Phóng Sự

Thông dịch viên Việt ngữ tại Hoa Kỳ (kỳ 7)

Sunday, 13/11/2016 - 11:59:08

Ông Thomas Vũ cho biết sau khi nghỉ dạy ở Cal State Fullerton, ông không nghĩ là sẽ mở trường dạy, nhưng có một số học viên của khóa học đã đề nghị ông hãy mở lớp dạy riêng ở bên ngoài để họ theo học. 
“Tôi có nói, nếu tôi mở khóa dạy, thì lại không có cấp chứng chỉ cho học viên như họ học trong trường đại học. Những học viên này có nói với tôi là họ chỉ muốn học để thi đậu lấy bằng, chứ không muốn học để lấy chứng chỉ mà khi thi lại bị rớt. Vì có chứng chỉ của trường cũng không thể vào làm tại tòa án mà cần phải có bằng Hữu Thệ.

Bài BĂNG HUYỀN


           Ông Thomas Vũ chụp lưu niệm với các học viên nữ của lớp học luyện thi Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án do                                                                   ông dạy. (Hình cung cấp)

Thông dịch viên Thomas Vũ và lớp học luyện thi bằng hữu thệ tòa án
(Tiếp theo)

Ông Thomas Vũ với kinh nghiệm làm thông dịch viên tại các tòa án tiểu bang, liên bang và Bộ Tư Pháp California gần 40 năm và thông dịch hầu hết những vụ xử lớn của cộng đồng người Việt tại Quận Cam nói riêng và California nói chung, nên ông đã được các học viên muốn thi lấy bằng Hữu Thệ Tòa Án đề nghị ông hãy mở khóa luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án (Certified Court Interpreter) giúp họ các kỹ năng để dễ dàng thi đậu.

Khóa học luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án đã được ông Thomas Vũ mở ra kể từ năm 2010, sau mỗi khóa luyện thi kết thúc (kéo dài khoảng một năm, học vào hai ngày cuối tuần, thứ Bảy, Chủ Nhật), khóa học mới lại tiếp tục được mở ra và đến nay khóa học do ông Thomas Vũ trực tiếp giảng dạy vẫn đang tiếp tục.

Nhắc lại nguyên do tự đứng ra mở khóa luyện thi Thông Dịch Viên Tòa Án, ông Thomas Vũ kể, “Vào năm 2009, trường đại học Học Cal State Fullerton quyết định mở ra khóa học Thông Dịch Viên tại Tòa Án cho ngôn ngữ tiếng Việt, ban đầu ban đào tạo của trường mời tôi vào hội đồng cố vấn của ngành học Thông dịch viên tiếng Việt tòa án, khi đó tôi nhận lời. Vì theo hiểu biết của tôi thì trước đó chưa bao giờ có ngành học thông dịch viên tòa án hữu thệ ở đại học nào trên đất Hoa Kỳ này mở ra cho tiếng Việt hết. Theo tôi biết thì chỉ có ở đại học UCLA khoảng trước năm 2009 vài ba năm có mở lớp Thông Dịch Viên Hưu Thệ Tòa Án cho tiếng Hoa, tiếng Đại Hàn thôi. Sau đó họ lại mời tôi dạy khóa học này.Tôi đã từ chối, vì thấy nếu nhận lời mình phải chịu trách nhiệm rất nặng, mình phải đủ tự tin để đào tạo cho các học viên thành công.

“Nhưng sau đó họ nói quá, nên tôi đồng ý dạy khóa học đầu tiên (niên học 2009-2010). Đến khi vào dạy thì tôi thấy giáo trình họ đưa ra, tôi rất thất vọng. Vì thấy rằng nếu muốn đào tạo thông dịch viên giỏi, phải có người dạy nhiều kinh nghiệm, có kiến thức, từng làm nghề này rồi. Trong khi lúc đó, chương trình dạy này có tổng cộng bốn người dạy, nhưng chỉ có mình tôi là có bằng Thông Dịch Viên Hữu Thệ, còn những người dạy khác thì không có bằng, giáo trình dạy thì lại là giáo trình căn cứ theo thông dịch viên tiếng Tây Ban Nha, giáo trình đó không thực tế chỉ là lý thuyết thôi, nên tôi đã tự dạy theo kinh nghiệm của mình, chứ không theo giáo trình nhà trường cung cấp nữa. Tôi thấy khóa dạy này học viên sẽ không cách chi đậu nổi nếu vẫn tiếp tục dạy như thế. Vì vậy dạy gần một năm, tôi quyết định từ chức. Vì khi dạy, tôi muốn chương trình phải thành công, tôi không nghĩ chương trình dạy tại Cal State Fullerton sẽ thành công.”

Ông Thomas Vũ cho biết sau khi nghỉ dạy ở Cal State Fullerton, ông không nghĩ là sẽ mở trường dạy, nhưng có một số học viên của khóa học đã đề nghị ông hãy mở lớp dạy riêng ở bên ngoài để họ theo học.
“Tôi có nói, nếu tôi mở khóa dạy, thì lại không có cấp chứng chỉ cho học viên như họ học trong trường đại học. Những học viên này có nói với tôi là họ chỉ muốn học để thi đậu lấy bằng, chứ không muốn học để lấy chứng chỉ mà khi thi lại bị rớt. Vì có chứng chỉ của trường cũng không thể vào làm tại tòa án mà cần phải có bằng Hữu Thệ.

“Khi đó tôi mở lớp học, khóa đầu tiên của tôi khi đó có một số học viên nghỉ tại Cal State Fullerton có luật sư Huỳnh Tuấn Kiệt (từng học luật ở trường đại học UCLA), cô Anh Đào là dược sĩ, có bằng tiến sĩ về Dược, cả hai người này đều đã có bằng Thông Dịch Hữu Thệ và đã làm cho tòa án. Vụ xử Minh Béo vừa qua cả hai đều là thông dịch viên cho Minh Béo. Ngoài hai học viên này, tôi còn nhiều học viên đã có một chuyên môn khác, nhưng quyết định ghi danh học lớp thông dịch do tôi mở riêng bên ngoài.”

 Ông Thomas Vũ chụp lưu niệm với các học viên nam của lớp học luyện thi Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án do ông dạy. (Hình cung cấp)


Muốn thi đậu

Ông Thomas Vũ nói ông chưa bao giờ bảo đảm học viên ghi danh học lớp luyện thi của ông dạy sẽ đều thi đậu hết. “Không ai dám bảo đảm nếu học viên đó không tự học, siêng năng ôn luyện, thực hành các kỹ năng cho chính mình, nếu không có những điều trên thì không thể nào đậu được. Chỉ có người nào nghiêm túc với nghề nghiệp thông dịch, thì mới thành công, chứ không phải cứ đóng tiền vào học lớp của tôi là sẽ đậu. Nhưng tôi luôn đảm bảo các học viên là tôi không bao giờ giấu nghề, kinh nghiệm gần 40 năm làm thông dịch của tôi sẽ truyền dạy hết cho học viên. 

“Tiền học phí của lớp do tôi dạy chỉ bằng 1 phần 5 so với những lớp thông dịch của các ngôn ngữ khác, nhưng học viên chỉ cần đóng tiền một lần nhưng vẫn tiếp tục học đến khi nào thi đậu rồi thôi. Nghĩa là dù khóa học đó đã kết thúc, học viên muốn quay lại học khóa tiếp theo vẫn được, mà chẳng cần phải đóng thêm tiền.”
Ông Thomas Vũ nói khóa đầu khi ông mới mở, kéo dài 18 tháng (học thứ Bảy và Chủ Nhật, mỗi ngày học 3 tiếng), nhưng sau này kinh nghiệm ông chỉ lọc lựa những gì nên dạy, những gì không cần dạy, để học viên tập trung phần trọng tâm, thành ra khóa học chỉ kéo dài một năm đến một năm rưỡi. Lớp học từ 9 giờ sáng đến 12 giờ (thứ Bảy và Chủ Nhật) học về Legal, từ 1 giờ đến 4 giờ học về medical. Ông Thomas Vũ cho rằng những ai muốn đi thi lấy bằng Thông Dịch Hữu Thệ Tòa Án nếu tự ôn luyện tại nhà để đi thi hầu như chưa ai đậu hết, mà cần phải đi học.

“Qúy vị hãy hỏi những người đậu bằng Thông Dịch Hữu Thệ các ngôn ngữ khác trên toàn nước Mỹ, chưa có ai đậu mà không có sự huấn luyện, họ cần phải có người huấn luyện, còn tự học thì sẽ không biết học cái gì, vì mênh mông quá. Có nhiều người có bằng cấp rất cao, có người có bằng tiến sĩ, bằng cao học, có bằng luật sư, nhưng tự học, đi thi vẫn bị rớt. Hoặc có một số học viên theo học lớp của tôi cho biết trước khi ghi danh học lớp tôi dạy, mấy người này đã học y tá, hoặc Chiropractor rồi, có kiến thức y khoa rồi, nhưng khi tự học và đi thi lấy bằng Hữu Thệ về Y tế họ thi vẫn rớt như thường. Vì đề thi chỉ có 40 phần trăm về thuật ngữ y khoa thôi, còn 60 phần trăm là kỹ năng nghe, thông dịch. Khi học lớp tôi dạy, tôi cho các học viên lên thực tập thông dịch để luyện kỹ năng của họ. Còn học chương trình này, được hướng dẫn trọng tâm ôn luyện đê đi thi.”

Bí quyết thi đậu

Theo ông Thomas Vũ sở dĩ bản thân ông đi thi một lần là đậu ngay, vì trước khi đi thi ông đã làm thông dịch trong tòa 10 năm trời, thông dịch mỗi ngày, kinh nghiệm có nhiều, còn những ai chỉ giỏi tiếng Anh, tiếng Việt, chưa có kinh nghiệm dịch trong tòa như ông từng có, tự nộp đơn đi thi, khó đậu lắm.

Về nội dung của lớp luyện thi, ông giới thiệu, “Tôi thực hiện phần ghi chú từ trí nhớ, từ bài báo đang diễn tiến bên ngoài, trên tivi đang diễn tiến… để học viên thực tập, học như vậy nó thực tế hơn là chỉ thuần túy sách vở mà không áp dụng được. Học viên học trong lớp của tôi được cung cấp các tài liệu, cácbài tập. Tôi huấn luyện cho học viên những bước thông dịch trong tòa, thông dịch những vụ án về giết người, băng đảng, tiếng chửi tục, tiếng lóng, thành ngữ… Trước khi đi thi, sẽ cho học viên thự tập thông dịch những vụ tranh luận, phần chót của vụ xử án.”

Thông dịch viên Thomas Vũ (Hình cung cấp)
 

Ông nói ở ngoài đời, từ ngữ mang nghĩa khác, còn trong tòa thì nó có nghĩa khác.  “Ví dụ, information thường dùng trong đời thường, nghĩa là thông tin, nhưng trong tòa nó có nghĩa là bản cáo trạng, để cho biết tội của bị can như thế nào. Hay defend rest, có người không biết dịch là bên biện hộ nghỉ xả hơi, nhưng nghĩa trong tòa phải dịch là phiên biện hộ của chúng tôi đã trình bày xong. Có cả hàng ngàn chữ ở ngoài đời nghĩa khác, vào trong tòa nghĩa khác. Khi dịch, mình phải nắm vững, phải dịch cho chuẩn, đây là điều rất quan trọng. Nếu không đi học, thì dù bằng học cao, thông minh, vẫn thi rớt như thường. Chỉ có từ kinh nghiệm của người làm việc nhiều năm trong tòa rồi, mới biết để mà hướng dẫn thôi, còn không thì mênh mông lắm, không thể nào biết được.”
Theo ông Thomas Vũ, với ông dịch song song (simultaneous interpreting) là dễ nhất, nhưng với nhiều người chưa có kinh nghiệm, khi đi thi rất hay rớt phần dịch này, vì vậy trong lớp học ông truyền kinh nghiệm cho học viên. “Kỹ thuật của tôi khi dịch song song là đợi 2 giây, rồi bật ra dịch theo lời người đang nói, nếu đợi 3 giây là quá trễ rồi. Dịch song song không cần phải suy nghĩ, người ta nói, mình dịch sát theo vậy. Trong lúc dịch song song, nếu mình nghe chi tiết gì đó mà không rõ, ví dụ bảng số xe chẳng hạn, thì bỏ qua phần đó, vẫn dịch tiếp phần tiếp theo, chứ đừng ngưng lại, sẽ bị rớt hết phần còn lại. Thà bị trừ điểm khi mình bị sót vẫn hơn là không có điểm nào phần dịch song song.”

Đối với ông, “Điều mà tôi rất mừng khi mở ra lớp học này, là mình trồng những hạt giống, mình không biết những hạt giống đó có nở ra hay không có đẹp không. Bây giờ nhìn xung quanh thấy hầu hết các thông dịch viên hữu thệ gốc Việt đều là học trò của mình, tôi vui lắm. Mỗi lần nghe học viên của mình thi đậu, tôi hạnh phúc vô cùng. Mặc dù tôi là một trong những người đậu đầu tiên của California có bằng Thông Dịch Hữu Thệ, nhưng những thông dịch viên làm cùng thời với tôi, đa số đều đã cao tuổi rồi, ai rồi cũng phải ra đi thôi. Tôi có thể làm thông dịch 50- 60 năm, nhưng đó chẳng có ý nghĩa bằng việc là mình có làm gì được cho cộng đồng mình hay không. Mình có đào tạo được thế hệ trẻ tiếp nối công việc của mình hay không, đó mới là niềm an ủi nhất của tôi.”

Điều quan trọng mà ông mong các học viên của mình trước khi ghi danh học, hãy suy nghĩ kỹ có quyết tâm theo đuổi nghề này không, thì hãy ghi danh. Sau khi ghi danh theo học học viên phải học đến nơi đến chốn, học để hiểu cho ra vấn đề, chứ đừng nghĩ là học tủ chỉ để đi thi. Phải tập luyện để đi thi, khi thi đậu, vẫn phải theo dõi để cập nhật để nâng cao trình độ thông dịch của mình càng ngày càng tốt hơn.

Ông Thomas Vũ khẳng định, “Những ai muốn học nghề này, thực sự phải thích nghề này, nếu nói chọn học nghề này để ra đi làm kiếm tiền nhiều thì không nên. Dù đúng là có tiền nhiều thiệt. Nhưng người đó phải có khả năng, phải có quyết tâm, ý chí rất cứng, phải học đến nơi đến chốn, phải có sự huấn luyện của người có kinh nghiệm, phải có sự rèn luyện rất vững chãi.

“Một số người đã đậu bằng hữu thệ rồi, vào tòa làm, vẫn không chịu nổi. Vì áp lực công việc, dù mình mới vào nghề, mình vẫn nhận tiền công bằng người làm lâu năm (người lâu năm chỉ hơn người mới vào làm tiền lương một chút thôi) nhưng họ đòi hỏi mình rất cao, khi họ quan sát mình dịch quờ quạng, khiến người cần được thông dịch không hiểu, hoặc bị khiếu nại hai, ba lần là tòa sẽ sa thải mình ngay.”

Thi đậu được để có bằng là một chuyện, nhưng khi làm việc thực tế thì khó khăn hơn nhiều. Ông nói thêm, “Dịch trong tòa án là khó nhất, mà dịch trong tòa có nhiều đẳng cấp khác nhau, nếu dịch cho lưu thông, thì rất dễ dàng. Nhưng khi vào những vụ xử lớn, luật sư hai bên tranh luận với nhau, không cần biết có thông dịch viên hay không, họ nói liên tục, mình phải dịch song song cho bị cáo hoặc nhân chứng nghe.

“Dịch những vụ xử trong tòa, mình phải dịch liên tục, không bớt, không thêm gì hết, khó lắm. Trước khi xử, có phiên tòa motion để xin thỉnh nguyện này, thỉnh nguyện kia, luật sư sẽ mang những luật lệ ra, theo tôi đó là buổi dịch khó nhất, dịch ở phiên tòa này còn khó hơn dịch ở phiên tòa jail, phiên tòa motion xong rồi mới tới phiên tòa jail. Nghề này rất thú vị, nhưng chỉ dành cho người nghiêm túc với nghề, nếu không sẵn sàng trau dồi hằng ngày, sẽ không thành công đâu.”

(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT