Chân Dung Việt Nam

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhà nông suy kiệt

Friday, 09/12/2022 - 08:30:37

Vài năm trở lại đây, khí hậu của ba miền đất nước ngày càng trở nên khắc nghiệt, miền Bắc liên tục bị băng giá, miền Trung liên tục...


Không phải lúc nào cây trồng cũng cho quả ngọt. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

Bài NGUYÊN QUANG

Vài năm trở lại đây, khí hậu của ba miền đất nước ngày càng trở nên khắc nghiệt, miền Bắc liên tục bị băng giá, miền Trung liên tục lũ lụt, đặc biệt xuất hiện lũ sớm, lũ muộn khiến cho vụ mùa thất bại nặng nề, miền Nam mưa ngập, hạn hán, không biết đâu mà lần. Đặc biệt, miền Trung vốn được xem là vùng khổ nhất của cả nước, nơi người dân quanh năm chật vật, chạy đua với thời tiết và thiên tai nhưng chẳng bao giờ kịp. Tình hình ngày càng trở nên tệ hại, đặc biệt trận lụt gần đây nhất xuất hiện quá muộn khiến cho nhiều nhà nông thực sự điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần triền miên.

 

Đầu tư một quả, chết một quả

 

Một đợt mưa kéo dài gần hai tuần khiến cho thành phố Hội An, Quảng Nam ngập lụt và rất nhiều bãi biền trên các con sông ở miền Trung, đặc biệt sông Thu Bồn, Quảng Nam và Trà Khúc, Quảng Ngãi bị hư hại mùa màng không kể xiết. Sở dĩ lúc này phải nói hư hại mùa màng ở mức độ “không kể xiết” bởi vì, theo như anh Hải, một nông dân vừa mất trắng hơn trăm triệu đồng chia sẻ thì, “Năm nay ai mất mùa là mất rất nặng nề, không như ngày xưa mất vài triệu đồng, năm nay mất là mất cả trăm triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng.”

 


Mưa gió thất thường, nhà nông thêm khổ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

“Vì sao lại mất nhiều dữ vậy anh? Hay là nông dân chuyển sang một loại giống cây cao sản nào đó?”


“Không phải cây cao sản gì đâu, vì bây giờ, hầu hết những người bám đồng ruộng đều già nua, tuổi trẻ chẳng mấy ai bám nghề nông, mà đã bám thì một trong hai trường hợp, đó là rất giỏi kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc là mất khả năng lao động bình thường, bệnh tật nên phải bám nghề. Dân giỏi kinh doanh thì biết đầu vào đầu ra của nông sản tới đâu, từ đâu tới nên sẽ chọn thao túng các cánh đồng bỏ hoang hoặc thuê các cánh đồng của nông dân già nua, còn thành phần thứ hai thì hãn hữu, hiếm, nói chung là vậy.”


“Có phải những người thuộc “thành phần thứ nhất” đang bị thiệt hại nặng nề nhất không anh?”


“Đúng rồi (cười), trong đó có mình. Thú thực là mình vốn dân kỹ sư cơ khí, học bách khoa ra trường, đi làm cho nhà nước rồi đó, nhưng lại thích tự do và mạo hiểm, rút ra làm nông, thuê ruộng, thuê bãi, tổ chức làm nông trại. Nhưng mình cũng dốt, quên mất là miền Trung ngoài hai mùa mưa nắng ra còn có thêm thiên tai, thế nên mười năm trời vẫn chưa thấy gì, tiền vốn đổ ra tiền tỉ rồi mà cũng chỉ lấy ngắn nuôi dài. Bởi vì ngoài vườn rau sạch, mình trồng những giống cây không giống ai là cây gió bàu và cây sưa đỏ, còn gọi là huỳnh đàn đó, mười năm trở lên thì thu hoạch, nghiệt nỗi gió bàu thì mãi không thấy làm trầm còn sưa đỏ thì mới năm năm nó quất cho trận bão thì đi gần một nửa, mới đây nện thêm trận nữa là trắng tay.”

 


Những trái cà hái được trước mưa lụt. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

“Vậy ý anh nói vừa rồi lụt ảnh hưởng tới loại cây cao sản?”


“Không, đó là chuyện năm ngoái, cây cao sản của mình giờ thì chỉ còn vài mống loe ngoe thôi, vừa rồi, theo thông lệ thì đã hết mưa lụt, mình lại chọn hướng mới, đó là thuê bãi, đầu tư trồng đậu phụng. Vốn bỏ ra để mua giống, mua xăng chạy máy cày và thuê người tỉa hạt lên đến hơn trăm triệu đồng cho hơn năm hecta đậu. Thế nhưng đậu vừa lên xanh thì nện cho cây mưa dài, rồi lụt, giờ mọi thứ coi như trắng tay. Nếu như không bị, thì số tiền đầu tư một trăm triệu sẽ nhân đôi, thậm chí nhân hơn hai lần khi thu hoạch, đậu phụng cũng thuộc dòng nông sản cao cấp, nên dễ tiêu thụ, nhất là thời gian gần đây, nhu cầu về đậu phụng tăng vọt không rõ lý do. Nghiệt nỗi, mình lại mất vốn”

 


Những luống cải hiếm hoi sót lại sau những ngày mưa lớn. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh cho tôi hỏi thêm chút, tiền đầu tư anh có phải vay mượn gì không?”


“Vay mượn là chính chứ, mình theo nông nghiệp gần mười năm rồi, không vay mượn thì lấy đâu ra vốn mà đầu tư. Hồi mới vào nghề còn có chút vốn giắt lưng, theo nghề mười năm thì nợ ngân hàng lên tiền tỉ rồi đấy. Mà ông biết rồi đó, với nhà nông, nợ tiền tỉ nghĩa là đứng bên bờ vực rồi, chưa biết giờ nào rơi thôi! Nói chung giờ mình cũng đang gắng lấy ngắn nuôi dài, biết đâu vài năm nữa, mấy cây sưa đỏ, gió bàu còn lại sẽ giúp mình giải quyết tất cả.”


“Tình trạng càng đầu tư nông nghiệp thì càng chết, theo anh, đó có phải chỉ do thời tiết khắc nghiệt gây ra?”


“Thời tiết khắc nghiệt cũng chỉ đóng vai trò một phần thôi, phần còn lại là do con người, Nhật Bản, Hàn Quốc họ cũng có thời tiết khắc nghiệt lắm chứ, nhưng nông dân của họ đâu có kêu trời như nông dân mình! Bởi hai lý do, mình nghĩ vậy, thứ nhất là do người Việt chưa thoát khỏi thứ tư duy manh mún, làm không bao giờ có chiến lược lâu dài, trong đó, nông dân cũng mang thứ tư duy này vào cuộc nên những người có chiến lược bị ảnh hưởng nặng nề”



Đường xuống bãi bồi sông Thu Bồn, Quảng Nam. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Xin anh hãy chia sẻ thêm về vấn đề chiến lược nhà nông?”


“Nhà nông chuyên nghiệp như chúng tôi luôn nghĩ đến những sản phẩm có thể bán cho các nước tiến bộ, văn minh và họ phải cần nông sản của chúng ta. Nghĩa là trồng rau củ quả sạch, chuẩn, bổ dưỡng, chất lượng… Thế nhưng mình trồng ra, nếu không xuất khẩu được thì tiêu thụ trong nước, mà các kênh chính vẫn là siêu thị. Nhưng anh biết đấy, siêu thị họ hợp tác với mình là tượng trưng thôi, họ lấy sản phẩm của mình làm mẫu, còn lại thì độn những sản phẩm rau trồng không thuộc diện rau sạch vào. Làm thế mới có lãi. Mà họ làm vậy thì mình làm chi có cơ hội để làm dự án rau sạch, nói chung là tư duy dân mình còn manh mún lắm, khổ lắm!”

 

Các khổ nạn của nhà nông

 

Sau một đợt mưa, nông dân miền Trung khóc dài, mà đâu chỉ mới khóc đây, dường như nói tới nông dân miền Trung là nghe khóc rồi, khó vì nhiều thứ, nhiều lẽ, khóc vì cơ chế, khóc vì bạn Trung Quốc chơi đểu, khóc vì khóc riết thành quen với khóc và hở tí là khóc, thật vậy. Như lời anh Luân, một nông dân ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, chia sẻ, “Ui trời ơi, nông dân mình mà không khóc thì chịu không nổi đâu ông à!”


Những vòm nilon chống lạnh cho cây ở miền Bắc. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

“Tại sao họ phải khóc? Anh có khóc không?”

“Khóc vì cơ chế, cái cơ chế nông nghiệp Việt Nam khốn nạn lắm ông à, nói thì nghe rất sang, nhà nước không thu thuế nông nghiệp, nhưng thuế giá trị gia tăng (VAT) trên từng chai thuốc, lạng phân trong nông nghiệp thì cao ngất trời xanh, như vậy thì bỏ con tép mà lấy con tôm hùm chứ gì nữa. Chế độ khuyến nông của Việt Nam mình cũng quái dị, cứ cho nông dân bơm thuốc này, rải phân kia, toàn phân hóa học cả, nên chất lượng rau củ quả của mình thuộc dạng không nên xài. Cơ hội xuất hàng đi nước ngoài của nhà nông Việt Nam là rất thấp, nó phải qua nhiều vòng sơ tuyển, trung tuyển rồi chung tuyển, nói thì nghe hài hước, mà nó vậy đó. Vì cái cơ chế mình kém, cộng thêm bị Trung Quốc nó đè nên nông dân khó mà ngóc đầu nổi.”


Không ít loại rau được chăm bón phân thuốc Trung Quốc được bày bán ở các chợ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Nhưng điều đó cũng không biện minh được cho việc khóc?”

“Vì người nông dân mình luôn chịu thiệt thòi, từ thời tiết, thiên tai, dịch họa, cho đến cơ chế, rồi quan chức cán bộ địa phương… đụng đâu cũng nghe có vẻ đạo đức, mẫu mực nhưng kì thực là rất ghê gớm, người nông dân khổ thì khóc trong lòng, có đó, họ cam chịu, họ trải qua cái thời kinh tế hợp tác xã khổ quá khổ rồi, giờ họ có khổ thì cũng chịu đựng, chỉ mong cán bộ, chính quyền địa phương đừng đụng tới đất đai của họ, và càng chịu đựng, càng nín nhịn bao nhiêu thì khi khóc, người ta khóc to bấy nhiêu. Mà một khi đã quen với khóc thì hở tí là khóc ngay à. Hiện tại, mất mùa - khóc, được mùa mà rớt giá cũng khóc, thiên tai, khóc, chờ cứu trợ, giải cứu nông sản, khóc. Riết hồi, khóc như một kĩ nghệ tồn tại của người nông dân ông à!”


Nhiều người lâm nợ khi thuê những bãi bồi để trồng cây. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Nhưng với tình hình như đang thấy, thật khó để mà không khóc!?”

“Đồng ý là vậy, nhưng thực lòng mà nói, khi người nông dân khóc được rồi thì nó trở thành tràn lan, triền miên và cái nguy của con người, của kinh tế nằm ở chỗ này, người ta sống quá lâu trong chịu đựng, bất lực và nhu nhược thì còn biết làm gì ngoài khóc. Mà thực sự là vậy, bản thân người nông dân, suy cho cùng thì vùng lên, cầm cuốc xẻng, giao, mác, bồ cào, cuốc chĩa và có người hô thì họ chạy, chứ họ đâu có suy nghĩ gì nhiều. Giờ nếu họ làm vậy thì chết, mà họ chả bao giờ nghĩ đến chuyện ấy đâu. Thôi thì xem như số phận nông dân Việt chưa đến lúc thư thái. Nghe đâu bên Mỹ, làm nông vừa giàu vừa rất nghệ sĩ, có đâu như nông dân mình, tính toán cho ù cái tai mà trả nợ cũng đau cái đầu. Khổ!”


Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhà nông suy kiệt mọi bề. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Theo anh nhận thấy, liệu nông dân có ăn nổi cái Tết sắp tới một cách bình thường không?”

“Thực ra chuyện ăn Tết bây giờ cũng chẳng có gì ghê gớm như ngày xưa. Thời xưa, người ta chuẩn bị cả năm cho ngày Tết, còn bây giờ, quanh năm đều có thể là Tết, vì ngày nào người ta cũng có thể mua lát thịt heo, miếng thịt gà về để ăn, mà Tết quê thì có gì đâu ngoài mấy thứ ấy. Cái khác là nông dân sẽ rất khó cho mùa giáp hạt, chứ còn mùa ăn Tết thì cũng bình thường, chả có gì để nói đâu. Cái đáng sợ là sau mùa bóng đá thế giới, liệu còn bao nhiêu người không lâm nợ, chứ năm nay là nợ cộng hưởng đó!”

“Nợ cộng hưởng là sao anh?”

“Là nợ chồng nợ đó, đầu tiên là vay tiền lo xoay xở trong thời gian thất nghiệp do dịch, rồi sau đó vay tiền xoay xở hạt giống sau thiên tai, rồi chắc chắn có ông chơi liều cá độ bóng đá. Cả ba thứ này, hiện tại, đều không hoàn vốn được, chỉ có chết mà thôi!”


Nông dân tự tìm đầu ra cho nông sản bằng nhiều cách, kể cả ngồi bán trước đường hay ngay cổng nhà. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Nhìn chung, mùa đông năm nay khắc nghiệt, mưa lụt kéo dài, mà hình như thời tiết cũng ngày càng khắc nghiệt hơn, với mô hình sản xuất thô sơ và lạc hậu, đương nhiên người nông dân Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đó là chưa muốn nói tới những nguyên nhân gây khó khăn khác. Chỉ biết cầu nguyện mọi sự bình an!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT