Thế Giới

Thổ: Vụ sát hại Khashoggi đã được lên kế hoạch

Tuesday, 23/10/2018 - 09:08:52

“Các bằng chứng mà chúng tôi thu thập được cho đến nay cho thấy ông Khashoggi là nạn nhân của một vụ giết người đã được tính trước,”

ANKARA – Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Ba nói rằng vụ sát hại ký giả người Saudi, ông Jamal Khashoggi, đã được “lên kế hoạch một cách tàn bạo” bởi chính phủ Ả Rập Saudi. Trong bài diễn văn trước quốc hội, ông Erdogan thông báo diễn biến sự việc theo thứ tự thời gian, từ lúc nhóm đặc vụ người Saudi đến Istanbul để sát hại ông Khashoggi, ký giả của tờ Washington Post, người đã biến mất sau khi bước vào lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vào ngày 2 tháng 10.
“Các bằng chứng mà chúng tôi thu thập được cho đến nay cho thấy ông Khashoggi là nạn nhân của một vụ giết người đã được tính trước,” Tổng Thống Erdogan nói. Ông Khashoggi, người đang sống tại Hoa Kỳ, mất tích sau khi bước vào lãnh sự quán Saudi ở Istanbul để làm giấy tờ kết hôn với vị hôn thê người bản địa. Vụ mất tích của ông đã gây ra phản ứng giận dữ từ cộng đồng thế giới. Chính phủ Saudi ban đầu bác bỏ mọi sự liên quan, nhưng sau đó thừa nhận ông Khashoggi bị chết ngoài ý muốn trong lãnh sự quán, khi đang bị siết cổ khống chế. Tuy nhiên, Riyadh nói rằng họ không biết thi thể ông Khashoggi đang ở đâu.
Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết có 18 người Saudi có liên quan đến cái chết của ông Khashoggi, và kêu gọi Riyadh giao các nghi can này cho Ankara để xét xử. Cũng vào thứ Ba, Quốc Vương Salman và Thái Tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi đã gặp gỡ các thành viên gia đình ông Khashoggi tại cung điện hoàng gia ở thủ đô Riyadh, với sự tham dự của Salah, con trai Khashoggi và Sahel, anh trai của vị ký giả. Quốc vương và thái tử đã gởi lời chia buồn tới gia đình ông Khashoggi.

Đài Loan: Kiểm soát tốc độ bị tắt trước khi trật đường rầy
NGHI LAN - Người điều khiển đoàn xe lửa Puyuma Express 6432, bị trật đường rầy hôm Chủ Nhật, vào thứ Ba đã thừa nhận trước tòa án huyện Nghi Lan, Đài Loan, rằng ông đã tắt hệ thống kiểm soát tốc độ, bởi trước đó hệ thống này bị lỗi khiến đoàn xe di chuyển chậm hơn. Sau khi hệ thống tắt, đoàn xe đã bị trật bánh khi tiến vào một khúc cua, khiến 18 người thiệt mạng, bao gồm ít nhất 3 trẻ em, và 175 người bị thương. Đây là vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất ở Đài Loan trong vòng 37 năm qua.
Các công tố viên cáo buộc người điều khiển bất cẩn vì không bật lại hệ thống. Nhà chức trách cho biết thêm rằng đoàn xe gặp tai nạn khi chạy với vận tốc gần 140 cây số/giờ, gấp đôi tốc độ được cho phép tại khúc cua. "Người điều khiển không có sự hỗ trợ từ hệ thống giám sát tốc độ và thắng tự động. Người này đáng lẽ nên thực hiện các biện pháp phản ứng cần thiết khi biết có một khúc cua lớn phía trước, thay vì thắng gấp dẫn đến trật bánh,” theo hồ sơ cáo trạng.
Đoàn xe lửa Puyuma Express 6432 gặp tai nạn vào khoảng 5 giờ chiều ngày Chủ Nhật tại huyện Nghi Lan, gần Đài Bắc, khi đang trong hành trình từ ga Thụ Lâm tới thành phố Đài Đông. Trên xe lửa có 366 hành khách. Tám toa xe đã bị trật khỏi đường ray. Theo những hành khách sống sót, đoàn xe đi nhanh hơn bình thường và nhiều lần thắng gấp trước khi xảy ra tai nạn. Nhà chức trách Đài Loan đang tiếp tục điều tra sự việc.

Xuồng cao tốc Iran cản đường khu trục hạm Anh
HORMUZ - Hải quân Iran vào thứ Hai đã điều 3 xuồng cao tốc chặn đường khu trục hạm HMS Dragon của Anh, vốn đang hộ tống 3 tàu thương mại của nước này di chuyển qua eo biển Hormuz, thuộc vịnh Ba Tư. Ba xuồng Iran đã áp sát và cản đường HMS Dragon, buộc hạm trưởng khu trục hạm Anh Michael Carter Quinn phải ra lệnh cho hú 5 hồi còi cảnh báo. Xuồng Hải quân Iran sau đó nhường đường, nhưng khẳng định qua radio rằng họ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hạm trưởng Quinn khẳng định, nếu các xuồng Iran vẫn tiếp tục chặn đường, tàu chiến Anh sẽ bắn pháo sáng để cảnh báo. "Bạn phải có phản ứng mạnh mẽ. Nếu bạn không kiên quyết, bạn sẽ phải đón nhận thất bại,” vị hạm trưởng Anh nói. Vụ chạm mặt giữa hải quân 2 nước diễn ra trong bối cảnh quân đội Iran hồi cuối tháng 8 tuyên bố, mọi tàu thuyền của các nước thù địch với Tehran đều phải đối mặt với những biện pháp kiểm soát khi vượt qua eo biển Hormuz. Tư lệnh Hải quân Iran ngày 27 tháng 8 thông báo rằng, nước này kiểm soát hoàn toàn vùng Vịnh và eo biển Hormuz, và không cần sự hiện diện của lực lượng nước ngoài nào để bảo đảm an ninh tại vùng biển này.

Du khách Trung Hoa có thể bị tù vì lông linh dương
ẤN ĐỘ - Hai phụ nữ Trung Quốc đã bị bắt ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, sau khi tìm cách đưa lậu ra khỏi nước này những tấm khăn choàng làm từ lông linh dương quý hiếm. Tòa đại sứ Trung Quốc vào thứ Hai đã liên lạc với gia đình hai người phụ nữ này để tư vấn thủ tục pháp lý, sau khi họ bị bắt vào tuần trước. Tòa đại sứ cũng khuyến cáo công dân Trung Quốc không được mua khăn choàng làm từ lông linh dương Tây Tạng, loài động vật được Liên Minh Bảo Tồn Thế Giới (WCU), Trung Quốc và Ấn Độ đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo truyền thông Ấn Độ, 2 phụ nữ Trung Quốc, sử dụng visa du lịch, đã mang theo 15 chiếc khăn choàng trị giá khoảng $38,000 Mỹ kim. Để làm được một chiếc khăn như vậy, người ta phải giết 3 đến 4 con linh dương Tây Tạng. Hai người phụ nữ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 450,000 yuan ($64,800 Mỹ kim) mỗi người và hình phạt từ 3 đến 7 năm tù giam.
Kể từ năm 1975, việc mua bán khăn choàng làm từ lông linh dương Tây Tạng đã bị cấm theo Công ước cấm buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp quốc tế, nhưng chúng vẫn được giao dịch trên thị trường chợ đen. Mỗi năm, khoảng 20,000 con linh dương Tây Tạng bị săn trộm để cung cấp nhu cầu khăn choàng cho những người mua giàu có bên ngoài Ấn Độ. Loài động vật này hiện đã tuyệt chủng ở Nepal. Tuy nhiên, 75,000 đến 100,000 con linh dương Tây Tạng đang sinh sống dọc biên giới Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT