Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 5)

Sunday, 30/10/2016 - 08:21:31

“Hoặc đối phương có thông dịch viên mà mình cảm thấy thông dịch viên của đối phương dịch không đúng, mình có thể gọi thông dịch viên của mình để hai bên tranh luận những từ ngữ, đối chứng lại, vì có nhiều vụ án, từ ngữ sử dụng khi thông dịch rất quan trọng.”

Bài BĂNG HUYỀN

Luật sư (Derrick) Nguyễn Hoàng Dũng hiện làm việc tại Quận Cam, từng là Ủy Viên trong Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Về Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, về vấn đề thương mại (nhiệm kỳ 3 năm) thời Tổng Thống George W. Bush, đã chuyển các thông tin cần biết về cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đến với chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời cung cấp nhiều thông tin về chính sách của chính phủ Hoa Kỳ nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho việc kinh doanh của cộng đồng người Việt. Nhiều đồng hương còn quen thấy anh trong vai trò MC cho những hội nghị thương mại, các chương trình văn hóa, nghệ thuật, v.v..

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng (Hình cung cấp)



Anh cũng từng nhận lời dạy hệ thống luật pháp (cung cấp cho các học viên kiến thức về hệ thống lập pháp Hoa Kỳ, về luật liên bang, tiểu bang) khóa 2 (cũng là khóa cuối) của khóa học Thông Dịch Tòa Án do trường đại học CSU Fullerton mở ra cho cộng đồng gốc Việt (khóa học kéo dài 18 tháng, học vào các tối cuối tuần, kết thúc vào năm 2012).

Nhu cầu thông dịch viên tiếng Việt

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, “Thống kê dân số tại Hoa Kỳ năm 2010 cho biết có khoảng 2 triệu người Việt trên nước Mỹ, theo tôi thống kê không chính xác lắm, vì có rất nhiều người Việt không có giấy tờ, nên không khai báo là người gốc Việt, hoặc nếu có giấy tờ đầy đủ, nhưng vì vấn đề gì đó cũng không khai báo gì hết. Do vậy tôi cho rằng số người Việt tại Mỹ có thể lên đến 3 triệu người không chừng, và trong số đó có nhiều người không nói hay viết rành rẽ tiếng Anh trong nhiều lãnh vực khác nhau qua các sinh hoạt đa dạng của đời sống hàng ngày, họ rất cần sự trợ giúp thông dịch.
“Dịp này đang là thời gian bầu cử, chúng ta cũng thấy có những văn bản dịch sang tiếng Việt để hướng dẫn cho cử tri biết luật nào, ứng cử viên ra làm sao, lời tuyên bố, lời phát biểu của họ như thế nào để cử tri người Việt không rành Anh ngữ có thể lựa chọn đúng đắn hơn khi bầu lá phiếu của mình. Ngay cả trong đời sống hằng ngày như đi gặp bác sĩ. Những người sống trong Quận Cam, nhất là vùng Little Saigon, thì việc phải gặp bác sĩ, luật sư, kế toán… là người gốc Việt nói tiếng Việt, thì những ai không rành tiếng Anh không gặp phải khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ. Nhưng với những ai sống tại tiểu bang ít người Việt, lại không rành tiếng Anh, thì rất cần thông dịch trợ giúp. Hay chẳng may vướng đến luật pháp rồi phải ra tòa, họ cũng cần phải có thông dịch để dịch cho mình. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh là nhu cầu thông dịch viên và biên dịch viên tiếng Việt rất cao, và nếu gặp phải thông dịch không đúng, thì rất nguy hiểm.”

Thông dịch viên hữu thệ

Còn về thông dịch viên hữu thệ, luật sư Dũng nói, “Theo như tôi biết thì số thông dịch viên hữu thệ gốc Việt ở tòa án tại California không nhiều lắm. Vài năm gần đây mới có thêm số thông dịch viên gốc Việt được cấp bằng hành nghề hữu thệ làm cho tòa án, chứ còn ngày xưa thì rất ít thông dịch viên hữu thệ gốc Việt. Vì muốn làm thông dịch viên hữu thệ của California phải qua nhiều cuộc sát hạch, vừa viết, đọc, nghe không dễ, nhất là phải nghe và dịch những từ chuyên môn.

“Nhiều người sẽ cho rằng mình là người Việt phải nghe những từ chuyên môn tiếng Mỹ rất khó, nhưng chính những người Mỹ sinh đẻ tại Mỹ khi nghe những từ chuyên môn bằng tiếng Mỹ cũng còn không hiểu hết. Hay như người Việt, nhiều khi nghe những từ chuyên môn của tiếng Việt cũng đâu có hiểu hết nghĩa, chẳng hạn những từ cổ, từ gốc Hán Việt, phương ngữ địa phương, thì huống hồ gì phải nghe và hiểu để dịch lại những từ chuyên môn trong tiếng Mỹ. Hoặc có những khái niệm thật trừu tượng của tiếng Mỹ không hoàn toàn có trong tiếng Việt, không có từ tương đương, thì rất khó để thông dịch lại cho đúng.”

Luật sư Dũng kể, “Mặc dù có rất nhiều các anh chị em gốc Việt có đủ trình độ thông dịch, nhưng bài thi để lấy bằng thông dịch viên hữu thệ quá khó, nên có vài anh chị em đi đường vòng, nghĩa là nếu thi tại California khó đậu, thì tìm tiểu bang California có liên kết với tiểu bang nào khác. Ví dụ nếu thông dịch viên thi đậu tại Florida có thể làm việc tại California.

“Sau khi rộ lên việc một loạt thông dịch viên tại California qua Florida thi bằng hữu thệ, bây giờ thì Florida cũng xiết chặt lại, tiểu bang Florida ra quy định muốn thi lấy bằng hữu thệ tại Florida thì người đó phải là cư dân của Florida ít nhất vài ba tháng, chứ không thể là cư dân nơi khác sang ghi danh thi.”
Nói về khóa huấn luyện thông dịch viên hữu thệ do Đại Học Cal State Fullerton mở, luật sư Nguyễn Hoàng Dũng giới thiệu, “Học viên ghi danh theo học khóa học này, trường không cấp bằng cho thông dịch viên vào làm trong tòa, mà chỉ cấp tín chỉ thôi. Nhưng tín chỉ cũng không quan trọng, vì nếu không có bằng hữu thệ thì dù có tín chỉ của trường Cal State Fullerton thì thông dịch viên đó cũng không được vào làm trong tòa.

“Điều quan trọng của khóa học này là hướng dẫn những khả năng cho học viên để đi thi lấy bằng hữu thệ. Vì có nhiều người giỏi nhưng phải qua sự huấn luyện, trau dồi thì mới biết cuộc sát hạch đó hỏi những gì để chuẩn bị. Nếu mình có chuẩn bị ôn luyện trước khi thi, thì vẫn tốt hơn là không chuẩn bị. Khóa học này huấn luyện cho học viên rất nhiều cách, dịch đuổi và dịch đồng thời.”

Dịch đuổi (consecutive interpretation) là khi thông dịch viên dịch ngay sau khi người nói nói xong, có thể là dịch một chiều (chỉ có một người/ một bên nói- bên còn lại chỉ nghe) hoặc đa chiều (người nói nói- sau đó người nghe nói lại), và trong quá trình trình dịch, người dịch có thể tạm dừng người nói lại để hỏi cho rõ về nội dung người nói đã nói để dịch cho chính xác.

Dịch đồng thời (simultaneous interpretation) là thông dịch viên dịch trong khi người nói nói, tức là quá trình người nói nói và người dịch dịch diễn ra song song và gần như cùng tốc độ.

Anh cho biết thêm, “Khóa học còn dạy các từ ngữ chuyên môn bên luật pháp, y tế, tiếng lóng của tội phạm, vân vân. Cá nhân tôi chỉ dạy về hệ thống luật pháp của Mỹ, tôi dạy bằng tiếng Anh là chính, đôi khi có chen bằng tiếng Việt. Tôi dạy trong khoảng ba tháng, học mỗi tuần một tối (3 tiếng), vào ngày cuối tuần.”

Vai trò của thông dịch viên hữu thệ trong tòa án tại California

Theo luật sư Dũng, tại California tòa kháng án là không có nhân chứng ra xét xử, mà chỉ xét xử theo hồ sơ mà tòa ở dưới xét xử. Trên tòa kháng án thì không cần thông dịch.

Nhưng tòa xét xử thì phải có thông dịch, vì có nhiều nhân chứng, hay người trong sự kiện đó không nói được tiếng Anh thì sẽ có thông dịch. Bên tòa hình sự, nếu là người bị truy nã, bị kết án, trong thời gian xét xử, bắt buột phải có thông dịch viên hữu thệ do tòa cung cấp.

Còn bên tòa dân sự, khi người nào thưa kiện hoặc bị kiện, người đó có quyền có thông dịch viên, nhưng họ phải tự trả tiền cho thông dịch viên. Bên tòa dân sự vẫn cần có thông dịch viên có bằng hữu thệ. Tuy nhiên đó phải là vụ kiện dân sự giới hạn có số tiền kiện tụng trên $25,000, hoặc không giới hạn có số tiền dưới $25,000.

Trong trường hợp vì lý do gì đó mà không có thông dịch viên hữu thệ, thì thẩm phán của tòa sẽ hỏi người nhận dịch giúp, hỏi vài câu để xem người đó có khả năng dịch không, đặc cách làm thông dịch cho vụ đó. Hoặc thông dịch viên đó nếu được luật sư của hai bên đồng ý thì vẫn được thông dịch, dù không có bằng hữu thệ. Nhưng nếu có sự phản đối của luật sư một bên thì vẫn không được.

Còn với Small Claims Court (Tòa Tiểu Tụng) có số tiền kiện dưới $10,000 thì không cần có thông dịch viên có bằng hữu thệ, người đó có thể thuê thông dịch viên không có bằng hữu thệ từ những công ty thông dịch hoặc nhờ bạn bè đi thông dịch giúp cho mình cũng được.

Thông dịch viên hai bên cùng kiểm tra khả năng thông dịch của nhau

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng nói dù anh rất rành tiếng Việt, có thể rành hơn cả thông dịch viên đến thông dịch cho anh, vì anh đã “sống” với hồ sơ mà anh phụ trách hằng bao tháng, hay cả năm trời, những tình tiết trong hồ sơ anh đều rành rẽ. Nhưng anh chỉ là luật sư, nên anh không được quyền tự thông dịch cho thân chủ mình. Vì tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong tòa án, các hồ sơ đều lưu lại bằng tiếng Anh, khi đối chất với thân chủ, bắt buộc anh vẫn phải nói tiếng Anh để người thông dịch dịch lại cho thân chủ nghe. Hoặc khi chất vấn bên đối phương là người Việt, anh cũng phải nói tiếng Anh, để thông dịch viên dịch lại.
“Nếu trong vấn đề thưa kiện có điều gì đó là trọng tâm vấn đề, tôi có quyền thuê thông dịch viên để kiểm tra thông dịch viên của đối phương có dịch đúng hay không. Có thể lúc tôi nghe thông dịch viên đối phương dịch sai, tôi không được quyền nói thông dịch viên đó nói sai, mà tôi chỉ có quyền hỏi để thông dịch của tôi thông dịch lại và thông dịch câu trả lời của thông dịch bên đối phương. Bên cạnh phần dịch nói, còn có cả dịch viết của tài liệu kiện tụng, có những người text điện thoại hoặc email không bỏ dấu, hay viết luôn tuồn không có chấm, phẩy, khi tài liệu đó làm bằng chứng, thì lúc dịch, phải có thông dịch 2 bên, để xem trong hoàn cảnh nào, cái nào hợp tình hợp lý hơn, đó còn là cái khó nữa với thông dịch viên.

“Hoặc đối phương có thông dịch viên mà mình cảm thấy thông dịch viên của đối phương dịch không đúng, mình có thể gọi thông dịch viên của mình để hai bên tranh luận những từ ngữ, đối chứng lại, vì có nhiều vụ án, từ ngữ sử dụng khi thông dịch rất quan trọng.”

Luật sư kể, “Có một lần, tôi đại diện cho một cụ ông xin li dị cụ bà, cụ bà không vui. Những người bạn của cả hai có viết thư khuyên cụ ông không nên li dị cụ bà, cụ ông có viết thư lại cho người bạn, ghi đại ý là bà vợ của tôi là một phụ nữ lăng loàn, và có dẫn chứng trong thư thêm đây là người con dâu hỗn với mẹ chồng.

“Cụ bà đã thưa cụ ông ra tòa vì đã xúc phạm cụ bà, bởi cụ bà là người đàng hoàng. Khi thưa ra tòa, thì lá thư đó được dịch sang tiếng Anh, từ lăng loàn được thông dịch bên luật sư của cụ bà dịch là Promiscuous (nghĩa là người đàn bà ngủ với người đàn ông này, người đàn ông khác). Nhưng cụ ông có giải thích là cụ ông không nói cụ bà là người lang chạ, mà là người con dâu hỗn với mẹ chồng.
“Phần lớn 10 trên10 người Việt Nam tôi hỏi đều nói chữ lăng loàn là người đàn bà lang chạ, nhưng thời các cụ, trong từ điển cũng ghi thí dụ từ lăng loàn là Có hành vi hỗn xược xúc phạm người trên, không chịu phục tùng khuôn phép (thường nói về phụ nữ trong quan hệ gia đình). Con dâu lăng loàn với mẹ chồng. Chứ không hề nói về tính cách sinh lý.

“Khi đó tôi có cuốn từ điển xưa, nên trình lên cho quan tòa xem, để chứng minh vào thời các cụ, chữ lăng loàn có nghĩa như vậy.

“Chính cụ ông cũng khẳng định không có ý nói cụ bà ngủ với nhiều người khác, mà chỉ là người hỗn với mẹ chồng. Mà trong thư cụ ông viết cũng có chi tiết đó.

“Cái khó ở đây là ngôn ngữ luôn biến chuyển theo thời gian. Chữ trong từ điển không phải là chữ đúng, chữ sai, mà là chữ thông dụng nhiều người dùng nhất. Người hồi xưa có thể hay dùng những từ như thế này, nhưng đến thời nay không còn dùng nữa.

“Tôi đưa thí dụ này ra, vì tôi muốn nói rằng đôi khi chỉ một chữ cũng đã thay đổi cục diện cho bị cáo thành vô tội hay có tội, cũng chỉ vì một chữ đó thôi.

“Rõ ràng là vai trò của thông dịch viên rất quan trọng, đòi hỏi sự hiểu biết của thông dịch viên cũng phải rất cao, sâu, rộng.”

Luật sư kể thêm một trường hợp khác, “Có lần tôi là người đi hỏi cung đối phương, phải mướn thông dịch viên qua một hãng thông dịch, người ta gửi cô thông dịch viên có bằng hữu thệ đến để thông dịch.
“Nhưng tôi phải bỏ cuộc hỏi cung, do người thông dịch nghe không được vấn đề. Người bị hỏi cung đang nói về Vụ Án, vì người đó nói giọng miền Nam, nên nghe thành Dụ Án.

“Thông dịch viên thì lại nghe là “Dự Án”, thành ra cứ dịch là Project. Luật sư bên đối phương là người Mỹ, nhưng ông ấy cũng thấy việc dịch này có vấn đề, vì tôi đang hỏi về lawsuit (vụ án) mà thông dịch khi dịch sang tiếng Anh lời người đang được tôi hỏi cung cứ dịch là Project (dự án). Vì vậy tôi phải tạm ngưng lại cuộc hỏi cung để tìm thông dịch viên khác.

“Những người cần được thông dịch, không phải ai cũng phát âm rõ ràng, rành mạch, có người phát âm không rõ, bị ngọng nữa, mà thông dịch viên nghe lộn, thì cũng phiền lắm.”

Thông dịch viên chỉ dịch chứ không diễn giải

Về những điều cần có của một thông dịch viên, luật sư Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, “Người thông dịch phải có vốn sống, kinh nghiệm nhiều, ngữ vựng nhiều thì việc thông dịch sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ngoài kỹ năng ngôn ngữ, người thông dịch cần phải hiểu trách nhiệm thông dịch chỉ dịch chứ không diễn giải.”
Luật sư thấy có rất nhiều thông dịch viên làm cho cơ quan thông dịch, dịch cho các hãng bảo hiểm chuyên về tai nạn xe cộ, có những thông dịch viên không qua khóa huấn luyện về thông dịch, không có sự chuẩn bị thành ra dịch hơi kém.

Lỗi mà những thông dịch này vấp phải nhiều lần mà cá nhân anh nhìn thấy là họ không hiểu được lời nói của người mà họ dịch, họ cứ hỏi ngược lại người mà họ dịch. Hỏi tới hỏi lui, tới khi họ hiểu ra, mới dịch sang tiếng Anh.

“Theo tôi cái nhiệm vụ, trách nhiệm rất cao của người thông dịch là phải dịch cả những câu nói sai của người được dịch, cả những câu nói ngớ ngẩn, phải dịch chính xác như vậy. Khi người cần dịch ậm à, ậm ờ, mình cũng phải ậm à, ậm ờ.

“Trách nhiệm của thông dịch viên không cần phải hiểu người cần được thông dịch nói gì, mà nhiều khi luật sư cố tình hỏi ngoắc nghéo xem đối phương có nói thật hay không, thì nhiều khi câu hỏi rất vớ vẩn, chuyện hỏi vớ vẩn hay là câu trả lời vớ vẩn là chuyện của người ta. Người ta nói sao, người thông dịch cứ dịch lại y vậy, đừng có cố tình hỏi lại là cái này không có nghĩa, rồi hỏi lại câu đó có nghĩa như thế nào.”
Luật sư Dũng kết luận, “Người thông dịch không cần phải hiểu và không nên gắng tìm hiểu người kia nói gì, mà cứ dịch lại những gì người kia nói thôi, thì đó mới là đúng trách nhiệm.”
“Đó là điều tiên quyết, ai cũng phải biết. Nếu người nói mà thông dịch viên nghe không được, thì có quyền xin lỗi ông, bà hãy nhắc lại lời nói, tôi không nghe được, xin hãy lập lại.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT