Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 10)

Sunday, 04/12/2016 - 05:06:35

Theo chị Kiều một bản dịch thành công phải hội đủ những yêu cầu: là một bản dịch dễ hiểu, gãy gọn và lưu loát, phải truyền tải càng nhiều càng tốt ý nghĩa của văn bản gốc, phải truyền đạt mức độ nào đó sự tinh tế của văn bản gốc.

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên Đỗ Thái Kiều

Chị Đỗ Thái Kiều hiện là thông dịch viên toàn thời gian của Học Khu Thống Nhất San Diego chỉ mới từ tháng Ba 2016 đến nay, nhưng thời gian mà chị gắn bó với nghề thông dịch thật ra đã được bắt đầu từ thập niên 1980, tuy nhiên lúc bấy giờ chị chỉ nhận làm thông dịch bán thời gian giúp đồng hương xin chương trình WIC (xin trợ cấp phiếu thực phẩm, sữa, trứng cho những người mẹ mang thai và có con nhỏ), thông dịch cho đồng hương đi nhà thương, xin trợ cấp xã hội, v.v..

Thông dịch viên Đỗ Thái Kiều (Hình cung cấp)


Công việc chính của chị lúc ấy là một chuyên viên về dinh dưỡng, đây là ngành học đầu tiên chị chọn cho bậc đại học của mình trên xứ cờ hoa này. Thời gian sau chị ngưng không làm chuyên viên dinh dưỡng mà chuyển sang học kỹ sư điện toán, làm cho công ty điện tử được 13 năm. Khi công ty điện tử nơi chị làm việc muốn chuyển chị qua Colorado, chị không muốn dời qua bên đó, nên chuyển qua nghề môi giới bất động sản (broker) và làm quản lý văn phòng địa ốc. Khi thị trường địa ốc thay đổi, chị học lấy bằng Cao Học Kinh doanh (MBA) hầu muốn trau dồi kỹ năng quản lý kinh doanh. Khi học xong mới thấy mình không thích làm kinh doanh.

Nhờ bôn ba nhiều nghề vậy, cuối cùng chị thấy rằng công việc mà chị yêu thích nhất chính là nghề thông dịch nên chị quyết định gắn bó với công việc này toàn thời gian kể từ năm 2008. Khi đó chị chuyên thông dịch về y tế và thông dịch cho tòa di trú (giúp đồng hương chưa là công dân Mỹ có vấn đề về di trú), tòa án gia đình (những vụ ly dị, tranh chấp tài sản, tranh chấp quyền nuôi con, trợ cấp nuôi con), tòa kháng án (Ủy Ban Kháng Án Bảo Hiểm Thất Nghiệp Cali) xin tiền trợ cấp thất nghiệp.

Dù sống tại San Diego, nhưng chị cũng đã ghi danh khóa thứ hai (kéo dài 16 tháng, kết thúc vào năm 2012) chương trình huấn luyện Thông Dịch tiếng Việt Tòa Án do Phòng Giáo Dục Mở Rộng thuộc đại học Cal State Fullerton mở ra tại Quận Cam và hiện chị đang tiếp tục ôn luyện cùng vài người bạn cùng khóa để thi lấy bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án.

Ba phương pháp thông dịch nói

Từ kinh nghiệm đã có trong thông dịch bên y tế và thông dịch tại tòa án gia đình, tòa di trú, tòa kháng án, chị Kiều giới thiệu, “Có ba phương pháp thông dịch nói: dịch đồng thời (simultaneous), dịch đuổi (consecutive), và dịch đọc và nói (sight translation). Thông dịch trong môi trường y tế thường không cần dịch đồng thời (simultaneous), và phần đông không cần thâu âm, nhưng vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ. Còn dịch trong tòa án đa số tòa án đòi hỏi thông dịch viên (TDV) phải dịch đồng thời (simultaneous), vì dịch đồng thời tiết kiệm thời gian do lời thông dịch xảy ra cùng lúc với lời nói khi thẩm phán đối thoại với luật sư, hai luật sư đối chứng với nhau, hay khi thẩm phán giải thích thủ tục hay ra lời tuyên án.
“Còn khi lấy lời khai, trong lúc thẩm phán hỏi câu hỏi, TDV phải lắng nghe và ghi chép xuống tất cả những gì thẩm phán nói (Đòi hỏi TDV phải có trí nhớ tốt và khả năng ghi tốc ký nhanh, tránh thiếu xót bất kỳ thông tin gì). Khi Thẩm phán tạm dừng hoặc kết thúc, TDV sẽ dịch một phần hoặc toàn bộ lời nói ấy qua tiếng Việt. TDV chờ người cần được dịch trả lời xong tiếng Việt thì dịch lại bằng tiếng Anh. Khi dịch tiếng Anh thì phải nói lớn cho cả phòng nghe. Khi dịch tiếng Việt thì chỉ cần nói lớn đủ cho người cần được dịch nghe mà thôi.

“Đôi khi, TDV dùng phương pháp dịch đọc và nói (vừa đọc vừa dịch, thay vì nghe và dịch) bằng cách dịch nói từ một tài liệu trước mắt. Dịch đọc và nói kết hợp dịch miệng và dịch (như là) dịch viết. TDV phải dịch ngôn ngữ nguồn (thí dụ tiếng Anh), như thể nó được viết bằng ngôn ngữ mục tiêu (thí dụ tiếng Việt). Dịch đọc và nói thường được dùng nhiều, nhưng chỉ trong phương diện pháp lý và y tế mà thôi.
“Thí dụ: Dịch đọc và nói một bản báo cáo của Tòa cho nguyên cáo hay người thỉnh cầu từ tiếng Anh qua tiếng Việt. Bổn phận của TDV là phải dịch mỗi chữ, không được thiếu, và không được bỏ qua đoạn nào hết. Rất thông thường là bản báo cáo có những tin tức mà nguyên cáo hay người thỉnh cầu không đồng ý.

“Ngoài ra trong tòa, TDV còn dịch thì thầm (chuchotage, chữ tiếng Pháp), TDV ngồi hoặc đứng bên cạnh một nhóm người không đông lắm để dịch thì thầm và dịch đồng thời qua ngôn ngữ mục tiêu. Phương pháp này không cần máy móc (mi-crô hay máy nghe tai). Tuy nhiên nếu muốn, có thể dùng mi-crô và máy nghe tai. Dịch thì thầm được dùng trong trường hợp bên nói ngôn ngữ nguồn (thí dụ tiếng Anh) là một đa số và bên kia là một thiểu số (tốt nhất là không quá ba người) và không nói được ngôn ngữ nguồn. Có mi-crô và máy nghe tai rất lợi ích nhất là trong trường hợp quá nhiều lời qua lại nhanh chóng và nhất là người cần được dịch hiểu chút ngôn ngữ nguồn và có thói quen lắng nghe cả tiếng Anh và tiếng phiên dịch. Trong trường hợp này, rất dễ bị phân tâm và mất mát chi tiết. Nếu không có mi-crô và máy nghe tai thì TDV nên nhắc người cần được dịch chỉ nghe TDV mà thôi và đừng nghe ai khác cả.”
Chị Kiều cho biết, “Tòa kháng án như Ủy Ban Kháng Án Bảo Hiểm Thất Nghiệp Cali đòi hỏi ba phương pháp thông dịch, và đây là phiên tòa được ghi âm. Trước hết, TDV dịch đọc và nói hồ sơ cho người kháng án hay đại diện cho hãng (nếu họ đã xin tòa dùng TDV). Sau đó, trong phiên tòa, TDV dịch đồng thời cho hai bên lời thẩm phán hành chánh giải thích về thủ tục của phiên tòa. TDV dịch thầm thì khi chỉ một bên cần được dịch. TDV dịch qua tiếng Anh to lên cho mọi người nghe. Khi Thẩm Phán lấy lời khai của hai bên, thì TDV dịch đuổi, trừ phi câu hỏi hay câu trả lời quá dài thì TDV sẽ dịch đồng thời.”
Chị Kiều nhận xét,“Nếu ai bảo rằng tôi biết giỏi hai thứ tiếng nên tôi có thể làm thông dịch được, thì không đúng, vì dù mình biết giỏi hai thứ tiếng, nhưng mình không biết những từ ngữ đặc biệt của chuyên ngành thì rất khó thông dịch bên lãnh vực y tế, thông dịch trong tòa án.”

Thông dịch cho học khu Thống Nhất San Diego

Kể về công việc thông dịch cho Học Khu Thống Nhất San Diego, chị Kiều nói công việc thông dịch của chị tại học khu chủ yếu là dịch văn bản, dịch những thư từ của học khu gửi về cho phụ huynh học sinh, hoặc những học bổng, hay các dự án. “Khi hiệu trưởng hay giáo viên của trường nào đó trong học khu muốn gặp phụ huynh để bàn về việc học vấn của con em họ thì học khu sẽ gửi tôi đến trường đó để thông dịch, khi đó tôi sẽ dịch song song nếu buổi họp có đông người và/hay dịch đuổi, hoặc trong các buổi lễ ra trường hay các buổi họp giữa trường và cộng đồng, những phần phát biểu trên sân khấu, tôi sẽ dịch đồng thời để những phụ huynh nào cần nghe phần thông dịch sẽ đeo máy nghe vào để nghe phần thông dịch do tôi đảm nhận.

Chị Kiều kể thêm, “Tôi là nhân viên thứ hai gốc Việt, người vào trước tôi là chị Lan, làm đã 10 năm rồi. Nghĩa là phải sau 10 năm, Học Khu mới có tiền để mướn thêm người thứ hai là tôi. Tôi làm việc cùng chị Lan rất hợp ý, mỗi khi dịch văn bản, chúng tôi luôn cùng bàn bạc với nhau và cân nhắc kỹ khi chọn từ ngữ, có cả chữ Việt mới và chữ Việt cũ. “Chữ Việt dùng hiện thời trong nước và chữ Việt của thời VNCH đang dùng trong cộng đồng, từ xưa nay vẫn luôn là vấn đề lớn đối với ngành thông dịch tiếng Việt hiện nay tại hải ngoại.

“Ngôn ngữ luôn thay đổi, thành ra người thông dịch không phải dịch cho mình mà dịch cho người ta, nên phải dịch sao cho người ta hiểu, nếu bản thân mình có ý niệm là người đó dùng ngôn từ sau 1975, thì cũng chỉ nên giữ ý niệm đó riêng cho mình thôi. Khi dịch chúng tôi phải nghĩ rằng dịch cho phụ huynh, có khi trình độ phụ huynh đó không cao, thành ra phải cân nhắc kỹ cách chọn từ ngữ để dịch, nếu dùng những từ cao siêu quá, nhiều phụ huynh sẽ không hiểu được. Theo tôi, dịch văn bản là cả một nghệ thuật, nhiều khi chỉ có một từ mà mình phải tìm chữ sao cho thích hợp để dịch nên mất rất nhiều thời gian.”

Giới thiệu thêm về phiên dịch văn bản, là công việc mà hiện nay chị Kiều còn nhận phiên dịch thêm các tài liệu từ các công ty thông dịch, chị Kiều cho biết, “Khi dịch văn bản mình không phải bị áp lực về thời gian, bị căng thẳng hay phải phản ứng nhanh như dịch nói. Nhưng nhu cầu về độ chính xác và trôi chảy của bản dịch viết thường thì cao hơn. Người dịch văn bản không những phải hiểu thấu văn bản gốc, mà còn có khả năng diễn đạt lại cho người khác hiểu bằng ngôn ngữ dịch.

“Người phiên dịch phải có khả năng khai thác tài liệu dịch một cách phong phú, đa dạng, không chỉ đúng và đủ nghĩa mà còn phải thể hiện sự uyển chuyển trong từng câu chữ nhằm tạo sức thu hút với người đọc. Nếu không cẩn thận khi dịch văn bản, có thể người dịch sẽ chỉ chú ý nghĩa bề mặt (dịch từng câu riêng lẻ), mà bỏ quên mất nghĩa chiều sâu (không xét đến văn cảnh của văn bản). Thường dịch văn bản thì 10 người sẽ có 10 cách dịch khác nhau. Ngay như bản thân tôi hôm nay tôi dịch văn bản này, vài hôm sau xem lại, tôi thấy bản dịch của mình vẫn cần phải sửa lại cho hay hơn.”

Theo chị Kiều một bản dịch thành công phải hội đủ những yêu cầu: là một bản dịch dễ hiểu, gãy gọn và lưu loát, phải truyền tải càng nhiều càng tốt ý nghĩa của văn bản gốc, phải truyền đạt mức độ nào đó sự tinh tế của văn bản gốc.

Nhận xét về phần dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh bằng máy, chị Kiều chia sẻ, “Khi bạn nhấn nút dịch trong điện thư Google thì bài tiếng Việt sẽ được dịch lập tức qua tiếng Anh. Tuy nhiên, phần đông bản dịch không được chính xác. Lý do dịch sai vì Google dịch từng chữ một thay vì dịch theo ý nghĩa của bài. Khi Google không dịch được thì Google giữ chữ nguồn. Thêm vào đó Google dịch không đúng văn phạm.”
Chị Kiều nêu ví dụ trong bài viết về ý nghĩa của “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, xin được trích lại: Đoạn về chữ “Nhân,” “Thời nào cũng vậy, chữ nhân luôn đặt lên hàng đầu, là quan trọng hơn cả, nó đã là bao quát, là đạo làm người.” Khi đưa phần này dịch từ Google, đoạn trên được dịch “Human.” “Time too, the owner is always top priority, more important, it was the cover, is a human.”

Phần dịch này không đúng, đã được chị Kiều dịch lại: “Humaneness,” “No matter what time period we are in, humaneness is the most important of the five virtues. It encompasses all the qualities and attributes of a human being.

Hoặc với “Nghĩa,” “Muốn thực hành chữ nghĩa, thì phải noi theo câu: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn”. Phần dịch của Google là “Definitions,” “Want to practice words, they must follow the sentence: "Ky any institution things then u mercy". Được chị Kiều dịch lại “Righteousness,” “In practicing righteousness, one needs to follow the ancient teachings (in old Vietnamese) “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn."
Hay với “Lễ,” “Xem qua cách hành xử, ứng xử cùng với những nghi thức, lễ nghi đúng thủ tục, hợp lòng người trong cuộc sống đương thời mà qua đó xã hội đánh giá đến sự hiểu biết của một cá nhân, phải đạo với trời đất, hợp đạo với đời.” Google dịch là “Ceremony,” “Look at the behavior, attitudes, along with the rituals, ceremonies due process, the heart of contemporary life through which social assessment to the understanding of an individual, must be directed to the heavens and the earth, director for life.”
Câu dịch trên sai hoàn toàn về văn phạm và từ ngữ. Được chị Kiều dịch lại: “Courtesy/Rituals,” “One is judged by society on how he behaves and acts in adhering to certain rituals and if he treats others courteously. This would show that he is knowledgeable and that he is good to the earth and his God, and he lives life properly.”

Khi nêu ví dụ này ra, chị Kiều cho biết, “Tôi không chỉ trích cách thông dịch của Google. Đây chỉ là một thí dụ để giải thích sự khác biệt giữa thông dịch bằng máy vi tính và người dịch. Là một thông dịch viên chuyên môn, tôi cần phải dịch nói và dịch văn bản một cách chính xác. Dịch sai rất nguy hiểm và có thể tổn thương thân chủ, bệnh nhân, hay nguyên đơn.”

Về nghề thông dịch, chị Kiều tâm sự, “Không nên làm nghề thông dịch nếu mục đích là muốn làm giàu. Có nhiều người muốn làm nghề này vì họ nghe nói là thông dịch (nếu có bằng Hữu Thệ) ở ngoài tòa pháp lý sẽ được trả nhiều tiền. Nhưng thực tế thì khó khăn lắm, muốn thi lấy bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án không dễ dàng, nhiều người phải thi nhiều lần mới đậu. Theo tôi biết thì chỉ có khoảng năm phần trăm thông dịch viên gốc Việt thi đậu bằng Hữu Thệ thôi. Hoặc nếu không có bằng Hữu Thệ, người thông dịch phải làm một thời gian lâu, phải thông dịch giỏi, có nhiều kinh nghiệm, và quen biết nhiều thì mới được các công ty thông dịch mướn. Như tôi trong thời gian làm toàn thời gian cho tòa di trú, được xem là một trong những thông dịch viên có nhiều khả năng nhất của công ty nhưng tiền lương kiếm được cũng chỉ vừa đủ sống thôi.”

Đối với chị, “Để trở thành một người thông dịch, phiên dịch giỏi, không chỉ cần phải có tài năng mà thôi mà còn phải không ngừng trau dồi kỹ năng và kiến thức cho bản thân. Nhưng quan trọng nhất là khi bước vào nghề này thì người đó phải rất yêu nghề và có tâm muốn giúp đỡ đồng hương gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ.”

(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT