Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 6)

Sunday, 06/11/2016 - 10:21:50

“Anh bạn trai cũ khi đó mới hăm dọa anh bạn là “trả chó lại cho tao, tao sẽ đánh chết cha chết mẹ mày bây giờ.” Rồi nhảy vào đánh anh bạn. Cả hai ẩu đã nhau.

Bài BĂNG HUYỀN

Thông dịch viên Thomas Vũ và lớp học luyện thi bằng hữu thệ (phần 1)

Ông Thomas Vũ là thông dịch viên Việt ngữ hữu thệ toàn thời gian cho tòa Central Justice Center, Santa Ana gần 40 năm, ông vừa mới nghỉ hưu hơn một năm nay, nhưng ông vẫn còn làm thông dịch cho một số tòa án và nhiều công ty thông dịch với tư cách là một freelance, hành nghề tự do. Ông cũng từng được mời dạy khóa 1 là khóa học Thông Dịch Viên hữu thệ Tòa Án (Certified Court Interpreter) đầu tiên dành cho Việt ngữ của Đại Học Cal State Fullerton mở ra.

Thông dịch viên Thomas Vũ và người vợ của mình tại nhà riêng (Hình cung cấp)



Sau đó ông tự đứng ra mở lớp thông dịch tiếng Việt chỉ duy nhất một mình ông dạy, để giúp các học viên luyện thi lấy bằng hữu thệ Tòa Án, lớp học của ông mở ra vẫn đang tiếp tục, và đã có rất nhiều học viên do ông huấn luyện đã thi đậu bằng Thông Dịch Viên hữu thệ Tòa Án hiện đang là thông dịch viên toàn thời gian, bán thời gian của một số tòa án tại Quận Cam hoặc hành nghề độc lập (independent contractor) cho một số công ty thông dịch.

Cách nay khoảng hai năm trên nước Mỹ bắt đầu quy định về bằng Thông Dịch Viên Hữu Thệ Y Tế (Certified Medical Interpretation), những thông dịch viên thi đậu bằng này được quyền thông dịch trong tòa những vụ thưa kiện về y tế, tai nạn lao động, bảo hiểm sức khỏe.

Ông Thomas Vũ tự hào cho biết, “Bên ngôn ngữ tiếng Việt, trên toàn Hoa Kỳ hiện nay chỉ có sáu người gốc Việt có bằng Thông Dịch Hữu Thệ Y Tế, một người ở New Jersey, một người ở Arizona, bốn người ở California mà bốn người đó đều là học trò của tôi.”

Ông Thomas Vũ nói, “Bắt đầu từ tháng 1 năm 2015, thống đốc tiểu bang California, ông Jerry Brown đã ra luật là tất cả thông dịch viên dịch trong tòa án tại tiểu bang California và thông dịch những cuộc hỏi cung, đều phải có bằng thông dịch hữu thệ. Trước khi có luật này, có nhiều người nói láo là có bằng, nhưng vì chưa ra luật, nên đôi khi không bị kiểm tra, nay có luật rồi, vì vậy thông dịch viên nói dối có bằng hữu thệ, khi bị phát hiện không có, sẽ bị đi tù như chơi.

“Đã từng có nhiều người nói xạo là có bằng thông dịch hữu thệ liên bang. Liên bang không có tổ chức thi bằng hữu thệ tòa án, chỉ có từng tiểu bang tổ chức thi thôi. Bằng thông dịch hữu thệ liên bang chỉ có tiếng Tây Ban Nha và vài ngôn ngữ khác, nhưng không có tiếng Việt.”

Thi lấy bằng hữu thệ

Ông Thomas Vũ cho biết cá nhân ông là một trong những thông dịch viên gốc Việt đầu tiên đậu bằng Thông Dịch Viên Hữu Thệ từ thập niên 1980, “Trước đó không có quy định thông dịch viên trong tòa phải có bằng hữu thệ, chỉ cần có khả năng thông dịch thôi, nhưng khi tôi làm thông dịch toàn thời gian ở tòa được 10 năm thì ra luật thông dịch viên trong tòa phải có bằng thông dịch hữu thệ. Vì vậy tôi phải đi thi lấy bằng. Ngày xưa đi thi cũng như bây giờ, gồm hai phần là thi viết, đậu phần thi viết rồi thì mới được thi nói (Oral test). Ngày xưa thi viết khá phức tạp, bắt người dự thi phải dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh, và từ tiếng Anh qua tiếng Việt. Đưa ra những từ tiếng Anh kêu giải nghĩa chính xác của từ đó. Thành ngữ, tục ngữ… tiếng Anh để mình tìm thành ngữ, tục ngữ tương đương tiếng Việt để dịch ra. Đưa ra những từ tiếng lóng, tiếng chửi tục, để dịch từ Anh sang Việt và từ Việt sang Anh. Còn thi viết bây giờ đỡ phức tạp hơn hồi xưa, bây giờ dịch viết chỉ cần người thi giải nghĩa của từ đó từ tiếng Anh sang Anh, chứ không còn dịch từ Anh sang tiếng Việt nữa.

“Còn phần thi nói (Oral test) thì hồi xưa và ngày nay đều giống nhau, đều có ba phần, gồm dịch theo văn bản (sight), dịch nối đuôi (consecutive) và dịch song song (simultaneous). Nhưng hồi tôi đi thi, phần thi nói có giám khảo ngồi nghe trực tiếp phần thi của mình, kèm theo thâu băng để tránh gian lận (vì lúc đó tiểu bang có tiền nhiều). Khi đó có một ông là tiến sĩ ngữ học Việt Nam, còn bên tiếng Anh có hai ông có bằng tiến sĩ về tiếng Mỹ. Sau này thi nói, người dự thi chỉ bật máy lên nghe, rồi trả lời bằng cách ghi âm lại, sau đó nộp phần bài thi ghi âm của mình.”

Theo ông Thomas Vũ, thông dịch viên hữu thệ tòa án đòi hỏi có kỹ năng phải rất cao, thông dịch được nhiều lãnh vực khác nhau, người thông dịch hữu thệ tòa án có toàn việc thông dịch mọi khía cạnh trên toàn Hoa Kỳ, chứ không riêng gì các vụ xử ở trong tòa án không.

“Chữ Certified Court Interpreter khiến người ta nghĩ là khi có bằng này, bắt buột phải vô tòa làm, thật ra không phải như vậy. Cầm cái bằng này là người đó đã chứng minh cho chính phủ biết bản thân người đó đã có sự huấn luyện, thi sát hạch đã đậu, và có khả năng thông dịch. Khi đậu bằng này, thông dịch viên có quyền dịch từ vấn đề hình sự, dân sự, luật phân chia tài sản, DMV, Nha Phát Triển Nhân Dụng (Employment Development Department), cho SSI, về vấn đề y tế, dịch về vấn đề bồi thường lao động, dịch cho luật gia đình, chia tài sản, li dị…kể cả vấn đề về y tế luôn. Có nghĩa là nếu mình thi đậu bằng Medical Certificate Interpretation, mình chỉ có quyền dịch về y tế thôi, chứ không được quyền dịch cái gì khác về y tế, nhưng người nào có bằng Certified Court Interpreter thì có quyền dịch từ tòa liên bang, tòa tiểu bang.”

Ông Thomas Vũ cho biết thêm, “Thông dịch viên phải hiểu được tầm quan trọng của công việc mình đang làm, phải luôn trau dồi nghề nghiệp và cập nhật những thông tin mới. Nếu các vị bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ… đều phải học những khóa ngắn hạn, tham dự các hội thảo… để cập nhật thông tin nghề nghiệp chuyên môn, thì nghề thông dịch cũng y vậy.

“Theo quy định thì những người đã có bằng hành nghề thông dịch hữu thệ tòa án, thông dịch hữu thệ y tế bắt buột mỗi hai năm phải học 30 unit (học trên online, cập nhật chuyên môn nghề nghiệp, ví dụ học về tiếng lóng của tiếng Việt, tiếng lóng của tiếng Anh.) cộng với phải làm tối thiểu 40 công việc thông dịch cho tòa từ bên luật gia đình, về hình sự, những buổi hỏi cung(với người có bằng hữu thệ tòa án) và thông dịch về y tế (cho người có bằng hữu thệ y tế), thông dịch viên đó phải chứng minh mình có đi làm được 40 unit trong vòng 2 năm thì mới được gia hạn lại bằng hành nghề.”

Những tai nạn nghề nghiệp

Ông Thomas Vũ kể rằng bản thân ông trong suốt quá trình làm thông dịch tại tòa án, ông cũng phải học rất nhiều. Vào thập niên cuối 1970, thập niên 1980, khi ông làm thông dịch, cả tòa ở Quận Cam chỉ có hai thông dịch viên gốc Việt, là ông và một người nữa.

“Ngày xưa tội phạm gốc Việt nhiều lắm, vụ trộm cướp hầu như tuần nào cũng có, lừa đảo. Những vụ án lớn nhất của người Việt tại Quận Cam đều do tôi dịch, tôi nhớ từng chi tiết, nhờ vậy mới có thể truyền đạt kinh nghiệm cho các học viên đầy đủ được.”

Ông nói, “Khi dạy các học viên, tôi cho phép học viên có bất kỳ thắc mắc nào đều hỏi, những gì tôi biết thì tôi sẽ trả lời, còn những gì tôi không biết có thể là luật mới cập nhật, thì tôi sẽ tìm hiểu rồi trả lời sau. Tôi luôn thành thật với học viên những gì mình biết và những gì mình không biết, không xạo, không nổ. Tôi luôn bảo đảm với các học viên của tôi một chuyện, đó là không bao giờ giấu nghề với học viên, luôn kể ra những sai lầm trong quá trình thông dịch khi tôi làm trong tòa án, để học viên biết mà tránh. Khi tôi dịch sai trên tòa, tôi xin lỗi quan tòa là tôi đã dịch sai.”

Ông nhắc lại tai nạn nghề nghiệp của mình, “Chẳng hạn chữ giết người, thay vì I kill some one, thì có lần thông dịch, tôi đã phạm sai lầm khi dịch là murder. Trong từ điển tiếng Việt thì murder là sát nhân, nhưng đối với khía cạnh luật pháp của Hoa Kỳ, thì murder là người có ý định, có sự toan tính trước, sự cố tình để giết người. Nó nặng lắm, chứ không phải là giết người vì có lý do chính đáng, ví dụ chồng đi làm về phát hiện vợ ngoại tình, bắn chết vợ và tình nhân. Đây là giết người có lý do chính đáng. Nếu giết người có lý do chính đáng, thì luật pháp Hoa Kỳ sẽ khoan hồng, hình phạt nhẹ hơn.

“Đáng lẽ ra khi nghe câu cung khai của người chồng kể lại nói với vợ là em ơi, anh giết nó rồi, tôi phải dịch là honey, I kill him, lúc đó tôi lại dịch là I murder him. Khi nghe tôi dịch như vậy, người luật sư của bị cáo giận dữ với tôi, vì rõ ràng họ biết tôi đã dịch sai. Lúc đó tôi không biết tại sao bị phản ứng như vậy.

“Sau đó luật sư (người Mỹ) có hỏi tôi có biết chữ murder là gì không, tôi có đưa từ điển ra cho luật sư xem, giải thích chữ murder khi dịch sang tiếng Việt là sát nhân, là giết người, nhưng người luật sư đó phản đối, nói tiếng Việt nghĩa là vậy, nhưng tiếng Mỹ murder là cố tình giết, có sắp đặt trước, và đây là tội nặng nhất trong các tội giết người, bị cáo sẽ nhận hình phạt nặng nhất.

“Hiểu ra vấn đề, tôi có trình lên quan tòa cuốn từ điển và giải thích do từ điển tiếng Việt dịch là vậy, đây là lỗi lầm của tôi. Chính sau vụ dịch sai đó, tôi có dành thời gian ghi danh học luật để nghiên cứu sâu hơn và rất thận trọng khi dịch. Bởi vì có thể chỉ vì dịch chữ không đúng, mình đã làm thay đổi tội trạng của vụ án. Khi dịch, mình không được dùng chữ mà từ chữ đó đặt người ta vào thế cố tình phạm tội, nó kinh khủng lắm. Vì vậy thông dịch viên bắt buột phải có phản xạ nhanh, dịch nhanh, nhưng cũng phải chính xác.”

Ông Thomas Vũ kể thêm, “Tôi luôn nói với các học viên của mình là dù tôi làm thông dịch trong tòa gần 40 năm, nhưng không phải chữ nào tôi cũng biết. Vì không biết thì phải học, không bao giờ kiêu ngạo ta đây cái gì cũng biết. Chẳng hạn tôi là thông dịch suốt vụ án về hai mẹ con của Miss Hà (thầy bói) bị sát hại, có người nói thằng bóng. Tôi qua Mỹ khi còn trẻ, đâu có sống thời Việt cộng, nên nhiều từ của Việt Cộng dùng sau 1975, tôi không biết, rồi họ còn nói từ Ô sin, tôi cũng đâu có biết Ô sin là gì? Khi đó tôi phải báo lại ngay quan tòa là tôi không biết chữ này, phải tham vấn lại.

“Khi quan tòa yêu cầu người đó nói rõ hơn về thằng bóng thì người đó nói là đồng tính luyến ái, thì tôi mới biết là Gay. Ô sin là người ở đợ (Vì nhân vật Ô Sin trong bộ phim truyền hình Nhật bản chiếu tại Việt Nam những năm 1990 khi còn nhỏ phải đi ở đợ, mặc nhiên tại Việt Nam nói Ô Sin là ai cũng hiểu là người ở đợ). Hay như tiếng lóng của Mỹ khi nói AC/DC nghĩa là Bisexual (người lưỡng tính). Hoặc chữ Fish tiếng lóng là mấy thằng cớm (cảnh sát) của du đảng dùng khi nói với nhau. Hoặc từ fish khi tội phạm nói với nhau, nó không có nghĩa con cá mà nó là tiếng lóng ám chỉ là cớm, là cảnh sát.
“Vì dịch cho tội phạm là du đãng nhiều, tôi cũng học được những tiếng lóng của tội phạm và chỉ lại cho các học viên của tôi.”

Dịch còn phải theo văn hóa

Ông Thomas Vũ kể tiếp, “Có cô gái và anh chàng từng cặp bồ với nhau, sau đó chia tay, cô gái có con chó, rất thương con chó này, lần đó cô đi nghỉ dưỡng ở xa hai tuần, cô mang con chó đến gửi anh bạn quen, anh bạn này vốn biết về cô gái và anh người yêu đã từng cặp bồ nhau trước đây. Khi đó anh người yêu cũ của cô gái tìm đến nhà anh bạn, đòi anh bạn phải trả lại chó cho anh ta, anh bạn từ chối, nói chó do cô bạn gái cũ của anh ta gửi chứ đâu phải chó của anh ta, tôi đưa cho anh, rồi mai mốt cô ấy về, gặp tôi đòi lại chó, tôi lấy đâu mà đền.

“Anh bạn trai cũ khi đó mới hăm dọa anh bạn là “trả chó lại cho tao, tao sẽ đánh chết cha chết mẹ mày bây giờ.” Rồi nhảy vào đánh anh bạn. Cả hai ẩu đã nhau.

“Khi cả hai bị bắt, tại phòng tạm giam của sở cảnh sát, những lời khai của nạn nhân và phạm nhân đã được dịch lại qua một nhân viên cảnh sát song ngữ Việt - Anh. Câu hăm dọa của anh bạn trai cũ từ tiếng Việt dịch sang tiếng Anh là return dog to me, I will beat you up and kill your parents (Tao sẽ đánh mày và giết ba mẹ mày!). Anh bạn trai cũ đã bị Văn phòng Viện lý Quận Cam truy tố. Bản cáo trạng bao gồm hai tội danh: tội hành hung và mưu sát. Gia đình anh bạn trai cũ mướn luật sư, luật sư của anh ta có tìm gặp tôi và nêu vấn đề đó ra để nhờ tôi xem lại phần dịch. Khi xem kỹ lại thì tôi thấy rằng đây không phải là sự hăm dọa giết người, mà đó chỉ là câu nói cửa miệng của anh ta (và cũng của nhiều người Việt) trong những vụ ẩu đả. Nhờ vậy, anh ta thoát được tội mưu sát. Vì vậy, ở trước tòa, người thông dịch cần phải dịch sao cho đúng không chỉ từ ngữ mà cả văn hóa Việt, ngữ cảnh câu chuyện. Nếu dịch không đúng, người bị kiện có thể bị tòa xử phạt nặng hơn.”

Ông Thomas Vũ nói ông rất yêu nghề thông dịch, với ông, “việc mình làm phản ảnh phần nào lý tưởng của mình. Nếu trường hợp mình có hoài bão, làm nghề này không chỉ có mưu sinh tốt, công việc này rất cao quý, có cơ hội giúp người, giúp đời, là cầu nối giữa hai ngôn ngữ.

“Cứ tưởng tượng một người không rành ngôn ngữ bản địa qua một quốc gia khác mà không có người giúp đỡ về ngôn ngữ, sẽ khốn khổ như thế nào. Theo tôi, đạo đức nghề nghiệp quan trọng của một thông dịch viên hữu thệ tòa án là phải làm trò vai trò của mình, mình không bênh chính phủ, cảnh sát, không bênh ai hết, mà phải trung lập. Đừng bao giờ nghĩ khi thi đậu bằng thông dịch viên hữu thệ rồi là mình tài giỏi hơn người, mà phải học mỗi ngày, chấp nhận những gì mình không biết để học hỏi, chấp nhận học những gì mình không biết, phải luôn thẳng thắn với chính mình. Mình phải trung thực, và nhiệt tình với công việc. Mỗi lần đi thông dịch, hãy luôn coi ngày hôm nay là ngày cuối đời của mình, phải hết sức cố gắng để không có sự hối hận, đó là tâm niệm của tôi khi làm thông dịch.
“Tôi không thể bảo đảm là không bao giờ mình không bị lầm lỡ, nhưng tôi luôn cố gắng tránh lầm lỡ. Và khi lầm lỡ thì phải biết sửa sai.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT