riêng tại trường trung học La Quinta, thầy Dzũng Bạch cho biết trường có khoảng 80 phần trăm là học sinh gốc Việt; do đó, 10 lớp tiếng Việt trong mỗi ngày học của trường đều có hơn 30 học sinh theo học.
Được biết, thành phần học sinh theo học các lớp tiếng Việt hiện nay tại 4 trường trung học kể trên, có đến 90 phần trăm là học sinh người Mỹ gốc Việt sinh ở Hoa Kỳ; khoảng 9 phần trăm là học sinh Việt Nam sinh ở Việt Nam, và 1 phần trăm là học sinh không phải người Việt Nam theo học các lớp Việt 1, Việt 2. Nhưng lên đến lớp Việt 3 thì số học sinh không phải gốc Việt chỉ còn vài em, và lên đến lớp Việt 4 thì chỉ còn học sinh gốc Việt theo học.
Theo thầy Dzũng Bạch cho biết: “Bây giờ tôi ngồi ngẫm nghĩ sau 10 năm dạy tiếng Việt ở trường, tôi nhận thấy hiện nay bên ngoài lớp học, các em nói tiếng Việt rất nhiều, các em đã hãnh diện khi nói được tiếng Việt. Chứ còn những năm đầu tôi dạy, các em nói trọ trẹ, ngại ngùng, tiếng Việt đối với nhiều em lúc đó là không cao cấp gì cho lắm và có em rất xấu hổ khi nói tiếng Việt, có em cho đó là tiếng nhà quê… Nhưng bây giờ các em học tiếng Việt giỏi hơn những năm đầu tôi dạy. Các em vui vẻ và thích thú với việc học, nhất là những em học lên đến lớp Việt 4 là yêu tiếng Việt lắm và cố gắng nhiều lắm”.
Thầy Dzũng Bạch nói thêm: “Khi dạy tiếng Việt cho các em, tôi luôn luôn nói với các em tiếng Việt là một ngôn ngữ gia tài. Người học ngôn ngữ gia tài tự mình phải có gắn bó, chính từ gắn bó lịch sử nhập vô gắn bó cá nhân. Người đó sẽ có khuynh hướng gìn giữ ngôn ngữ cho thế hệ mai sau, vì thế ngôn ngữ gia tài có liên hệ chặt chẽ với người học. Tại California, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt là ngôn ngữ gia tài, còn tiếng Pháp, tiếng Đức… thì không phải ngôn ngữ gia tài của ai hết”.

Làm sao để có thêm lớp tiếng Việt?
Trong một bài viết “Các trường Quận Cam thiếu lớp tiếng Việt dù dân số gia tăng” đăng trên nhật báo Viễn Đông số ra ngày 20-10-2011, tác giả bài viết đã nhận định: “Số lượng những người Mỹ gốc Á Châu ở Quận Cam đang tăng lên, nhưng không nhất thiết là họ được đại diện trong chương trình học ngoại ngữ tại các trường công lập địa phương. Nói một cách thiết thực hơn, số dân Việt Nam thiếu mất một sự đại diện như thế.
Theo thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2010 cộng đồng người Việt sống tại Quận Cam thuộc tiểu bang California có trên 183.000 người Việt sinh sống, tăng 35,6 phần trăm từ kết quả thống kê dân số năm 2000. Từ cuối thập niên 1970, số lượng những người Việt Nam càng ngày càng gia tăng ở Quận Cam, hiện nay chiếm hơn 6 phần trăm dân số Quận Cam. Dù người Việt được phân bố phần lớn ở hai thành phố Garden Grove và Westminster, nhưng dân số gốc Việt đã được phân tán trên khắp Quận Cam. Tuy nhiên, chỉ những nơi nào đông người Việt cư ngụ nhất thì nơi đó mới có những lớp tiếng Việt trong các trường công lập”.
Trước vấn đề này, người viết có đặt câu hỏi với Tiến Sĩ Phạm Kim Long, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Quận Cam, nếu giả sử một trường trung học A không có lớp tiếng Việt, vậy các phụ huynh có thể đề nghị trường mở lớp dạy tiếng Việt để con của mình học được không?
TS. Phạm Kim Long cho biết: “Theo nguyên tắc, tại các trường trung học công lập, ngoại trừ những lớp học bắt buộc theo luật tiểu bang phải có, còn thì những lớp học ngoại ngữ là được mở ra theo đòi hỏi của học sinh. Vì vậy khi phụ huynh và học sinh có nhu cầu trường cần mở một lớp học ngoại ngữ nào đó, thì phụ huynh nên đề nghị cho nhà trường biết nhu cầu của mình.
“Tôi cũng từng nghe nhiều phụ huynh hỏi, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, mình đòi hỏi nhà trường phải mở lớp tiếng Việt dạy con mình, vậy có kỳ không? Xin trả lời rằng không có gì là kỳ hết. Vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng với con mình, nó là một ngoại ngữ. Không có trường nào dám nói với mình là đó là tiếng mẹ đẻ của quý vị, tự quý vị dạy cho con quý vị, chúng tôi không có bổn phận. Cũng như những ngoại ngữ khác, tiếng Việt là một môn học con em chúng ta có quyền đòi được học, nếu các em thích và muốn học”.
TS. Phạm Kim Long nói thêm: “Tuy nhiên, nếu trong cả trường chỉ có vài học sinh muốn học tiếng Việt, thì sẽ khó cho trường mở ra lớp học này. Nhưng nếu đã có đủ túc số kha khá, thì đây là lý do chính đáng để phụ huynh học sinh yêu cầu nhà trường có bổn phận mở ra lớp tiếng Việt để dạy. Các phụ huynh hãy đặt vấn đề với nhau và cùng nhau có một tiếng nói thuần nhất để yêu cầu nhà trường. Đây là việc mình đòi hỏi quyền lợi của mình, của con mình. Nếu mình không đòi, thì đâu có ai biết mà cho. Đó là điều họ phải làm chứ không phải họ cho mình, mà là bổn phận họ phải làm. Nếu mình không đòi hỏi, thì có thể họ sẽ cho rằng chúng tôi đâu có biết quý vị muốn thế. Vì vậy, quý vị cần cho họ biết yêu cầu của mình để nhà trường có thời gian tìm giáo viên. Vì vậy càng sớm càng tốt.”
Theo TS. Phạm Kim Long, khi các phụ huynh đặt vấn đề với nhà trường, nếu trong một năm học hay một mùa học, nhà trường vẫn chưa mở được lớp ngoại ngữ mà tất cả học sinh, phụ huynh đều đồng lòng đề nghị mở, thì quý vị hãy đợi một thời gian để họ thực thi. Nhưng nếu việc này cứ kéo dài nhiều năm học, và trường cứ đề nghị học sinh chuyển sang học một ngoại ngữ khác, thì không được.
Ông nói: “Lúc đó các phụ huynh hãy viết thư khiếu nại gửi lên hội đồng giáo dục học khu nơi đó. Thông thường, hội đồng giáo dục học khu sẽ tìm hiểu và đề nghị trường nên thỏa mãn các nhu cầu của phụ huynh (dĩ nhiên đây là nhu cầu chính đáng). Nếu hội đồng giáo dục địa phương không làm điều đó, phụ huynh hãy viết thư khiếu nại gửi lên Hội Đồng Giáo Dục Quận Cam. Khi đó, chúng tôi mới liên lạc với hội đồng giáo dục địa phương để đặt vấn đề với họ. Đây là những thủ tục hành chánh cần thiết làm từng bước một”.
TS. Phạm Kim Long cho biết: “Chúng tôi xin chia sẻ những chi tiết này, để quý vị phụ huynh hiểu rằng mình là phụ huynh có con em đi học, những đồng tiền thuế của mình đóng, là để trả lương cho những người trong ngành giáo dục, vì vậy họ có bổn phận giáo dục con em mình, do đó hai bên phải làm việc chung với nhau, nếu trường từ chối không làm việc chung, thì mình có quyền khiếu nại”.
TS. Phạm Kim Long nói tiếp từ kinh nghiệm bản thân: “Học ngôn ngữ mẹ đẻ tại hải ngoại là một điều đáng trân trọng. Chúng tôi nghĩ, những người nào trong ngành giáo dục đều nhận thức ra điều đó. Gần đây các bác sĩ hay các nhà tâm lý học… đều đặt vấn đề nên cho trẻ học thêm ngoại ngữ sẽ tốt cho trí thông minh… Bản thân gia đình tôi, thời gian đầu mới qua Mỹ, không có may mắn ở ngay trong cộng đồng người Việt đông, mặc dù vợ chồng tôi vẫn nói tiếng Việt với các cháu ở nhà, nhưng các cháu không được đi học tiếng Việt tại các lớp cuối tuần, vì vậy khi các cháu lên đại học, mới vào học UCI và học tiếng Việt tại đây. Các cháu học rất khó khăn, vì đây là lứa tuổi các em ý thức nhu cầu học tiếng Việt, do đó dù rất khó khăn khi học, nhưng các cháu học rất chăm.
“Qua chia sẻ này tôi muốn các phụ huynh hãy quan tâm việc học tiếng Việt cho con em mình từ nhỏ, vì đây là nhu cầu sẽ cần đối với con mình. Đừng để đến lúc chúng khám phá ra chúng cần, mới đi học trễ thì sẽ khó khăn hơn”.
TS. Phạm Kim Long kết luận: “Riêng về lời khuyên của tôi với các phụ huynh trong việc đề nghị nhà trường con em quý vị đang học hãy mở lớp tiếng Việt, quý vị đừng nên nghĩ rằng khi mình đòi hỏi điều gì đó, là mình gây xáo trộn. Mà hãy nghĩ rằng việc giáo dục là rất quan trọng. Khi con em mình đi học, việc gì mình không vừa ý, phải nên nói ngay. Đừng nên vì lịch sự, khiêm tốn mà không nói ra. Chẳng thà mình nói ngay, thì sẽ nhận được lời hứa của nhà trường do ngân sách eo hẹp, nên sẽ quan tâm đến việc này vào năm tới… Chứ nếu không nói ra, thì sẽ không bao giờ có. Mình than phiền về vấn đề giáo dục, cộng đồng Mỹ sẽ càng kính nể mình hơn, vì cộng đồng mình thương con em mình, lo cho tương lai con em mình. Chứ không có ai khó chịu hay bất mãn mình cả. Mình cần đòi hỏi nhiều hơn, thì sẽ được nhiều hơn”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT