Thế Giới

Thông điệp lâu đời nhất đựng trong chai thủy tinh

Tuesday, 06/03/2018 - 11:03:58

Ông bà Illman đã đưa tờ giấy đến bảo tàng hàng hải Tây Úc, và nơi này cũng xác nhận niên đại của thông điệp. “Đây là sự kiện thú vị nhất trong đời tôi,” bà Tonya nói.

ÚC – Lá thư trong chai thủy tinh lâu đời nhất thế giới đã được phát hiện tại một bãi biển của Úc, khoảng 132 năm sau khi chai thủy tinh được ném từ một con tàu xuống biển. Ông bà Kym và Tonya Illman, sống tại Perth, Úc, tìm thấy cái chai vào tháng Một, gần đảo Wedge, cách Perth khoảng 100 dặm. “Nó có vẻ là một cái chai kiểu cổ, do đó, tôi nhặt lên và nghĩ rằng tôi có thể trưng bày nó trên tủ sách ở nhà,” bà Tonya kể.
Khi đem cái chai về nhà và mở ra, bà Tonya nhìn thấy một cuộc giấy nhỏ, cột bằng một sợi chỉ. Chữ viết trên giấy là tiếng Đức. Ông bà Illman đã phơi khô tờ giấy, và mất 1 tuần để xác định ngày tháng ghi trên giấy là ngày 12 tháng 6, 1886. Sau khi nghiên cứu thêm, ông Kym phát hiện tờ giấy đến từ một con tàu của Đức có tên Paula. Tờ giấy là một bản điền thông tin, thuộc một chương trình nghiên cứu hải lưu của chính phủ Đức.
Ông bà Illman đã đưa tờ giấy đến bảo tàng hàng hải Tây Úc, và nơi này cũng xác nhận niên đại của thông điệp. “Đây là sự kiện thú vị nhất trong đời tôi,” bà Tonya nói. “Thật không thể tin được khi nghĩ rằng vật này đã trải qua 132 năm và vẫn còn hoàn hảo.” Được biết, vào năm 1886, cơ quan Nghiên cứu hàng hải Đức đã ném hàng ngàn chai thủy tinh xuống biển, chứa các thông điệp nhờ người nhặt được ghi lại địa điểm họ tìm thấy cái chai, và gởi ngược về cơ quan Đức, nhằm quan sát các dòng hải lưu. Kỷ lục thế giới trước đây thuộc về lá thư trong chai cách đây 108 năm.

Syria: Vận tải cơ quân sự Nga rơi, 39 người chết
SYRIA - Một vận tải cơ quân sự Nga đã rơi trong lúc hạ cánh xuống căn cứ Hmeimim, Syria, khiến 33 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. "Chiếc vận tải cơ An-26 rơi khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống căn cứ Không quân Hmeimim,” Bộ Quốc Phòng Nga thông báo hôm thứ Ba. “Toàn bộ những người trên phi cơ đều thiệt mạng.” Phi cơ chở 39 người, gồm 33 hành khách và phi hành đoàn 6 người, tất cả đều là quân nhân. Theo Bộ Quốc Phòng Nga, chiếc An-26 gặp nạn dường như do trục trặc kỹ thuật và không bị tấn công. Phi cơ rơi xuống khu vực cách phi đạo 500 mét, không bốc cháy.
Tổng Thống Vladimir Putin đã được Bộ Quốc Phòng thông báo về tai nạn. Ông cũng đã gởi lời chia buồn tới những người thiệt mạng. An-26 là vận tải cơ quân sự có khả năng chở 38 người, chưa tính phi hành đoàn, và khoảng 5,500 ký hàng hóa. Đây không phải tai nạn đầu tiên liên quan đến An-26 tại Syria. Tháng 1, 2015, một chiếc An-26 của quân đội chính phủ Syria cũng rơi trong lúc hạ cánh xuống phi trường Abu al-Duhur, tỉnh Idlib.

Đô Đốc Hoa Kỳ: Trung Quốc thiếu minh bạch
VIỆT NAM - Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba, từ hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, Phó Đô Đốc Phillip Sawyer, chỉ huy hạm đội 7 châu Á, liên tục nói rằng các kế hoạch ngân sách của Trung Quốc rất thiếu minh bạch. Bình luận này được đưa ra vào 1 ngày sau khi Bắc Kinh cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 8.1% so với năm ngoái. Ông Sawyer nói, việc thiếu minh bạch chắc chắn sẽ gây tức giận, đồng thời có thể sẽ làm ảnh hưởng an ninh, ổn định, và dòng chảy thương mại tự do. Các nhà phân tích tại các nước châu Á, bao gồm Nhật Bản, tỏ ra lo ngại sau khi quốc hội Trung Quốc công bố ngân sách thường niên. Trong khi đó, truyền thông Hoa lục lại bênh vực quyết định của chính phủ, cho rằng ngân sách quốc phòng $175 tỷ Mỹ kim cho năm 2018 vẫn còn khá thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Phó Đô Đốc Sawyer nói, Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực để bảo đảm với các đồng minh và đối tác rằng, Washington ủng hộ các luật lệ và quy ước quốc tế.” Đồng thời, Đề Đốc John Fuller, chỉ huy hạm đội chiến đấu tháp tùng USS Carl Vinson, cho biết hàng không mẫu hạm này sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch trong khu vực, theo đúng luật pháp quốc tế. Tàu USS Carl Vinson -  hàng không mẫu hạm hạt nhân lớp Nimits - đang có chuyến thăm tại Đà Nẵng, Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến Việt Nam, một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cập cảng tại đất nước Cộng Sản Đông Nam Á này. Một số chiến hạm Hoa Kỳ nhỏ hơn cũng đã từng ghé thăm Việt Nam trong những năm gần đây.

Chiến hạm 16 nước sắp tập trận chung tại Ấn Độ
NEW DELHI - Các chiến hạm từ 16 nước đã đến vùng biển quanh quần đảo Andaman và Nicobar vào hôm thứ Ba, nhằm chuẩn bị tham gia cuộc tập trận lớn diễn ra 2 năm một lần, được chủ trì bởi Hải quân Ấn Độ. Cuộc tập trận tên Milan, nghĩa là “Đi cùng nhau” trong tiếng Hindi, diễn ra giữa lúc New Delhi đang ngày càng lo ngại về sự xuất hiện thường xuyên của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Các viên chức cho biết, cuộc tập trận là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp cận của Ấn Độ đến Đông Nam Á, theo chính sách Act East Policy.
Cuộc tập trận Milan diễn ra lần đầu tiên năm 1995, khi đó chỉ có 4 nước tham gia, gồm Singapore, Indonesia, Sri Lanka, và Thái Lan. Phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ, đại úy D.K. Sharma, cho biết, cuộc tập trận là “đợt tụ họp của các lực lượng hải quân có chung tư tưởng, và các nước sẽ hợp tác với nhau trong hoạt động an ninh hàng hải, gia tăng sự liên kết giữa các nước vùng vịnh Bengal và Đông Nam Á.”
Ấn Độ hiện đang cố gắng cải thiện năng lực hải quân và tăng cường tuần tra biên giới biển. Vào năm 2016, nước này đã tổ chức sự kiện International Fleet Review, với sự tham gia của 50 nước. Cuộc tập trận Milan là sự kiện quan trọng để Ấn Độ chứng tỏ rằng, nước này cũng là một thế lực hàng hải lớn trong khu vực. Đợt diễn tập sẽ kéo dài trong 3 ngày, bắt đầu từ Chủ Nhật này. Trước đó, hải quân các nước sẽ tham gia một số chương trình tại thủ phủ Port Blair của quần đảo Andaman và Nicobar, bao gồm các cuộc diễn hành, duyệt binh, và biểu diễn máy bay.

NATO không muốn Chiến Tranh Lạnh mới
JORDAN - Sau khi Tổng Thống Nga Vladimir Putin công bố một số vũ khí hạt nhân mới của nước này, Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba cho biết, phương Tây đã có cách đối phó với các thách thức của Nga, nhưng không muốn để xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang nữa. Vào thứ Năm trước, ông Putin giới thiệu một loạt các vũ khí hạt nhân mới trong bài diễn văn tình hình quốc gia, nói rằng các vũ khí này hiện đã sẵn sàng hoặc đã được điều động, có khả năng bắn trúng gần như mọi địa điểm trên thế giới, và không thể đánh chặn.
Đáp lại, ông Stoltenberg, trong chuyến thăm thủ đô Amman của Jordan, nói rằng các thành viên NATO có đủ năng lực và giải pháp để đáp trả Nga. Ông Stoltenberg đồng thời cũng kêu gọi Nga tôn trọng Hiệp ước vũ khí hạt nhân INF - mà Hoa Kỳ cáo buộc ông Putin đã vi phạm với bài diễn văn tuần trước. Tổng thư ký NATO nói, tổ chức này sẽ không bắt chước theo các hành động của Nga, vì không muốn xảy ra thêm một cuộc Chiến Tranh Lạnh hay chạy đua vũ trang mới.
Ông Stoltenberg cũng thêm rằng, NATO muốn có một quan hệ tốt đẹp hơn với Nga và sẵn sàng đối thoại. Ngoài ra, đại diện NATO cũng bày tỏ lo ngại về tình hình tại Syria, cuộc chiến ở Afrin, và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Đông Ghouta. Về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin nhắm vào lực lượng người Kurd, ông Stoltenberg nói, ông hy vọng chính quyền Ankara sẽ giải quyết các mối lo ngại an ninh của họ bằng một cách phù hợp hơn.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT