Bình Luận

Thống trị Đông Á

Wednesday, 24/02/2016 - 10:13:48

Vương Nghị còn nói là tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đem lại quyền lợi cho cả đôi bên nhiều hơn là hiềm khích, do đó tương quan đó chỉ mỗi ngày một cải thiện.

bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Chiều thứ Ba 2/23, trong khi thuyết trình trước Thượng Viện về tình hình quân sự, đô đốc Harry Harris, Jr., tư lệnh Quân Khu Thái Bình Dương nói, "Tôi tin là Trung Quốc đang tìm cách thống trị vùng Đông Á."
Ông nói như vậy khi thành viên Quốc Hội hỏi ông về mục tiêu chiến lược của Trung Cộng trong nỗ lực chiếm giữ, xây dựng, và võ trang 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Harris dùng những chữ "chu kỳ leo thang" (escalatory cycle) để mô tả việc Trung Cộng đưa hoả tiễn phòng không, radar tầm xa, khu trục, trực thăng đến phi trường Phú Lâm, họ xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa.

Ông nói, "Chúng ta cần bẻ gẫy chu kỳ nguy hiểm này. Những thứ vũ khí đó không giúp duy trì một hải lộ an toàn xuyên Biển Đông."

Quan điểm của vị tư lệnh những hải lực hùng mạnh nhất thế giới, đòi "bẻ gẫy" chu kỳ leo thang võ trang Biển Đông của Trung Cộng nghe như một đe doạ tuyên chiến. Trong lúc phổ biến những lời tuyên bố của ông, nhiều cơ quan truyền thông tiên đoán Trung Cộng sẽ phản đối mãnh liệt.

                                 Mục tiêu chiến lược của Trung Cộng là thống trị Đông Á.

Thật ra lập trường của Trung Cộng vẫn thường xuyên chống đối việc Hoa Kỳ quan tâm đến những công tác họ làm trên Biển Đông; hôm thứ Hai 2/22, trong lúc trả lời câu hỏi của phóng viên xem ngoại trưởng Vương Nghị đến Hoa Thịnh Đốn gặp ngoại trưởng John Kerry có thảo luận về vấn đề Trung Cộng đặt hoả tiễn tại Hoàng Sa hay không, phát ngôn viên ngoại giao Trung Cộng -cô Hoa Xuân Oánh ( Hua Chunying )- đã nói thẳng là, "Biển Đông không phải -và cũng không nên trở thành- một vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; Hoa Kỳ nên chấm dứt khuấy động tình hình Biển Đông."

Cô Hoa Xuân Oánh ví von nói những việc Trung Cộng đang làm tại Hoàng Sa cũng chỉ là những việc Hoa Kỳ đã làm tại Hawaii. Câu nói chuyên chở ẩn ý khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Cộng -như Hawaii là một tiểu bang của Hoa Kỳ.


Hai chữ "khuấy động" (tình hình Biển Đông) trong câu nói của cô Oánh ám chỉ việc tổng thống Hoa Kỳ Obama mời 10 vị nguyên thủ ASEAN đến Sunnylands (California) hôm 15 tháng Hai 2016 để thảo luận về việc Trung Cộng võ trang Hoàng Sa bằng nhiều hoả tiễn phòng không.

Ông nói với những nhà lãnh đạo Đông Nam Á, "Cuộc họp lần này nói lên những cam kết của riêng tôi, cũng như những cam kết của Hoa Kỳ về vai trò hùng mạnh và lâu dài của Hoa Kỳ -như một thành viên của Á Châu-Thái Bình Dương."

Hội nghị Sunnylands là phản ứng của Hoa Kỳ về việc Trung Cộng võ trang Hoàng Sa, Obama kêu gọi 10 lãnh tụ của tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á đưa vấn đề ra trước toà án quốc tế, như Phi Luật Tân đã làm; và việc ngoại trưởng Vương Nghị vội vã đến Hoa Thịnh Đốn gặp ngoại trưởng John Kerry lại là phản ứng của Trung Cộng đối với Sunnylands. Ngoại trưởng Trung Cộng tìm cách hạ nhiệt trên Biển Đông.
Vương Nghị đem Bắc Hàn ra làm con chốt thí: ông nói Trung Cộng đồng ý với Hoa Kỳ về việc trừng phạt Bắc Hàn. Hai cường quốc Hoa và Mỹ soạn thảo bản văn đệ trình Liên Hiệp Quốc về những biện pháp trừng phạt.

Vương Nghị tuyên bố, "chúng tôi đã đạt được nhiều thoả thuận về văn bản trừng phạt Bắc Hàn, văn bản này sẽ được chấp thuận nhanh chóng."

Và John Kerry tuyên bố, "những ngày chót của cuộc thảo luận đã có nhiều kết quả tốt, tốt hơn những gì đã được thoả thuận trước đây. Ngoại trưởng Vương Nghị và tôi tin là mọi việc sẽ được tiến hành nhanh chóng."

Vương Nghị nói rõ thêm là, "Chúng tôi đã thoả thuận về việc giải giới vũ khí nguyên tử trên toàn thể 2 miền Bắc và Nam Triều Tiên, và thay đổi bản Hiệp Ước Đình Chiến năm 1953 bằng một bản hoà ước giữa Bắc và Nam Triều Tiên."

Về Biển Đông, Vương Nghị tuyên bố, "Chúng tôi (2 ngoại trưởng Hoa, Mỹ) cam kết sẽ giải quyết mọi bất đồng bằng cách thảo luận hoà bình. Biển Hoa Nam (Biển Đông) không phải, và không bao giờ nên trở thành một vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ và tôi thoả thuận với nhau là chúng tôi sẽ tiếp tục hội ý về Biển Đông, để ngăn ngừa mọi lầm lẫn."

Trả lời câu hỏi của phóng viên truyền thông về những dàn radar và hoả tiễn Trung Cộng đã đặt tại Hoàng Sa, Vương Nghị nói, "Như chúng tôi đã cam kết, chúng tôi sẽ giải giới và mong là mọi bên cũng tự giải giới."

Vương Nghị còn nói là tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đem lại quyền lợi cho cả đôi bên nhiều hơn là hiềm khích, do đó tương quan đó chỉ mỗi ngày một cải thiện.

Nhiều quan sát viên bất ngờ về thái độ "đầy thiện chí" của Vương Nghị trên cả 2 vấn đề Biển Đông và Bắc Hàn; có thể cuộc điều trần của Đô Đốc Harris chuyên chở một giải pháp không được tiết lộ chăng?
Kerry chỉ nói, "Hoa Kỳ tin tưởng là mọi việc nên được giải quyết trên bình diện ngoại giao, và Hoa Kỳ sẽ mời mọi quốc gia cùng ngồi vào bàn thương nghị về Biển Đông."

Những dữ kiện được phổ biến không đủ để giải thích việc Trung Cộng nhanh chóng nhượng bộ trên cả 2 điểm nóng Bắc Hàn và Biển Đông; không ai tin là Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ sẽ tấn công dàn hoả tiễn Trung Cộng đặt trên quần đảo Hoàng Sa, mặc dù Đô Đốc Harris có đòi bẻ gẫy "chu kỳ leo thang" võ trang của Trung Cộng.

Thái độ "ngoan ngoãn" của Vương Nghị phải là hậu quả của một đe doạ lớn hơn, đủ khiếp đảm để Trung Cộng mất hết nghị lực đối phó với Hoa Kỳ tại cả Biển Đông lẫn Bắc Hàn -và đó chỉ có thể là nhược điểm kinh tế xuất cảng của họ.

Kerry chỉ cần nói với Vương Nghị là Hoa Kỳ và Âu Châu không mua sản phẩm của Trung Cộng nữa, là Trung Cộng sẵn sàng trả mọi giá để làm bạn với Hoa Kỳ; họ đã chứng kiến Iran và Nga bị trừng phạt kinh tế.

Trước Trung Cộng, Nhật cũng đã nuôi giấc mộng bá chủ Á Đông; kẻ nuôi mộng (Nhật) cũng như kẻ đập vỡ giấc mộng này (Mỹ) đều phải trả giá rất đắt để Đông Á trở lại cuộc sống thanh bình trên ven biển Thái Bình.

Cái giá vô cùng đắt đó là 5 năm chiến tranh và hàng triệu người bị giết.
Franklin Roosevelt và Harry Truman được lịch sử ca tụng là những vị tổng thống thắng trận vì họ đập vỡ giấc mộng Á Đông của Nhật; Obama cũng vừa thắng trận, vừa đập vỡ giấc mộng bá chủ Á Đông của Tầu, nhưng đang bị chỉ trích là vị tổng tư lệnh lụt nhất trong các tổng tư lệnh Mỹ trên chiến trường ngoại biên.

Ông bị chê, chỉ vì máu không đổ, súng không nổ.

Nguyễn đạt Thịnh

Kính thưa quý vị độc giả,
Nếu quý vị đánh giá bài báo này là "đọc được", tác giả trân trọng mời quý vị đọc thêm 73 bài nữa được tuyển chọn và in trên 540 trang giấy vàng lợt, khổ 6x9, trình bầy trang nhã, đầy đủ hình ảnh, sách đóng chỉ, bìa cứng, giá $30. Độc giả ngoài Hoa Kỳ xin giúp thêm $10 cước phí (trong tổng số trên $22)
Mua sách xin quý vị gửi chi phiếu về địa chỉ:
Nguyễn đạt Thịnh
515 Crestwater Ct.
Houston, TX 77082

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT