Chân Dung Việt Nam

Thời của khan hiếm đang đe dọa

Thursday, 17/11/2022 - 10:57:18

Câu chuyện nổi bật mấy tuần nay ở các thành phố lớn và bây giờ lan sang cả các tỉnh lẻ chính là xăng khan hiếm...


Nhiều cây xăng hoạt động trở lại nhưng bán cầm chừng . (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Bài NGUYÊN QUANG

Câu chuyện nổi bật mấy tuần nay ở các thành phố lớn và bây giờ lan sang cả các tỉnh lẻ chính là xăng khan hiếm. Có thể nói rằng chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, sự vụ khan hiếm xăng ở Việt Nam khiến cho mọi khủng hoảng dần lộ diện và nguy cơ khan hiếm xâu chuỗi đang ghé đến. Tham chí, nếu không điều tiết được tình trạng hiện tại thì câu chuyện kinh tế tại Việt Nam sẽ rất thê thảm, khó bề mà lường trước. Đương nhiên, sự thê thảm bao giờ cũng ghé đến các gia đình lao động nghèo đầu tiên và ở lai đó cho đến ngày cuối cùng.

“Không có xăng là không có gạo”


Không ít người gặp phải cảnh dắt bộ đi tìm cây xăng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Đó là câu nói của một người nông dân tên Mỹ, sở dĩ có cách nói hóm hĩnh nhưng đáng suy nghĩ này là vì anh lập luận, “Thời đại các ông gọi là 4.0 gì đó, còn với nông dân chúng tôi, đây là thời đại nếu không có xăng là toi!”

“Ý anh muốn nói rằng xăng quyết định mọi thứ?”

“Nó tuy không phải là quyết định mọi thứ, nếu nói thứ quyết định mọi thứ, có lẽ là tiền, nhất là trong một đất nước ưa chuộng tiền bạc như nước ta. Nhưng mà nó nằm trong chuỗi lưu thông cấp thiết, bởi nếu không có xăng, không di chuyển được thì có cầm tiền tấn trong tay cũng vậy. Hiện tại, nhà nước điều tiết và chong buôn lậu xăng, đâm ra một số cây xăng thiếu hụt. Nhưng mà nhìn bề ngoài đơn giản vậy chứ bên trong ghê gớm lắm đó!”


Tuy không dùng xăng dầu nhiều nhưng người nghèo lại bị ảnh hưởng nặng khi xăng khan hiếm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Xin anh vui lòng mở rộng hơn vấn đề mà anh nói là ghê gớm lắm này được không?”

“Thì cũng không gì đâu, đơn giản là hiện tại, có một cuộc thi gan giữa doanh nghiệp xăng dầu với nhà nước, chính phủ. Tức là doanh nghiệp tư nhân chịu không nổi mức độ khống chế của nhà nước, đâm ra tìm đường riêng, bắt tay với gian thương đe buôn lậu, nhập lậu xăng dầu, nhưng nếu những tay nhà nước không bật đèn xanh thì làm sao tư thương dám làm vậy. Khi các tư thương bị phát giác bởi cơ quan cao hơn ở bên trên, bị bắt, thì tư thương vừa thực sự khó khăn do khung hoảng nguồn cung, lại vừa mượn cái khó khăn của mình để làm chuyện khác!”


Đời sống của người nông dân bắt đầu bị ảnh hưởng bởi xăng khan hiếm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Mượn cái khó khăn đề làm chuyện khác nghĩa là sao? Tôi chưa được hiểu lắm?”

“Nghĩa là họ nhân lúc khan hiếm xăng này, thả nổi thị trường, tức là buông tay, không cần báo động hết xăng, cũng không cần điều tiết hàng mà cứ bán thả cửa, xong thì đóng cửa hàng luôn, đợi khi nào nhà nước đổ xăng thì lại bán. Họ làm như vậy để chứng minh rằng xăng lậu có giá trị trong đất nước này, và họ cũng đang cố gắng tạo hiệu ứng để cứu những tay trùm buôn lậu xăng ra khỏi chốn lao ngục. Nhưng có vẻ như khó thực hiện, mơ hồ lắm!”


Đã gần nửa năm, nhiều tàu thuyền nằm bờ lúc vì giá xăng quá cao, lúc vì không có xăng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh từng làm bên lĩnh vực xăng dầu nhà nước, hồi đó anh làm bên bộ phận nào của ngành?”

“Tôi từng làm một chức khá lớn của một công ty xăng xầu khu vực trước khi sa cơ về làm nông dân, như vậy, anh hiểu rằng mức độ cũng như tầm quan sát của tôi về ngành nó rộng tới đâu rồi. Riêng ngành xăng dầu thì anh biết rồi đó, thằng nào mà chả giàu, không giàu ít thì giàu nhiều thôi, chỉ có thằng bảo vệ là nghèo hơn mấy thằng khác, nhưng nó cũng giàu hơn rất nhiều thằng bảo vệ của các ngành khac. Chỉ có tôi là không giàu so với mấy đứa làm giám đốc sau này thôi. Hồi đó mình còn nhát gan, với lại mình nghĩ đến vợ con, sợ ngồi tù, nên cũng có chấm mút chút đỉnh nhưng chả có tàn bạo và liều lĩnh như bọn bây giờ. Còn nói tới chiêu ăn cắp xăng dầu của ngành này thì ôi thôi, có một ngàn lẻ một chiêu, khó nói lắm. Thằng bảo vệ thì ăn cắp ở kho, thằng lái xe thì ăn cắp trên đường đi, thằng bán cây xăng thì ăn cắp trong lường (một bộ phận cơ học để đo thể tích xăng/dầu đã bán cho khách, gắn bên trong cây xăng), tới người bán lẻ thì ăn cắp trong cái chai, gần đây cấm bán lẻ, cũng đỡ chút đỉnh nhưng lại khó cho cái khác, nói chung là chuyện xăng dầu đau đầu lắm!”

“Theo anh nhận định thì tình hình này còn kéo dài bao lâu?”

“Giờ mình chỉ là một nông dân, cũng không dám nhận định đâu, vì tình hình xăng dầu đâu phải là tình hình riêng của một quốc gia, nhất là quốc gia có công nghệ lọc dầu sơ khai, non kém như Việt Nam mình nữa, hầu hết phụ thuộc vào nguồn bán của các nước khối Ả Rập và Nga, nên rất khó để đoán. Tôi đang lo nữa thì có!”


Không khí sinh hoạt của người nghèo có vẻ chùng xuống. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh đang lo điều gì vậy?”

“Tôi lo rằng nếu tình hình thế giới không ổn định thì kéo theo xăng dầu bị đình trệ, công nghiệp này bị đình trệ thì lại tạo hiệu ứng đình trệ nặng nề cho thế giới, hai cái này bổ sung nhau để đẩy thế giới đến chỗ bế tắc. Việt Nam chỉ là mot phần nhỏ của thế giới, cho dù có dự trữ giỏi chăng nữa thì cũng khó bề mà vượt qua được!”

Nhiệm vụ chính trị và xăng


Mọi thứ leo thang nhưng thu nhập của người lao động ngày càng eo óp. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Hiện tại, các cây xăng bị hết xăng đang hoạt động trở lại một cách cầm chừng, điều này khiến cho các xung động kinh tế cũng chuyển sang chế độ cầm chừng, không đến nỗi tắc tị như trước đây vài ngày. Nhưng, cũng theo một người hiện đang làm quản lý trong lĩnh vực xăng, đương chức Giám Đốc của một công ty xăng dầu khu vực tại Việt Nam chia sẻ thì, “Đừng nghĩ rằng có xăng trở lại là một sự khởi sắc về kinh tế, thực tế nó là nhiệm vụ chính trị.”

“Xin ông chia sẻ thêm khái niệm “nhiệm vụ chính trị” trong lĩnh vực xăng dầu?”

“Không riêng gì lĩnh vực xăng dầu, chất đốt mà các lĩnh vực trực thuộc nhà nước như truyền thông, điện lực, xăng dầu, đường sắt, y tế, giáo dục… đều có nhiệm vụ chính trị. Giáo dục không có nhiệm vụ chính trị thì đâu cần đào tạo Mac Lê (Các Mác và Lê Nin) kĩ đến như vậy, đâu cần phải nhồi nhét tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều như vậy, nó chiếm gần một phần ba học phần của một cuộc đời đèn sách đấy! Còn nhiệm vụ của y tế hay các lĩnh vực khác thì được ứng biến theo chỉ đạo của Đảng. Ví dụ như đại dịch vừa qua, ngành y tế hoàn toàn hành động dựa trên các điều lệnh chính trị, thực hiện nhiệm vụ chính trị, và bây giờ, xăng dầu khan hiếm, thì nhiệm vụ chính trị của người đưng đầu ngành là chờ chỉ đạo từ bên trên để thực hiện.”


Nhiều khi chạy cả buổi mới có xăng, dầu để mua về dùng cho máy móc. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Có khi nào giữa chỉ đạo bên trên và thực tế có sự vênh nhau không?”

“Có là chắc chắn rồi, vì bên trên là chỉ đạo chung, bao quát, còn thực tế lại mang tính địa phương, mang nhu cầu khu vực và nó sát với thực tiễn. Nên rất khó để tránh vênh nhau giữa chỉ đạo và thực tế.”

“Thế rốt cuộc, những người làm lãnh đạo bên dưới như ông, cũng chỉ chờ vào chỉ đạo bên trên, lúc mà lẽ ra cần đến năng lực và phán đoán của người đương đầu, cầm trịch và chịu trách nhiệm nhiều nhất?”

“Đúng, đôi khi tôi tự hỏi tại sao người ta lại máy móc đến độ như vậy, nhưng rồi mình hỏi cho vui thôi chứ có dám nói với ai đâu, vì cái này mà mang ra buổi sinh hoạt đảng để nói thì coi như toi đời. Bởi nguyên tắc tối thượng của một đảng viên (Cộng Sản) là phải tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo. Và đây là nguyên nhân hầu hết các cán bộ đều ngay càng trở nên thui chột, kém năng lực nhưng lại giỏi nịnh, giỏi chiều lòng cấp trên, nó cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao người ta tuyển cán bộ nghe có vẻ ghê gớm nhưng người thực tài bị bỏ qua, kẻ bất tài được trọng dụng. Bởi thứ người ta cần lúc cần sử dụng tài năng thì lại là biết vâng lời, đó là nghịch lý, cũng là bi kịch. Nó có nguyên nhân bởi cơ chế chứ không phải bởi cá nhân nào”


Việc đi lại của nhiều người, nhiều nghề bị ảnh hưởng bởi xăng khan hiếm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Ông thấy tình hình hiện tại, nhiệm vụ chính trị của ông có thể kéo dài được bao lâu?”

“Đây là câu hỏi quá sốc, bởi vì không ai nói trước được gì cả, mọi thứ dự trữ quốc gia từ vàng, gạo, lương thực nói chung, chất đốt cũng như nhiều thứ khác, có tích trư cỡ nào thì cũng chỉ giải quyết cứu ngắn hạn chứ không thể kéo lê dài hạn được. Đặc biệt lĩnh vực xăng dầu. Người Việt vốn rất ưa màu mè và hầm hố, hầu hết từ xe máy cho đến xe hơi của người Việt đều chọn loại phan khối lớn, nhiều chấm, uống xăng rất mạnh. Số lượng xe lăn bánh mỗi ngày tăng rất nhanh so với số con đường và cây xăng mở ra, trong khi đó, về công nghệ hóa dầu, Việt Nam chả thuộc hàng nào cả, vì mình nhập ba cái đo người ta sắp hoặc đã bỏđi về cho chật bãi, tốn tiền ngân sách cả ngàn tỉ mà chả giải quyết được gì. Và nguy cơ thiếu hụt xăng dầu trong thời gian sắp tới là rất cao”

“Liệu, năng lượng điện có thể thay thế được xăng dau hay không?”

“Hiện tại thì tôi thấy không khả thi mấy, bởi giá của nó quá đắt. Và điều đáng lo hơn cả là giới lao động nghèo, chiếm số đông trong xã hội nhưng họ lại có cơ hội rất thấp, họ dùng xăng dầu rất ít nhưng cái con số rất ít ấy quyết định mưu sinh tồn tại của họ. Giả sử những người xe ôm, buôn rau hành hay những người lao động cần đến cơ xưởng cách nơi ở hàng chục cây số nếu không mua được xăng thì có thể mất lương, dài lau thì mất việc. Nhìn chung nếu tình trạng này kéo dài, kinh tế sẽ trì trệ lắm!”


Thiên tai chưa yên, đời sống đã phải đối mặt với đủ thứ nhân họa. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Nhìn chung, không khí sinh hoạt của người lao động nghèo chùng xuống trông rất rõ, mọi thứ vật giá leo thang nhưng thu nhập của người lao động lại eo óc, hạn hẹp sau dịch, và bây giờ, nếu có thêm khủng hoảng kinh tế, thì họ khó bề tránh được đói kém và suy kiệt!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT